Tràn dịch khớp háng ở trẻ em và những điều cần biết
Tràn dịch khớp háng ở trẻ em là bệnh xuất hiện không phổ biến. Tuy nhiên khi bệnh hình thành và phát triển, trẻ sẽ thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, suy nhược, quấy khóc do vị trí của khớp bị tổn thương sưng và đau nhức dữ dội, tăng nhiệt độ cơ thể, trẻ gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt và di chuyển.

Triệu chứng của bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em
Tràn dịch khớp háng thể hiện cho tình trạng dịch nhầy tràn ra khỏi vị trí ban đầu của nó là bao hoạt dịch. Điều này khiến khớp sưng to, viêm và tạo nên cảm giác đau nhức dữ dội. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi kể cả trẻ em.
Khi mắc bệnh, trẻ sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và khó chịu với những triệu chứng điển hình của bệnh. Cụ thể như:
- Bên ngoài khớp ấm hoặc nóng
- Khớp sưng viêm
- Xuất hiện những cơn đau nhức nghiêm trọng
- Khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày và khi di chuyển.
Ngoài những triệu chứng điển hình nêu trên, tràn dịch khớp háng còn khiến trẻ đối mặt với nhiều triệu chứng toàn thân như:
- Nóng sốt
- Mệt mỏi
- Lười ăn
- Khó ngủ, ngủ không ngon giấc…
Khác với người trưởng thành, cơ thể của trẻ chưa phát triển toàn diện, còn non nớt nên khi bệnh xuất hiện, triệu chứng của bệnh không chỉ tồn tại ở khớp bị tổn thương mà còn có xu hướng tác động và làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Chính vì thế, nếu không thực sự chú ý và không cẩn thận, ba mẹ có thể nhầm lẫn bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em với những bệnh lý, vấn đề sức khỏe thông thường.

Tràn dịch khớp háng ở trẻ em xuất hiện do đâu?
Ở người trưởng thành, nhiễm HIV, bệnh tiểu đường, bệnh gout… là những nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh tràn dịch khớp háng xuất hiện. Tuy nhiên đối với trẻ em, bệnh lại xuất hiện do một số nguyên nhân khác. Bao gồm:
Nhiễm khuẩn
Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Chính vì thế, các loại vi khuẩn và một số tác nhân gây hại khác rất dễ xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Đồng thời phát triển mạnh và gây nên tình trạng viêm. Tình trạng viêm được kích hoạt ở khớp vô tình khiến màng bao hoạt dịch tăng tiết. Từ đó gây ra hiện tượng tràn dịch.
Chấn thương
Ở trẻ em, không chỉ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện mà hệ thống xương khớp cũng rất non nớt, dễ xảy ra những tổn thương khi có tác động xấu từ bên ngoài. Chấn thương xảy ra trong quá trình vui chơi, sinh hoạt của trẻ… cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em.
Viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh xương khớp, viêm khớp đặc biệt. Bệnh có mối liên hệ mật thiết với tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch. Những trẻ em mắc bệnh lý này sẽ có cơ thể chứa hàm lượng bạch cầu cao hơn mức bình thường.
Tế bào bạch cầu trong cơ thể của trẻ có thể di chuyển đến khớp háng gây viêm. Đồng thời khiến hiện tượng tràn dịch hình thành.
Ngoài những nguyên nhân phổ biến nêu trên, bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em còn xuất hiện khi trẻ bị sốt xuất huyết, sốt siêu vi, sởi, nhiễm trùng da, áp xe… Vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh không được loại bỏ hoàn toàn có thể di chuyển và tiềm ẩn trong khớp háng. Điều này tạo nên những tổn thương và làm phát sinh các bệnh lý, vấn đề ở khớp háng.

Biến chứng của tràn dịch khớp háng ở trẻ em
So với người lớn, bệnh tràn dịch khớp háng có khả năng phát triển mạnh và gây ra nhiều biến chứng hơn khi xuất hiện ở trẻ em. Bệnh hình thành không chỉ tạo nên cảm giác đau nhức dữ dội, viêm, sưng, khả năng vận động bị hạn chế mà còn khiến cơ bắp, gân và những cơ quanh xung quanh khớp bị tổn thương.
Nếu không sớm thăm khám và điều trị, những tổn thương tồn tại ở khớp có thể phát triển, làm ảnh hưởng đến cấu trúc xương và quá trình tăng trưởng của trẻ.
Tràn dịch khớp háng ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện một số thủ tục sau:
- Kiểm tra thể chất: Trước tiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra, xem xét những biểu hiện, tổn thương bên ngoài của khớp háng. Đồng thời yêu cầu trẻ di chuyển hoặc thực hiện các hoạt động cần thiết cho quá trình chẩn đoán. Bác sĩ có thể nhận thấy được sự bất thường xảy ra ở khớp thông qua chức năng hoạt động và phạm vi chuyển động của trẻ.
- Siêu âm, chụp X-quang: Hình ảnh từ X-quang và siêu âm có thể giúp bác sĩ xem xét, loại trừ khả năng viêm và đau khớp do gãy, nứt hoặc xuất hiện khối u trong xương.
- MRI: Đối với những trường hợp bệnh không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI để có thể quan sát kỹ hơn tình trạng của những mô mềm bên trong khớp.
- Phân tích dịch khớp: Chẩn đoán bằng cách phân tích dịch khớp sẽ giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân chính gây nên hiện tượng tràn dịch.

Phương pháp điều trị tràn dịch khớp háng ở trẻ em
Hầu hết những trẻ em bị tràn dịch khớp háng đều đáp ứng tốt khi áp dụng những phương pháp điều trị nội khoa. Rất ít những trường hợp có khớp bị tổn thương nghiêm trọng và phải điều trị bằng phương pháp ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của khớp, mức độ đau nhức và tình trạng sức khỏe, phụ huynh có thể cho trẻ áp dụng một trong những phương pháp điều trị nội khoa dưới đây:
Nghỉ ngơi
Khi bệnh tràn dịch khớp háng vừa xuất hiện hoặc đang trong giai đoạn sớm, dành thời gian để nghỉ ngơi là điều vô cùng cần thiết trong việc phục hồi những tổn thương tại khớp háng. Trong thời gian này, những hoạt động thể chất có thể khiến tình trạng đau nhức, hiện tượng sưng, viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Để đảm bảo khớp háng không bị chèn ép, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng nẹp hoặc băng để cố định khớp.
Chườm lạnh
Đối với những trường hợp có cơn đau xuất hiện nặng nề gây nên cảm giác khó chịu, ba mẹ có thể sử dụng một ít đá để thực hiện biện pháp chườm lạnh, giúp trẻ cải thiện tình trạng viêm, đau và những triệu chứng khó chịu khác.
Sử dụng thuốc
Trong trường hợp biện pháp chườm lạnh không thể kiểm soát cơn đau, bác sĩ có thể kê cho trẻ một đơn thuốc có chứa Acetaminophen. Thuốc này vừa có tác dụng giảm sốt vừa có tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức.
Việc sử dụng thuốc Corticosteroid và thuốc chống viêm không steroid ở trẻ em không được khuyến khích. Bởi đây đều là những loại thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, trẻ em bị tràn dịch khớp gối chỉ nên sử thuốc này khi bác sĩ chuyên khoa yêu cầu.
Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê cho trẻ một đơn thuốc có chứa thuốc kháng sinh. Thời gian sử dụng thuốc từ 7 – 14 ngày. Ngoài ra, trẻ cũng có thể được yêu cầu sử dụng những loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc này có tác dụng cải thiện bệnh ở những trẻ bị tràn dịch khớp háng do viêm khớp dạng thấp.

Điều trị ngoại khoa
Phương pháp điều trị ngoại khoa đối với bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em chủ yếu là hút để loại bỏ dịch khớp. Thủ thuật hút bỏ dịch khớp được thực hiện nhằm giảm viêm, hút bỏ lượng dịch khớp dư thừa. Đồng thời giúp những cơ quan xung quanh thoát khỏi sự chèn ép.
Chọc hút dịch khớp được đánh giá là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Do đó thủ thuật này hiếm khi gây ra những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên trẻ cần nghỉ ngơi sau khi thực hiện thủ thuật để khớp có thời gian phục hồi hoàn toàn.
Biện pháp phòng ngừa tràn dịch khớp háng ở trẻ em
Bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em sẽ tái phát khi gặp điều kiện thích hợp. Bệnh tái phát nhiều lần không chỉ khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi mà còn khiến cấu trúc và chức năng quan trọng của khớp háng bị ảnh hưởng lâu dài. Chính vì thế, ba mẹ cần cho trẻ áp dụng những biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Sớm kiểm soát, điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh truyền nhiễm và những triệu chứng chứng đi kèm.
- Bạn cần tránh để trẻ vui chơi, chạy nhảy quá mức hoặc thường xuyên chơi những môn thể thao có cường độ mạnh. Thay vào đó, ba mẹ nên khuyến khích trẻ bơi lội, đạp xe, đi bộ hoặc thực hiện những môn thể thao nhẹ nhàng. Những môn thể thao này sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện xương khớp.
- Cho trẻ áp dụng một chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ chất dinh dưỡng, kết hợp cùng với chế độ sinh hoạt hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh tràn dịch khớp háng ở trẻ em có thể được điều trị và kiểm soát tốt nếu sớm phát hiện và chữa bệnh kịp thời. Việc ba mẹ chủ quan sẽ khiến bệnh tình của trẻ phát triển theo hướng xấu. Đồng thời gây ra những biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình tăng trưởng của trẻ.
ArrayNgày Cập nhật 07/06/2024