Có nên dùng thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp
Thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp được xem là một bước tiến mới trong y học. Thuốc tác động trực tiếp và sửa chữa những rối loạn trong hệ thống miễn dịch nên giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, thuốc có thể gây bệnh lao, ung thư và viêm gan siêu vi.
Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh tự miễn. Nó xảy ra khi hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công ngược lại các tế bào của cơ thể. Tổn thương đầu tiên là ở màng hoạt dịch. Sau đó, bệnh phá hủy sụn xương, làm teo cơ và biến dạng khớp.
Người mắc bệnh này thường phải điều trị suốt đời. Các phương pháp chữa viêm khớp dạng thấp thông thường chỉ có thể kiểm soát tình trạng viêm, mức độ phá hủy khớp và các cơn đau nhức. Về tổng thể, nó được chia thành 2 loại điều trị: nội khoa và ngoại khoa. Trong đó, điều trị nội khoa chủ yếu là dùng thuốc tân dược. Trong trường hợp khớp bị dính và biến dạng sẽ cần đến phẫu thuật (ngoại khoa).
Các loại thuốc tân dược điều trị viêm khớp dạng thấp có 3 nhóm phổ biến: kháng viêm không steroid (NSAIDs – NonSteroidal Anti Inflammatory Drugs); kháng viêm có steroid và thuốc chống thấp tác dụng chậm (DMARDs – Disease Modifying AntiRheumatic Drugs).
Ngoài ra, với sự tiến bộ của y học hiện đại, người ta còn nghiên cứu thành công thuốc sinh học chữa viêm khớp dạng thấp. Trước khi tìm hiểu chi tiết về loại thuốc này, bạn cần biết sơ qua các thuốc cơ bản đang điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp hiện nay.
Thuốc NSAIDs dùng phổ biến trong các bệnh lý về xương khớp
Steroid là chất có tác dụng chống viêm và giảm đau hiệu quả nhưng nhiều tác dụng phụ. Tiêu biểu trong số đó là gây loãng xương, trầm cảm và nghiện. Dù vậy, trước đây nó từng là cách điều trị không thể thay thế cho đến khi các nhà khoa học nghiên cứu loại giảm đau chống viêm hiệu quả không chứa steroid.
Nhóm thuốc trên được gọi là NSAIDs. Một số loại chống viêm và giảm đau không steroid thường dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp là naproxen sodium, ibuprofen và ketoprofen…
Thuốc kháng viêm có steroid cần được cân nhắc kỹ trước khi dùng
Dù có nhiều tác dụng phụ nhưng trong một số trường hợp, nhóm thuốc này lại là lựa chọn cần thiết. Nó thường chỉ được dùng tạm thời trong lúc chờ tác dụng của thuốc DMARDs. Thuốc sẽ được dùng dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch.
Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố lợi và hại trước khi chỉ định. Đồng thời, họ cũng sẽ sử dụng kèm một số loại thuốc khác để hạn chế các tác động không mong muốn. Loại kháng viêm chứa Steroid thường được chỉ định là prednisolone hoặc methylprednisolone.
Thay đổi tình trạng viêm khớp dạng thấp bằng thuốc DMARDs
Nhóm thuốc chống thấp tác dụng chậm gồm: methotrexate, hydroxychloroquine và sulfasalazine… Tùy vào tình trạng viêm khớp dạng thấp, các loại thuốc này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau. Trong đó methotrexate là thuốc ức chế hệ miễn dịch có hiệu quả điều trị ổn định nhất. Nó làm cho quá trình phá hủy sụn khớp bị chậm lại.
Thuốc sinh học trong điều trị viêm khớp dạng thấp là gì?
Thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp được xếp trong nhóm thuốc chống thấp tác dụng chậm. Nó thường chỉ định khi bệnh nhân kháng thuốc methotrexate hoặc các loại khác trong cùng nhóm này. Ở Việt Nam, thuốc sinh học chữa viêm khớp dạng thấp đã được ứng dụng từ năm 2009.
Nó gồm 3 loại. Thông thường, người ta chỉ dùng 1 trong 3 loại này để chữa bệnh. Cá biệt có trường hợp phải dùng lần lượt cả 3 loại thuốc sinh học mới có thể kiểm soát được bệnh tình. Trường hợp này được ghi nhận vào tháng 10/2018 tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Trước khi tìm hiểu các loại thuốc sinh học điều trị bệnh tự miễn nói chung và viêm khớp dạng thấp nói riêng, bạn cần biết về cơ chế của hệ miễn dịch. Nó có 2 loại tế bào chính: T và B. Trong đó, tế bào T thực hiện chức năng miễn dịch tế bào còn tế bào B thì miễn dịch dịch thể (tiết kháng thể đặc hiệu kết hợp với kháng nguyên).
Hoạt động của hệ miễn dịch tuân theo quy trình 4 bước
- Bắt giữ kháng nguyên ngoại lai xâm nhập;
- Trình diện kháng nguyên;
- Tế bào B kết hợp với tế bào T. Sự kết hợp này khiến tế bào T tiết cytokines để hoạt hóa tế bào B thành tương bào;
- Tế bào B sau khi được hoạt hóa sẽ tiết kháng thể.
Cơ chế hoạt động của thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp
Về tổng thể, cơ chế tác động của thuốc sinh học điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp dựa trên hoạt động của hệ miễn dịch. Như đã trình bày, quá trình này trải qua 4 bước. Và các loại thuốc sinh học sẽ ức chế từng loại tế bào cũng như từng loại cytokines. Nhờ đó, tình trạng viêm và phá hủy sụn khớp sẽ được kiểm soát.
Nói cách khác, cơ chế tác động này là phản ứng miễn dịch. Do đó, nó có thể tác động trực tiếp đến nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp. Và nhờ vậy, hiệu quả của phương pháp dùng thuốc sinh học được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ tài chính để thực hiện cách điều trị này.
Các nhóm thuốc sinh học chữa viêm khớp dạng thấp
-
Thuốc ức chế tế bào B (B-cell depletion)
Loại này thường dùng trị u lympho và bệnh bạch cầu. Trong điều trị viêm khớp dạng thấp, loại thuốc sinh học này ít được sử dụng.
-
Thuốc ức chế yếu tố chống hoại tử khối u (TNF-α)
TNF-α là một loại protein được sinh ra khi cơ thể bị viêm hoặc chấn thương. Đối với các bệnh lý về xương khớp, chất này đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hình thành bệnh. Nó gây sưng, đỏ và đau nhức. Đồng thời, nó còn là yếu tố gây ra phản ứng toàn cơ thể (tiêu biểu như sốt). Như vậy, ức chế TNF-α sẽ điều trị được các triệu chứng này.
Nhóm thuốc ức chế TNF-α đang lưu hành trên thị trường là golimumab, infliximab và adalimumab. Trong đó, 2 loại cuối được chỉ định cho trường hợp bệnh nặng. Thuốc sinh học thuộc nhóm này không dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang bị nhiễm khuẩn. Thời gian điều trị bằng nhóm thuốc ức chế TNF-α mất khoảng 3 tháng. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi từ 3 – 6 tháng thông qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.
-
Thuốc ức chế Interleukin 6 (Interleukin 6 – IL 6)
IL 6 là cytokine đa chức năng. Một trong những chức năng của nó là tham gia vào chuyển hóa xương. Cụ thể, nó góp phần hình thành màng máu ở màng hoạt dịch, tăng hoạt hóa, kích thích hủy cốt bào trưởng thành. Đồng thời, đây cũng là chất trung gian gây viêm mãn tính. Ngoài ra, nó còn điều hành sự tham gia của tế bào T và B.
Có nên dùng thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp không?
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc sinh học không chỉ có rào cản duy nhất là chi phí. Ngay cả trường hợp tài chính có đủ cũng có khi không thể dùng thuốc này. Bởi nó có nhiều tác dụng phụ nếu dùng không đúng đối tượng. Ngoài ra, dùng không đúng cách cũng sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác.
Trong đó, tác dụng phụ đáng lo nhất khi dùng thuốc sinh học chữa viêm khớp dạng thấp là bệnh lao; ung thư và một số bệnh nhiễm vi khuẩn, virus cơ hội khác (ví dụ như viêm gan B). Để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn này, bệnh nhân phải được thực hiện nhiều xét nghiệm để chắc chắn rằng không bị nhiễm khuẩn. Đồng thời, quy trình thực hiện phải được tiến hàng tại bệnh viện theo yêu cầu nghiêm ngặt.
Như vậy, có nên dùng thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp hay không? Câu trả lời là có. Nếu như trước đây người ta vẫn còn khá dè chừng với cách điều trị này thì ngày nay với sự tiến bộ của y học, các bác sĩ đã có thể khuyến khích bệnh nhân điều trị bằng thuốc sinh học từ sớm. Mục đích là tránh tình trạng khớp bị phá hủy, cải thiện triệu chứng và tránh tàn phế.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngay từ khi bệnh vừa xuất hiện là dùng đến thuốc sinh học. Thay vào đó, các bác sĩ khuyên người bệnh điều trị bằng cách phương pháp “kinh điển” trước. Nếu sau 6 tháng mà các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm mới nghĩ đến giải pháp dùng thuốc sinh học.
Ngày Cập nhật 29/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!