Mắc Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung Sống Được Bao Lâu?
Ung thư cổ tử cung được biết đến là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, chỉ đứng sau bệnh ung thư vú. Mỗi năm, ở nước ta có hơn 5000 trường hợp mắc bệnh và có tới 2500 ca tử vong vì căn bệnh này. Chính vì số lượng này đã khiến không ít chị em phụ nữ lo lắng và sợ hãi. Vậy khi mắc bệnh ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? Câu trả lời sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.
Đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh phụ khoa của chị em phụ nữ khá phổ biến hiện nay. Đây là hiện tượng tăng sinh quá mức của tế bào trong cổ tử cung và hình thành nên các khối u. Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV – loại virus lây truyền qua đường tình dục không an toàn. Các chuyên gia cho biết, thời gian ủ bệnh ung thư cổ tử cung có thể lên tới 10 – 15 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người mắc phải đang trở nên đáng báo động và xu hướng trẻ hóa.
Thông thường, bệnh ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn chính tương ứng với những mối nguy hiểm cụ thể gia tăng theo chiều hướng tiêu cực:
- Giai đoạn nhiễm virus HPV;
- Giai đoạn tiền ung thư;
- Giai đoạn ung thư không hoặc chưa di căn;
- Giai đoạn di căn.
Mỗi giai đoạn bệnh phát triển đều có những triệu chứng, dấu hiệu nhận biết cụ thể. Bệnh phát hiện càng trễ càng nhanh chóng chuyển sang giai đoạn nặng hơn. Khi bệnh tình càng chuyển biến tiêu cực càng khiến bệnh nhân dễ gặp phải các biến chứng hơn. Một số biến chứng điển hình mà bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung có thể gặp phải như:
- Bệnh ung thư cổ tử cung thường diễn biến một cách âm thầm và ít triệu chứng. Không những vậy, triệu chứng của bệnh còn bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên nhiều chị em phụ nữ chủ quan dẫn đến tình trạng phát hiện bệnh muộn. Lúc này, việc điều trị trở nên khó khăn hơn và cơ hội sống sót sau 5 năm giảm dần, thậm chí còn 15% đối với giai đoạn cuối;
- Giảm thời gian sống nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trường hợp này thường gặp nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 – 59. Khả năng tử vong có thể xảy ra trong vòng 3 – 5 năm nếu không tiến hành điều trị;
- Bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu có thể điều trị khỏi nhưng cũng tác động ít nhiều đến khả năng mang thai và sinh sản về sau. Tỷ lệ mang thai thành công giảm khi khối u đã xâm lấn.
Mắc bệnh ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? – Giải đáp thắc mắc
Theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 4 phút trôi qua sẽ có một người phụ nữ Việt Nam qua đời vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Đa phần, các đối tượng không qua khỏi đều thuộc giai đoạn nặng, phát hiện bệnh chậm trễ hay bệnh tình chuyển biến xấu với tốc độ nhanh. Chính vì những con số thống kê này đã khiến không ít chị em phụ nữ không khỏi bàng hoàng.
Cho đến thời điểm hiện tại, giới y học không thể đưa ra con số cụ thể về thời gian sống của bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung. Bởi điều này còn phụ thuộc khá nhiều vào tình trạng bệnh tình, tuổi tác, thể trạng bệnh, phương pháp điều trị,… Các chuyên gia chỉ đưa ra con số tiên lượng khả năng sống sốt sau 5 năm của bệnh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn. Cụ thể hơn:
Giai đoạn: | Tỷ lệ sống sau 5 năm: |
Giai đoạn 0 | 93% |
Giai đoạn 1A | 93% |
Giai đoạn 1B | 80% |
Giai đoạn 2A | 63% |
Giai đoạn 2B | 58% |
Giai đoạn 3A | 35% |
Giai đoạn 3B | 32% |
Giai đoạn 4A | 16% |
Giai đoạn 4B | 15% |
Dựa vào bảng thống kê trên cho thấy, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung được tính toán dựa vào giai đoạn phát triển khối ung thư. Bệnh ung thư ở thể nhẹ và ung thư tại chỗ (ung thư chưa di căn) là những giai đoạn sớm của bệnh. Ở giai đoạn này, tỷ lệ sống sót của người bệnh có thể lên tới 100%. Tỷ lệ sống sót giảm còn 60% ở giai đoạn xâm lấn và đạt được ngưỡng thấp nhất là 15 – 30% khi bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn cuối.
Như vậy, thời gian sống của bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là giai đoạn bệnh và quá trình điều trị bệnh. Việc phát hiện bệnh sớm, có tiêm phòng vắc xin HPV đủ mũi sẽ giúp kết quả điều trị khỏi cao và khả năng sống thêm cao hơn. Chính vì vậy, chị em phụ nữ tuyệt đối không được có thái độ chủ quan với căn bệnh này. Mỗi người nên ý thức hơn trong việc tiêm chủng và tầm soát bệnh định kỳ, nhất là chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 9 – 26.
Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư cổ tử cung qua từng giai đoạn
Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư cổ tử cung còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như phác đồ điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc, bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu thì khả năng bệnh phục hồi nhanh, tỷ lệ chữa khỏi cao và thời gian sống lâu hơn so với trường hợp bệnh ở giai đoạn di căn. Ứng với mỗi giai đoạn bệnh mà khả năng điều trị thành công sẽ khác nhau cụ thể sau:
- Giai đoạn 0 (giai đoạn nhiễm virus HPV): Ở giai đoạn này, tế bào ung thư chỉ mới phát triển ở vùng tử cung. Nếu phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn này cùng với phác đồ điều trị phù hợp thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 95%;
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã tăng sinh nhanh hơn. Tuy nhiên, phạm vi phát triển vẫn còn ở mức giới hạn trong vùng cổ tử cung và chưa lây lan sang các vùng âm đạo. Nếu phát hiện bệnh và điều trị ở giai đoạn này thì tỷ lệ chữa khỏi có thể dao động từ 80 – 90%;
- Giai đoạn 2: Khi bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tế bào ung thư tăng sinh mạnh hình thành khối u vượt quá phạm vi nên đã lây lan đến ⅓ âm đạo. Lúc này, tỷ lệ điều trị khỏi chỉ đạt ở ngưỡng 50%;
- Giai đoạn 3: Các khối u đã bắt đầu di căn đến một số vùng lân cận như khung xương chậu, âm đạo. Chính vì sự chèn ép này mà tỷ lệ khỏi bệnh chỉ đạt ở mức 25 – 30%;
- Giai đoạn 4 (giai đoạn di căn): Là giai đoạn bệnh tình đã chuyển biến sang giai đoạn nghiêm trọng. Các khối u đã di căn đến một số cơ quan trong cơ thể và tăng sinh tại vị trí mà nó di căn đến. Lúc này, tỷ lệ chữa khỏi bệnh là rất thấp. Có đến 90% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sẽ tử vong trong vòng 5 năm.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung hữu hiệu
Ung thư cổ tử cung là bệnh của chị em vô cùng nguy hiểm. Không thể loại trừ trường hợp tử vong khi bệnh chuyển biến sang giai đoạn nặng hoặc không tiến hành điều trị. Do đó, việc hiểu biết và tầm soát ung thư cổ tử cung là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả mà chị em phụ nữ cần biết:
- Tiêm phòng vắc xin HPV ung thư cổ tử cung là cách phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất đối với các phụ nữ trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi;
- Nữ giới đang trong độ tuổi sinh sản chưa tiêm phòng vắc xin HPV cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. Việc thăm khám sẽ giúp sớm phát hiện các triệu chứng bất thường và kịp thời điều trị;
- Quan hệ tình dục an toàn cũng chính là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Chị em phụ nữ nên chung thủy với một bạn tình, sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su. Sử dụng bao cao su khi quan hệ còn giúp phòng các bệnh lây qua đường tình dục;
- Xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học. Nên loại bỏ những thói quen không tốt cho sức khỏe tổng thể và chức năng sinh sản. Đặc biệt là thuốc lá, rượu, bia, chất kích thích,…
Từ những thông tin được chia sẻ trong bài viết, hy vọng sẽ giúp cho bạn đọc tìm được câu trả lời cho thắc mắc “Mắc bệnh ung thư cổ tử cung sống được bao lâu”. Hiểu được mối nguy hiểm của căn bệnh này sẽ giúp chị em phụ nữ chủ động hơn trong việc tiêm ngừa hay tầm soát bệnh. Chủ động từ ngày hôm nay không chỉ bảo vệ sức khỏe của hiện tại mà còn bảo vệ cho chính mình ở tương lai.
Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Tham khảo thêm: Xạ trị ung thư cổ tử cung: Chi phí và những điều cần biết
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!