Polyp trực tràng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Polyp trực tràng ở trẻ em là một trong những bệnh lý khá phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Việc tìm ra nguyên nhân, triệu chứng của bệnh là giải pháp tốt nhất để cha mẹ có thể phòng ngừa cũng như điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả, an toàn cho con.
Polyp trực tràng ở trẻ em là gì?
Polyp trực tràng được hình hành ở chính niêm mạc trực tràng do sự tăng sinh quá mức của các tế bào tại bộ phận này. Từ đó, hình thành các khối u nhỏ, có thể phẳng hoặc hình thành giống bông cải xanh.
Thông thường các khối polyp đều lành tính. Tuy nhiên, cũng có một số polyp sau nhiều năm tăng trưởng, trung bình khoảng 10 năm có thể chuyển biến thành ung thư trực tràng.
Đối tượng trẻ em có tỷ lệ mắc polyp trực tràng nhiều nhất trong khoảng từ 4 – 7 tuổi, các bé trai bị nhiều hơn bé nữ, chiếm từ 1 – 5% tổng số người mắc bệnh polyp trực tràng.
Triệu chứng bệnh polyp trực tràng ở trẻ em
Căn bệnh này với những biểu hiện dễ nhận biết, do đó cha mẹ hãy chú ý quan tâm và để ý đến con. Nếu phát hiện những dấu hiệu dưới đây thì khả năng con bị polyp trực tràng là rất cao.
1. Đi ngoài phân lỏng
Khi mắc polyp trực tràng sẽ gây kích ứng đối với hệ tiêu hóa. Vì thế, có thể xuất hiện tình trạng tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng ở trẻ. Tình trạng đi ngoài phân lỏng ở trẻ kéo dài liên tục trong nhiều ngày.
2. Polyp trực tràng ở trẻ nhỏ gây đau bụng
Ngoài tình trạng đi ngoài, trẻ còn xuất hiện những cơn đau bụng, gây khó chịu, đau thắt. Nếu các polyp có kích thước lớn còn gây cản trở đến hoạt động của đường ruột, thậm chí làm đường ruột bị tắc. Vì thế vừa gây đau bụng vừa làm trẻ mót rặn và việc đi vệ sinh gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ, gây tác động xấu đến học tập, sinh hoạt của trẻ.
3. Đi ngoài phân lẫn máu
Polyp trực tràng ở trẻ có biểu hiện dễ nhận thấy chính là đi ngoài phân lẫn máu. Hầu hết, trẻ mắc bệnh này đều có biểu hiện máu tươi nhỏ giọt cuối bãi; chỉ có một số ít trẻ đi ngoài phân nhầy lẫn máu.
Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ khiến trẻ bị mất máu nghiêm trọng, gây ra tình trạng xanh xao, mệt mỏi. Thậm chí nguy hiểm hơn còn đe dọa đến tính mạng của trẻ. Do đó, cha mẹ cần hết sức chú ý đến những triệu chứng bất thường của con để đưa con đi thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh polyp trực tràng ở trẻ em
Đến nay, các bác sĩ chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh polyp đại tràng. Tuy nhiên, theo như nhiều nghiên cứu thì những tác nhân dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có bố mẹ hoặc ông bà, anh chị em từng mắc bệnh polyp trực tràng thì các bé sinh ra sẽ có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn.
- Chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, dung nạp quá nhiều chất béo, thịt đỏ, ăn ít rau xanh, trái cây…
- Yếu tố cơ địa ở trẻ, trẻ mắc các viêm nhiễm về đường tiêu hóa.
- Những trẻ bị béo phì, tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn…
Chẩn đoán polyp trực tràng ở trẻ em như thế nào?
Các triệu chứng của polyp trực tràng thường khiến cha mẹ nhầm lẫn với những bệnh khác như dạ dày, bệnh trĩ. Do đó, để phát hiện chính xác trẻ có bị polyp trực tràng hay không, cha mẹ nên cho con đi thăm khám khi thấy xuất hiện những triệu chứng trên. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám bằng một số phương án sau để chẩn đoán trẻ có bị polyp trực tràng hay không:
- Tiến hành nội soi đại trực tràng: Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện có khối polyp thì sẽ được loại bỏ ngay.Sau đó, khối polyp sẽ đem đi sinh thiết để xác định xem đây là khối u lành tính hay ác tính.
- Chụp CT: Phương pháp này sẽ giúp phát hiện đại tràng, trực tràng dưới dạng 2 và 3 chiều. Từ đó, các bác sĩ sẽ biết được đại trực tràng có các khối polyp, có bị loét hay viêm sưng không.
- Soi đại tràng sigma: Phương pháp này thực hiện giống với nội soi đại trực tràng. Tuy nhiên, soi đại tràng sigma chỉ cho phép kiểm tra có khối polyp ở trực tràng và đại tràng dưới. Nếu phát hiện polyp thì phương pháp này không thể loại bỏ ngay khối polyp nên không thể làm sinh thiết được.
- Kiểm tra phân: Nếu phân của trẻ xuất hiện máu, bác sĩ có thể tiến hành phân tích các vi thể có trong phân để xác định trẻ có bị polyp trực tràng hay không.
Điều trị polyp trực tràng ở trẻ như thế nào?
Các bác sĩ sẽ căn cứ vào số lượng, kích thước, tính chất lành tính hay ác tính của các polyp trực tràng để đưa ra phương án điều trị thích hợp. Cụ thể như sau:
- Trường hợp các khối polyp trực tràng nhỏ, số lượng ít và lành tính, bác sĩ sẽ tiến hành cắt ngay trong quá trình nội soi mà không phải phẫu thuật.
- Trường hợp, các khối polyp có kích thước lớn hoặc số lượng polyp nhiều nhưng lành tính, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Sẽ có 50 – 60 khối polyp bị loại bỏ sau mỗi lần phẫu thuật. Khi loại bỏ hết thì trẻ sẽ khỏi bệnh.
- Trường hợp, các khối polyp số lượng nhiều hoặc kích thước lớn và ác tính. Sau mỗi lần phẫu thuật loại 50 – 60 khối, trẻ cần được theo dõi để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Lưu ý: Sau khi phẫu thuật, cha mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong việc cho trẻ uống các loại thuốc như giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc chống co thắt…. Đặc biệt, cần hạn chế cho trẻ vận động và không cho trẻ ăn thức ăn quá cứng.
Phòng bệnh polyp trực tràng ở trẻ ra sao?
Để ngăn chặn và phòng ngừa bệnh polyp trực tràng ở trẻ nhỏ, cha mẹ hãy chú ý tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Tích cực cho trẻ sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, sữa chua, trứng, gan, cá, phô mai…
- Hạn chế cho con sử dụng các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều mỡ…
- Khích lệ và hình thành thói quen đi bộ, chạy bộ hoặc luyện tập thể chất mỗi ngày 30 phút.
- Cho con kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Như vậy, với những thông tin trên đây, các bạn đã hiểu hơn về bệnh polyp trực tràng ở trẻ em cũng như cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Hi vọng, cha mẹ sẽ có thêm thông tin để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của con yêu tốt nhất.
Ngày Cập nhật 04/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!