Sổ mũi ở trẻ em: Những thông tin quan trọng mà cha mẹ cần biết
Sổ mũi ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến tuy nhiên để phân biệt đó là hiện tượng thông thường hay bệnh lý thì cha mẹ cần nắm được những kiến thức cần thiết. Từ việc xác định nguyên nhân gây sổ mũi, cha mẹ sẽ có phương hướng điều trị kịp thời và hiệu quả, tránh để tình trạng của con ngày càng chuyển biến xấu.
Hiện tượng sổ mũi ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện do đó bé rất dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm.
Đặc biệt, sổ mũi là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em. Chỉ cần thay đổi thời tiết hoặc tiếp xúc với vi khuẩn, virus là bé đã bắt đầu có biểu hiện sổ mũi.
Thông thường sổ mũi là quá trình miễn dịch tại chỗ của cơ thể, ở đây là khả năng miễn dịch tại mũi. Cụ thể, dịch tiết của mũi chứa nhiều Globulin có khả năng miễn dịch, hoạt động kháng khuẩn bằng cách:
- Kết vón vi khuẩn, ngăn chặn chúng bám vào niêm mạc mũi rồi dịch mũi chảy xuống họng, đẩy trôi vi khuẩn theo đó.
- Ức chế men do vi khuẩn tiết ra, hạn chế chúng xâm nhập sâu vào bên trong.
- Vô hiệu hóa các thụ quan của vi khuẩn.
- Ức chế sự tăng sinh của vi khuẩn đồng thời trung hòa độc tố do chúng tiết ra.
Như vậy, sổ mũi có thể là biểu hiện thông thường cho thấy hệ miễn dịch của cơ thể đang hoạt động một cách hiệu quả nhưng cũng có trường hợp sổ mũi lại là biểu hiện bệnh lý.
Dịch mũi đặc hay loãng, màu sắc như thế nào sẽ phản ánh tình trạng, khả năng mắc bệnh của bé. Điều này rất quan trọng trong bước đầu nhận biết, đánh giá.
- Nước mũi loãng, có màu trắng trong: Tình trạng sức khỏe của bé bình thường, dịch tiết ra ở mũi có tác dụng làm ẩm ướt niêm mạc mũi nếu quá khô.
- Nước mũi có màu trắng đục: Khả năng bé mắc viêm xoang.
- Nước mũi có màu vàng: Dấu hiệu của bệnh cảm lạnh, viêm mũi…
- Nước mũi có màu xanh: Mũi bị nhiễm khuẩn hoặc nấm. Đặc biệt trong trường hợp sổ mũi xanh đặc ở trẻ em thì tình trạng viêm nhiễm đã ở mức độ nghiêm trọng.
- Nước mũi có màu đỏ: Cho biết niêm mạc mũi có thể đã bị tổn thương, các mạch máu bị tấn công gây xuất huyết.
- Nước mũi có màu nâu: Máu chảy trong mũi ứ đọng lâu sẽ chuyển sang màu nâu hoặc đây là dấu hiệu của bệnh ung thư.
- Nước mũi có màu đen: Trong mũi có thể chứa dị vật hoặc bé hít phải bụi đen…
Như vậy, bằng việc quan sát màu sắc và tính chất của nước mũi trẻ mà chúng ta đã phần nào đoán biết được bệnh lý mà trẻ có thể mắc phải.
Nguyên nhân gây sổ mũi ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân tác động khiến trẻ nhỏ bị sổ mũi. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
Niêm mạc mũi quá khô
Thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào thời gian chuyển mùa từ thu sang đông, độ ẩm thấp, không khí hanh khô khiến niêm mạc mũi trở nên khô.
Nhiệt độ cơ thể của trẻ nhỏ luôn cao hơn so với người lớn do đó trẻ thường cảm thấy thoải mái hơn khi nằm trong phòng có điều hòa. Tuy nhiên, nằm điều hòa nhiều cũng khiến niêm mạc mũi bị khô rát.
Trong cả hai trường hợp kể trên, mũi sẽ tiết dịch nhằm khắc phục tình trạng này. Khi đó, hiện tượng sổ mũi của trẻ nhỏ là hoàn toàn bình thường, cha mẹ không nên quá lo lắng.
Viêm mũi dị ứng
Đối với những trẻ có cơ địa quá nhạy cảm, mắc bệnh viêm mũi dị ứng thì dấu hiệu sổ mũi xuất hiện khá thường xuyên.
Theo đó, khi tiếp xúc với các dị nguyên ngoài môi trường như: Khói bụi, lông động vật, sợi vải, phấn hoa, hóa mỹ phẩm…, cơ thể lập tức phản ứng bằng cách biểu hiện các triệu chứng đặc trưng, trong đó có sổ mũi, hắt hơi.
Thông qua mũi, không khí mới đi vào cơ thể vì vậy khi mũi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, nó sẽ phản ứng ngay lập tức.
Viêm xoang
Viêm xoang cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi. Xoang là các hốc xương được bố trí trên vùng mặt, xung quanh mũi. Xoang và mũi có mối liên quan mật thiết với nhau.
Khi xoang bị viêm nhiễm, tình trạng này có thể lây lan nhanh chóng xuống mũi dẫn tới dấu hiệu sổ mũi.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, không chỉ viêm xoang, viêm mũi mà bé có thể bị viêm nhiễm cả hệ thống đường hô hấp trên bao gồm cả tai và hầu họng.
Cảm lạnh, cảm cúm
Cảm lạnh, cảm cúm là những căn bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Nếu những tác nhân gây bệnh này xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ xuất hiện các biểu hiện đặc trưng như: Sổ mũi, ho, sốt và đau nhức cơ.
Đối với thể trạng của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, hệ thống miễn dịch non nớt của bé sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập và phát triển.
Những biến chứng mà sổ mũi có thể gây ra cho bé
Nếu sổ mũi là biểu hiện của bệnh lý nhưng phụ huynh chủ quan, không tiến hành xử lý kịp thời thì trẻ sẽ có khả năng mắc phải một số biến chứng nguy hiểm.
Viêm nhiễm đường hô hấp trên
Sổ mũi do nhiễm khuẩn, tình trạng viêm nhiễm phát triển và ngày càng nghiêm trọng tại mũi có thể lan nhanh sang các khu vực lân cận gây ra viêm nhiễm tại các bộ phận thuộc đường hô hấp trên.
Theo đó, trẻ có thể mắc thêm viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan… Đây đều là những căn bệnh khá nguy hiểm có thể phát triển và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng khác như: Khiến trẻ không phân biệt được mùi, thính giác bị giảm sút…
Viêm nhiễm đường hô hấp dưới
Không chỉ là viêm nhiễm tại đường hô hấp trên mà tình trạng viêm nhiễm từ mũi còn có thể lan truyền xuống hệ hô hấp dưới gây ra các bệnh lý vô cùng nguy hiểm như: Viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản hay viêm phổi.
Đường hô hấp dưới là những cơ quan quan trọng tham gia vào quá trình hô hấp của cơ thể vì vậy viêm nhiễm kéo dài, đặc biệt là bệnh lý viêm phổi, sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ảnh hưởng tới thị giác
Mũi và mắt rất gần với nhau. Sổ mũi tưởng chừng là hiện tượng thông thường nhưng đừng quá chủ quan với tình trạng sổ mũi lâu ngày ở trẻ em.
Cụ thể, viêm nhiễm hay tác nhân gây bệnh sẽ tác động tiêu cực tới thị giác bằng cách di chuyển từ ống lệ tỵ từ mũi lên mắt gây viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm tuyến lệ, viêm túi lệ, thậm chí là viêm hốc mắt, viêm dây thần kinh võng mạc. Khả năng nhìn của trẻ sẽ giảm sút trầm trọng.
Chưa dừng lại tại đó, viêm nhiễm còn có thể tiến xa hơn gây ra tình trạng viêm màng não, viêm não hay áp-xe não.
Hiện tượng ngưng thở khi ngủ
Sổ mũi khiến trong mũi trẻ luôn thường trực khối dịch, mủ gây bít tắc, khó chịu và khó thở. Quá trình hô hấp của trẻ bị ngăn chặn, trong trường hợp xấu, trẻ có thể bị ngưng thở khi ngủ.
Với người lớn – đối tượng có nhận thức và ý thức hơn, hiện tượng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và rất nguy hiểm. Vì vậy, với trẻ nhỏ, biến chứng này càng nguy hiểm hơn gấp bội khi bé chưa nhận thức được tình hình sức khỏe của bản thân để biểu đạt với người thân.
Điều trị sổ mũi ở trẻ em như thế nào hiệu quả, an toàn?
Để ngăn chặn kịp thời tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ có thể tìm hiểu và áp dụng một số phương pháp dưới đây.
Mẹo dân gian trị sổ mũi ở trẻ em
Đối với trẻ nhỏ, không nên quá lạm dụng các loại thuốc do đó cha mẹ nên thực hiện một số mẹo trị sổ mũi cho bé ngay tại nhà.
- Hành hoa: Rửa sạch vài nhánh hành hoa, loại có mùi cay nồng khi vò nát. Sau đó, lấy một đoạn dài tầm 1cm, vò sơ rồi dán mặt có nhớt lên hai cánh mũi của trẻ. Khi dịch nhớt của lá hành khô thì ta tiếp tục lấy lá khác thay vào.
- Gừng và mật ong: Lấy một lát gừng nhỏ, rửa sạch rồi giã nát, thêm một muỗng mật ong rồi trộn đều với một chút nước ấm. Cho trẻ uống 3 lần một ngày vào sáng, trưa và tối. Lưu ý không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi vì có thể gây dị ứng.
- Chườm nước ấm lên tai: Tai – Mũi – Họng có quan hệ mật thiết với nhau vì vậy mẹ có thể áp dụng mẹo chườm nước ấm lên tai con để giảm thiểu biểu hiện sổ mũi. Theo đó, mẹ chuẩn bị một túi chườm ấm, có nhiệt độ vừa phải, không quá nóng có thể gây bỏng da rồi đặt lên tai trong khoảng 10-15 phút. Hai bên tai có các dây thần kinh có tác dụng điều tiết máu ở mũi, khi chườm ấm, huyết quản sẽ giãn ra giúp mũi được thông thoáng hơn.
- Nước cốt hành tây: Bạn lấy một nửa củ hành tây, rửa sạch rồi giã nát cho ra nhiều nước cốt. Sau đó lấy vải sạch bọc phần hành tây đã được giã rồi cho trẻ ngửi. Cần chú ý vì hành tây rất cay nên không cho trẻ ngửi quá lâu và tuyệt đối không để hành dính vào mắt của trẻ vì sẽ khiến bé cay mắt.
Lưu ý: Các mẹo dân gian chỉ nên áp dụng khi bé bị sổ mũi do viêm mũi nhẹ, do cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Bố mẹ cần cân nhăc kỹ càng tình trạng của con trước khi áp dụng. Nếu bé mắc các bệnh lý nền mãn tính như viêm mũi dị ứng, viêm xoang thì cần điều trị bằng các biện pháp đặc trị.
Điều trị sổ mũi kéo dài ở trẻ em bằng thuốc tây
Trong trường hợp sổ mũi kéo dài ở trẻ em, các mẹo dân gian không có hiệu quả thì cần lựa chọn loại thuốc phù hợp cho bé.
Thông thường trẻ nhỏ khó hợp tác uống thuốc viên hay thuốc dạng con nhộng vì vậy thuốc được bào chế dưới dạng siro là giải pháp tiện lợi và hiệu quả nhất.
Dưới đây là một số loại thuốc siro trị sổ mũi cho trẻ.
- Tiffy: Tiffy là một loại thuốc trị cảm cúm khá nổi tiếng. Thuốc điều trị các triệu chứng tiêu biểu của cảm, cúm như: Ho, sổ mũi, sốt. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng, trong đó có dạng siro. Thành phần chính của thuốc là: Acetaminophen (Paracetamol), Chlopheniramine, Phenylephhrine… Lưu ý: Không dùng thuốc Tiffy cho trẻ dưới 3 tuổi vì thuốc có chứa thành phần Phenylephrine.
- Passedyl: Đây cũng là một loại thuốc trị các bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đồng thời điều trị hiệu quả chứng sổ mũi của bé. Thuốc được bào chế dưới dạng siro nên rất dễ sử dụng.
- Astex: Thông thường tình trạng sổ mũi kéo dài thường là do trẻ mắc bệnh lý như viêm họng, viêm phế quản. Do đó để điều trị hiệu quả, cần sử dụng loại thuốc chữa dứt điểm các bệnh lý này. Astex là một loại thuốc đã được công nhận công dụng hiệu quả trong điều trị hiện tượng ho, sổ mũi, viêm nhiễm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
- Prospan: Các mà thường chia sẻ một loại thuốc trị cảm cúm khá hữu hiệu cho trẻ nhỏ là siro Prospan.
Thuốc tây y có khả năng điều trị cảm cúm cùng các biểu hiện đặc trưng như ho, sổ mũi, sốt khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc trị sổ mũi cho bé trên đây đều cần được sự chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng. Bởi vì thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định, nhất là khi sử dụng không đúng cách.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration) – FDA, không được sử dụng các thuốc ho cảm có thành phần tân dược Dextromethorphan và Codein cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Với các trường hợp ho sổ mũi kéo dài ở trẻ em do viêm nhiễm trầm trọng thì cần phải sử dụng tới các loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm. Khi đó, cha mẹ cần đưa bé tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.
Khi bé bị sổ mũi nên làm gì?
Bé bị sổ mũi nên cơ thể sẽ tỏ ra khó chịu, chán ăn và có thể không hợp tác trong quá trình điều trị. Để khắc phục điều này, cha mẹ cần:
- Cho bé ăn các loại cháo, súp dễ nuốt.
- Tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả vào thực đơn của bé, đặc biệt là các loại quả giàu vitamin C nhằm tăng sức đề kháng.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước nhằm làm loãng dịch mũi giúp việc loại bỏ dịch dễ dàng hơn.
- Bảo vệ phần cổ họng, mũi, miệng của trẻ khi ra ngoài không khí lạnh.
- Có thể sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ tăng sức đề kháng cho bé.
- Tăng cường cho trẻ ăn sữa chua.
Sổ mũi ở trẻ em là một hiện tượng khá quen thuộc với các bậc phụ huynh tuy nhiên đừng chủ quan nếu sổ mũi kéo dài hay đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, ho, quấy khóc. Nắm được các thông tin bổ ích kể trên sẽ giúp phụ huynh chủ động trong bước phát hiện và điều trị sổ mũi bệnh lý ở trẻ em.
Bài được quan tâm nhiều:
Những phương pháp trị sổ mũi cho trẻ em được áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất
9 cách chữa sổ mũi dân gian cho bé được các bà mẹ áp dụng nhiều nhất
Tìm hiểu ngay 5 loại thuốc trị sổ mũi được người bệnh ưa dùng
Ngày Cập nhật 07/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!