Tiêm phòng viêm gan B cho người lớn mấy mũi là đủ?
Tiêm phòng viêm gan B cho người lớn thường có khoảng 3 – 4 mũi tùy vào từng phác đồ cụ thể. Tuy nhiên với những người đã có kháng thể, bác sĩ thường chỉ yêu cầu tiêm thêm 1 mũi bổ sung.
Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm ngừa viêm gan B cho người lớn?
Viêm gan B là bệnh viêm nhiễm gan do siêu vi B – Hepatitis B virus gây ra. Chủng virus này lây nhiễm qua đường máu, từ mẹ sang con và lây qua đường tình dục. Khi đi vào cơ thể, Hepatitis B virus xâm nhập vào gan, gây tổn thương và làm giảm chức năng của cơ quan này.
Viêm gan B là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy gan, xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan. Tuy nhiên hiện nay chưa có thuốc hay biện pháp đặc hiệu đối với bệnh lý này. Vì vậy việc tiêm vaccine phòng ngừa được xem là biện pháp thiết yếu.
Thông thường, vaccine được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh và tiêm bổ sung 4 mũi vào các giai đoạn sau. Tuy nhiên vaccine ngừa viêm gan B vẫn có thể tiêm cho người trưởng thành.
Khác với trẻ sơ sinh, người lớn cần xét nghiệm viêm gan B (xét nghiệm kháng thể) trước khi tiêm. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định có nhiễm virus hay chưa và nồng độ kháng thể trong máu.
Đối với những trường hợp dương tính với virus, việc tiêm ngừa thường không đem lại hiệu quả. Trong trường hợp này, cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết nhằm xác định mức độ tổn thương gan và can thiệp các biện pháp điều trị trong thời gian sớm nhất.
Chỉ định – Chống chỉ định
Tiêm ngừa viêm gan B cho người lớn được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Người có tiền sử tình dục phức tạp
- Từng quan hệ với người dương tính với viêm gan B
- Tiếp xúc với máu của người nhiễm viêm gan B
- Người có hệ miễn dịch suy yếu
- Sử dụng chất kích thích
- Người mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
- Người làm trong các cơ sở y tế và phải tiếp xúc với máu/ dịch phẩm thường xuyên
- Người chuẩn bị đi vào vùng có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao
- Người mắc các vấn đề về gan
- Người chưa được chích ngừa viêm gan B
- Người mắc bệnh tiểu đường từ 19 – 59 tuổi
Chống chỉ định tiêm vaccine ngừa viêm gan B cho những trường hợp sau:
- Quá mẫn với thành phần trong vaccine
- Đang bị nhiễm trùng cấp nặng (Cần điều trị nhiễm trùng dứt điểm trước khi tiêm)
Để hạn chế rủi ro khi tiêm vaccine, bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe. Bác sĩ sẽ xem xét điều kiện ở từng trường hợp trước khi tiến hành chích vaccine phòng ngừa.
Tiêm phòng viêm gan B cho người lớn mấy mũi?
Khác với trẻ sơ sinh, phác đồ tiêm phòng viêm gan B cho người lớn khá đa dạng. Phác đồ được áp dụng tùy thuộc vào chỉ số kháng thể và một số điều kiện đi kèm.
1. Trường hợp tiêm mới hoàn toàn
Đối với những trường hợp chưa từng chích vaccine ngừa viêm gan B hoặc đã từng chích nhưng nồng độ kháng thể rất thấp và không có đủ khả năng miễn dịch, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ tiêm 3 – 4 mũi.
– Phác đồ 0 – 1 – 6:
- Tiêm mũi thứ nhất
- Mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 1 tháng
- Mũi thứ 3 cách mũi thứ nhất 6 tháng
– Phác đồ 0 – 1 – 2 – 12:
- Ba mũi đầu tiên tiêm cách nhau 1 tháng
- Mũi thứ 4 cách mũi thứ nhất 12 tháng
2. Trường hợp tiêm bổ sung
Kháng thể đối kháng với Hepatitis B virus có xu hướng giảm dần theo từng năm. Vì vậy sau khoảng 5 – 10 năm, bạn nên xét nghiệm để xác định nồng độ kháng thể trong máu. Trong trường hợp kháng thể dao động trong khoảng HBsAb < 10mUI/ ml, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thêm 1 mũi bổ sung.
3. Trường hợp tiêm khẩn cấp
Trong trường hợp tiếp xúc với máu hoặc quan hệ với người nhiễm viêm gan B, cần tiến hành tiêm khẩn cấp theo phác đồ sau:
- Mũi 1: Cố gắng tiêm sớm nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Tiêm mũi 2 cách mũi 1 7 ngày
- Tiêm mũi 3 cách mũi thứ 2 21 ngày
- Tiêm mũi 4 cách mũi đầu tiên 12 tháng
Mức độ đáp ứng miễn dịch đối với vaccine phòng ngừa phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Do đó sau khoảng 18 tháng kết thúc phác đồ tiêm, bạn nên xét nghiệm máu để xác định đã có kháng thể hay chưa. Nếu kháng thể thấp, bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm thêm 1 mũi bổ sung.
Một số loại vaccine ngừa viêm gan B cho người lớn
Hiện nay trên thị trường có 4 loại vaccine phổ biến có tác dụng phòng ngừa viêm gan B cho người lớn:
- Engerix B – Tiêm bắp liều 20µg (1ml)
- Euvax B – Tiêm bắp liều 1ml
- Hepavax – Tiêm bắp liều 20µg (1ml)
- Heberbiovac – Tiêm bắp liều 20µg (1ml)
Tác dụng phụ sau khi tiêm phòng viêm gan B
Sau khi tiêm vaccine, cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
Tác dụng phụ phổ biến:
- Ngứa, đỏ và sưng viêm tại vị trí tiêm
- Cáu kỉnh
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Viêm họng
- Chảy nước mũi
- Sốt nhẹ
- Nghẹt mũi
- Buồn nôn
Tác dụng phụ nghiêm trọng:
- Thay đổi tầm nhìn
- Khó thở
- Ngất xỉu
- Đau khớp
- Nôn mửa
- Mờ mắt
- Đổ nhiều mồ hôi
Khi nhận thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trong một số ít trường hợp, vaccine ngừa viêm gan B có thể gây dị ứng và sốc phản vệ.
Chăm sóc sau khi tiêm phòng viêm gan B
Trong quá trình tiếp nhận vaccine và sản sinh kháng thể, cơ thể có thể phản ứng bằng một số triệu chứng như sốt, mệt mỏi, nghẹt mũi,… Vì vậy sau khi tiêm, bạn nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc như:
- Cần uống nhiều nước và ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch và làm giảm ảnh hưởng của vaccine.
- Nếu sốt cao hơn 38 độ C, bạn có thể sử dụng Paracetamol để hạ sốt và giảm đau nhức.
- Nên nghỉ ngơi tại nhà 1 – 2 ngày nếu gặp phải tình trạng mệt mỏi, đau đầu và sốt.
- Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường (khó thở, mờ mắt, co thắt phế quản,…), nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Tiêm phòng viêm gan B cho người lớn mấy mũi?” và đề cập đến một số thông tin cần biết. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn về vaccine ngừa viêm gan B và dễ dàng xử lý khi xuất hiện tác dụng phụ sau khi tiêm.
Tham khảo thêm: Chích ngừa viêm gan B rồi có bị lây không? [Giải đáp]
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!