Tiêm phòng viêm gan A và những thông tin cần biết
Tiêm phòng viêm gan A rất cần thiết khi trẻ được 1 tuổi. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh. Đối với những trường hợp không được tiêm khi còn nhỏ thì vẫn có thể tiêm bổ sung ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, việc thực hiện cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và biết thêm một số lưu ý khác.
Thông tin cơ bản về bệnh viêm gan A
Ai cũng có thể là đối tượng mắc bệnh viêm gan A. 70% số trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh này sẽ không có triệu chứng. Còn đối với người lớn, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là vàng da. Cho đến nay vẫn không có thuốc đặc trị bệnh. Các loại thuốc hiện tại chỉ tập trung vào tăng cường sức đề kháng và giảm nhẹ triệu chứng.
Sau vài tuần, hầu hết các trường hợp bị viêm gan A sẽ tự đào thải virus. Khoảng 20% số trường hợp mắc bệnh này cần phải nhập viện điều trị. Viêm gan A lây qua ăn uống và sinh hoạt chung với người nhiễm bệnh. Nó có thể được phòng ngừa bằng vắc xin.
Hiệu quả tiêm vắc xin phòng viêm gan A
Năm 1991, vắc xin tiêm phòng viêm gan A được phê chuẩn lần đầu tiên ở Châu Âu. 4 năm sau đó, nó được phê chuẩn ở Hoa Kỳ. Hiện nay, trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế (WHO) có vắc xin phòng viêm gan A. Loại vắc xin này được đánh giá là hiệu quả và cần thiết cho hệ thống y tế mỗi quốc gia.
Vắc xin phòng viêm gan A được đánh giá là an toàn bởi hầu hết chúng chứa virus đã được làm bất hoạt. Một số ít vắc xin phòng viêm gan A chứa virus bị làm yếu. Những loại chứa virus suy yếu sẽ giới hạn đối tượng sử dụng. Cụ thể là phụ nữ đang mang thai và những người có hệ miễn dịch kém.
Hiện nay, vắc xin phòng viêm gan A có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với một số chủng vắc xin khác. Tiêu biểu như vắc xin phòng viêm gan B và thương hàn. Việc kết hợp này dựa trên những tính toán kỹ lưỡng ở góc độ cơ địa, tình trạng sức khỏe và một số yếu tố khác.
Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng và thực tiễn, hiệu quả của vắc xin phòng viêm gan A đạt 95%. Đồng thời, hiệu quả kéo dài của nó có thể đạt 15 năm hoặc cả đời. Theo khuyến cáo của bác sĩ, thời điểm tốt nhất để tiến hành tiêm phòng loại vắc xin này là sau 1 tuổi. Nó thường được tiêm vào cơ bắp.
Đối tượng nên và không nên tiêm vắc xin viêm gan A
Trường hợp cần tiêm vắc xin viêm gan A
Trẻ em là đối tượng cần thiết tiêm vắc xin viêm gan A. Bởi lúc này, hệ miễn dịch của còn rất yếu. Không chỉ tiêm phòng viêm gan A, các bậc phụ huynh còn cần phải chú ý lịch tiêm các loại vắc xin khác cho bé. Mặt khác, đối với người trưởng thành, có tiêm phòng vắc xin hay không còn tùy trường hợp. Cụ thể những đối tượng cần vắc xin phòng viêm gan A là:
- Tất cả trẻ trên 1 tuổi đều cần thiết tiêm vắc xin viêm gan A;
- Người mắc bệnh gan dạng mạn tính;
- Bệnh nhân đang điều trị đông máu;
- Trẻ em hoặc trẻ vị thành niên sống trong vùng dịch viêm gan A.
Những trường hợp cần cân nhắc hoặc không nên tiêm vắc xin viêm gan A
Vắc xin phòng viêm gan A hiệu quả, an toàn và thiết yếu nhưng không phải ai cũng có thể dùng. Dưới đây là những trường hợp không được tiêm vắc xin viêm gan A:
- Đang bị bệnh nặng hoặc mắc bệnh suy giảm hệ miễn dịch nặng. Trường hợp mắc bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cân nhắc cho tiêm phòng vắc xin.
- Thận trọng khi dùng vắc xin phòng viêm gan A cho phụ nữ đang mang thai. Bởi chưa có nghiên cứu về hiệu quả cũng như tác hại của vắc xin này đối với phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ. Do đó, tốt nhất là không nên dùng;
- Người có cơ địa dễ dị ứng: Trước khi tiêm vắc xin phòng bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng của bản thân. Nguyên nhân là trong vắc xin phòng viêm gan A có chứa nhôm. Nó có thể gây kích ứng với cơ địa một số người. Nếu sau mũi tiêm đầu tiên bị dị ứng, người được tiêm vắc xin cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để tìm giải pháp khắc phục và cân nhắc ngừng mũi tiêm cuối cùng.
Liều tiêm vắc xin phòng viêm gan A
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định liều lượng và lịch tiêm phòng viêm gan A. Thông thường, vắc xin này được chia thành 2 loại: dành cho người lớn và trẻ em.
- Đối với người lớn:
Tiêm một liều duy nhất. Liều lượng dao động từ 0,5 – 1ml. Trường hợp cần liều tăng cường sẽ tiến hành sau đó từ 6 đến 12 tháng. Đối với người mắc bệnh ưa chảy máu, vắc xin sẽ được tiêm dưới da.
- Đối với trẻ em:
Mũi đầu tiên khi bé được 1 tuổi. Liều lượng là 0,5ml. Liều thứ 2 cách liều đầu tiên từ 6 – 18 tháng. Tiêm vắc xin và bắp tay (cơ delta) nhưng nếu trẻ bị chứng ưa chảy máu hoặc suy giảm tiểu cầu thì tiêm dưới da.
Lưu ý sau khi tiêm vắc xin viêm gan A
Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin viêm gan A ít khi xảy ra. Cảm giác khi tiêm chỉ như kiến cắn. Khoảng 15% số trường hợp trẻ em tiêm vắc xin này sẽ bị đau ở vị trí tiêm. Trong khi đó, nếu là người lớn thì tỷ lệ này có thể chiếm đến một nửa.
Thỉnh thoảng một vài trường hợp tiêm vắc xin phòng viêm gan A sẽ bị tác dụng phụ. Đa số là những phản ứng nhẹ. Rất hiếm khi bị tình trạng nặng. Nếu có thì những phản ứng này thường chỉ xảy ra trong vài phút đến vài giờ sau khi tiêm.
Những phản ứng nhẹ của cơ thể khi tiêm phòng viêm gan A là:
- Nhức đầu: Có thể gặp ở trẻ em và người lớn;
- Chán an: Thường xảy ra ở trẻ em;
- Mệt mỏi: Hay xuất hiện ở người lớn.
Hầu hết các trường hợp khi tiêm vắc xin viêm gan A sẽ không gặp phải vấn đề gì. Tuy nhiên, bạn đừng vì thế mà chủ quan. Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm cần thư giãn tại cơ sở thực hiện trong khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ và để ý các phản ứng của cơ thể.
Nếu bình thường, chỉ hơi mệt hoặc nhức đầu một chút thì người được tiêm có thể yên tâm về nhà nghỉ ngơi. Trường hợp có các dấu hiệu dưới đây thì cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được can thiệp kịp thời:
- Sốt cao;
- Mất tự chủ hành động;
- Khó thở, khò khè
- Khàn giọng;
- Nổi mề đay;
- Da tái xanh;
- Chóng mặt;
- Mạch đập nhanh…
Ngày Cập nhật 06/03/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!