Các Phương Pháp Chẩn Đoán Xác Định U Xơ Tử Cung
Các phương pháp chẩn đoán xác định u xơ tử cung gồm kiểm tra triệu chứng, khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán phân biệt các bệnh lý khác. Quá trình này sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện, xác định chính xác bệnh lý và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Từ đó đề ra phác đồ điều trị và áp dụng các phương pháp thích hợp, giúp rút ngắn thời gian chữa bệnh, phòng ngừa phát sinh rủi ro không mong muốn.
U xơ tử cung là bệnh gì?
U xơ tử cung là những khối u lành tính hình thành và phát triển trong cổ tử cung. Chúng thường tập trung ở trên thành cơ tử cung hoặc trong thành cơ tử cung. Sự hình thành của những khối u xơ tử cung sẽ diễn ra khi một tế bào cơ trơn trong tử cung phân chia nhiều lần, phát triển bất thường trở thành một khối đàn hồi, dẫn tách khỏi phần còn lại của thành tử cung và vững chắc. Có thể xuất hiện một khối u xơ hoặc nhiều khối u xơ với các kích thước rất khác nhau.
U xơ tử cung xuất hiện với 3 loại gồm:
- U xơ dưới thanh mạc: U xơ dưới thanh mạc được xác định là loại u xơ phát triển từ tử cung và có xu hướng hướng ra ngoài.
- U xơ trong vách (u kẽ): U xơ trong vách là loại u xơ phát triển từ trong thành tử cung. Loại u xơ này có khả năng khiến tử cung to lên.
- U xơ dưới niêm mạc: U xơ dưới niêm mạc là loại u xơ hình thành và phát triển trong nội mạc tử cung. Loại u xơ này có thể chèn ép làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bệnh nhân. Ngoài ra những người bị u xơ dưới niêm mạc sẽ có khả năng bị sảy thai và vô sinh.
Nguy cơ mắc bệnh u xơ cổ tử cung thường tăng theo độ tuổi. U xơ khá lành tính và thường không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên khối u xơ có thể gây đau nặng bụng và xuất huyết tử cung bất thường. Ở một số trường hợp khác, bệnh nhân có thể bị vô sinh hiếm muộn, khối u xơ cơ có kích thước quá to chèn ép những cơ quan khác trong ổ bụng hoặc khối u bị nhiễm trùng, bị hoại tử.
Thông thường sự hình thành của một khối u xơ tử cung có thể được phát hiện thông qua những triệu chứng lâm sàng hoặc/ và kết quả siêu âm. Tuy nhiên một số trường hợp có hình ảnh học không rõ ràng hoặc không có triệu chứng lâm sàng gây khó khăn trong việc phân biệt u xơ tử cung với những bệnh cảnh khác. Đối với trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định những kỹ thuật cận lâm sàng cao cấp hơn để có thể chẩn đoán và điều trị đúng.
Các phương pháp chẩn đoán xác định u xơ tử cung
Thông thường bệnh nhân sẽ được chẩn đoán u xơ cổ tử cung thông qua quá trình kiểm tra triệu chứng, khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán phân biệt.
1. Chẩn đoán triệu chứng
Đối với những trường hợp khối u xơ tử cung xuất hiện với kích thước nhỏ, bệnh nhân thường không cảm nhận được triệu chứng hoặc không có triệu chứng gì đặc biệt. Điều này khiến người bệnh không thể phát hiện ra khối u xơ hoặc tình cờ phát hiện khối u khi khám các bệnh lý khác hoặc khám sức khỏe định kỳ.
Sau khi khối u xơ tử cung phát triển với kích thước lớn hơn, những triệu chứng sẽ xuất hiện rõ rệt hơn, giúp dễ dàng chẩn đoán, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt
Khối u xơ tử cung khiến kinh nguyệt ra nhiều hơn, bệnh nhân thường bị rong kinh, rong huyết. Ngoài ra người bệnh có thể ra máu kinh nguyệt bất thường (máu ngoài kỳ kinh).
- Chèn ép và gây đau
Khối u xơ phát triển với kích thước lớn làm tăng áp lực lên bàng quang. Từ đó dẫn đến tình trạng táo bón, nặng bụng, đái rắt, bí tiểu… Ngoài ra một số cơ quan lân cận khác cũng bị chèn ép và tạo ra nhiều triệu chứng khó chịu. Cụ thể khối u chèn ép lên đại tràng gây táo bón, khối u chèn ép lên tĩnh mạch dưới chủ dẫn đến huyết khối hoặc phù…
Đối với những trường hợp có khối u bị thoái hóa, xoắn một khối u xơ có cuống hoặc do nhiễm trùng, người bệnh sẽ có cảm giác đau và khó chịu. Nếu phát triển quá lớn, u xơ tử cung có thể khiến bụng to ra và gây đau nặng vùng hạ vị.
- Ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc khả năng sinh sản
Khối u xơ tử cung phát triển với kích thước lớn có thể làm biến dạng tử cung hoặc chiếm chỗ buồng tử cung dẫn đến hiếm muộn, làm tăng khả năng sảy thai và làm giảm khả năng mang thai.
Nếu bị u xơ tử cung khi mang thai, khối u xơ phát triển lớn có thể tạo ra nhiều bất lợi cho sản phụ và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi. Cụ thể thai phụ có thể sinh non, tăng tần suất mổ sanh, ngôi thai bất thường, thai chậm phát triển trong tử cung hoặc nhau bong non.
2. Khám lâm sàng
Sau khi kiểm tra triệu chứng, người bệnh sẽ được khám lâm sàng, kiểm tra âm đạo, âm hộ và cổ tử cung, kiểm tra tổng thể.
- Người bệnh có thể bình thường, không có biểu hiện bất thường bên ngoài hoặc có biểu hiện thiếu máu, sắc mặt nhợt nhạt.
- Tử cung to và chắc, kiểm tra thấy mật độ không đều, khối u di động theo cổ tử cung.
- Khối u xơ tử cung bị thoái hóa hoặc hoại tử gây ra những triệu chứng phúc mạc.
3. Khám cận lâm sàng
Thông thường khối u xơ tử cung sẽ được phát hiện ngẫu nhiên thông qua quá trình khám phụ khoa định kỳ hoặc thông qua kết quả siêu âm tổng quát hay siêu âm phụ khoa.
Khám cận lâm sàng thường được thực hiện với những kỹ thuật sau:
- Siêu âm: Siêu âm là một trong các phương pháp chẩn đoán xác định u xơ tử cung thường được thực hiện. Phương pháp này có khả năng chẩn đoán xác định khối u xơ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành siêu âm bụng hoặc siêu âm phụ khoa qua ngã âm đạo để kiểm tra tử cung, đo kích thước và xác định vị trí của khối u xơ tử cung. Ngoài ra để đánh giá tính chất tưới máu của khối u giúp phân biệt u xơ với những nguyên nhân khác, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện siêu âm Doppler.
- Xét nghiệm máu: Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng bất thường như xuất huyết tử cung không rõ nguyên nhân, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng và xét nghiệm nguyên nhân nếu có. Trong đó tổng phân tích tế bào máu là kỹ thuật thường được sử dụng. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ chuyên khoa xác định biến chứng mất máu xảy ra do thiếu máu kéo dài hoặc tìm kiếm các bệnh nội tiết như bệnh tuyến giáp hay những nguyên nhân rối loạn đông cầm máu.
Trong trường hợp cần phân biệt u xơ tử cung với những nguyên nhân khác hoặc kết quả siêu âm không cung cấp đủ thông tin cần thiết, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh học cao cấp hơn. Cụ thể như:
- Cộng hưởng từ: Kết quả từ phương pháp cộng hưởng từ (Magnetic resonance imaging- MRI) có thể giúp bác sĩ chuyên khoa rõ hơn về vị trí và kích thước của u xơ tử cung, phân biệt u xơ tử cung với những khối u khác, đồng thời giúp bác sĩ quyết định phương pháp chữa trị. Cộng hưởng từ thường được áp dụng cho những người phụ nữ tiền mãn kinh hoặc có tử cung lớn.
- Siêu âm bơm nước buồng tử cung: Siêu âm bơm nước buồng tử cung là phương pháp bơm nước muối và trong lòng tử cung, từ đó làm căng buồng tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát các khối u xơ phát triển dưới niêm mạc. Đồng thời giúp xác định vị trí chính xác của khối u so với những lớp cơ tử cung.
- Chụp tử cung – vòi trứng cản quang: Chụp tử cung – vòi trứng cản quang là phương pháp sử dụng chất cản quang để hỗ trợ làm rõ hình ảnh của vòi trứng và buồng tử cung trên phim X-quang. Thông thường phương pháp chẩn đoán này sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân có vấn đề liên quan đến tình trạng vô sinh hiếm muộn. Phương pháp chụp tử cung – vòi trứng cản quang giúp bác sĩ nhìn thấy được những u xơ cơ dưới niêm và sự thông thương của vòi trứng.
- Nội soi buồng tử cung: Nội soi buồng tử cung là một trong những xét nghiệm u xơ cơ tử cung thường được sử dụng. Đối với phương pháp này, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một ống nội soi nhỏ, đặt ống này qua âm đạo và cổ tử cung để quan sát rõ hơn buồng tử cung. Sau đó một lượng khí CO2 hoặc nước muối sinh lý sẽ được bơm vào buồng tử cung khiến khu vực này căng lên và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát.
4. Chẩn đoán phân biệt
Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán u xơ tử cung tương đối rõ ràng. Dựa vào những thông tin cơ bản như triệu chứng lâm sàng, tiền sử mắc bệnh, hình ảnh siêu âm và kết quả từ những xét nghiệm khác có thể giúp bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán xác định, đồng thời đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất. Tuy nhiên nếu hình ảnh xét nghiệm không điển hình, một số chẩn đoán phân biệt sẽ được đặt ra bao gồm:
- Sarcoma thân tử cung (leiomyosarcoma): Sarcoma thân tử cung thực chất là một khối u ác tính nhưng khối u này rất hiếm khi xuất hiện. Hiện tại vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào có thể xác định liệu Sarcoma thân tử cung có phát triển từ một khối u xơ tử cung hay không. Tuy nhiên khối u xơ tử cung xuất hiện sau khi đã mãn kinh hoặc đột ngột gia tăng kích thước có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho tiềm năng ác tính.
- Những u cơ trơn chưa xác định lành hay ác (smooth tumours of uncertain malignant potential STUMP): Những u cơ trơn chưa xác định lành hay ác là một dạng trung gian giữ những u xơ tử cung lành tính và những Sarcoma thân tử cung xuất hiện với tiên lượng xấu.
- Polype nội mạc tử cung: Polype nội mạc tử cung chính là một hiện tượng phát triển quá mức của những mô đệm và tế bào tuyến hình thành một khối u có cuống nhô vào lòng tử cung.
- Bệnh tuyến – cơ tử cung (Adenomyosis): Bệnh tuyến – cơ tử cung là hiện tượng những mô tuyến nội mạc tử cung bị lạc và phát triển trong lớp cơ tử cung. Bệnh lý này xuất hiện cùng với một số dấu hiệu tương tự như u xơ tử cung. Cụ thể như làm tăng kích thước và gây biến dạng tử cung. Tuy nhiên phương pháp điều trị của hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Vấn đề thường gặp nhất của bệnh tuyến – cơ tử cung là hiếm muộn và thống kinh (đau bụng kinh). Ngoài ra Adenomyosis cũng có thể gây ra tình trạng xuất huyết tử cung bất thường.
- Nguyên nhân ác tính khác: Đối với những bệnh nhân sau độ tuổi mãn kinh có dấu hiệu xuất huyết tử cung bất thường, người bệnh cần tiến hành loại trừ những nguyên nhân ác tính khác như ung thư cổ tử cung và ung thư nội mạc tử cung trước khi nghĩa đến xuất huyết huyết do khối u xơ tử cung.
5. Những thông tin cần cung cấp cho bác sĩ
Khi đến bệnh viện và tiến hành khám bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh u xơ tử cung, bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin một cách chi tiết. Điều này sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán bệnh lý.
Những vấn đề thường được đề cập gồm:
- Tiền sử mắc bệnh của bản thân, tình trạng sức khỏe và những loại thuốc đang sử dụng.
- Tiền sử sản khoa, cụ thể người bệnh đã có bao nhiêu con, các phương pháp sinh đã được áp dụng.
- Tính chất của chu kỳ kinh nguyệt.
- Tiền sử mắc bệnh phụ khoa, liệt kê chi tiết các bệnh lý, kiểm tra giấy tờ xét nghiệm, giấy tờ khám phụ khoa và đơn thuốc cũ khi đi khám.
- Tính chất của những triệu chứng đang gặp phải, cụ thể mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng, triệu chứng xuất hiện từ bao giờ, triệu chứng tiến triển và diễn biến nặng hơn như thế nào, những triệu chứng khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng như thế nào.
- Tiền sử gia đình, bao gồm tiền căn các bệnh phụ khoa của chị em gái và của mẹ (nếu có).
Ngoài ra trong quá trình thăm khám người bệnh cũng cần được cung cấp những thông tin liên quan đến bệnh u xơ cổ tử cung, điển hình như triệu chứng, tính chất, mức độ nghiêm trọng. Chính vì thế bạn cần chủ động hơn trong việc hỏi bác sĩ chuyên khoa về vị trí, số lượng của khối u xơ tử cung, mức độ nguy hiểm cũng như những ảnh hưởng của u xơ đối với sức khỏe.
Bên cạnh đó bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về dự định có con và những dự định khác trong tương lai. Đồng thời trao đổi thông tin về những phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Trên đây là các phương pháp chẩn đoán xác định u xơ tử cung cần được thực hiện. Các phương pháp chẩn đoán này có thể giúp bác sĩ kiểm tra bệnh lý, xác định khối u (tính chất, kích thước, vị trí) và nguyên nhân gây bệnh. Từ đó tìm hướng điều trị thích hợp. Vì thế nếu có nghi ngờ bị u xơ tử cung hoặc phát hiện những triệu chứng bất thường, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được áp dụng các phương pháp chẩn đoán xác định u xơ tử cung.
Ngày Cập nhật 07/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!