Trẻ Bị Dị Ứng Thời Tiết: Bỏ Túi Trọn Bộ Cẩm Nang Hữu Ích Dành Cho Cha Mẹ
Trẻ bị dị ứng thời tiết khiến da mẩn đỏ, phát ban, ngứa ngáy, khó chịu, hay quấy khóc, biếng ăn… Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị giúp con nhanh khỏi bệnh. Bài chia sẻ dưới đây sẽ giúp các gia đình hiểu cặn kẽ về dị ứng thời tiết và cách chữa trị khi trẻ bị dị ứng.
Dị ứng thời tiết là gì? Có nguy hiểm không?
Dị ứng thời tiết là phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch cơ thể khi thời tiết thay đổi, trời quá nóng hoặc quá lạnh.
Trẻ em, đặc biệt các bé sơ sinh là đối tượng rất dễ bị dị ứng thời tiết. Bởi vì, lúc này, hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị phản ứng quá mẫn với các thay đổi của thời tiết. Làn da trẻ em mỏng, yếu và dễ bị kích ứng bởi các yếu tố môi trường, thời tiết.
Vậy dị ứng thời tiết ở trẻ có nguy hiểm không? Theo lương y Đỗ Minh Tuấn – GĐ chuyên môn nhà thuốc Nam gia truyền Đỗ Minh Đường – Nguyên PGĐ chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc: “Trẻ bị dị ứng thời tiết rất phổ biến. Khi các bé bị dị ứng thời tiết, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần chăm sóc các bé kỹ lưỡng, điều trị khoa học, đúng cách.
Đối với các trường hợp trẻ bị dị ứng thời tiết nhẹ, việc chăm sóc cẩn thận, kiêng khem kết hợp sử dụng thuốc sẽ làm dịu các triệu chứng dị ứng trong vòng 24h hoặc 1 vài ngày sau đó. Tuy nhiên, nếu trẻ bị dị ứng nặng, các triệu chứng không thuyên giảm, nổi mề đay toàn thân, phù nề, sốt cao, sốc phản vệ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để bác sĩ xử lý.”, lương y Tuấn nhấn mạnh.
Triệu chứng, nguyên nhân trẻ bị dị ứng thời tiết
Những thay đổi của thời tiết là nguyên nhân chính khiến trẻ bị dị ứng.
- Sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng, trời nóng kéo dài hoặc lạnh kéo dài tạo nên sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ bên trong và bên ngoài cơ thể. Tình trạng này dẫn đến một lượng lớn histamin được sản sinh là nguyên nhân chính gây dị ứng ở trẻ.
- Độ ẩm không khí thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi để nấm mốc phát triển, phấn hoa, bụi bẩn dễ phát tán trong không khí. Các chất này dễ bám lên da bé gây ngứa ngáy, viêm nhiễm, dị ứng.
Các dấu hiệu trẻ bị dị ứng thời tiết thường gặp:
- Trẻ bị dị ứng thời tiết nổi mẩn ngứa xuất hiện đầu tiên trên các vùng da mặt, cánh tay, chân, sau đó có thể lan rộng ra cả cơ thể.
- Trên các vùng da dị ứng có hiện tượng sưng đỏ.
- Dị ứng thời tiết có thể gây hắt hơi, sổ mũi, khó thở, sốt nhẹ,…
- Mắt đỏ, chảy nước mắt
- Trẻ hay quấy khóc, biếng ăn
- Nổi mề đay cấp tính dẫn đến hô hấp khó khăn, huyết áp tụt nhanh, co giật, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Cách phòng tránh trẻ bị dị ứng thời tiết
Vào các thời điểm giao mùa, trời quá lạnh hoặc quá nóng, cha mẹ có thể phòng tránh trẻ bị dị ứng bằng các cách sau đây:
- Hạn chế đưa bé ra ngoài. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài hãy đi ô tô, taxi để tránh gió, mặc quần áo cẩn thận giữ ấm cho trẻ.
- Luôn giữ môi trường xung quanh các bé sạch sẽ, thoáng mát, không ẩm thấp, tránh nấm mốc, bụi bẩn.
- Vệ sinh thường xuyên các đồ tiếp xúc với trẻ như chăn gối, quần áo, đồ đựng thức ăn, đồ chơi,…
- Bổ sung các thực phẩm tốt cho bé như rau xanh, hoa quả giàu vitamin C.
- Hạn chế ăn thực phẩm dầu mỡ, thức ăn sẵn, đồ tanh, hải sản có vỏ.
TOP 6 câu hỏi thường gặp khi trẻ bị dị ứng thời tiết
Dưới đây là 6 câu hỏi thường gặp nhất khi trẻ bị dị ứng thời tiết:
Trẻ bị dị ứng thời tiết phải làm sao?
Khi trẻ bị dị ứng, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân dị ứng và cách điều trị hiệu quả.
Không tự ý sử dụng thuốc Tây mà không có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học giàu chất xơ, vitamin, giảm tinh bột, đồ ngọt, không ăn dầu mỡ, protein và chất tanh.
Kiêng khem đúng cách và đúng mức. Giữ bé nghỉ ngơi trong nhà, nơi thoáng mát, sạch sẽ. Vệ sinh cơ thể hàng ngày cho bé.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh hay cào, gãi các vùng da bị ngứa. Bố mẹ cần cắt móng ngắn, đeo bao tay cho trẻ, chơi với các con để các con không cào, gãi. Sử dụng các thuốc bôi ngoài da, làm dịu cơn ngứa.
Trẻ bị dị ứng thời tiết uống thuốc gì?
Trẻ em rất dễ bị dị ứng thuốc Tây. Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc và sử dụng cho bé. Nếu uống thuốc không đúng có thể khiến bé bị dị ứng thuốc, nặng sẽ dẫn đến sốc phản vệ. Bôi thuốc dị ứng không hợp có thể khiến tình trạng trên da nặng thêm.
Trong trường hợp bé phải uống thuốc, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để bác sĩ khám và kê đơn.
Trẻ bị dị ứng thời tiết nên kiêng gì?
- Tuyệt đối kiêng ra ngoài trời gió lạnh, nắng nóng, bụi bẩn.
- Kiêng ăn đồ tanh, hải sản vì chúng dễ làm tăng hàm lượng histamin trong cơ thể khiến trẻ bị dị ứng thêm nghiêm trọng.
- Giảm đồ ăn có quá nhiều đạm: Thịt màu đỏ, trứng, sữa…
- Kiêng một số loại quả, hạt: Táo, kiwi, hạnh nhân, hạt phỉ…
- Kiêng một số loại rau củ: Ngô (bắp), rau cần tây dễ gây kích ứng da và gây viêm mũi dị ứng
Trẻ bị dị ứng thời tiết có được tắm không?
Trẻ bị dị ứng thời tiết nên tắm rửa bình thường. Kiêng tắm là một sai lầm của nhiều cha mẹ hiện nay. Việc tắm rửa thường xuyên giúp hỗ trợ giảm triệu chứng dị ứng trên da, ngăn ngừa nấm mốc, loại bỏ bụi bẩn, phấn hoa và chất bã nhờn đào thải qua da, giúp da sạch, khỏe.
Lưu ý khi tắm:
- Sử dụng nước sạch hoặc một số loại nước lá có tinh chất giảm ngứa, dịu da, mát da. Nước tắm nên là nước ấm vừa phải, không được quá nóng hoặc quá lạnh.
- Không được chà sát mạnh vùng da bị tổn thương. Việc này có thể khiến mụn nước vỡ, dịch chảy ra vùng da khác, mẩn ngứa lan rộng. Khi da bị bong tróc dễ gây nhiễm khuẩn.
- Nên tắm rửa nhẹ nhàng, sử dụng khăn lông mềm để thấm sạch nước sau khi tắm.
Trẻ bị dị ứng thời tiết tắm lá gì?
Một số loại lá phổ biến trong vườn là những cây thuốc Nam có hiệu quả bất ngờ với trẻ bị dị ứng thời tiết. Các loại có thể sử dụng như: Lá lốt, lá khế, lá kinh giới, lá trầu không, chè xanh… có chứa các chất diệt khuẩn, kháng khuẩn, làm sạch da một cách dịu nhẹ, giảm triệu chứng dị ứng trên da,…
Cách sử dụng:
- Sử dụng 1 trong các loại lá trên, loại bỏ lá bị hỏng, rửa sạch.
- Cắt nhỏ, băm nhỏ hoặc vò nát rồi đun với nước đến khi sôi và các chất trong lá phai ra nước.
- Để nước nguội bớt, tắm khi còn ấm. Cho bé ngâm mình trong nước sẽ tốt hơn. Sau khi tắm với nước lá hãy tắm lại một lần bằng nước sạch rồi thấm khô da cho bé.
Trẻ bị dị ứng thời tiết bao lâu thì khỏi?
Dị ứng thời tiết với mức độ nặng nhẹ khác nhau ảnh hưởng tới thời gian khỏi của các bé.
- Các triệu chứng dị ứng sẽ thuyên giảm nhanh nếu ta điều chịu đúng cách, chăm sóc cẩn thận. (Thường trong 3 – 5 ngày trở lại).
- Dị ứng thời tiết cũng sẽ biến mất khi thời tiết ổn định lại, trời nóng trở nên dịu mát hoặc trời lạnh ấm lên.
- Dị ứng ở trạng thái cấp tính sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến dưới 6 tuần.
Lưu ý: Trong trường hợp dị ứng kéo dài trên 1 tuần kèm theo các biểu hiện nặng bất thường thì cần đến ngay cơ sở y tế, khám chữa kịp thời.
Trên đây là toàn bộ những thông tin mà cha mẹ cần biết khi trẻ bị dị ứng thời tiết. Dị ứng thời tiết không phải là bệnh nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển bình thường của trẻ. Bố mẹ hãy luôn cảnh giác và giúp các bé phòng tránh dị ứng thời tiết một cách hiệu quả.
Ngày Cập nhật 04/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!