Viêm tủy răng cấp tính: Dấu hiệu và cách điều trị
Viêm tủy răng cấp tính là tình trạng viêm nhiễm khoang tủy ở giai đoạn đầu. Trong giai đoạn này, bệnh thường phát sinh triệu chứng có mức độ nặng nề và tính chất đột ngột. Nếu không can thiệp điều trị, tình trạng viêm nhiễm tủy có thể tiến triển xấu, gây hoại tử tủy và khiến bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Viêm tủy răng cấp tính là gì?
Tủy răng là cơ quan nằm bên trong ngà răng, có chứa dịch, mạch máu và dây thần kinh. Cơ quan này có chức năng dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng các phần cứng của răng. Viêm tủy răng cấp tính là tình trạng khoang tủy bị viêm nhiễm do hại khuẩn có trong khoang miệng. Khác với giai đoạn mãn tính, bệnh ở giai đoạn cấp thường gây ra triệu chứng có tính chất đột ngột và nặng nề.
Nếu kịp thời điều trị, tủy răng có thể hồi phục hoàn toàn và giảm nguy cơ can thiệp điều trị nội nha. Trong trường hợp chủ quan và không khắc phục đúng cách, viêm nhiễm ở tủy có thể tiến triển theo chiều hướng tiêu cực, gây hoại tử tủy và khiến bệnh chuyển biến sang giai đoạn mãn tính.
Ở giai đoạn mãn tính, tủy răng thường không thể hồi phục và buộc phải can thiệp các thủ thuật xâm lấn. Do đó khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn cần chủ động thăm khám để xử lý ổ viêm nhiễm và ngăn ngừa các biến chứng nặng nề.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng cấp
Thông thường, tủy răng được bảo vệ bởi ngà răng và men răng nên vi khuẩn rất khó xâm nhập và gây nhiễm trùng cơ quan này. Tuy nhiên khi men răng và ngà răng bị tổn thương, hại khuẩn có thể len lỏi vào bên trong tủy và làm phát sinh các vấn đề nha khoa.
Một số nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm tủy cấp tính, bao gồm:
- Chấn thương: Chấn thương nghiêm trọng có thể khiến răng bị sứt và để lội ngà răng bên ngoài. Khác với men răng, ngà răng có kết cấu xốp, mềm do chứa ít khoáng chất nên rất dễ hư hại. Vì vậy vi khuẩn dễ dàng đi qua ngà răng, xâm nhập vào tủy và gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
- Răng bị nứt, mẻ: Tương tự như chấn thương, răng bị mẻ và nứt cũng có thể để lộ ngà răng ra và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
- Sâu răng tiến triển: Vi khuẩn gây sâu răng có xu hướng ăn mòn men răng, gây hư hại ngà răng và tấn công vào khoang tủy. Trong giai đoạn sâu răng ăn tủy, tủy răng có thể bị viêm nhiễm và gây đau nhức nghiêm trọng.
Dấu hiệu nhận biết viêm tủy răng cấp tính
Viêm tủy răng cấp đặc trưng bởi tình trạng đau nhức răng đột ngột và có mức độ nghiêm trọng. Cơn đau thường có xu hướng tự phát và gia tăng mức độ khi ăn uống, hít thở hoặc thay đổi tư thế.
Để nhận biết bệnh lý này, bạn có thể xem xét các triệu chứng điển hình sau:
- Răng đau nhức dữ dội hoặc âm ỉ, kéo dài, có xu hướng khu trú hoặc lan tỏa
- Nhạy cảm hơn với đồ ăn nóng/ lạnh, chua, quá ngọt,…
- Mô nướu xung quanh có dấu hiệu đỏ và sưng
- Cảm giác ê buốt và khó chịu sâu trong răng
Ở giai đoạn cấp, nhiễm trùng tủy thường gây đau nhức nghiêm trọng. Tuy nhiên khi tiến triển sang giai đoạn mãn tính, mạch máu và dây thần kinh bị hoại tử hoàn toàn nên các triệu chứng thường có xu hướng thuyên giảm rõ rệt.
Viêm tủy răng cấp có gây biến chứng không?
Tủy răng là cơ quan nằm sâu bên trong cấu trúc và đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Khác với men răng và ngà răng, tủy răng bị hư hại hầu như không thể hồi phục và tái tạo hoàn toàn.
Cơ quan này chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu. Vì vậy khi xảy ra viêm nhiễm, cơn đau có xu hướng bùng phát đột ngột, kéo dài và ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, sức khỏe tổng thể và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra nếu không được xử lý đúng cách, vi khuẩn gây viêm nhiễm tủy có thể lan tỏa rộng và gây ra các biến chứng như:
- Viêm tủy răng hoại tử: Viêm tủy răng hoại tử (viêm tủy răng mãn tính) xảy ra khi tủy răng bị hư hại hoàn toàn và mất chức năng dẫn truyền cảm giác đau. Ở giai đoạn này, bệnh ít khi gây đau nhức và khó chịu. Tuy nhiên vi khuẩn trong khoang tủy có thể ăn mòn chân răng, khiến răng hư hại nghiêm trọng và buộc phải nhổ bỏ.
- Áp xe răng: Viêm tủy răng không được điều trị sớm có thể tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào các mô bên dưới, gây nhiễm trùng và hình thành áp xe. Áp xe răng là tổ chức bao gồm mủ, mô hoại tử, bạch cầu và vi khuẩn. Nếu không chủ động dẫn lưu mủ, ổ áp xe có thể bị vỡ và gây ra các biến chứng nặng nề.
- Mất răng: Mất răng xảy ra khi vi khuẩn gây hư hại chân răng hoàn toàn và không có khả năng khôi phục. Trong trường hợp này, nha sĩ sẽ đề nghị nhổ bỏ răng nhằm loại bỏ chân răng, ổ viêm nhiễm để tránh lây lan nhiễm trùng sang mô nướu và răng ở các vị trí lân cận.
Cách điều trị bệnh viêm tủy răng cấp tính
Trong giai đoạn cấp tính, điều trị viêm tủy răng được thực hiện theo nguyên tắc loại bỏ ổ viêm nhiễm/ hoại tử, bảo tồn răng và kiểm soát tiến triển của bệnh.
1. Loại bỏ ngà răng và hàn trám răng sâu
Trong trường hợp viêm tủy răng do ngà răng bị tổn thương sâu (hay còn gọi là giai đoạn tiền tủy răng), bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ ngà răng bị viêm nhiễm và hàn răng sâu. Biện pháp này giúp loại bỏ vi khuẩn có hại, bảo tồn và ngăn ngừa nhiễm trùng tủy.
Tuy nhiên trên thực tế, ít bệnh nhân phát hiện bệnh trong giai đoạn này. Ở giai đoạn tiền tủy răng, bệnh chỉ gây đau nhức nhẹ và thường bị nhầm lẫn với sâu răng nhẹ hoặc viêm nướu răng thông thường.
2. Điều trị nội nha (rút tủy)
Với trường hợp sâu răng đã ăn vào tủy và gây viêm nhiễm, bác sĩ sẽ tiến hành rút tủy răng trong thời gian sớm nhất. Rút tủy kịp thời có thể kiểm soát nhiễm trùng, bảo tồn răng và ngăn ngừa áp xe quanh chóp răng.
Điều trị nội nha được thực hiện bằng cách khoan lỗ hổng nối giữ bề mặt răng và tủy. Sau đó dùng thiết bị chuyên dụng hút dịch tủy, làm sạch khoang tủy và trám bít ống tủy với vật liệu nhân tạo. Cuối cùng, nha sĩ sẽ tiến hành trám lỗ răng sâu và dẫn lưu dịch (trong trường hợp viêm tủy răng có mủ).
3. Giảm viêm tủy răng cấp tại nhà
Bên cạnh các biện pháp điều trị chuyên sâu, bạn có thể áp dụng với một số mẹo chữa tại nhà để giảm mức độ đau, ngăn ngừa vi khuẩn và tăng tốc độ hồi phục của răng tổn thương.
Một số biện pháp chữa viêm tủy răng cấp tại nhà, bao gồm;
- Súc miệng với nước trà xanh: Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm EGCG, polyphenol, quercetin, flavonoid,… Các thành phần này có tác dụng ức chế vi khuẩn gây hại, thúc đẩy quá trình tái khoáng men răng và giảm đau nhức ở răng tổn thương.
- Súc miệng với nước muối ấm: Để giảm nhanh tình trạng đau nhức và ê buốt răng, bạn có thể súc miệng với nước muối ấm. Ngoài tác dụng giảm đau, biện pháp này còn giúp làm dịu mô nướu, sát trùng và làm sạch khoang miệng.
- Ngậm gừng tươi: Gừng tươi có đặc tính kháng virus, nấm và vi khuẩn mạnh. Vì vậy ngậm gừng tươi có thể hỗ trợ ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng tủy và giảm nguy cơ hình thành áp xe răng. Bên cạnh đó, các hợp chất thực vật trong gừng còn giảm viêm và cải thiện tình trạng sưng tấy ở mô nướu.
- Dùng tinh dầu đinh hương: Tinh dầu đinh hướng chứa Eugenol có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm và giảm đau nhức tại chỗ. Do đó bạn có thể súc miệng với nguyên liệu này để cải thiện các triệu chứng do viêm tủy răng cấp gây ra.
Phòng ngừa viêm tủy răng cấp tính bằng cách nào?
Viêm tủy răng cấp tính nói riêng và các bệnh lý nha khoa nói chung đều khởi phát do thói quen chăm sóc răng miệng không đúng cách. Vì vậy để giảm thiểu nguy cơ tái phát, bạn cần:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày (sau khi ăn ít nhất 30 phút và trước khi đi ngủ). Đồng thời cần chải răng đúng cách để loại bỏ hoàn toàn mảng bám và thức ăn thừa ở kẽ răng.
- Có thể sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng và giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.
- Thường xuyên thăm khám và lấy cao răng từ 1 – 2 lần/ năm.
- Giảm khối lượng thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường, tinh bột và axit. Đồng thời cần hạn chế uống rượu bia, cà phê và hút thuốc lá.
- Nên bổ sung nhiều nước, rau xanh, sữa chua và trái cây để hỗ trợ làm sạch răng miệng và giảm hình thành mảng bám.
- Tích cực trong quá trình điều trị bệnh sâu răng, răng sứt mẻ, viêm nhiễm nướu,…
Viêm tủy răng cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh. Nếu can thiệp điều trị sớm, tủy răng có thể hồi phục hoàn toàn và giảm nguy cơ can thiệp điều trị nội nha. Ngược lại tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng nề, gây hoại tử tủy, hình thành ổ áp xe và tăng nguy cơ mất răng.
Tham khảo thêm: 12 Cách điều trị viêm tủy răng tại nhà an toàn hiệu quả
Ngày Cập nhật 15/01/2020