Phụ nữ sau sinh ăn gì, kiêng gì để tốt cho sức khỏe?
Sau sinh, cơ thể phụ nữ thường rất yếu và luôn có cảm giác mệt mỏi. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng, thực phẩm lựa chọn để bổ sung vào khẩu phần ăn mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra là phụ nữ sau sinh ăn gì, kiêng gì để tránh bị hậu sản? Dưới đây là những chia sẻ, tư vấn của bác sĩ Đỗ Thanh Hà – Nguyên Giám đốc Phòng khám Đông y Việt Nam để giúp chị em giải đáp thắc mắc trên.
Sau sinh nên ăn gì?
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thanh Hà cho biết, việc sau khi sinh chị em nên ăn gì là vấn đề mà các chị em cần lưu ý và quan tâm. Bởi sau quá trình vượt cạn đầy “gian truân” chị em sẽ bị mất sức, thậm chí là suy nhược. Chính vì vậy, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng lúc này sẽ giúp chị em sớm lấy lại sức khỏe, tăng sức đề kháng, đồng thời cải thiện chất lượng sữa.
Dưới đây sẽ là những thực phẩm mà chị em sản phụ nên bổ sung để có một sức khỏe tốt nhất cho cả bản thân và cho em bé.
Các loại thịt cá tốt cho phụ nữ sau sinh
Với phụ nữ sau khi sinh, DHA, sắt và protein là nhu cầu bức thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày để phục hồi cơ thể. Các mẹ có thể tìm kiếm nguồn dinh dưỡng này từ những thực phẩm sau:
- Cá hồi: Cung cấp DHA cần thiết. Tuy nhiên, phụ nữ sau sinh chỉ nên nạp vào cơ thể khoảng 336g cá hồi mỗi tuần vì trong cá hồi vẫn có một lượng thủy ngân nhất định và kim loại, không tốt cho bé.
- Thịt bò: Sắt trong thịt bò giúp mẹ bỉm bổ sung lượng máu cần thiết cho cơ thể, lợi sữa, tránh tình trạng mệt mỏi do thiếu máu. Ngoài sắt, thịt bò cũng giúp bổ sung protein và vitamin B12. Tuy nhiên, bạn chỉ nên lựa những miếng thịt bò nhiều nạc để hạn chế nạp chất béo vào cơ thể.
- Một số thực phẩm khác cũng rất tốt cho các mẹ giai đoạn này như thịt gà, lợn, trứng,… .
Sau sinh nên ăn rau gì?
Bác sĩ Đỗ Thanh Hà cho biết, đa phần các sản phụ đều mắc chứng táo bón sau sinh, điều này khiến không ít chị em khó chịu. Theo đó, sử dụng các loại rau sau đây sẽ giúp các mẹ cải thiện sức khỏe, lợi sữa, phòng ngừa tình trạng táo bón sau sinh:
- Rau ngót: Bổ sung thêm các vitamin A, B, C và canxi cho cơ thể, lợi sữa, hỗ trợ quá trình co thắt ở dạ con, cải thiện phục hồi sau sinh và phòng tránh các chứng viêm nhiễm có thể xảy ra.
- Rau mồng tơi: Vitamin A, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt, giúp ích cho hoạt động của tử cung, tăng cường sản sinh máu, giúp phục hồi cơ thể. Kết hợp mồng tơi với gà ác, đậu đen ninh nhừ ăn nóng để sữa về nhiều, cải thiện làn da hồng hào, tóc đen mượt và giảm chứng táo bón sau sinh.
- Lá rau lang: Vị ngọt thơm, không độc, tính mát, rau khoai lang luộc hoặc xào vừa giúp nhuận tràng, vừa lợi sữa.
- Rau đay: Nếu ăn đúng lượng, rau đay sẽ rất tốt cho sức khỏe của các mẹ bỉm. Tuần đầu tiên sau sinh, bạn nên ăn 150-200gr rau đay vào mỗi bữa chính hàng ngày. Các tuần sau, mỗi tuần ăn 2 lần từ 200-250gr giúp sữa về, còn tăng lượng chất béo trong sữa, tốt cho trẻ nhỏ.
- Giá đỗ: Protein, vitamin C, cellulose có rất nhiều trong giá đỗ giúp các tế bào mô phát triển, phòng chống được tình trạng băng huyết, chảy máu nhiều sau sinh và hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa.
- Rau thì là: Chứa các hợp chất như anethole, dianethole và photoanethole giúp kích thích sự sản xuất estrogen và prolactin – cần thiết để tạo sữa mẹ.
- Một số loại rau như cải xanh, cải xoăn, cải cúc, cải bó xôi, măng tây không những tốt cho tiêu hóa, lợi sữa mà còn chống oxy hóa, giải nhiệt, tốt cho huyết áp và hệ thần kinh, đẹp da, giảm cân cho phụ nữ sau sinh.
Sau sinh nên ăn hoa quả gì?
Sau sinh, hoa quả là loại thực phẩm rất giàu vitamin và các chất cần thiết, lại an toàn với các mẹ. Sau khi sinh 3-4 ngày các bà mẹ đều có thể ăn trái cây ngay, tuy nhiên chỉ nên ăn những loại trái cây cần thiết và tránh những loại trái cây không nên ăn. Vậy, bạn đã biết những loại quả nào nên sử dụng, tốt cho sức khỏe của mẹ sau sinh?
- Bưởi, cam, quýt: Bổ sung nhiều vitamin C và canxi giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu, băng huyết ở sản phụ, cải thiện vết mổ nhanh lành, chống viêm, chống oxy hóa. Fitogen giúp làm đẹp da và làm tiêu mỡ, hạ cholesterol, chứa axit hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tránh tăng cân, táo bón.
- Chuối tiêu: Chuối tiêu cứu cánh cho tình trạng táo bón sau sinh. Chuối có chứa hàm lượng lớn Xenlulozơ và sắt, tác dụng hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hoá, bổ máu, tăng lượng sắt có trong sữa mẹ, giúp phòng tránh hiện tượng thiếu máu ở trẻ sơ sinh.
- Quả sung: Theo Đông y, trong quả sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu viêm, sát trùng, bổ huyết, lợi sữa cho các mẹ sau sinh.
- Sơn trà: Sau sinh, sức khỏe các mẹ còn yếu, hệ tiêu hóa kém, không muốn ăn, miệng khô. Sử dụng quả sơn trà giúp kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hoá tốt hơn. Ngoài ra, sơn trà chứa lượng lớn axit Citric và Maslinic giúp hoạt huyết, lưu thông máu tốt, đào thải được lượng máu đọng bên trong cổ tử cung, tốt cho sự co bóp của tử cung, giảm đau hiệu quả.
- Dưa hấu: Chứa nhiều kali, vitamin C, canxi cũng như nhiều khoáng chất quan trọng, giúp giải nhiệt, lợi tiểu, hơn nữa rất tốt cho quá trình phục hồi và tái tạo làn da.
- Long nhãn: Theo Đông y, long nhãn vị ngọt, tính bình, không độc, là loại quả tốt cho việc bổ huyết dưỡng tì. Sản phụ bị suy nhược sau sinh, ăn một lượng long nhãn tươi hoặc long nhãn khô thích hợp, vừa có thể bổ khí cho tì vị, vừa giúp bổ máu.
- Đu đủ: Đu đủ chứa nhiều chất khoáng và các vitamin, sắt, kẽm, chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ sau sinh, nhuận tràng, tránh táo bón, giúp tăng sức đề kháng, bổ máu, hoạt huyết và tốt cho sự co bóp, phục hồi của tử cung.
- Táo: Táo rất giàu dinh dưỡng, bổ sung vào cơ thể rất nhiều dưỡng chất tốt: 3g chất xơ, 15% hydro carbon, vitamin A, C và E. Lượng kali, chất chống oxy hóa, canxi có nhiều trong táo còn giúp tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cảm cúm.
- Quả na: Quả na nằm trong danh sách những thực phẩm tốt cho bà bầu vì là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, hỗ trợ tiêu hóa tốt, giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu ở sản phụ, tốt cho quá trình phục hồi.
- Vú sữa: Chứa nhiều vitamin A, B1, B2, B3 và C, đặc biệt là glucid, protein, calcium, chất xơ, sắt và lipid, vú sữa giúp tăng cường vitamin cho cơ thể và cải thiện lượng sữa đáng kể cho người mẹ.
Phụ nữ sau sinh nên kiêng gì?
Sau sinh kiêng gì, ăn gì, bên cạnh những loại thực phẩm nên bổ sung vào khẩu phần ăn mỗi ngày, các mẹ bỉm cũng cần một chế độ kiêng khem với những nhóm thực phẩm có hại. Cụ thể như:
- Nhóm đồ uống có cồn, chất kích thích như rượu, bia, cafe.
- Nhóm thực phẩm có tính hàn lạnh, tươi sống: Hải sản (nghêu, sò, ốc, hến…) ảnh hưởng đến chất lượng sữa của người mẹ, hệ tiêu hóa của mẹ và bé, không tốt cho con khi bú sữa.
- Một số trái cây mang tính hàn: Dưa hấu, khổ qua, nước dừa.
- Thức ăn lạnh: Kem, sữa chua ướp lạnh, nước ướp lạnh…Những thực phẩm này dễ gây hư hàn, lạnh bụng, đầy hơi và có thể gây tiêu chảy cho cả mẹ và bé.
- Nhóm thực phẩm có gia vị cay, nóng: Dễ gây nhiệt, huyết ứ, tuần hoàn máu kém, táo bón, các vấn đề về dạ dày đồng thời ảnh hưởng đến sự co bóp của tử cung, gây ra những cơn đau. Những thực phẩm này, qua đường sữa sẽ gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ, táo bón, đau bụng, nổi mụn nhọt, quấy khóc,…
- Nhóm thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ: Khoai tây chiên, xúc xích rán, gà rán, nem rán, mì tôm, bim bim…
- Một số loại hoa quả sinh nhiệt như bơ, sầu riêng, mít,…có thể làm rối loạn tuần hoàn máu, gây huyết ứ, bốc hỏa, nóng trong, khó chịu, dịch tiết âm đạo nhiều.
Hy vọng với những lưu ý trên về chế độ ăn uống sau sinh, các mẹ sẽ có thêm thông tin để áp dụng vào khẩu phần ăn mỗi ngày. Việc chăm sóc sức khỏe sau sinh là rất quan trọng, chế độ ăn cho các mẹ bỉm cần được quan tâm và hỗ trợ từ những người thân trong gia đình, tạo điều kiện phục hồi tốt nhất.
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!