Nấm da đầu gây rụng tóc – Cách điều trị và ngăn ngừa tái phát
Nấm da đầu gây rụng tóc xảy ra khi vi nấm phá hủy nang tóc, khiến chân tóc suy yếu và gãy rụng. Để cải thiện tình trạng này, cần sử dụng thuốc kháng nấm kết hợp với các loại thuốc kích thích tóc mọc và chăm sóc đúng cách. Trong trường hợp chủ quan, nang tóc có thể bị phá hủy hoàn toàn gây rụng tóc trên diện rộng và tăng nguy cơ hói đầu.
Vì sao nấm da đầu gây rụng tóc?
Nấm da đầu không chỉ khiến da đỏ, sưng viêm, ngứa và đau mà còn gây rụng tóc kéo dài. Khi mắc bệnh, nấm dermatophytes có xu hướng tấn công vào da đầu khiến lớp thượng bì bị đỏ, bong tróc và ngứa. Bên cạnh đó, vi nấm còn có thể gây hư tổn nang tóc, khiến chân tóc suy yếu, dẫn đến tình trạng tóc gãy và rụng nhiều bất thường.
Ngoài ra, rụng tóc do nấm da đầu cũng có thể xảy ra do thói quen gãi, cào lên các mảng da tổn thương. Tác động từ thói quen này khiến da bị xây xát, chảy máu, nang tóc suy yếu và tóc rụng nhiều.
Tình trạng rụng tóc kéo dài có thể làm giảm số lượng tóc và tăng nguy cơ hói đầu. Vì vậy bạn cần nhận biết tình trạng này trong thời gian sớm nhất để kịp thời khắc phục và xử lý.
Dấu hiệu nhận biết rụng tóc do nấm da đầu
Rụng tóc do nấm da đầu không chỉ làm tăng số lượng tóc rụng mà còn đi kèm với một số triệu chứng khác như:
- Vùng da đầu bị đỏ và sưng viêm
- Trên tổn thương da thường có các mụn nước nhỏ hoặc các mụn nhọt chứa mủ màu trắng hoặc vàng
- Khi mụn nước vỡ khiến da xuất hiện vảy trắng hoặc vàng, thường bong ra như gàu
- Da đầu ngứa ngáy dữ dội – đặc biệt là khi trời nóng và ẩm
- Tuyến dầu hoạt động quá mức khiến tóc luôn trong tình trạng nhiều dầu, bết và nhờn rít
- Một số trường hợp gãi, cào nhiều có thể gây chảy máu da đầu và nhiễm trùng
Cách điều trị nấm da đầu gây rụng tóc
Rụng tóc do nấm da đầu có thể gây rụng tóc từng mảng và tăng nguy cơ hói đầu, ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Vì vậy sau khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định một số loại thuốc điều trị và viên uống hỗ trợ.
1. Sử dụng thuốc chống nấm
Nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng rụng tóc là do sự xâm nhập của vi nấm dermatophytes hoặc vi nấm Candida. Do đó để giảm số lượng tóc rụng, bảo vệ da đầu và nang tóc, bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc kháng nấm nhằm ức chế và kìm hãm vi nấm gây bệnh.
- Thuốc bôi/ dầu gội kháng nấm: Các loại thuốc bôi và dầu gội chứa hoạt chất kháng nấm (Fluconazole, Miconazole, Clotrimazol và Ketoconazol) có thể ức chế số lượng vi nấm, giảm tổn thương da, cải thiện ngứa và hạn chế tình trạng tóc rụng.
- Thuốc uống kháng nấm: Trong trường hợp nấm da đầu xảy ra trên phạm vi rộng hoặc có mức độ nặng nề, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng nấm đường uống như Terbinafine và Griseofulvin. So với thuốc kháng nấm dạng bôi, thuốc đường uống có hiệu lực mạnh nhưng dễ gây ra các tác dụng phụ. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định.
2. Dùng thuốc kích thích mọc tóc
Với những trường hợp tóc rụng nhiều, bác sĩ có thể chỉ định với một số loại thuốc kích thích mọc tóc như:
- Minoxidil: Minoxidil là thuốc thường được chỉ định trong điều trị rụng tóc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thuốc có tác dụng giãn mạch nhằm làm tăng lưu lượng máu đến nang tóc, giúp cải thiện độ chắc khỏe của chân tóc và kích thích tóc mọc. Tuy nhiên khi sử dụng loại thuốc này, bạn có thể bị kích ứng hoặc bỏng da nhẹ.
- Viên uống bổ sung: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số viên uống bổ sung chứa Biotin, Omega 3, kẽm, vitamin C,… nhằm cải thiện chất lượng nang tóc, giảm số lượng tóc rụng và kích thích tóc mọc trở lại.
3. Tận dụng thảo dược tự nhiên
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể hỗ trợ ức chế vi nấm gây bệnh, cân bằng độ ẩm ở da đầu và kích thích tóc mọc với một số thảo dược tự nhiên như:
Mặt nạ trứng gà, chanh và bia
Trứng gà và bia chứa hàm lượng khoáng chất, vitamin và protein dồi dào, có tác dụng nuôi dưỡng nang tóc, cải thiện tình trạng xơ yếu và gãy rụng. Ngoài ra công thức này còn bổ sung chanh tươi. Chanh chứa acid citric, có tác dụng loại bỏ dầu thừa, vảy chết và cân bằng hoạt động của tuyến bã nhờn.
Vì vậy kết hợp trứng, bia và chanh có thể hỗ trợ làm giảm tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy và thúc đẩy tóc mọc nhanh chóng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 quả trứng gà, ½ quả chanh và ½ lon bia
- Nên mở lon bia cho bớt cồn (khoảng 30 – 60 phút)
- Sau đó trộn đều trứng gà, bia và chanh
- Làm ướt tóc và thoa hỗn dịch lên tóc
- Ủ trong khoảng 15 phút và rửa lại với nước sạch
- Sau đó gội đầu lại như bình thường
- Thực hiện công thức này 2 – 4 lần/ tuần
Sử dụng gel nha đam và dầu ô liu
Với những trường hợp nấm da đầu gây viêm, lở loét và có nhiều vết xước, áp dụng công thức từ chanh, trứng gà và bia có thể gây xót da. Trong trường hợp này, bạn có thể kết hợp dầu ô liu và nha đam.
Nha đam chứa nhiều nước, khoáng chất và các hợp chất thực vật, có khả năng làm dịu da, cân bằng dầu thừa và giảm sưng viêm. Trong khi đó, dầu ô liu giúp loại bỏ gàu, nuôi dưỡng nang tóc và duy trì mái tóc mềm mượt.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 lá nha đam tươi và 2 thìa dầu ô liu
- Rửa sạch nha đam, gọt bỏ vỏ rồi ngâm rửa cho hết nhớt
- Cạo lớp gel nha đam trộn đều với dầu ô liu
- Làm ướt tóc rồi thoa hỗn dịch lên da đầu
- Ủ trong 20 phút rồi rửa lại với nước sạch
- Sau đó gội đầu lại như bình thường
Mặt nạ tóc từ quả bơ và mật ong
Bơ là loại quả cung cấp nhiều năng lượng và thành phần dinh dưỡng. Ngoài ra loại quả này còn chứa hàm lượng Omega 3 dồi dào, giúp cân bằng độ ẩm cho da đầu, cải thiện nang tóc và ngăn ngừa tình trạng gãy rụng.
Kết hợp bơ và mật ong có thể giảm nhẹ tổn thương do nấm da đầu, đồng thời phục hồi các nang tóc hư tổn và giảm số lượng tóc rụng đáng kể.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 quả bơ và 2 thìa mật ong nguyên chất
- Nạo lấy phần thịt của quả bơ rồi trộn đều với mật ong (có thể dùng máy xay để hỗn hợp nhuyễn và mịn)
- Làm ướt tóc và thoa hỗn hợp lên da đầu và phần đuôi tóc
- Ủ trong khoảng 15 phút và rửa lại với nước sạch
- Thực hiện 2 – 3 lần/ tuần
Biện pháp chăm sóc nấm da đầu gây rụng tóc
Ngoài các biện pháp điều trị, bạn cũng có thể làm giảm số lượng tóc rụng và cải thiện triệu chứng nấm da đầu với các cách chăm sóc như:
- Cần vệ sinh da đầu thường xuyên và đảm bảo vùng da này được thông thoáng. Da đầu không được làm sạch có thể tích tụ tế bào chết, dầu thừa và mồ hôi, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển mạnh và tăng tốc độ thoái hóa nang tóc.
- Nên bổ sung các thực phẩm tốt cho da và tóc như nước, rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu Omega, kẽm, vitamin H,…
- Tránh gãi lên da đầu, thay vào đó có thể dùng thuốc chống ngứa theo hướng dẫn của bác sĩ. Thường xuyên cào, gãi có thể làm tổn thương da trở nên nghiêm trọng và khiến số lượng tóc gãy rụng tăng lên đáng kể.
- Nên thả tóc hoặc cột tóc lỏng để tránh lực kéo lên nang tóc, đồng thời cần tránh đội mũ trong thời gian dài.
- Nấm da đầu có thể lây truyền sang người khác. Vì vậy bạn nên thông báo với những người thân trong gia đình tình trạng này để tránh nằm ngủ cùng hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân.
Cách ngăn ngừa rụng tóc do nấm da đầu tái phát
Nấm da đầu có khả năng tái phát cao, nhất là trong thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều. Tình trạng tái phát thường xuyên có thể khiến nang tóc bị hư hại hoàn toàn, gây rụng tóc vĩnh viễn và tăng nguy cơ hói đầu.
Do đó sau khi kết thúc quá trình điều trị, bạn nên áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại sau:
- Tránh sử dụng các vật dụng cá nhân như nón, áo khoác, khăn,… với người khác.
- Gội đầu với tần suất thích hợp (khoảng 3 – 7 lần/ tuần).
- Tránh tiếp xúc với các thú nuôi có nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu có nuôi thú cưng, bạn nên vệ sinh thú nuôi 2 – 3 lần/ tuần nhằm giảm nguy cơ nhiễm nấm.
- Hạn chế đội mũ chật hoặc mũ có chất liệu dày, khó thấm hút. Thay vào đó có thể sử dụng dù hoặc đội mũ cói để tránh tình trạng da đầu tiết nhiều mồ hôi, gây bết rít và tăng nguy cơ nhiễm nấm.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục và ngủ đúng giờ giúp nâng cao sức đề kháng và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nấm da đầu.
Khi nhận thấy nấm da đầu gây rụng tóc, bạn nên thăm khám và điều trị kịp thời để phục hồi nang tóc, giảm tổn thương da và kích thích tóc mọc trở lại. Với những trường hợp chủ quan, nang tóc có thể bị hư hại vĩnh viễn và dẫn đến tình trạng hói đầu.
Ngày Cập nhật 07/09/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!