Bà bầu bị viêm tủy răng và cách điều trị an toàn
Bà bầu bị viêm tủy răng có thể điều trị bằng cách lấy tủy. Cách điều trị này khiến nhiều người lo ngại nhưng nếu hiểu rõ bản chất vấn đề và thực hiện đúng nguyên tắc thì vẫn an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị viêm tủy răng
Yếu tố tác động chính yếu
Viêm tủy răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó, người vệ sinh răng miệng kém, có vết mổ trong khoang miệng và phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ là những đối tượng dễ bị tình trạng này. Nếu như hai đối tượng đầu tiên bị viêm tủy răng bắt nguồn từ cách sinh hoạt thì đối tượng thứ 3 – phụ nữ đang mang thai bị viêm tủy răng khởi phát từ sự thay đổi của nội tiết tố.
Cụ thể, nồng độ hormone estrogen và progesterone tăng đột biến trong giai đoạn mang thai khiến người phụ nữ rất dễ bị sưng lợi. Lớp men răng và các tế bào trong khoang miệng cũng dễ bị tổn thương bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự tác động của vi khuẩn hoặc nấm. Như vậy, không chỉ có viêm tủy răng, phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ còn rất dễ bị sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu và một số vấn đề khác về răng miệng.
Những yếu tố tăng nguy cơ viêm tủy răng ở bà bầu
Kết hợp với yếu tố tác động chính yếu (lượng nội tiết tố thay đổi) còn có một vài yếu tố khác gia tăng nguy cơ khiến bà bầu bị viêm tủy răng. Tiêu biểu trong số đó là sức đề kháng suy giảm, tình trạng ốm nghén và chế độ dinh dưỡng.
-
Ốm nghén
Dịch vị từ dạ dày với tính axit cao có thể khiến lớp men răng bị mài mòn. Bên cạnh đó, những mảng thức ăn vụn tràn từ dạ dày lên khoang miệng có thể bám lại ở chân răng. Các mảng bám này tích tụ lâu ngày khiến vi khuẩn có điều kiện sinh sôi phát triển gây sâu răng. Chúng thường tấn công vào tủy gây viêm và làm tổn thương nặng bên trong răng trước khi khiến răng vỡ ra thành từng mảnh. Cùng lúc đó, chân răng có thể bị phá hủy hoàn toàn.
-
Sức đề kháng suy giảm
Bình thường, cơ thể chúng ta luôn có một “lớp hàng rào” ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, nấm và một số tác nhân có hại khác. Khoa học gọi đó là hệ miễn dịch hay sức đề kháng. Vào giai đoạn mang thai, sức đề kháng của người phụ nữ rất yếu. Chính vì thế, họ rất dễ mắc các bệnh cảm thông thường. Bên cạnh đó, răng và nướu vốn đang rất nhạy cảm sẽ dễ bị tổn thương hơn trước sự tấn công của vi khuẩn.
-
Ăn uống
Chế độ ăn uống thay đổi liên tục, ăn thừa hoặc thiếu chất cũng đều gia tăng nguy cơ bị viêm tủy răng ở bà bầu. Bên cạnh đó, những người không chú ý bổ sung đầy đủ canxi cũng dễ bị tình trạng này. Bởi khi lượng canxi từ thực phẩm không đủ, cơ thể sẽ tự lấy từ xương của người mẹ cung cấp cho sự phát triển của thai nhi. Chính vì thế, không chỉ răng mà xương khớp toàn cơ thể của người phụ nữ khi mang thai cũng rất dễ gặp vấn đề.
Những dấu hiệu viêm tủy răng ở bà bầu
Viêm tủy răng ở bà bầu được chia thành 2 loại: cấp tính và mạn tính với những biểu hiện như sau:
Giai đoạn viêm tủy răng cấp tính: Đau nhói thành từng cơn kéo dài từ 5 – 10 phút. Răng và nướu phản ứng gần như ngay lập tức khi tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, thức ăn quá chua hoặc quá ngọt.
Giai đoạn viêm tủy răng mạn tính: Mức độ đau nặng hơn giai đoạn cấp tính. Đồng thời, cơn đau có thể kéo dài đến cả giờ đồng hồ. Vào ban đêm, đau răng thường xuất hiện với tần suất nhiều và cường độ mạnh hơn ban ngày.
Viêm tủy răng ở bà bầu có nguy hiểm không?
Bà bầu bị viêm tủy răng ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Tình trạng đau nhức có thể khiến người mẹ ăn không ngon và ngủ không yên. Thiếu dưỡng chất, tinh thần không thoải mái và sức đề kháng suy yếu sẽ làm cho quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của thai nhi bị ảnh hưởng ít nhiều.
Về bản chất, viêm tủy răng không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của mẹ và bé. Nhưng nếu chủ quan, hậu quả của nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Có một điều quan trọng bạn cần phải biết là viêm tủy răng không thể tự lành. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng có thể lan ra toàn khoang miệng. Chưa dừng lại ở đó, vi khuẩn có thể theo máu gây rối loạn hoạt động của các cơ quan và bộ phận khác. Ngoài ra, viêm tủy răng còn rất dễ dẫn đến rụng răng và tiêu xương hàm.
Nguyên tắc điều trị viêm tủy răng an toàn cho bà bầu
Đến cơ sở nha khoa kiểm tra
Nếu bị đau răng, sưng nướu hoặc sâu răng ở giai đoạn đầu, bạn có thể điều trị tại nhà bằng một số mẹo dân gian. Tuy nhiên, nếu đã bị viêm tủy răng thì cần thiết phải đến cơ sở y tế để kiểm tra. Hầu hết các giải pháp tại nhà đều không thể điều trị triệt để tình trạng này. Ngoài ra, nó còn nguy cơ khiến tình trạng viêm nhiễm thêm trầm trọng.
Do đó, để điều trị viêm tủy răng an toàn cho bà bầu, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là phải đến cơ sở y tế kiểm tra. Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất. Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý là tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc (bao gồm cả những loại không kê đơn hoặc có nguồn gốc từ thiên nhiên). Mọi giải pháp điều trị liên quan đến thuốc đều cần phải có sự đồng ý từ bác sĩ.
Thời điểm điều trị viêm tủy răng tốt nhất cho bà bầu
Nguyên tắc chung khi điều trị viêm tủy răng đó là càng sớm thì càng tốt. Để lâu, cấu trúc răng bị phá hủy ngày càng nhiều. Khi đó, các giải pháp điều trị rất phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng cơ hội hồi phục lại như bình thường lại thấp.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ đang mang thai, thời điểm thích hợp và an toàn để điều trị viêm tủy răng căn cứ vào số tháng của thai nhi. Các chuyên gia cho biết, thời gian tốt nhất là tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ). Bởi trong khoảng thời gian này, tinh thần và sức khỏe của người mẹ đã ổn định. Thai nhi cũng đã cứng cáp hơn.
Trong khi đó, nếu điều trị viêm tủy răng vào giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, bệnh có thể không được chữa khỏi mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Nguyên nhân là trong giai đoạn này phôi thai đang có những thay đổi lớn. Cộng với đó, sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ chưa ổn định. Còn trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, người mẹ rất dễ bị mệt mỏi, việc di chuyển cũng khá khó khăn. Vì thế, hiệu quả chữa trị và sự an toàn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Điều trị bảo tồn là giải pháp ưu tiên
Tùy vào mức độ viêm của tủy răng, nếu có thể sử dụng phương pháp bảo tồn thì không nên nhổ bỏ răng. Bởi răng bị nhổ bỏ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc chung của hàm. Bên cạnh đó, lỗ trống của chiếc răng bị nhổ đi nếu không nhanh chóng lắp lại thì nguy cơ bội nhiễm rất cao.
Ngoài ra, toàn bộ chi phí cho việc nhổ bỏ răng bị viêm tủy và trồng lại răng mới khá cao. Ở một khía cạnh khác, răng giả dù có tốt thế nào thì không thể sánh được như răng thật cả về chức năng lẫn kết cấu bên ngoài.
Lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín
Nguyên tắc cuối cùng để đảm bảo an toàn khi điều trị viêm tủy răng cho bà bầu đó là phải lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín. Điều này giúp bà bầu hạn chế được thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Các cách chữa viêm tủy răng cho bà bầu
Các giải pháp chữa viêm tủy răng cho bà bầu về tổng thể xếp thành 2 trường hợp chính dựa vào mức độ viêm nhiễm.
Viêm tủy có hồi phục
Phương pháp này sẽ không phải nhổ bỏ răng. Các bác sĩ sẽ dùng hoạt chất chuyên biệt phủ kín đáy xoang. Sau đó dùng một hoạt chất khác hàn kín phía trên. Chi tiết cách thức như sau:
- Dùng dụng cụ mở rộng miệng;
- Lấy mô ngà bị hoại tử ra;
- Làm sạch tủy răng với nước muối sinh lý rồi làm khô;
- Đặt Hydroxit canxi hoặc MTA và đáy xoang theo từng lớp. Mỗi lớp dày từ 1 – 2 mm;
- Dùng Composite, GIC hoặc Amalgam hàn kín bề mặt xoang;
- Kiểm tra khớp cắn.
Viêm tủy không hồi phục
Quá trình này cần được đảm bảo một số nguyên tắc gồm: Vô trùng; làm sạch, tạo hình lại và hàn kín ống tủy. Chi tiết các bước thực hiện như sau:
- Gây tê vùng hoặc tại chỗ;
- Mở tủy;
- Kiểm tra kích thước ống tủy;
- Làm sạch và tạo hình ống tủy;
- Lựa chọn vật liệu hàn ống tủy (gutta-percha);
- Kiểm tra qua hình ảnh X – quang;
- Hàn kín ống tủy với vật liệu thích hợp;
- Phục hồi thân răng bằng một số vật liệu thích hợp.
Mang thai lấy tủy răng có rủi ro gì không?
Có hai vấn đề chủ yếu khiến nhiều người băn khoăn không biết bà bầu bị viêm tủy răng có được điều trị bằng cách lấy tủy răng hay không. Đó là việc sử dụng thuốc gây tê và chụp X – quang.
Thứ nhất, dùng thuốc gây tê
Nhiều người cho rằng thuốc này sẽ tác động đến sự hình thành và biến đổi nhiễm sắc thể của thai nhi. Tuy nhiên, nếu không sử dụng thì những cơn đau đớn khi bác sĩ lấy tủy răng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức chịu đựng của người phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ.
Tuy nhiên, thực tế thì vấn đề dùng thuốc tê đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích kỹ. Người ta đã phát minh ra loại dành riêng cho bà bầu. Nếu dùng loại này thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé.
Thứ 2, chụp X – quang
Số lần chụp X – quang phục vụ cho việc lấy tủy răng có thể thực hiện từ 1 – 5 lần. Mục đích là đánh giá chiều dài và số lượng ống tủy viêm nhiễm. Ngoài ra, nó còn giúp bác sĩ xác định thêm một số yếu tố khác để đảm bảo an toàn trước khi thực hiện lấy tủy. Thế nhưng tia X – quang có thể gây hại cho sức khỏe trong một số trường hợp. Trong khi đó, đối tượng được chụp là phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ (sức đề kháng suy giảm).
Lo lắng của một số người là có cơ sở. Tuy nhiên, tia X – quang dùng để kiểm tra răng hàm cho phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ là loại nhỏ. Bước sóng của nó thấp hơn ngưỡng cho phép khoảng 10 lần. Do đó, nó chỉ xuyên qua phần mô xương. Và vì thế, những tia X – quang trong trường hợp này không gây hại đáng kể cho sức khỏe của mẹ và bé.
Một vài lưu ý quan trọng khi viêm tủy răng trong lúc mang thai
Chăm sóc răng
- Răng sau khi điều trị viêm tủy cần được chú ý vệ sinh và dùng chỉ nha khoa đúng cách;
- Sử dụng bàn chải có lông mềm;
- Chải răng nhẹ nhàng ngày 2 – 3 lần;
- Dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng sau khi ăn;
- Nên dùng kem đánh răng cho người nhạy cảm và chứa thành phần flour để tăng cường sự chắc khỏe cho răng và nướu;
- Không tẩy trắng răng cho đến khi hoạt động của răng miệng trở lại bình thường;
- Tái khám đúng lịch hẹn;
- Chủ động liên hệ với bác sĩ khi có biểu hiện bất thường;
- Khám răng định kỳ 6 tháng/1 lần.
Trong dinh dưỡng hằng ngày:
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và khoa học;
- Bổ sung thêm canxi, vitamin C và A từ các loại rau củ quả tươi;
- Hạn chế thực phẩm có lượng đường quá cao. Ưu tiên dùng đường tự nhiên thay vì đường nhân tạo.
Ngày Cập nhật 03/06/2021