Viêm Niệu Đạo Có Mủ: Nguy Hiểm Cần Đi Khám Ngay
Viêm niệu đạo có mủ là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm niệu đạo. Lúc này ống dẫn nước tiểu bị nhiễm trùng nặng nề kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng như có máu và mủ chảy ra từ lỗ niệu đạo, tiểu rắt, nóng và bỏng rát khi đi tiểu, tiểu đau… Ngoài ra người bệnh còn mắc phải nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không kịp thời thăm khám và điều trị. Trong đó, viêm nhiễm các cơ quan xung quanh và suy giảm chức năng sinh sản là những biến chứng thường gặp.
Viêm niệu đạo có mủ là gì?
Viêm niệu đạo có mủ là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm niệu đạo khi không kịp thời thăm khám và chủ quan trong việc điều trị. Lúc này ống dẫn nước tiểu bị nhiễm trùng nặng nề, viêm nhiễm dễ dàng lan rộng và ăn sâu, lỗ niệu đạo chảy nhiều dịch mủ có màu xanh hoặc màu vàng kèm theo mùi hôi, thậm chí chảy máu.
Người bị viêm niệu đạo có mủ cần được tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi có mủ tiết ra từ lỗ niệu đạo. Bởi việc chủ quan, chậm trễ trong quá trình điều trị bệnh có thể làm tăng nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng và vấn đề nghiêm trọng. Trong đó người bệnh có thể bị suy giảm chức năng sinh sản và viêm nhiễm các cơ quan xung quanh.
Nguyên nhân gây viêm niệu đạo có mủ
Bệnh viêm niệu đạo có mủ thường xuất hiện khi hại khuẩn và các loại nấm men hoạt động mạnh mẽ nhưng không được tiêu diệt hay kiểm soát kịp thời. Đối với trường hợp này, tình trạng nhiễm trùng thường ăn sâu và lan rộng sang các cơ quan lân cận. Điều này khiến các ổ mủ tích tụ và thường xuyên có mỏ chảy ra từ lỗ niệu đạo.
Những nguyên nhân được liệt kê dưới đây có thể khiến tác nhân hoạt động mạnh, tình trạng viêm nhiễm tiến triển nhanh và tạo mủ:
- Bệnh viêm niệu đạo không được chữa khỏi
Nếu sớm được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh viêm niệu đạo có thể được kiểm soát nhanh trong thời gian ngắn. Đồng thời không tiến triển sang những giai đoạn nặng hơn.
Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách hoặc điều trị muộn, tình trạng viêm nhiễm tại ống dẫn nước tiểu có thể chuyển biến xấu, bệnh trở nên nghiêm trọng và gây tích tụ mủ ở cơ quan này. Từ đó khiến nhiễm trùng lan rộng và có mủ chảy ra từ lỗ niệu đạo.
- Quan hệ tình dục thô bạo
Quan hệ tình dục thô bạo có thể khiến niệu đạo bị tổn thương, tình trạng viêm nhiễm lan rộng. Ngoài ra người bệnh còn có cảm giác đau đớn, xuất hiện máu và mủ chảy ra từ niệu đạo. Chính vì thế, tốt nhất bạn cần kiêng quan hệ tình dục trong quá trình điều trị viêm nhiễm ống dẫn nước tiểu hay hệ sinh dục để phòng ngừa bệnh tiến triển theo hướng xấu, tổn thương và viêm nhiễm lan rộng.
- Không thường xuyên vệ sinh vùng kín hoặc vệ sinh không đúng cách
Không thường xuyên vệ sinh vùng kín hoặc vệ sinh không đúng cách chính là nguyên nhân khiến bệnh viêm niệu đạo xuất hiện và tiến triển. Trong nhiều trường hợp, viêm niệu đạo có mủ có thể xảy ra từ bệnh viêm nhiễm niệu đạo do người không chăm sóc tốt cho vùng kín. Cụ thể:
-
- Không thường xuyên vệ sinh vùng kín và thay quần lót.
- Mặc quần lót chật chội khiến vùng kín bí bách, ẩm ướt, tạo điều kiện cho ký sinh trùng, nấm men và vi khuẩn phát triển.
- Không thường xuyên thay băng vệ sinh trong những ngày hành kinh ở nữ giới.
- Dị ứng
Dị ứng thường xảy ra ở những người có làn da và cơ địa nhạy cảm. Tình trạng này có thể gây kích ứng niệu đạo, khiến viêm nhiễm lan rộng và tăng mức độ nghiêm trọng. Đồng thời làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh viêm niệu đạo có mủ.
Dị ứng có thể xảy ra khi người bệnh dùng bao cao su có chứa chất diệt tinh trùng hay chất chống xuất tinh sớm, dùng sữa tắm hoặc dung dịch vệ sinh không phù hợp, có chất tẩy rửa…
Triệu chứng của bệnh viêm niệu đạo có mủ
Triệu chứng phát sinh từ bệnh viêm niệu đạo có mủ tương tự triệu chứng của bệnh viêm niệu đạo thông thường nhưng có mức độ nghiêm trọng hơn, đồng thời có mủ chảy ra từ lỗ niệu đạo hoặc có máu và kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm niệu đạo có mủ gồm:
- Dịch mủ chảy ra từ lỗ niệu đạo. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà dịch mủ chảy ra với số lượng nhiều hay ít, có màu trắng đục, màu vàng hay màu xanh
- Dịch mủ có mùi hôi tanh khó chịu kèm theo cảm giảm giác ẩm ướt và ngứa ngáy vùng kín
- Có máu chảy ra từ lỗ niệu đạo trong một số trường hợp, kèm theo cảm giác đau âm ỉ bụng dưới
- Tiểu rắt, khó tiểu, khi đi tiểu có cảm giác nóng và bỏng, nước tiểu có màu đục hoặc có máu.
Triệu chứng của bệnh viêm niệu đạo có mủ khá giống với bệnh lậu. Do đó để xác định rõ và có hướng xử lý hiệu quả, người bệnh cần thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa và thực hiện những xét nghiệm cần thiết.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm niệu đạo có mủ
Do là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm niệu đạo nên bệnh viêm niệu đạo có mủ thường xuất hiện với mức độ nghiêm trọng cao, có khả năng gây ra nhiều vấn đề không mong muốn cho cả nam giới lẫn phụ nữ.
Thông thường, nếu không sớm điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân bị viêm niệu đạo có mủ sẽ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm sau:
Đối với nam giới
- Tình trạng viêm nhiễm niệu đạo có mủ lan rộng dẫn đến viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, viêm ống dẫn tinh, viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn làm ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh của cơ quan này.
- Rò niệu đạo, áp xe niệu đạo.
- Viêm nhiễm lâu ngày dẫn đến chít hẹp niệu đạo, bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi tiểu tiện.
- Ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh sản và khả năng tình dục của nam giới.
- Viêm nhiễm gây rối loạn chức năng cương dương và xuất tinh, có thể gây rối loạn cương dương, liệt dương hoặc xuất tinh sớm.
- Khó tiểu do viêm niệu đạo làm ảnh hưởng đến chức năng của thận, tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận.
Đối với phụ nữ
- Viêm nhiễm niệu đạo lâu ngày có thể dẫn đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục nữ, đặc biệt là khi tình trạng viêm nhiễm kèm theo tiết mủ hôi tanh. Cụ thể vi khuẩn, nấm và các tác nhân gây bệnh khác có thể tấn công gây viêm cổ tử cung, viêm buồng trứng, viêm tắc vòi trứng. Đồng thời làm suy giảm khả năng thụ thai tự nhiên của nữ giới.
- Làm tăng nguy cơ mắc bệnh vô sinh hiếm muộn ở nữ giới. Nguyên nhân là do bộ phận sinh dục bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm nhiễm. Mặc khác, dịch tiêt âm đạo bất thường khi bị viêm nhiễm có thể cản trở quá trình di chuyển và gặp trứng của tinh trùng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa nguy hiểm như viêm vùng chậu, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm âm đạo – âm hộ…
- Suy giảm sức đề kháng và thể trạng, khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn.
- Suy giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng đến tâm lý do quan hệ tình dục bị đau.
Biện pháp chẩn đoán bệnh viêm niệu đạo có mủ
Để chẩn đoán bệnh viêm niệu đạo có mủ, bệnh nhân sẽ được thăm khám, kiểm tra thực thể vùng bụng, bộ phận sinh dục và quan sát niệu đạo. Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ được hỏi về tiền sử mắc bệnh và triệu chứng. Điều này sẽ giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm niệu đạo có mủ và mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ được chẩn đoán thông qua các kết quả xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu
- Nội soi bàng quang
- Siêu âm vùng bụng
- Kiểm tra nồng độ axit nucleic (NAT)
- Nuôi cấy dịch tiết âm đạo.
Phương pháp điều trị viêm niệu đạo có mủ
Nếu không được chữa trị đúng cách, bệnh viêm niệu đạo có mủ sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể, viêm nhiễm lây lan khiến các cơ quan lân cận gặp vấn đề, viêm nhiễm thứ phát, gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí làm suy giảm chức năng sinh sản ở cả nam giới lẫn phụ nữ.
Chính vì thế việc điều trị viêm nhiễm niệu đạo sớm và đúng cách là điều vô cùng cần thiết. Dưới đây là những giải pháp giúp điều trị hiệu quả bệnh lý này:
1. Thăm khám và điều trị y tế
Để điều trị hiệu quả bệnh viêm niệu đạo có mủ, bệnh nhân cần trao đổi thông tin với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị. Đồng thời tuân theo phác đồ điều trị do bác sĩ hướng dẫn.
Đối với bệnh viêm niệu đạo không do lậu
Đối với những trường hợp bị viêm nhiễm niệu đạo có mủ do lậu, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân sử dụng một trong những loại thuốc được liệt kê dưới đây:
- Thuốc Doxycycline
Liều khuyến cáo: Uống 100mg Doxycycline/ lần x 2 lần/ ngày.
Thời gian dùng thuốc: Sử dụng kéo dài trong 7 ngày.
Chống chỉ định: Phụ nữ dang mang thai, phụ nữ đang cho con bú.
- Thuốc Tetracycline
Liều khuyến cáo: Uống 500mg Tetracycline/ lần x 4 lần/ ngày.
Thời gian dùng thuốc: Sử dụng kéo dài trong 7 ngày.
Chống chỉ định: Phụ nữ dang mang thai, phụ nữ đang cho con bú.
- Thuốc Azithromycin
Liều khuyến cáo: Uống Azithromycin 1 gram với một liều duy nhất.
Đối với bệnh viêm niệu đạo do lậu
Đối với những trường hợp bị viêm niệu đạo có mủ do lậu, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị viêm nhiễm với thuốc kháng sinh dùng trong điều trị viêm nhiễm do lậu kết hợp với một loại thuốc kháng sinh điều trị viêm nhiễm không do lậu.
Kháng sinh điều trị viêm nhiễm do lậu
- Thuốc Ceftriaxone
Liều khuyến cáo: Dùng Ceftriaxone 250mg/ lần. Tiêm bắp với một liều duy nhất.
- Thuốc Spectinomycin
Liều khuyến cáo: Dùng Spectinomycin 2 gram/ lần. Tiêm bắp với một liều duy nhất.
- Thuốc Cefotaxime
Liều khuyến cáo: Dùng Cefotaxime 1 gram/ lần. Tiêm bắp với một liều duy nhất.
Kháng sinh kết hợp
- Thuốc Doxycycline
Liều khuyến cáo: Uống 100mg Doxycycline/ lần x 2 lần/ ngày.
Thời gian dùng thuốc: Sử dụng kéo dài trong 7 ngày.
Lưu ý
- Cần điều trị cho bạn tình với phác đồ tương tự.
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân có thể được cân nhắc về việc điều trị kết hợp với giải pháp dùng máy laser bán dẫn để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ở trường hợp nặng. Cụ thể việc điều trị kết hợp với giải pháp dùng máy laser bán dẫn sẽ mang đến những lợi ích sau:
- Cải thiện tình trạng sưng viêm niệu đạo, tiêu diệt tác nhân gây bệnh và giảm viêm
- Kích thích tuần hoàn máu cục bộ, tăng khả năng chuyển hóa tế bào, góp phần làm tan dịch mủ ứ đọng ở ống niệu đạo
- Đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương, kích thích lên da non, phòng ngừa hình thành các nốt sẹo ở đường niệu, từ đó giúp quá trình bài tiết nước tiểu diễn ra suôn sẻ.
2. Biện pháp điều trị tại nhà
Để hỗ trợ quá trình điều trị viêm niệu đạo có mủ, người bệnh có thể sử dụng thuốc kết hợp với biện pháp điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Phần lớn các biện pháp điều trị viêm nhiễm tại nhà tận dụng tinh chất từ các loại thảo dược thiên nhiên để làm giảm tình trạng viêm, giảm đau rát và sưng đỏ niệu đạo, hỗ trợ ức chế hoạt động gây viêm nhiễm của vi khuẩn, virus và nấm men.
Một số biện pháp điều trị viêm nhiễm niệu đạo có mủ tại nhà được sử dụng phổ biến:
Dùng lá trầu không điều trị viêm nhiễm niệu đạo
Tác dụng:
- Hoạt chất polyphenol và tinh dầu Eugenol trong lá trầu không có tác dụng sát trùng, kháng khuẩn và chống viêm, từ đó giúp cải thiện tình trạng viêm nhiễm
- Làm giảm triệu chứng đau rát, ngứa ngáy vùng kín, giảm tiết mủ và phòng ngừa nhiễm trùng lan rộng.
Nguyên liệu:
- Một nắm lá trầu không tươi.
Cách thực hiện:
- Ngâm và rửa lá trầu không bằng nước muối pha loãng, sau đó rửa nguyên liệu với 2 lần nước mát để nguyên liệu thật sạch
- Vò sơ hoặc giã dập lá trầu không, cho vào nồi chứa 2,5 lít nước
- Đun sôi nguyên liệu trong 10 phút, để nước ra thau, sau đó hòa cùng với một ít nước lạnh cho ấm
- Dùng nước lá trầu không để ngâm và rửa vùng kín từ 5 – 10 phút
- Thực hiện từ 3 – 4 lần/ ngày.
Kiểm soát bệnh viêm niệu đạo bằng tinh dầu tràm trà
Tác dụng:
- Chống khuẩn, kháng nấm
- Làm giảm cảm giác ngứa ngáy và giảm sưng viêm niệu đạo
- Hỗ trợ điều trị bệnh viêm niệu đạo có mủ.
Nguyên liệu:
- Tinh dầu tràm trà
- 2 lít nước đun sôi để nguội.
Cách thực hiện:
- Nhỏ từ 2 đến 3 giọt tinh dầu tràm trà vào thau nước đun sôi để nguội, khuấy đều
- Dùng nước này để rửa bộ phận sinh dục trong 5 phút
- Thực hiện mỗi ngày 1 lần vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.
Lưu ý:
- Tuyệt đối không để vùng kín tiếp xúc với dầu tràm nguyên chất vì điều này có thể gây kích ứng.
Điều trị viêm nhiễm niệu đạo và kiểm soát triệu chứng bằng tỏi
Tác dụng:
- Những hoạt chất quan trọng trong tỏi gồm Allicin, Fitonxit, Glycogen… có khả năng chống viêm và kháng khuẩn mạnh, giúp hỗ trợ làm giảm viêm nhiễm ở niệu đạo
- Cải thiện cảm giác nóng rát, sưng đỏ niệu đạo và tiểu rắt
- Phòng ngừa viêm nhiễm lan rộng.
Nguyên liệu:
- 3 – 4 tép tỏi sống.
Cách thực hiện:
- Lột vỏ và mang tỏi rửa sạch
- Thái tỏi thành từng lát mỏng
- Đợi 15 phút, dùng tỏi này để ăn trực tiếp hoặc dùng để kết hợp với các món ăn
- Người bệnh nên ăn tỏi mỗi ngày 1 lần, duy trì trong 7 ngày.
Những điều cần lưu ý khi điều trị viêm niệu đạo có mủ
Trong quá trình điều trị viêm niệu đạo có mủ, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để góp phần đẩy nhanh quá trình điều trị viêm nhiễm, tránh bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu:
- Uống đủ nước: Uống đủ nước là biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho những người đang mắc bệnh viêm niệu đạo. Việc bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình bài tiết nước tiểu, giảm đau rát, bệnh nhân đi tiểu dễ dàng, giúp vi khuẩn, nấm trong niệu đạo và bàng quang bị đẩy ra ngoài thông qua dòng nước tiểu. Vì thế cần uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng: Người bệnh cần vệ sinh vùng kín đúng cách, giữ vùng kín luôn sạch sẽ và khô thoáng ngay cả trước, trong và sau quá trình điều trị. Nguyên nhân là do việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ vùng kín khô thoáng mỗi ngày có thể loại tác nhân gây bệnh, phòng ngừa dịch tiết ứ đọng khiến vi khuẩn sinh sôi và dẫn đến viêm nhiễm. Bên cạnh đó bạn cần thường xuyên thay quần lót, sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa để rửa vùng kín 2 lần/ ngày.
- Kiêng quan hệ tình dục: Trong thời gian điều trị viêm nhiễm niệu đạo, người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục. Sau khi bệnh đã khỏi, bạn cần hoạt động tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và chỉ nên quan hệ với một bạn tình.
- Mặc đồ lót phù hợp: Bạn nên lựa chọn đồ lót có chất liệu cotton, vừa vặn, thấm hút mồ hôi tốt. Không nên mặc đồ lót ẩm ướt, chật và bí bách.
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: Để nâng cao hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể, giúp phòng ngừa viêm nhiễm, bạn nên sinh hoạt hoạt điều độ, ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, ngủ trước 23 giờ, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, không để cơ thể mệt mỏi, suy nhược hoặc căng thẳng đầu óc. Ngoài ra luyện tập thể dục từ 45 đến 60 phút mỗi ngày cũng là một cách nâng cao sức khỏe và sức đề kháng hiệu quả.
- Ăn uống đủ chất: Người bệnh cần bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin, chất chống oxy hóa, protein, axit béo omega-3 cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác để nâng cao khả năng chống bệnh. Nên ưu tiên ăn nhiều hoa quả tươi và rau củ.
Khi có nghi ngờ hoặc nhận thấy các dấu hiệu của bệnh viêm niệu đạo có mủ, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ và trao đổi thông tin để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và các phương pháp điều trị thích hợp. Tránh chậm trễ trong quá trình chữa bệnh để phòng ngừa phát sinh những rủi ro không mong muốn.
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!