Trĩ nội khác trĩ ngoại như thế nào? Đây là cách phân biệt
Các dấu hiệu ban đầu của trĩ nội không rõ ràng. Chúng thường nằm trong ống hậu môn và sa ra ngoài ở giai đoạn cuối. Trong khi đó, ngay từ đầu, trĩ ngoại đã nằm ngoài ống hậu môn. Nhận biết trĩ nội khác trĩ ngoại như thế nào sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị bệnh này.
Vị trí của trĩ nội và trĩ ngoại
Bệnh trĩ hình thành khi các đám rối tĩnh mạch ở hậu môn bị kéo giãn hoặc chịu áp lực quá lớn. Chúng bị phình giãn và mất khả năng đàn hồi nên tạo thành các búi trĩ. Có nhiều tiêu chí để phân loại bệnh này nhưng phổ biến nhất là dựa vào vị trí. Có hai loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Một số ít trường hợp bị đồng thời cả hai loại này gọi là trĩ hỗn hợp.
Xét về vị trí, búi trĩ nằm dưới đường lược và trong lớp da bao quanh hậu môn được gọi là trĩ ngoại. Ở vị trí trên đường lược là trĩ nội. Đường lược hay còn gọi là đường hậu môn – trực tràng. Nói một cách dễ hiểu, trĩ ngoại luôn nằm bên ngoài hậu môn và không thể đưa chúng vào trong được. Còn đối với trĩ nội, vị trí ban đầu của nó là trong ống hậu môn. Nếu nó bị lòi ra vẫn có thể dùng tay đẩy vào.
Chính vì thế, người bị trĩ ngoại có thể dễ dàng quan sát thấy bằng mắt ngay từ đầu. Còn người bị trĩ nội ở giai đoạn đầu không thể nhận biết bằng mắt. Thay vào đó, họ chỉ có thể nhìn thấy búi trĩ thông qua nội soi hậu môn.
Cấu tạo trĩ ngoại có dây thần kinh còn trĩ nội thì không
Trĩ ngoại nằm trong lớp da bao quanh hậu môn ở phía ngoài nên nó chứa dây thần kinh cảm giác. Lớp biểu mô bao quanh trĩ ngoại là biểu mô vảy. Trong khi đó, bề mặt của trĩ nội là lớp niêm mạc của ống hậu môn. Chúng không có dây thần kinh cảm giác. Lớp biểu mô bao quanh trĩ nội là biểu mô chuyển tiếp.
Nguyên nhân, biểu hiện của trĩ nội và trĩ ngoại
Ngoài vị trí và cấu tạo, cách xác định trĩ nội khác trĩ ngoại như thế nào còn được dựa vào nguyên nhân và biểu hiện từng loại. Biểu hiện chung của bệnh trĩ là chảy máu khi đại tiện. Trong đó, đa số các trường hợp bị trĩ ngoại thường gây đau rát, ngứa và ít chảy máu. Còn trĩ nội giai đoạn đầu rất dễ chảy máu nhưng không gây ngứa.
Nguyên nhân và biểu hiện của trĩ ngoại
- Tắc hoặc vỡ tĩnh mạch trên: Máu đông sẽ ứ đọng ở các mạch máu hoặc gây chảy máu. Người bệnh có cảm giác đau rát hậu môn, nhất là khi đại tiện.
- Tĩnh mạch bị phình: Búi trĩ bị tắc và xuất hiện tổ chức kết đế. Kéo theo đó là tình trạng xuất huyết và đau đớn dữ dội.
- Nguyên nhân do viêm: Các nếp gấp ở hậu môn bị sưng và nhiễm trùng (thường có nguyên nhân do vi khuẩn). Ngoài cảm giác đau rát, người bệnh còn bị ngứa hậu môn.
Nguyên nhân và biểu hiện của trĩ nội
- Tĩnh mạch bị phình: Búi trĩ mềm, màu đỏ và dễ bị chảy máu nhưng thường không đau.
- Phù mạch máu: Búi trĩ dễ sa ra ngoài. Bề mặt của nó thô và cũng dễ bị chảy máu.
- Do táo bón lâu ngày: Búi trĩ bị xơ hóa, cứng và khó chảy máu.
Trĩ nội phân cấp độ, trĩ ngoại chia thời kỳ
Một trong những điểm khác nhau nữa ở trĩ nội và trĩ ngoại đó là trĩ nội thì sẽ được chia làm các cấp khác nhau dựa trên tình trạng sa búi trĩ, còn việc nhận biết mức độ nặng nhẹ của trĩ ngoại là chia theo từng thời kỳ.
Từng thời kỳ của trĩ ngoại
Trĩ ngoại ở giai đoạn không biến chứng thường không gây nguy hiểm cho tính mạng. Nó chỉ gây cảm giác khó chịu và phiền phức trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn biến chứng, búi trĩ có thể bị hoại tử hoặc gây tắc hậu môn, nhiễm trùng đường ruột và mất máu cấp.
Dựa vào thời kỳ, bệnh trĩ ngoại được phân thành 4 thời kỳ. Lúc đầu búi trĩ mới hình thành và có kích thước nhỏ. Tiếp đến có thêm sự xuất hiện của các tĩnh mạch ngoằn ngoèo. Giai đoạn tiếp theo sẽ chảy nhiều máu do búi trĩ bị tắc. Cuối cùng là viêm sưng và nhiễm trùng búi trĩ. Khi đó, ngoài cảm giác đau rát, người bệnh còn ngứa ngáy nhiều ở hậu môn.
Các cấp độ trĩ nội
- Độ 1: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn, không bị lòi ra ngoài và không gây đau.
- Độ 2: Búi trĩ bị thò ra ngoài khi đại tiện. Sau đó sẽ tự co lại vào trong ống hậu môn.
- Độ 3: Lao động nặng, đi lại nhiều hoặc khi đại tiện, búi trĩ sẽ bị thò ra ngoài. Tuy nhiên, chúng không còn khả năng tự co lại. Người ta phải dùng tay đẩy nó về lại vị trí ban đầu.
- Độ 4: Búi trĩ thường xuyên thò ra khỏi ống hậu môn. Ngay cả khi dùng tay đẩy vào cũng không được. Khi đó, máu sẽ chảy rất nhiều. Đồng thời người bệnh sẽ bị đau rát dữ dội. Nguy cơ nhiễm trùng và chuyển sang biến chứng rất cao.
Đa số trĩ ngoại cần cắt bỏ, trĩ nội thì tùy
Bệnh trĩ không cần phẫu thuật có hết hẳn bệnh không? Câu trả lời là có. Đây đồng thời cũng là điểm chung của cả bệnh trĩ nội và trĩ ngoại. Khi đó, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc kết hợp thêm tiểu phẫu. Mấu chốt vấn đề ở chỗ giai đoạn bệnh. Điều này cũng có nghĩa là không thể dựa vào cách nhận biết bệnh để đánh giá trĩ nội và trĩ ngoại cái nào nặng hơn.
Đa số các trường hợp bị trĩ ngoại sẽ được cắt bỏ. Trong khi đó, trĩ nội thì căn cứ vào cấp độ bệnh. Ở cấp độ 1 và 2, nếu búi trĩ vẫn còn khả năng tự đàn hồi tốt, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp bảo tồn (giảm máu nuôi búi trĩ và cố định chúng về lại vị trí cũ). Trường hợp bị trĩ nội độ 3 trở lên, búi trĩ to và gần như không còn khả năng tự co lại thì các bác sĩ sẽ dùng phương pháp phẫu thuật.
Từ vị trí, cấu tạo, nguyên nhân, dấu hiệu, sự phân cấp và điều trị hai loại trĩ phổ biến hiện nay chắc bạn đã biết được trĩ nội khác trĩ ngoại như thế nào. Tuy nhiên, bạn đừng chỉ dựa vào những dữ liệu này để xác định tình trạng bệnh rồi tự tìm hướng điều trị. Tốt nhất vẫn là đến cơ sở y tế để kiểm tra mình bị loại trĩ nào, mức độ bệnh ra sao. Với từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị hợp lý nhất.
Ngày Cập nhật 05/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!