Cách phân biệt nấm da đầu và gàu để nhận biết và điều trị
Biểu hiện ban đầu của nấm da đầu và gàu đều là sự xuất hiện của các mảng vảy trắng. Điều này khiến người ta dễ nhầm lẫn chúng với nhau. Dưới đây là cách phân biệt dựa trên nguyên nhân, dấu hiệu lâm sàng và hậu quả.
Nguyên nhân gây nấm da đầu và gàu hoàn toàn khác nhau
Nấm Trichophyton là “thủ phạm” gây nấm da đầu
Nấm da đầu hình thành khi có sự xuất hiện của nấm Trichophyton. Bệnh lây lan khi dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị nấm da đầu. Hoặc loại nấm này cũng có thể xâm nhập qua vết thương hở trên da. Ngoài ra, một số trường hợp bị nấm da đầu là do lây lan từ động vật (đặc biệt là chó và mèo).
Rối loạn hoạt động da đầu sinh ra gàu
Khi da đầu thay lớp quá nhanh sẽ sinh ra gàu. Nói cách khác, đây là một hiện tượng rối loạn hoạt động của da. Tác nhân gây gàu không do nhiễm trùng. Cũng chính vì thế, các mảng da bị bong tróc đó có tiếp xúc với người bình thường cũng không lây lan.
Tình trạng rối loạn hoạt động của da đầu gây gàu xảy ra khi có sự xuất hiện đồng thời của 3 yếu tố:
- Lượng dầu trên da đầu quá nhiều;
- Yếu tố tác động cộng hưởng: Điều kiện môi trường sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc da đầu;
- Axit oleic.
Trong đó, axit oleic do nấm Malassezia furfur hoặc Malassezia globosa tạo ra từ dầu nhờn trên. Loại nấm này vẫn luôn ở trên da đầu của người bình thường. Khi có thêm một số điều kiện tác động, chúng sẽ phát triển. Men của nấm chuyển hóa triglycerides (một loại chất béo trung tính) trong dầu nhờn của da đầu thành axit oleic (OA). Chất này thấm vào lớp sừng và tạo phản ứng viêm. Khi đó, lớp sừng bong tróc thành từng mảng bất thường gọi là gàu.
Phân biệt nấm da đầu và gàu dựa vào dấu hiệu lâm sàng
Nấm da đầu có thể gây hói tạm thời
Dấu hiệu ban đầu của tình trạng nấm da đầu là sự xuất hiện các nốt sần nhỏ. Chúng nằm rải rác khắp da đầu. Đồng thời, da đầu lúc này cũng sẽ xuất hiện các mảng vảy mỏng màu trắng. Mảng vảy này nếu quá lớn có thể gây hói tạm thời.
Song song đó, tóc của người bị nấm da đầu rất cứng và dễ gãy. Vì thế, xen kẽ những chỗ tóc có chiều dài bình thường là những vùng tóc ngắn gần đến gốc. Ngoài ra, còn một dấu hiệu nữa để phân biệt với gàu đó là nấm da đầu gây ngứa và rất khó chịu.
Gàu đóng vảy nhưng không gây khó chịu
Như đã trình bày trong phần nguyên nhân, những vảy trắng xuất hiện là do các tế bào bong ra từ lớp sừng. Vì thế nó không gây khó chịu. Chúng có thể tạo thành từng mảng lớn hoặc nhỏ dính trên tóc.
Tuy nhiên, nếu số lượng tế bào chết đi quá nhiều và tạo thành vảy lớn thì nó có thể làm đỏ ửng chỗ da mới và gây khó chịu một chút. Nếu so với bệnh nấm da đầu hoặc một số bệnh lý khác thì cảm giác khó chịu khi bị gàu ít hơn.
Hậu quả của nấm da đầu nghiêm trọng hơn gàu
Nấm da đầu có thể gây nhiễm trùng máu
- Ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống: Nấm da đầu gây ngứa ngáy, khó chịu. Nó chẳng những khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp mà còn làm cho họ không thể tập trung;
- Tạo mụn mủ gây đau nhức;
- Rụng tóc và dễ dẫn đến hói;
- Nhiễm trùng: Xảy ra khi người bệnh cào gãi da đầu thường xuyên. Tình này này còn gọi là Kerion. Khi đó, da có thể bị sưng, chảy mủ và tạo thành các vết nứt. Điều này vô tình tạo điều kiện cho nấm chui sâu vào da đầu. Thậm chí là đi vào máu. Nó thường gây ghẻ trên da đầu nhưng cũng có trường hợp bị nhiễm trùng máu hoặc một số bệnh lý nguy hiểm khác.
Gàu dễ dẫn đến viêm da đầu
Một số hậu quả thường gặp mà tình trạng gàu gây ra là:
- Rụng nhiều tóc: Càng gội đầu nhiều lần thì tình trạng gàu càng phát triển nhanh. Tuy nhiên, nếu không gội thì các nang tóc bị tắc và không hô hấp được. Chính điều này khiến tóc cạn kiệt dinh dưỡng và gãy rụng;
- Gàu lây lan toàn bộ da đầu: Điều này gần như là tất yếu vì tốc độ phát triển của gàu rất nhanh;
- Dễ dẫn đến nấm hoặc viêm da đầu: Da đầu liên tục bong tróc sẽ yếu dần. Lâu ngày rất dễ dẫn đến sự hình thành các nốt mụn nhỏ li ti. Trong một thời gian ngắn, chúng phát triển thành những nốt mụn lớn, chứa dịch nhầy bên trong. Đến một giai đoạn nhất định, dịch nhầy sẽ tự rỉ nước ra ngoài và gây viêm da đầu.
Điều trị nấm da đầu và gàu
Chữa nấm da đầu bằng thuốc uống chống nấm
Nếu dùng thuốc tân dược, người bị nấm da đầu phải uống thuốc chống nấm. Cách điều trị bằng dầu gội hoặc thoa ngoài da không thật sự đạt được hiệu quả vì mầm bệnh nằm sâu dưới da. Loại thuốc chống nấm da đầu thường dùng là Griseofulvin. Thuốc cần được uống đúng liều lượng liên tục trong 6 – 8 tuần. Kết hợp với việc dùng thuốc là chế độ ăn uống nhiều chất béo. Loại này không dùng cho trẻ em vì dễ gây đau bụng và buồn nôn.
Ngoài cách chữa bệnh bằng thuốc tân dược, người ta còn dùng một số cây thuốc trị nấm da đầu. Tiêu biểu là bồ kết, cỏ mần trầu, hương nhu trắng, cây diệp hạ châu, hoa ngũ sắc… Thành phần có trong các loại dược liệu này vừa có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế nấm vừa góp phần giảm nhẹ các triệu chứng.
Chữa gàu bằng dầu gội đầu chứa thuốc chống nấm men
Dầu gội đầu chữa gàu thường chứa hoạt chất ketoconazole hoặc kẽm pyrithione. Bên cạnh đó, người bị gàu có thể nghiền nát 2 viên aspirin thành bột để thoa lên tóc. Sau đó xả lại với nước và gội đầu như bình thường. Cả hai cách điều trị này đều có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của nấm men.
Để giảm lượng dầu tiết ra từ da, bạn có thể dùng baking soda. Cách làm khá đơn giản, bạn trộn nó với nước tạo thành hỗn hợp sền sệt rồi thoa lên tóc và da đầu. Đợi khoảng 5 phút thì xả lại bằng nước ấm. Lưu ý là không nên dùng dầu gội đầu ngay sau khi thoa baking soda. Cách này có thể khiến tóc bị khô tạm thời. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, da đầu sẽ tự điều chỉnh tiết dầu giúp tóc mềm nhưng không còn gây gàu nữa.
Ngoài cách dùng các sản phẩm hóa dược, bạn có thể chữa gàu bằng các phương pháp sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên. Tiêu biểu trong số đó là cách điều trị bằng chanh (pha loãng nước cốt với nước bình thường hoặc kết hợp cùng bạc hà); giấm táo với mật ong, muối, phèn chua, dầu dừa hoặc bia.
Hầu hết các cách chữa gàu dùng nguyên liệu tự nhiên xuất phát từ kinh nghiệm dân gian. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng. Đồng thời, bạn cần kiên trì thực hiện các biện pháp này trong một khoảng thời gian nhất định mới có được hiệu quả điều trị như mong muốn.
Lời khuyên của bác sĩ khi bị nấm da đầu hoặc gàu
Nấm da đầu và gàu rất dễ bị nhầm lẫn. Điều này có thể dẫn đến những sai lầm trong phương hướng điều trị. Chính vì thế, để biết chắc chắn da đầu đang gặp vấn đề gì, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bị nấm da đầu hoặc gàu tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí. Đồng thời, bệnh cũng sẽ ít có nguy cơ tái phát hơn. Đặc biệt, nếu bị nấm da đầu, điều trị sớm sẽ hạn chế thấp nhất khả năng lây lan cho người xung quanh.
Để quá trình điều trị nấm da đầu hoặc gàu hiệu quả hơn, người bệnh cần lưu ý một số điều trong sinh hoạt và ăn uống hằng ngày như:
- Không cào gãi gây xước da đầu;
- Không gội đầu quá khuya và không để tóc ướt quá lâu;
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với nước khác, nhất là nón, quần áo, khăn tắm;
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ;
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ;
- Giữ cho tinh thần thoải mái.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!