Rau Răm - Tác Dụng, Tác Hại Và Cách Ăn Rau Răm Đúng Cách
Rau răm được sử dụng chữa đầy hơi, nhiễm lạnh, vết thương do rắn cắn, nước ăn tay chân và nhiều công dụng khác. Tuy nhiên dù là loại gia vị khá phổ biến nhưng không phải ai cũng có thể dùng loại rau này. Đồng thời, việc sử dụng thế nào cho đúng cách vẫn là mối băn khoăn của nhiều người.
Tổng quan về đặc điểm của cây rau răm
Rau răm (Persicaria odorata) là loài thực vật thân đốt, cao khoảng 40cm. Nó còn có tên gọi khác là thủy liễu. Cây thích sống trong môi trường ẩm, phát triển mạnh ở gần bờ ao hoặc sông. Nó có khả năng thoát nước tốt nhưng không chịu được môi trường quá lạnh hoặc quá nóng.
Lá cây thủy liễu hình mác, mọc so le và cuốn ngắn. Lá có màu xanh sẫm ở mặt trên và màu nhạt hơn ở mặt dưới. Gân lá song song. Hoa có màu tím nhạt và mọc thành chùm. Quả nhỏ, hai đầu nhọn và nhẵn.
Tinh dầu tập trung ở lá. Khi nghiên cứu về thành phần của loại tinh dầu này, các nhà khoa học tìm thấy các aldehyd chuỗi dài, decanol và sesquiterpene. Xét về tính vị, rau răm có tính ấm và vị cay.
Công dụng của rau răm với sức khỏe và các bài thuốc chữa bệnh
Rau răm thường được sử dụng làm gia vị nấu ăn vì có mùi thơm dễ chịu. Trong Đông y, đây còn là một vị thuốc chữa bệnh. Khi dùng làm dược liệu, người ta dùng cả cây dạng tươi hoặc phơi khô. Nó được sử dụng một cách riêng lẻ hoặc phối hợp cùng các vị thuốc khác dùng ngoài da hoặc sắc lấy nước uống.
Về tổng thể, tác dụng của rau răm là chống viêm, tiêu độc, kích thích tiêu hóa và trừ phong hàn. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh số bệnh hoặc triệu chứng như:
Rau răm chữa đầy hơi, trướng bụng và tiêu hóa khó khăn
Lấy một nắm lá rau răm còn tươi giã nát, có thể thêm vào đó một ít muối. Vắt lấy nước cốt uống. Phần bã đắp lên bụng và xoa nhẹ nhàng quanh rốn.
Chữa hắt hơi và sổ mũi do cảm cúm với rau răm
Có hai cách:
+Giã nát một nắm lá rau răm với 3 lát gừng rồi chắt lấy nước uống. Hai nguyên liệu dùng ở dạng tươi;
+Kết hợp 20g rau răm ở dạng khô với các vị thuốc Đông y gồm: tía tô (20g); kinh giới, xương bồ (mỗi loại 16g); xuyên khung, bạch chỉ và thiên niên kiện (mỗi vị 10g). Mang các nguyên liệu này sắc lấy nước uống.
Dùng rau răm chữa vết thương do rắn cắn
Lấy nước cốt rau răm tươi sau khi giã nát cho người bị rắn cắn uống. Phần bã đắp lên vết thương rồi dùng vải sạch hoặc gạc y tế băng lại. Đây chỉ là cách khống chế chất độc tạm thời. Sau bước xử lý sơ bộ này, người bị rắn cắn cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Rau răm chữa tiêu chảy do bị nhiễm lạnh
Bạn sẽ dùng rau răm dạng khô kết hợp cùng một số thảo dược Đông y sắc lấy nước uống. Đổ nước ngập các nguyên liệu và sắc đến khi còn khoảng 1 chén nước thì dừng lại. Bài thuốc chữa tiêu chảy do nhiễm lạnh gồm: rau răm và kinh giới (mỗi loại 16g); bạch truật, lương khương (mỗi thứ 12g); 10g quế và 4g gừng nướng.
Trị nước ăn chân với rau răm
Giã rau răm tươi lấy nước cốt. Dùng nước này chấm vào chỗ da bị nước ăn. Mỗi ngày thực hiện 2 lần. Trong quá trình điều trị, bạn cần giữ cho chân được khô ráo. Mục đích là tránh bội nhiễm và nâng cao hiệu quả chữa trị.
Dùng rau răm chữa mụn nhọt đang sưng nóng
Đắp rau răm tươi sau khi đã giã nhuyễn cùng với muối. Nên dùng gạc y tế cố định lại vị trí bị mụn nhọt với rau răm. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Cách điều trị này hiệu quả trong cả những trường hợp bị áp-xe ở giai đoạn đầu. Nó không những giúp giảm sưng mà còn tiêu độc và giúp máu lưu thông tốt hơn.
Một số tác dụng khác của rau răm chưa được chứng minh rõ ràng
Ngoài những công dụng đã được khoa học chứng minh, còn một vài công dụng khác của rau răm đang được làm rõ. Nó chủ yếu đến từ những lời truyền miệng trong dân gian.
Giải quyết vấn đề có thai ngoài ý muốn
Những bậc cao niên cho rằng rau răm có thể giúp những cô gái chưa sẵn sàng làm mẹ giải quyết chuyện mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, cách này chỉ có hiệu quả trong trường hợp chậm kinh khoảng 1 tuần. Tỷ lệ thành công được nhiều người ước tính có thể lên đến 80%.
Cách dùng đơn giản là giã lấy nước cốt uống ở dạng tươi. Tuy nhiên liều dùng 1 lần lên đến 500g. Trong trường hợp phá thai thành công thì cách thức này cũng gây rất nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Cụ thể, nó có thể dẫn đến một số tình trạng như: rối loạn nội tiết tố, nóng trong người, da nổi mụn, thậm chí có thể tổn thương đến dạ dày, thận và gan.
Chữa đau tim, say nắng, ghẻ lở và tê bại
- Chữa những cơn đau tim bất chợt: Sắc lấy nước uống 30g rễ rau răm. Khi uống cho vào thêm 1 chén rượu;
- Khắc phục tình trạng say nắng vào mùa hè: Đun sôi nước cốt rau răm sau khi giã nát ở dạng tươi rồi uống;
- Chữa tình trạng kém ăn: Dùng 10 – 12g rau răm ở dạng khô sắc lấy nước uống sau bữa ăn.
- Chữa ghẻ lở và hỗ trợ điều trị bệnh sâu quảng: Mang cây rau răm dạng khô ngâm rượu trong khoảng 1 tuần. Dùng rượu này bôi lên vết thương. Hoặc dùng thân cây dạng tươi sau khi đã giã nát đắp ngoài da.
- Chữa tê bại: Trộn rau răm tươi (sau khi đã giã nát) với dầu hoặc cồn long não rồi xoa vào vị trí bị tê. Cách này cũng có hiệu quả với vết thương bị bầm tím.
Tác hại của rau răm
Phân tích về thành phần hóa học của rau răm, các nhà khoa học cho biết loại rau này không có độc. Tuy nhiên, tính ấm nóng của nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu dùng thường xuyên và với liều lượng nhiều.
Bên cạnh đó, những đối tượng sau đây không được ăn rau răm:
- Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt: Dễ gây rong kinh;
- Phụ nữ đang mang thai: Nguy cơ sảy thai;
- Những người có máu nóng (da khô, sờ vào người thấy nóng, hơi thở nóng, dễ chảy máu răng…); thể trạng ốm yếu, hấp thụ dinh dưỡng kém: Hạn chế ăn.
Lưu ý để ăn rau răm đúng cách
Trong chế biến món ăn hay nguyên liệu chữa bệnh, mỗi ngày bạn không nên dùng quá 30g rau răm dạng khô và 100g dạng tươi. Ngoài ra, bạn nên kết hợp với các thực phẩm có tính hàn hoặc uống nhiều nước bởi đây là loại rau có tính ấm nóng.
Các món ăn nên ăn kèm với rau răm để cân bằng âm dương và nóng lạnh là: trứng vịt lộn; thịt dê nấu cháo; lẩu cá kèo; các loại nghêu, sò, ốc, hến khi nấu cháo; chả rươi; bún thang Hà Nội; canh thịt bò và các món gỏi.
Ngày Cập nhật 07/09/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!