Viêm tủy răng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Viêm tủy răng là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Bệnh lý này thường gây đau nhức dữ dội, âm ỉ và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng nhai, làm gián đoạn giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống. Tùy vào giai đoạn tiến triển và mức độ tổn thương, điều trị có thể bao gồm rút tủy, loại bỏ ngà răng hoại tử và nhổ bỏ răng.
Viêm tủy răng là gì?
Tủy răng là tổ chức đặc biệt bao gồm dây thần kinh và mạch máu. Tổ chức này nằm sâu bên trong ngà răng, có chức năng nuôi dưỡng phần cứng của răng (ngà răng, men răng) và dẫn truyền cảm giác đến não bộ. Do nằm sâu bên trong nên tủy răng rất ít khi bị tổn thương. Tuy nhiên trên thực tế, cơ quan này vẫn có thể bị viêm nhiễm và hư hại do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Viêm tủy răng là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm do sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Bệnh thường tiến triển qua 2 giai đoạn, tiền tủy răng (viêm tủy răng hồi phục) và viêm tủy răng không phục hồi. Dựa vào giai đoạn bệnh và mức độ thương tổn, nha sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định biện pháp điều trị thích hợp.
Viêm tủy răng không hồi phục thường có mức độ nặng nề và dễ phát sinh biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây áp xe quanh chóp răng (một dạng nhiễm trùng nặng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của túi mủ) và làm tăng nguy cơ mất răng.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng
Ở răng khỏe mạnh, tủy răng sẽ được bảo vệ bởi ngà răng, men răng và mô nướu. Tuy nhiên khi các lớp bảo vệ này bị tổn thương và hư hại, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong cấu trúc và gây nhiễm trùng tủy.
Một số nguyên nhân có thể gây hư hại men răng, ngà răng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tủy, bao gồm:
- Sâu răng: Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bệnh lý này hình thành khi vi khuẩn Streptococcus mutans bùng phát mạnh, gây ra quá trình hủy khoáng và làm mất mô cứng của răng. Ban đầu, vi khuẩn sẽ tấn công vào men răng và di chuyển sâu vào ngà răng. Nếu không can thiệp điều trị, sâu răng có thể tiến triển, gây tổn thương và viêm nhiễm tủy.
- Chấn thương: Chấn thương mạnh có thể gây tổn thương răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong và gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
- Răng bị sứt: Răng bị sứt, nứt, mẻ,… thường để lộ ngà răng bên trong. Khác với men răng, ngà răng chứa ít khoáng chất và có kết cấu mềm nên rất dễ bị hư hại. Do đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong răng, tấn công và tủy và gây nhiễm trùng cơ quan này.
Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh viêm tủy răng có thể xảy ra do một số yếu tố thuận lợi như:
- Thói quen vệ sinh răng miệng kém: Không vệ sinh răng thường xuyên và đúng cách có thể làm tăng mảng bám, kích thích vi khuẩn phát triển, thúc đẩy quá trình khoáng hóa diễn ra nhanh hơn và tăng nguy cơ tổn thương tủy.
- Nghiến răng mãn tính: Thói quen nghiến răng khi ngủ có thể làm hư hại men răng và ngà răng. Khi mất lớp bảo vệ, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào bên trong và tấn công vào khoang tủy.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều đường: Thực phẩm chứa đường có khả năng tạo mảng bám sinh học cao hơn so với các nhóm thực phẩm khác. Sự tăng sinh mảng bám đồng nghĩa với việc vi khuẩn có hại tăng lên và làm gia tăng các vấn đề nha khoa.
Các dạng viêm tủy răng thường gặp
Dựa vào mức độ tổn thương, viêm tủy răng được chia thành 2 loại sau đây:
1. Viêm tủy răng hồi phục (tiền tủy răng)
Viêm tủy răng hồi phục là tình trạng tủy răng bị tổn thương nhẹ và có khả năng hồi phục. Tình trạng này thường xảy ra khi vi khuẩn tấn công sâu vào ngà răng và kích thích các mạch máu ở khoang tủy.
Trong trường hợp này, tủy răng xuất hiện hiện tượng viêm là do sức ép từ các dây thần kinh và mạch máu. Ở giai đoạn tiền tủy răng, vi khuẩn chưa xâm nhập và gây viêm nhiễm khoang tủy. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể gây hư hại và hoại tử tủy hoàn toàn.
2. Viêm tủy răng không hồi phục
Viêm tủy răng không hồi phục là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm nghiêm trọng do vi khuẩn. Khác với giai đoạn tiền tủy răng, ở giai đoạn này tủy răng bị hư hại hoàn toàn và không còn khả năng phục hồi. Hơn nữa trong giai đoạn này, vi khuẩn tấn công trực tiếp vào mô tủy nên làm phát sinh cơn đau nặng nề và dữ dội. Tuy nhiên khi tủy bị hoại tử hoàn toàn, các triệu chứng này thường có xu hướng thuyên giảm rõ rệt.
Viêm tủy răng không hồi phục là vấn đề nha khoa có mức độ nghiêm trọng và cần phải can thiệp điều trị y tế. Nếu không khắc phục sớm, vi khuẩn có thể đi sâu vào chân răng, gây áp xe và phát sinh các biến chứng nặng nề khác.
Triệu chứng nhận biết viêm tủy răng
Đau nhức là triệu chứng điển hình của viêm tủy răng. Cơn đau thường có mức độ nhẹ trong giai đoạn tiền tủy răng và tăng lên khi vi khuẩn đã xâm nhập vào khoang tủy. Khác với các bệnh lý nha khoa thông thường, cơn đau do viêm tủy thường có xu hướng kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tủy răng:
- Đau tự phát, cơn đau kéo dài hoặc bùng lên từng cơn. Mức độ đau có thể tăng lên ngay cả khi thay đổi tư thế, uống nước, hít thở,…
- Cơn đau khu trú hoặc có thể lan tỏa ra hàm, tai và cổ.
- Khi ăn đồ nóng cơn đau có xu hướng tăng lên, trong khi đó uống nước mát có thể làm dịu và giảm mức độ đau đớn.
- Vùng nướu bao quanh chân răng có xu hướng viêm sưng
Trong trường hợp tủy bị hoại tử hoàn toàn, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng có mức độ nhẹ hơn như:
- Răng mất cảm giác đau
- Hoặc chỉ đau khi có kích thích
- Tủy hoại tử có thể phát triển theo 3 dạng: Viêm tủy triển dưỡng, nội tiêu và vôi hóa ống tủy. Tuy nhiên các dạng tổn thương này không phát sinh triệu chứng lâm sàng và chỉ được nhận biết thông qua biện pháp chẩn đoán.
Viêm tủy răng có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, viêm tủy răng là bệnh lý nha khoa có mức độ nghiêm trọng và dễ phát sinh biến chứng. Không giống với các vấn đề nha khoa thông thường, bệnh lý này thường gây đau nhức kéo dài, cơn đau có mức độ nặng nề và có xu hướng lan tỏa rộng. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng nhai, làm gián đoạn giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống.
Hơn nữa nếu không tiến hành điều trị, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào các cơ quan khác và gây ra các biến chứng nặng nề như:
- Áp xe quanh chóp răng: Áp xe quanh chóp răng xảy ra khi vi khuẩn di chuyển từ khoang tủy xuống chân răng, gây nhiễm trùng và hình thành túi mủ. Biến chứng này không chỉ gây đau nhức răng, hôi miệng mà còn làm tăng thân nhiệt và sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Mất răng: Trong một số trường hợp, nhiễm trùng tủy có thể dẫn đến tình trạng mất răng do vi khuẩn gây hư hại chân răng hoàn toàn. Nếu không xử lý sớm, nhiễm trùng có thể lan tỏa rộng, ảnh hưởng đến răng và mô nướu ở các vị trí lân cận.
Ngoài ra viêm tủy răng còn có thể gây tiêu ổ xương, viêm hạch, viêm xương, tăng nguy cơ tắc nghẽn đường hô hấp, nhiễm trùng máu và áp xe não.
Chẩn đoán viêm tủy răng được thực hiện như thế nào?
Viêm tủy răng được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng.
- Thăm khám răng miệng: Nhận thấy răng có tổn thương do sâu răng và có dấu hiệu bị nứt hoặc mòn. Khi dùng tay gõ ngang vào răng gây đau nhiều, trong khi gõ dọc thì không đau hoặc chỉ đau nhẹ.
- Chụp X-Quang: Hình ảnh từ X-Quang giúp bác sĩ quan sát hiện trạng lỗ sâu và tủy răng. Bên cạnh đó, thông qua chẩn đoán này bác sĩ có thể nhận biết được một số dạng phát triển của viêm tủy răng hoại tử kéo dài như: Nội tiêu (ống tủy có xu hướng phình to) và Vôi hóa ống tủy (ống tủy và buồng tủy xuất hiện bè canxi).
Trên thực tế, bác sĩ Răng hàm mặt có thể chỉ định các chẩn đoán khác nếu chưa có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận.
Các biện pháp điều trị viêm tủy răng
Điều trị viêm tủy răng phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển và mức độ thương tổn của tủy răng. Các biện pháp thường được áp dụng, bao gồm:
1. Điều trị viêm tủy răng hồi phục
Viêm tủy răng hồi phục được điều trị bằng cách loại trừ các nguyên nhân gây bệnh như sâu răng ăn vào ngà, răng sứt mẻ và chấn thương. Sau khi khắc phục các nguyên nhân này, tình trạng viêm ở tủy sẽ có xu hướng thuyên giảm rõ rệt.
Điều trị viêm tủy răng hồi phục được thực hiện theo trình tự sau:
- Dùng mũi khoan loại bỏ ngà răng bị hoại tử
- Sau đó làm sạch răng với nước muối sinh lý hoặc dung dịch diệt khuẩn
- Làm khô xoan hàn, sử dụng vôi tôi (Hydroxit canxi) phủ kín xoang hàn
- Sau đó dùng nhựa composite/ amalgam,.. trám đầy phần ngà răng bị loại bỏ
- Sau khi mô ngà hoại tử được loại bỏ hoàn toàn, tủy răng sẽ được hồi phục trở lại.
Thực tế cho thấy, rất ít trường hợp phát hiện bệnh trong giai đoạn tiền tủy răng. Vì ở giai đoạn này, bệnh làm phát sinh triệu chứng hạn chế và không có tính đặc trưng cao.
2. Điều trị viêm tủy răng không hồi phục
Với trường hợp vi khuẩn đã xâm nhập vào tủy, biện pháp điều trị chính là rút tủy (hay còn gọi là điều trị nội nha). Biện pháp này giúp loại bỏ mô tủy bị tổn thương, bảo tồn răng, ngăn ngừa áp xe quanh chóp răng và các biến chứng nặng nề khác.
Rút tủy răng được thực hiện theo trình tự sau:
- Gây tê tại chỗ bằng Mepivacaine 3% hoặc Lidocaine 2%
- Mở tủy bằng khoan chuyên dụng
- Rút dịch tủy bị tổn thương
- Sau đó làm sạch tủy với dung dịch bakin 1.5% và tạo hình ống tủy
- Trong một số trường hợp cần thiết, nha sĩ có thể băng thuốc Eugenol, Oxyt kẽm,… trong ống tủy.
- Trám bít ống tủy bằng Endomethasone, Oxyt kẽm, AH26.
- Trám phục hồi thân răng bằng nhựa composite lỏng, xi măng,…
Rút tủy kịp thời có thể bảo tồn răng và ngăn ngừa nhiễm trùng lan tỏa rộng. Tuy nhiên loại bỏ tủy đồng nghĩa với việc răng không được cung cấp chất dinh dưỡng và có xu hướng hư yếu dần theo thời gian. Trong trường hợp cần thiết, nha sĩ có thể đề nghị bọc răng để bảo vệ răng và hạn chế tình trạng răng giòn, nứt, mẻ,…
Ngoài ra, ở những trường hợp tủy răng bị nhiễm trùng nghiêm trọng và gây tiêu chân răng, bạn có thể phải nhổ bỏ răng và trồng răng giả.
3. Điều trị triệu chứng
Ngoài các biện pháp điều trị chính, bác sĩ Răng hàm mặt có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị triệu chứng như sau:
- Thuốc Paracetamol: Nếu viêm tủy răng gây đau nhức, sưng hạch bạch huyết và sốt cao, bạn có thể sử dụng Paracetamol để cải thiện triệu chứng. Loại thuốc này khá an toàn, có thể dùng cho cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
- Thuốc chống viêm không steroid: Trong trường hợp mô nướu xung quanh bị viêm và đau nhức, nha sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac,… Khác với Paracetamol, nhóm thuốc này vừa có tác dụng giảm đau, hạ sốt (nhẹ) và chống viêm.
Chăm sóc và phòng ngừa tái phát
Viêm tủy răng có thể bùng phát trở lại nếu tiếp tục duy trì các nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tình trạng tái phát thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn làm giảm sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống.
Vì vậy sau khi điều trị viêm tủy răng, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa sau đây:
- Chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày với kem đánh răng chứa fluoride. Khi chải răng, cần làm sạch mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của răng. Nếu có thể, nên sử dụng bàn chải có mặt chải bằng cao su để loại bỏ vi khuẩn ở má trong và mặt lưỡi.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, giảm nguy cơ sâu kẽ, viêm kẽ chân răng và một số vấn đề nha khoa khác.
- Có thể dùng nước súc miệng chứa fluoride, canxi và thành phần diệt khuẩn sau khi chải răng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng tối đa.
- Hạn chế đường và một số thực phẩm, đồ uống có hại cho răng như nước ngọt có gas, thực phẩm chứa nhiều tinh bột và axit.
- Khi bị chấn thương gây sứt mẻ răng, cần đến phòng khám hàn trám răng để giảm nguy cơ sâu răng và viêm tủy răng.
- Cạo vôi răng từ 1 – 2 lần/ năm và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Viêm tủy răng là bệnh lý nha khoa có mức độ nặng nề và dễ phát sinh biến chứng. Bệnh không chỉ gây đau nhức kéo dài, lan tỏa mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc răng, khiến răng hư yếu và dễ gãy rụng. Để phục hồi chức năng tủy và ngăn ngừa biến chứng, bạn cần chủ động thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Tham khảo thêm: Viêm tủy răng có chữa được không? Có nguy hiểm không?
Ngày Cập nhật 15/01/2020