Viêm Gan A Có Tự Khỏi Không? Nhận Định Của Bác Sĩ
Viêm gan A thường là một tình trạng cấp tính, hiếm khi phát triển thành mạn tính và không gây tổn thương chức năng gan vĩnh viễn. Tuy nhiên, viêm gan A có tự khỏi không hay cần điều trị? Người bệnh có thể tìm hiểu thông tin thông qua giải đáp của các bác sĩ chuyên môn.
Tổng quan về bệnh viêm gan A
Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan có thể lây lan một các nhanh chóng do virus viêm gan A gây ra. Đây là loại viêm gan phổ biến và dễ lây lan nhất trong các loại viêm gan.
Một người có thể nhiễm virus viêm gan A thông qua nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm hoặc khi tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm gan A.
Hiện tại không có thuốc hoặc biện pháp điều trị viêm gan A cụ thể. Tuy nhiên, người bệnh có thể thực hành vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh hoặc hạn chế khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan A để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.
Ngoài ra, không giống như viêm gan C, viêm gan A có thể phòng ngừa các cách tiêm vắc – xin. Đây là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan A.
Bệnh viêm gan A có tự khỏi không – Giải đáp của bác sĩ chuyên môn
Viêm gan A là bệnh lý cấp tính ngắn hạn và hiếm khi gây tổn thương gan cũng như sức khỏe của người bệnh. Do đó, nhiều bệnh nhân viêm gan A thắc mắc viêm gan A có tự khỏi không hay cần điều trị.
Theo các bác sĩ chuyên môn, các trường hợp viêm gan A thường nhẹ và không cần điều trị. Hầu hết các trường hợp, hệ thống miễn dịch có thể sản xuất ra các kháng thể để chống lại virus. Các kháng thể này tồn tại trong cơ thể và có thể bảo vệ cơ thể trước các nguy cơ tái nhiễm trùng viêm gan A trong tương lai.
Các trường hợp dương tính với virus viêm gan A có xu hướng tự cải thiện trong 6 tháng hoặc hơn mà không gây tổn thương hoặc ảnh hưởng đến gan.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm gan A
Để hỗ trợ điều trị các triệu chứng viêm gan A, người bệnh có thể tham khảo một số lưu ý như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để tăng cường sức khỏe và hệ thống miễn dịch.
- Thay đổi chế độ ăn uống, chia nhỏ các bữa ăn (4 – 6 bữa mỗi ngày) để đảm bảo năng lượng và dinh dưỡng.
- Uống nhiều nước, nước trái cây và sữa để tránh mất nước, đặc biệt là khi người bệnh bị tiêu chảy hoặc nôn thường xuyên.
- Sử dụng thuốc cẩn thận bởi vì một số loại thuốc có thể gây áp lực cho gan, khiến men gan cao hoặc thấp bất thường. Điều này có thể tăng nguy cơ tổn thương gan ở người bệnh viêm gan A.
- Không hoặc hạn chế tiêu thụ rượu để tránh làm tổn thương gan. Người nghiện rượu có thể trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các cách cai nghiện rượu an toàn.
- Một số người viêm gan A có thể nổi mề đay mẩn ngứa hoặc ngứa da nghiêm trọng. Do đó, bảo vệ và chăm sóc da bằng cách mặc quần áo rộng rãi và tắm nước mát.
- Đến bệnh viện tái khám để được tư vấn và hỗ trợ điều trị đúng phương pháp.
Bệnh viêm gan A có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp viêm gan A đều không nguy hiểm và không gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Tuy nhiên, đôi khi viêm gan A có thể dẫn đến tình trạng viêm gan tối cấp (hay suy gan cấp tính), đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Tình trạng này gây mất chức năng gan một cách đột ngột và thường cần nhập viện điều trị. Suy gan do viêm gan A thường có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không gây tổn thương đến chức năng gan.
Một số dấu hiệu suy gan cấp người bệnh cần biết bao gồm:
- Vàng da hoặc tròng mắt
- Đau thượng vị bên phải
- Buồn nôn hoặc nôn
- Trướng hoặc sưng bụng
- Khó chịu, mệt mỏi
- Rối loạn ý thức hoặc mất phương hướng
- Thường buồn ngủ
Ngoài ra, mặc dù không phổ biến nhưng viêm gan A có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Các biến chứng liên quan ít khi xảy ra bao gồm:
- Hội chứng Guillain – Barre: Là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công hệ thống thần kinh gây yếu cơ, thậm chí là tê liệt cơ. Người bệnh cần nhập viện để được điều trị và ngăn ngừa các biến chứng.
- Viêm tụy: Đôi khi viêm gan A có thể gây viêm tụy, dẫn đến tình trạng mất chức năng tụy và mất nước trong cơ thể. Người bệnh cần phải ngừng tiêu thụ thức ăn trong vài ngày và truyền nước để tránh nguy cơ mất nước.
Biện pháp phòng ngừa viêm gan A
Tiêm phòng vắc – xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan A. Thông thường vắc – xin được tiêm thành hai mũi và cách nhau 6 – 12 tháng. Sau bốn tuần kể từ mũi đầu tiên, cơ thể sẽ sản xuất các kháng khuẩn để chống lại virus viêm gan A và bảo vệ cơ thể. Liều thứ hai thường hoạt động như thuốc tăng cường kháng thể chống viêm gan A.
Vắc – xin viêm gan A được khuyến cáo cho trẻ em trên 12 tháng tuổi và người trưởng thành. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm phòng bao gồm:
- Sống với người dương tính với virus viêm gan A.
- Nhân viên phòng thí nghiệm có thể tiếp xúc trực tiếp với virus.
- Người sống ở nơi có điều kiện không đảm bảo về nguồn thực phẩm và nguồn nước.
- Người thường xuyên đi du lịch đến quốc gia có nguy cơ viêm gan A cao.
- Người có nhiều bạn tình hoặc nam giới quan hệ tình dục đồng giới.
- Người rối loạn đông máu.
- Người sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả phòng ngừa viêm gan A, mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm gan A phổ biến như:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Không sử dụng thức ăn và đồ uống được chế biến từ người dương tính với virus viêm gan A.
- Không sử dụng nguồn thực phẩm và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
- Hạn chế tiêu thụ động vật có vỏ, hải sản từ nguồn nước ô nhiễm.
- Nên uống nước đóng chai thương mại được chứng nhận an toàn hoặc nước được đun sôi trong 86 độ C trong ít nhất 1 phút. Thêm I – ốt vào nước để hỗ trợ tiêu diệt virus.
- Quan hệ tình dục chung thủy, một vợ một chồng và thực hiện các biện pháp quan hệ an toàn. Tuy nhiên, không nên quan hệ tình dục với người bệnh viêm gan A, đôi khi bao cao su có thể không thể phòng ngừa virus.
Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan cấp tính có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Hầu hết các trường hợp viêm gan A có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các dấu hiệu biến chứng, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Ngày Cập nhật 06/03/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!