Rượu Đinh Lăng: Công dụng và cách ngâm chuẩn nhất

Rễ đinh lăng được ví như nhân sâm Việt Nam. Chính vì thế mà hầu hết các gia đình luôn muốn có 1 hũ rượu ngâm rễ loại cây này trong nhà. Tuy nhiên, không nhiều người biết hết những công dụng của nó và cách ngâm sao cho chuẩn nhất.

Cách ngâm rượu đinh lăng đúng chuẩn không khó
Cách ngâm rượu đinh lăng đúng chuẩn không khó

Đặc tính rễ cây đinh lăng và công dụng khi ngâm trong rượu

Cây đinh lăng cùng họ với nhân sâm. Cây phát triển được 3 – 4 năm tuổi là có thể thu hoạch lấy rễ. Thường thì người ta chọn mùa đông để lấy rễ để đảm bảo tận dụng được hết những dược liệu quý giá của nó. Tuy nhiên, để các dược liệu trong rễ cây đinh lăng đạt đến mức đỉnh điểm thì phải đợi đến 6 – 7 năm. Quá thời gian này không thu hoạch thì rễ cây sẽ bị xơ hóa và giảm chất lượng.

Về tính vị, rễ cây đinh lăng có tính mát, vị ngọt và hơi đắng. Tác dụng của yếu của nó là nâng cao sức đề kháng. Các hoạt chất của rễ cây này khi ngâm rượu sẽ bồi bổ khí huyết và giúp chúng lưu thông thuận lợi hơn. Nhờ đó, cơ thể sẽ giảm mệt mỏi, tăng khả năng làm việc, ngủ ngon và ăn ngon miệng hơn. Các tác động này cộng hưởng với nhau sẽ giúp cho trí nhớ tốt và tinh thần minh mẫn.

Với những người luyện tập thể hình, sử dụng rượu đinh lăng là một trong những cách để nhanh chóng có được ngoại hình như ý và tăng cường sự dẻo dai khi tập luyện. Bên cạnh đó, rượu ngâm từ rễ loại cây này còn tác dụng tốt với phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Cụ thể, rượu giúp cho quá trình trở dạ con trở nên dễ dàng hơn. Ở giai đoạn cho con bú, uống một ít rượu từ rễ cây đinh lăng sẽ tăng tiết sữa ở tuyến vú.

Chuẩn bị để ngâm rượu đinh lăng đúng chuẩn

Bắt đầu từ khâu chọn rễ

Cây đinh lăng có 2 loại phổ biến: loại lá nhỏ và loại lá to. Khi chọn ngâm rượu, bạn nên chọn loại lá nhỏ. Rễ tươi hay khô đều có thể sử dụng để ngâm rượu. Nếu dùng rễ khô, bạn sẽ thu được rượu có màu vàng đậm, vị ngọt và thơm hơn so với ngâm rễ tươi.

Bên cạnh đó, phần thân trên của cây cũng rất có giá trị. Tuy nhiên, bạn chỉ nên lấy thêm từ gốc trở lên khoảng 15cm. Một lưu ý nhỏ là bạn nên chọn rễ có kích thước vừa với bình ngâm.

Để nhận biết rễ cây đinh lăng có đủ độ tuổi ngâm rượu không, bạn có thể dựa vào cân nặng của nó. Nếu cây được từ 3 – 5 năm tuổi thì phần rễ hoặc củ phải trên 1 ký.  Khi rửa, rễ của loại cây này có màu vàng rơm và rất thơm. Đây đồng thời cũng là một trong những cách giúp bạn phân biệt rễ mà mình mua có thật là của cây đinh lăng hay không. 

Rễ cây đinh lăng dùng để ngâm rượu khi đạt từ 3 -5 năm tuổi
Rễ cây đinh lăng dùng để ngâm rượu khi đạt từ 3 -5 năm tuổi

Chuẩn bị bình và rượu ngâm

Bạn nên chọn bình ngâm rễ cây đinh lăng có chất liệu từ sành, sứ hoặc thủy tinh. Những loại bình này sẽ giữ cho chất lượng dược liệu được đảm bảo. Nếu dùng bình nhựa, mùi vị sẽ không thơm ngon. Ngoài ra, chất lượng các hoạt chất trong rễ cây ngâm bằng bình có chất liệu này cũng sẽ không cao.

Song song đó, khi chọn bình, bạn cần lưu ý thêm phần miệng có cao su hoặc mép kín không. Bởi ngâm rễ cây đinh lăng trong rượu cần điều kiện yếm khí. Kích cỡ miệng bình cũng là điều bạn nên để ý khi chọn. Quá nhỏ sẽ không bỏ vừa rễ cây nếu ngâm dạng tươi.

Loại rượu tốt nhất để ngâm rễ cây đinh lăng là rượu gạo khoảng 40 độ. Bạn nên chọn loại dùng men truyền thống và nấu thủ công. Nếu không có rượu gạo thì có thể thay thế bằng rượu ngô men rừng. Cả hai loại này đều cho ra sản phẩm rất thơm ngon.

Bạn tuyệt đối không được dùng rượu cồn công nghiệp hoặc rượu vodka. Những loại này vừa ảnh hưởng đến hương vị của rễ đinh lăng vừa giảm tác dụng dược liệu của nó.

Rượu dùng để ngâm rễ đinh lăng tốt nhất là rượu gạo 40 độ, dùng men truyền thống và nấu thủ công
Rượu dùng để ngâm rễ đinh lăng tốt nhất là rượu gạo 40 độ, dùng men truyền thống và nấu thủ công

Cách ngâm rễ đinh lăng khô với rượu

Rễ đinh lăng khô thường được thái thành miếng. Trước khi ngâm, bạn cần sao vàng hạ thổ chúng. Cách làm như sau: Bỏ đinh lăng vào chảo sao trên lửa lớn cho đến khi có mùi thơm thì dừng lại. Cho chúng vào túi vải rồi ủ xuống nền đất (hạ thổ) trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.

1 ký đinh lăng khô sau khi đã sao vàng hạ thổ thường ngâm với 7 lít rượu. Bạn nên cho đinh lăng vào bình trước sau đó mới cho rượu vào. Thật ra, lượng rượu và đinh lăng không cần quá cứng nhắc theo tỷ lệ chung. Điều quan trọng là rượu ngập đinh lăng.

Ngâm liên tục và không mở nắp trong khoảng 3 tháng là có thể dùng được. Mùi của đinh lăng khô ngâm rượu rất thơm. Rượu có màu vàng nhạt. Uống có vị ngọt dịu và không hăng.

Rễ đinh lăng khô cần sao vàng hạ thổ trước khi ngâm rượu
Rễ đinh lăng khô cần sao vàng hạ thổ trước khi ngâm rượu

Cách ngâm rễ đinh lăng tươi với rượu

Nếu sử dụng rễ đinh lăng tươi, bạn cần rửa nó thật kỹ với nước. Nhất là các kẽ rễ. Chờ cho rễ ráo nước hoặc dùng máy sấy cho thật khô rồi mới thái miếng. Hoặc nếu muốn trang trí, bạn có thể để nguyên bộ rễ.

Thông thường 1kg rễ tươi sẽ ngâm với 3 lít rượu. Thời gian ngâm rễ tươi gấp đôi so với ngâm rễ khô. Bạn sẽ cần khoảng 6 tháng hoặc hơn thời gian này một chút mới có thể thưởng thức được loại rượu này.

Thân và lá đinh lăng có thể ngâm rượu?

Thân đinh lăng ngâm rượu

  • Công dụng của thân đinh lăng ngâm rượu

Nhắc đến đinh lăng ngâm rượu, người ta thường liên tưởng đến những bộ rễ thật to. Trên đó có những đường nét chạm khắc tuyệt đẹp. Hoặc cũng có thể đó là hình ảnh bộ rễ được cắt khúc với màu cánh gián đặc trưng. Ít ai biết rằng không chỉ có rễ, phần thân cây này cũng được dùng để ngâm rượu.

Thân cây đinh lăng ngâm rượu có nhiều công dụng được đánh giá cao với sức khỏe. Tuy nhiên, xét về dược tính thì trong rễ vẫn nhiều hơn. Công dụng của thân đinh lăng ngâm rượu tương tự như phần rễ. Đó là tăng cường sức đề kháng; tăng hiệu quả tập luyện; ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, tăng cân; tăng sự tập trung; thanh nhiệt và giải độc. Ngoài ra, một vài tài liệu còn cho rằng thân đinh lăng ngâm rượu có thể chữa được các bệnh về xương khớp.

  • Cách dùng thân đinh lăng ngâm rượu đúng chuẩn

Người ta thường dùng cả thân và rễ đinh lăng ngâm rượu. Có đến 7 loại đinh lăng khác nhau. Tuy nhiên, khi dùng làm dược liệu, người ta chỉ chọn loại có lá nhỏ. Những loại còn lại (lá to, mép lá bạc, vằn; lá tròn, lá ráng… ) thường dùng để trang trí cảnh quan.

Thân đinh lăng khi dùng ngâm rượu phải đạt từ 3 năm tuổi trở lên. Chiều cao của cây khi đó giao động từ 0,8 – 2m. Tương tự như cách ngâm phần rễ với rượu, phần thân khi ngâm cũng có 2 cách: dạng tươi và dạng khô.

Tuy nhiên, dù dùng tươi hay khô thì thân cây sau khi được chặt nhỏ nhất định phải sao vàng trước khi ngâm. Nếu không, mùi vị sẽ không ngon, thậm chí khó uống và quan trọng hơn là dược tính không cao. Đồng thời, bạn sẽ phải mất gấp đôi, thậm chí gấp 3 thời gian bình thường mới có thể dùng được rượu này.

Phần chọn bình và rượu tương tự tư cách ngâm rễ đinh lăng với rượu. Thường thì một ký thân cây sẽ ngâm với khoảng 5 lít rượu. Tuy nhiên, tiêu chí này chỉ mang tính chất tham khảo. Quan trọng là phần rượu phải ngập đinh lăng. Và khối lượng của chúng phù hợp với bình đựng.

Thân đinh lăng khi ngâm rượu cần chọn cây lá nhỏ và đạt độ tuổi từ 3 năm trở lên
Thân đinh lăng khi ngâm rượu cần chọn cây lá nhỏ và đạt độ tuổi từ 3 năm trở lên

Lá đinh lăng ngâm rượu được không?

Một số thông tin không chính thức cho rằng lá cây đinh lăng có thể ngâm rượu. Tuy nhiên, chưa có tài liệu đáng tin cậy nào ghi nhận cách dùng này. Thay vào đó, theo các báo cáo khoa học và những ghi chép trong Đông y thì lá đinh lăng thường dùng làm gối. Tác dụng của nó là giúp giấc ngủ ngon hơn. Đồng thời, với trẻ nhỏ, gối làm từ lá đinh lăng có thể khắc phục được tình trạng đổ mồ hôi trộm. Một số tài liệu còn cho rằng cách dùng này còn giúp trẻ phòng tránh bệnh co giật.

Ngoài ra, lá đinh lăng còn được dùng làm thức ăn. Khi nấu canh với thịt, người ta cho một ít lá này vào. Công dụng của nó là bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ mới sinh hoặc người mới vừa hết bệnh.

Liều lượng và những lưu ý khi sử dụng đinh lăng ngâm rượu

Tương tự như nhân sâm, hàm lượng saponin trong rễ đinh lăng khá cao. Chất này có đặc điểm là hòa tan trong nước. Nó làm căng bề mặt của dung dịch và có tính phá huyết. Do đó, nếu dùng quá nhiều đinh lăng ngâm rượu sẽ bị chóng mặt, nôn mửa, thậm chí hạ huyết áp và vỡ hồng cầu. Tốt nhất một ngày bạn chỉ nên uống 3 – 4 ly nhỏ (loại dùng uống rượu gạo). Chia ra nhiều lần và uống sau mỗi bữa ăn. Mỗi lần chỉ nên uống 1 ly để tránh say.

Để tăng thêm dược tính của rượu đinh lăng, bạn có thể ngâm nó chung với sâm cau hoặc bạch tật lê.

  • Sâm cau là vị thuốc Đông y có tính ấm, vị ngọt và hơi cay. Tác dụng chính của nó là ôn thận, tráng dương và kiện gân cốt. Bổ sung thêm vị thuốc này sẽ giúp nam giới cải thiện được tình trạng rối loạn cương dương và tóc bạc sớm.
  • Bạch tật lê là vị thuốc tốt cho phụ nữ đang cho bú. Bởi nó giảm được tình trạng đau ở ngực đồng thời giúp thông tuyến sữa. Ngoài ra nó còn ngăn ngừa hoặc cải thiện viêm và có u nhọt ở vú.

Ngoài ra, để tăng thêm hương vị và dược tính của rượu đinh lăng, bạn nên ủ nó trong đất. Thời gian ủ tương tự như trên (3 tháng đối với rễ khô và 6 tháng đối với rễ tươi). Nếu để lâu hơn rượu sẽ không giữ được các dưỡng chất quý hiếm.

Ngày Cập nhật 05/06/2024

Bình luận (1)

  1. La Ngọc Phương says: Trả lời

    Bài viết hay quá,cảm ơn bạn đã chia sẻ , mong rằng mọi người đều đọc để biết thêm về các bài thuốc có tác dựng chữa bệnh này . Trân trọng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *