Viêm Gan C Có Lây Qua Đường Ăn Uống Không?
Viêm gan C là bệnh tổn thương gan và có thể lây lan thông qua đường máu, từ mẹ sang con hoặc đường tình dục. Tuy nhiên viêm gan C có lây qua đường ăn uống, nước bọt, hôn hoặc chạm tay hay không? Người bệnh có thể tham khảo thông tin trong bài viết bên dưới.
Bệnh viêm gan C có lây không?
Viêm gan C là bệnh tổn thương gan do virus Hepatitis C gây ra. Loại virus này có thể tấn công các tế bào gan gây tổn thương và dần dần làm mất chức năng gan.
Tình trạng viêm gan C được phân loại thành viêm gan C cấp tính và viêm gan C mạn tính. Hầu hết các trường hợp viêm gan C cấp tính không nghiêm trọng và có thể cải thiện sau điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm gan C mạn tính, người bệnh có thể mang virus trong suốt quãng đời còn lại và cần sử dụng thuốc để hạn chế nguy cơ tử vong.
Virus viêm gan C là bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm nghiêm trọng. Bệnh có khả năng lây nhiễm cho người khác ngay cả khi người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào. Do đó, thậm chí một người chưa được chẩn đoán viêm gan C cũng có khả năng mang mầm bệnh và có thể lây truyền cho người khác.
Viêm gan C có lây qua đường ăn uống không?
Có khoảng 170 triệu người trên thế giới mang virus viêm gan C. Tuy nhiên việc tiếp xúc thông thường với người bệnh không thể gây lây nhiễm virus viêm gan C.
Cụ thể theo các bác sĩ, viêm gan C không thể lây lan bằng cách dùng chung đồ dùng ăn uống, ly tách, nước uống hoặc thực phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn không nên sử dụng chung dụng cụ ăn uống với người bệnh. Trong trường hợp người bệnh bị xước miệng hoặc lở loét miệng, có thể gây lây nhiễm virus. Tuy nhiên, trường hợp này tương đối hiếm khi xảy ra.
Bệnh viêm gan C hoàn toàn không lây qua đường ăn uống hoặc tiêu hóa. Do đó, người bệnh không cần ăn uống riêng với người thân, bạn bè.
Bệnh viêm gan C lây lan như thế nào?
Viêm gan C là một loại virus lây truyền qua đường máu. Điều này có nghĩa là một người có thể nhiễm virus viêm gan C khi tiếp xúc với máu mang virus. Một số cách thức lây truyền virus cụ thể bao gồm:
1. Dùng chung kim tiêm
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên môn, tương tự như viêm gan B, việc sử dụng chung kim tiêm là cách thức lây truyền viêm gan C phổ biến nhất. Theo ước tính có khoảng 38 – 68% người bệnh viêm gan C lây truyền qua việc sử dụng chung kim tiêm khi tiêm chích ma túy.
Ngoài ra, việc kim tiêm được sử dụng lại trong y tế, xăm hình, xỏ khuyên cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan C.
Do đó, không sử dụng ma túy, đến khám ở cơ sở y tế uy tín và xăm hình, xỏ khuyên ở cơ sở được chứng nhận an toàn. Ngoài ra, nếu cảm thấy kim tiêm không được khử trùng đúng quy trình, hãy yêu cầu dùng bộ kim tiêm mới.
2. Tiếp xúc trực tiếp với máu nhiễm virus
Tiếp xúc với một lượng máu lớn bị nhiễm virus có thể làm tăng nguy cơ nhiễm viêm gan C. Do đó, nếu chăm sóc một người bị thương, chảy nhiều máu, điều đầu tiên cần thực hiện là đeo găng tay y tế dùng một lần để tránh phơi nhiễm virus viêm gan C.
Người bệnh viêm gan C cũng có thể ngăn ngừa lây lan virus bằng cách che vết thương bằng băng hoặc gạc y tế cho đến khi da đã lành. Sử dụng băng gạc đúng cách để được không gây nhiễm trùng da.
Những người không mắc bệnh viêm gan C cần thực hiện các biện pháp tránh tiếp xúc máu của người bệnh với mắt, mũi và miệng. Nếu vô tình chạm vào máu nhiễm bệnh, hãy rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch ngay lập tức. Nếu máu dính vào mặt, mũi, miệng, hãy rửa sạch các bộ phận này dưới vòi nước chảy ngay lập tức và đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, khi làm sạch các bề mặt có dính máu, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng để tiêu diệt virus. Ngoài ra, các vết máu khô cũng cần được làm sạch, bởi vì virus có thể sống vài ngày bên ngoài cơ thể vật chủ.
Bên cạnh đó, những người dương tính hoặc đã từng dương tính với viêm gan C nên tránh việc hiến máu, hiến nội tạng hoặc tinh dịch.
3. Chia sẻ các vật dụng chăm sóc cá nhân
Các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kéo cắt da và kềm cắt móng tay có thể chứa máu. Do đó, những người trong gia đình hoặc người sử dụng chung vật dụng cá nhân có thể bị lây nhiễm viêm gan C. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm virus thường thấp.
Ngoài ra, khi đến tiệm chăm sóc móng tay hoặc tiệm cắt tóc, các dụng cụ chăm sóc cá nhân thường được sử dụng cho rất nhiều người. Do đó, hãy đảm bảo các dụng cụ được tiệt trùng trước khi sử dụng. Nếu cảm thấy không an toàn, hãy đề nghị sử dụng bộ dụng cụ mới hoặc mang theo bộ dụng cụ cá nhân.
4. Quan hệ tình dục
Mặc dù quan hệ tình dục được xem như một cách lây truyền viêm gan C. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm bệnh tương đối thấp và hiếm khi xảy ra ở những người quan hệ tình dục chung thủy một vợ một chồng (tỷ lệ khoảng 1/190.000). Ngoài ra không có bằng chứng cho thấy viêm gan C có thể lây truyền qua việc quan hệ tình dục bằng miệng.
Ở những người quan hệ tình dục thô bạo, quan hệ tình dục thông qua hậu môn giữa nam giới đồng tính, có nhiều bạn tình và những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như HIV, có thể có nguy cơ nhiễm virus viêm gan C cao hơn. Những người quan hệ tình dục trong chu kỳ kinh nguyệt cũng làm tăng nguy cơ nhiễm virus viêm gan C.
Do đó, sử dụng bao cao su, quan hệ tình dục chung thủy là cách tốt nhất phòng ngừa viêm gan C lây qua các vết loét ở bộ phận sinh dục.
5. Mang thai và cho con bú
Theo các ước tính có khoảng 4 – 7% nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C lây lan từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Nguy cơ này cũng tăng lên gấp đôi nếu người mẹ đồng nhiễm HIV.
Virus viêm gan C không lây truyền qua sữa mẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người mẹ viêm gan C nên chăm sóc đầu vú cẩn thận khi cho có bú. Trẻ sơ sinh có thể phơi nhiễm virus viêm gan C nếu đầu vú mẹ nứt nẻ hoặc chảy máu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm viêm gan C
Một số đối tượng dễ nhiễm virus viêm gan C thường bao gồm:
- Người tiêm chích ma túy
- Người nhận máu, nội tạng của người dương tính với virus viêm gan C
- Bệnh nhân thận yếu, suy thận và đang chạy thận
- Người đang lọc máu
- Bệnh nhân HIV
- Trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ viêm gan C
- Có hình xăm hoặc lỗ xỏ khuyên trên người
- Những người có bạn tình nhiễm viêm gan C
- Nhân viên y tế có thể vô tình chạm vào máu hoặc kim tiêm nhiễm bệnh
Một số cách không thể lây truyền viêm gan C
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên viêm gan C thường không dễ lây lan và sẽ không lây theo các cách thức sau:
- Chia sẻ dụng cụ ăn uống hoặc dùng chung thức ăn, thức uống với người bệnh.
- Trao hoặc nhận một nụ hôn từ người bệnh cũng không gây lây nhiễm virus. Virus viêm gan C không thể lây lan qua nước bọt. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị lở loét hoặc trầy xước miệng, nguy có cơ thể tăng lên.
- Ôm, nắm tay hoặc các tiếp xúc thông thường khác cũng không lây truyền viêm gan C.
- Hắt hơi và ho cũng không lây truyền virus viêm gan C. Virus viêm gan C không có nước bọt và dịch muỗi, tuy nhiên nên cẩn thận mang khẩu trang y tế hoặc có biện pháp che chắn khi ho và hắt hơi để tránh lây truyền các bệnh lý khác.
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm gây tổn thương gan nguy hiểm. Do đó, tìm hiểu cách thức lây truyền viêm gan C cũng như thông tin về việc viêm gan C có lây qua đường ăn uống không để có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Ngoài ra, đến bệnh viện tái khám và xét nghiệm thường xuyên để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Ngày Cập nhật 06/03/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!