Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) được biết đến là dạng rối loạn lo âu nghiêm trọng nhất khi bệnh nhân lo lắng thường xuyên một cách mất kiểm soát và cũng không biết rõ nguyên nhân. GAD không loại trừ bất cứ đối tượng nào, trong khi đó, lại có rất ít người hiểu rõ những thông tin về triệu chứng, nguyên nhân gây ra cũng như biện pháp điều trị. Hãy cùng tìm hiểu tổng quan về GAD trong bài viết sau.
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?
Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder) là một dạng rối loạn cảm xúc khá phổ biến trên thế giới. Bệnh này đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức với xác suất thường xuyên mà không rõ nguyên nhân. Người bệnh cũng khó kiểm soát cảm xúc của mình và điều này làm giảm chất lượng cuộc sống của họ.
Đối với người bình thường, cảm xúc lo lắng xảy ra do một số tình huống rõ ràng trong cuộc sống và sau khi giải quyết vấn đề, lo lắng sẽ chấm dứt. Ngược lại, đối với bệnh nhân mắc rối loạn lo âu lan tỏa, lo lắng lại không thực tế hoặc xa vời hiện thực.
Vì cũng không rõ lý do để giải quyết, lo lắng vẫn luôn thường trực và thậm chí xuất hiện nhiều hơn. Kết quả là sự mất kiểm soát cảm xúc lẫn hành vi và trở thành rào cản lớn trong cuộc sống.
Hiện nay, ước tính có khoảng 3% dân số thế giới mắc rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Tình trạng bệnh lý này có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và độ tuổi thanh thiếu niên.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Nguyên nhân của chứng GAD tương tự với nguyên nhân của rối loạn lo âu. Các nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phát hiện ra nhiều yếu tố tác động làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu lan tỏa.
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lo âu lan tỏa là:
- Yếu tố di truyền: GAD được nghiên cứu là có khả năng di truyền qua ADN. Cha mẹ và anh em ruột mắc rối loạn lo âu lan tỏa thì khả năng cao bản thân cũng mắc phải GAD. Nghiên cứu di truyền của những bệnh nhân GAD cho thấy yếu tố di truyền ảnh hưởng từ 30 – 40% đến sự phát triển rối loạn lo âu. Bên cạnh đó, biện pháp nuôi dạy con cái cũng liên quan đến GAD phần nào vì cha mẹ có thể gây ra những căng thẳng cho con.
- Rối loạn sinh hóa hệ thống thần kinh: Các chất dẫn truyền thần kinh gặp vấn đề khiến việc truyền thông tin giữa các dây thần kinh cảm xúc không hoạt động hiệu quả, có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu lan tỏa. Ngoài ra, một số vùng của não như thùy và vỏ não trước (làm trung gian xử lý các kích thích liên quan đến nỗi lo lắng, sợ hãi) bị giảm hoạt hóa sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh GAD.
- Trải qua sang chấn tâm lý: Các tổn thương, ám ảnh trong quá khứ bao gồm bị bỏ rơi, ngược đãi, lạm dụng tình dục, chứng kiến cái chết của người thân yêu,…có thể góp phần tăng các triệu chứng của GAD.
- Lạm dụng hoặc cai nghiện chất kích thích: lạm dụng quá nhiều hoặc bắt đầu cai nghiện chất kích thích (rượu, caffeine, thuốc lá,…) có thể khiến rối loạn lo âu lan tỏa trở nên trầm trọng hơn.
- Một số bệnh mãn tính: chẳng hạn như viêm khớp gây đau đớn, khó sinh hoạt cũng khiến bệnh nhân ngày càng căng thẳng, lo lắng, phát triển nhanh các triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa.
Thực tế, ở bất kỳ thời điểm nào trong đời, con người có tỷ lệ phát triển chứng rối loạn lo âu lan tỏa khoảng 9%. GAD cũng được phát hiện ở phụ nữ nhiều hơn gấp đôi so với nam giới. Nguyên nhân có thể đến từ hoạt động của hormone tính dục trong cơ thể liên quan đến việc phụ nữ luôn lo lắng nhiều hơn.
Các triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất chính là tâm trạng lo lắng, sợ hãi tới mức mất kiểm soát và kéo dài trên 6 tháng. Bệnh nhân GAD còn có thể phải đối mặt với nhiều dạng rối loạn kèm theo, bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ và ám ảnh xã hội,…
Các triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa là:
- Lo lắng và sợ hãi dồn dập, thường xuyên giật mình.
- Ảo tưởng, nhìn nhận vấn đề thiếu thực tế.
- Không thể gạt vấn đề sang một bên.
- Do dự và sợ khi đưa ra quyết định.
- Bồn chồn, khó ngủ.
- Khó tập trung, hay mất bình tĩnh.
- Dễ mệt mỏi, căng cơ và mỏi cơ.
- Tê hoặc ngứa ran tay chân.
- Cáu gắt, khó chịu thường xuyên.
- Run rẩy hoặc co giật.
- Các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, ruột kích thích.
Ngoài ra, đối với trẻ em và thanh thiếu niên sẽ có những lo lắng quá mức về nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn như ám ảnh về sự đúng giờ, lo lắng thảm họa, bi kịch sẽ ập đến. Nhiều trường hợp sẽ khó khăn trong việc hòa nhập, thiếu sự tự tin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của các em.
Biến chứng của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Không chỉ dừng lại ở những triệu chứng về thể chất và tinh thần, bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa còn đứng trước nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe và các hoạt động trong cuộc sống.
GAD khiến bệnh nhân khó tự chủ hành vi, cảm xúc của mình trong đời sống hàng ngày, bao gồm:
- Làm giảm hiệu quả học tập và làm việc khi bệnh nhân khó tập trung, giữ bình tĩnh khi xử lý vấn đề.
- Tâm trí bất thường, dành nhiều thời gian nghĩ đến những vấn đề thiếu thực tế.
- Luôn trong tình trạng cạn kiệt năng lượng, cản trở mọi hoạt động thường nhật.
- Làm mất dần các mối quan hệ của bệnh nhân.
Rối loạn lo âu lan tỏa cũng là một chất xúc tác khiến tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn:
- Bệnh về tiêu hóa như loét ruột, đau dạ dày, viêm ruột kích thích.
- Các bệnh về tim mạch như đau tim, nhồi máu cơ tim.
- Bệnh đau đầu, đau nửa đầu vai gáy,…
- Rối loạn giấc ngủ.
Bệnh nhân mắc GAD cũng có nguy cơ cao gặp các chứng rối loạn tâm thần khác, bao gồm:
- Bệnh trầm cảm nặng
- Ám ảnh sợ hãi
- Rối loạn hoảng sợ
- Rối loạn tăng động giảm chú ý
- Rối loạn sử dụng rượu và chất kích thích
Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa như thế nào?
Khi phát hiện những triệu chứng, trước tiên GAD nên được chẩn đoán thông qua hàng loạt cuộc xét nghiệm, kiểm tra tình trạng sức khỏe về tâm thần và cả thể chất. Việc này sẽ giúp các bác sĩ xác định rõ hơn những nguyên nhân tiềm ẩn và một số bệnh lý liên quan đến quá trình điều trị.
Quy trình chẩn đoán sẽ bắt đầu với bước khám sức khỏe tổng quát:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone có thể liên quan đến rối loạn tuyến giáp.
- Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nồng độ chất kích thích trong cơ thể.
- Kiểm tra dạ dày thông qua nội soi, chụp X-quang.
- Kiểm tra sức khỏe tim.
Đối với chẩn đoán GAD, các triệu chứng cần xuất hiện ít nhất 6 tháng trở lên. Các bác sĩ sau nắm rõ các tình trạng về thể chất của bệnh nhân sẽ tiến hành đánh giá tiền sử về tâm thần cùng mức độ của các triệu chứng thông qua hàng loạt câu hỏi.
Đánh giá sẽ dựa trên các tiêu chí trong Sổ tay chẩn đoán và Thống kê về rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Mỹ để chẩn đoán chính xác về rối loạn lo âu toàn thể.
Phương án điều trị chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Các phương án điều trị chung cho các chứng bệnh về rối loạn tâm thần thường chia thành 2 loại chính: tâm lý trị liệu và điều trị bằng thuốc. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ khuyến khích bệnh nhân thực hiện một số liệu pháp có tác dụng hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị như tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống,…
1. Tâm lý trị liệu
Can thiệp bằng tâm lý trị liệu (Liệu pháp tâm lý) được thực hiện bởi các chuyên gia dựa trên nhiều phương pháp luận cụ thể để giúp bệnh nhân có cái nhìn sâu sắc hơn về tâm trí của bản thân. Thông qua đó, bệnh nhân GAD có thể giải quyết tốt hơn những vấn đề họ đang gặp phải.
Thông thường, các chuyên gia tâm lý có thể linh hoạt sử dụng các hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để tác động vào tâm lý của người bệnh.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là liệu pháp điều trị được ưu tiên đối với bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa. Phương pháp này hỗ trợ bệnh nhân xác định rõ hơn những vấn đề gây lo lắng của bản thân bằng cách kiểm tra giả thuyết và viết nhật ký. Thông qua đó, bệnh nhân được rèn kỹ năng kiểm soát lo lắng, giải quyết vấn đề và thay đổi nhận thức theo hướng tích cực hơn.
2. Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc được nghiên cứu nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng rối loạn lo âu. Dựa trên tình trạng bệnh và mức độ các triệu chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định điều trị bằng một số loại thuốc phù hợp.
Mặc dù, thuốc làm giảm lo lắng và các triệu chứng thể chất ngay sau khi dùng, song chúng lại thúc đẩy sự phụ thuộc của bệnh nhân và kèm theo vài tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng đúng liều lượng và theo dõi các biểu hiện bất thường có thể xảy ra.
Những loại thuốc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa được sử dụng phổ biến, bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (Amitriptyline, Clomipramine, Imipramine, Protriptyline,…)
- Benzodiazepines (Clonazepam, Lorazepam, Diazepam)
- Thuốc an thần (Olanzapine, Ziprasidone, Aripiprazole)
- Chất ức chế monoamine oxidase
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc
- Pregabalin và gabapentin
3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị
Các chuyên gia khuyên các bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa nên thực hiện thêm những phương pháp tự nhiên nhằm hỗ trợ trong quá trình điều trị. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, các biện pháp tự nhiên có thể giảm bớt lo lắng, cải thiện sức khỏe tinh thần và mang đến những cảm xúc tích cực cho người bệnh.
Tất cả các thói quen sinh hoạt hàng ngày cùng những phương pháp tác động vật lý được chứng minh là có tác động đáng kể đến các triệu chứng của GAD, bao gồm:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống quyết định sức khỏe của chúng ta – cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện, một chế độ ăn giàu Omega – 3, Vitamin D, Magie, Vitamin C, thực phẩm chống oxy hóa,… có tác dụng cải thiện tâm trạng cực kỳ hiệu quả, giúp tăng sức đề kháng để chống lại bệnh tật.
- Tập thể dục: không chỉ góp phần tăng quá trình trao đổi chất, nâng cao sức khỏe mà còn có tác dụng cải thiện tâm trạng rất tốt. Một số nghiên cứu đề cập đến việc tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp giải phóng endorphin, dopamine và serotonin – những hormone giảm căng thẳng cho cơ thể.
- Tập yoga và thiền: là những liệu pháp trị chứng rối loạn lo âu lan tỏa hiệu quả. Thiền định và yoga giúp tăng sự tập trung, điều hòa nhịp thở và thúc đẩy khả năng điều tiết cảm xúc. Ngoài ra thiền định cũng giúp bệnh nhân khám phá tiềm thức bên trong, biết học cách chấp nhận và gạt bỏ những phiền muộn, đau khổ trong quá khứ.
- Châm cứu: là một phương pháp y học cổ truyền giúp lưu thông khí huyết khắp cơ thể, tác động đến hệ thần kinh giao cảm giúp giảm căng thẳng, stress hiệu quả. Bên cạnh đó, châm cứu cũng làm giảm nhịp tim, thư giãn cơ quan, nhờ vậy, các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa được cải thiện đáng kể.
Phòng ngừa nguy cơ rối loạn lo âu lan tỏa
Như đã đề cập, GAD có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời và không có biện pháp nào có thể phòng ngừa GAD tuyệt đối. Tuy nhiên, vẫn có một số biện pháp giúp kiểm soát căng thẳng và giảm nguy cơ mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa.
Các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa, bao gồm:
- Tìm một người đáng tin tưởng để chia sẻ sau khi gặp trải nghiệm tồi tệ giúp giải tỏa cảm xúc và tạo động lực giúp cá nhân tự vượt qua.
- Cân bằng cuộc sống bằng cách quản lý thời gian phù hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi, dành thời gian cho các mối quan hệ thân thiết.
- Tránh xa chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện.
- Tham gia khóa học kiểm soát cảm xúc, xử lý vấn đề.
- Khi có biểu hiện lo lắng quá mức, đừng ngại tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và tìm cách giải quyết.
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là chứng rối loạn cảm xúc gây cản trở rất nhiều đến mọi lĩnh vực của đời sống bao gồm sức khỏe, công việc và các mối quan hệ xã hội. GAD có thể đến với bất kỳ ai vào bất cứ thời điểm nào của cuộc đời. Mỗi chúng ta hãy luôn cân bằng cuộc sống, biết cách kiểm soát lo lắng để giảm nguy cơ mắc bệnh và sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Ngày Cập nhật 07/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!