Áp-xe răng ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Với trẻ nhỏ, các vấn đề răng miệng cần được lưu tâm đặc biệt vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống, sự hấp thu dinh dưỡng, phát triển thể chất ở những giai đoạn đầu đời. Vậy những dấu hiệu nhận biết áp-xe răng ở trẻ em là gì? Làm sao để điều trị? Mời độc giả tìm câu trả lời trong bài viết.
Dấu hiệu nhận biết áp-xe răng ở trẻ em
Thông thường áp-xe răng ở trẻ em thường được phát hiện trong thời gian ngắn, khoảng vài giờ cho đến 1-2 ngày, do trẻ bị đau khi ăn, nhai, nuốt. Ngoài ra tình trạng này còn có thể dễ dàng nhận biết dựa trên những dấu hiệu sau:
- Trẻ thấy nhói đau ở răng, nhất là khi ăn uống
- Nhạy cảm khi sử dụng đồ ăn hoặc uống có nhiệt độ nóng và lạnh
- Nhạy cảm với những áp lực của các hành động nhai hoặc cắn
- Sốt với mức độ từ nhẹ tới nặng phụ thuộc vào mức độ áp-xe
- Đau, sưng nề vùng mặt, má, hàm, đôi khi là cả hạch bạch huyết vùng cổ
- Miệng có mùi hôi
Cách điều trị áp-xe răng ở trẻ em
Theo lời khuyên của nha sĩ, trẻ em từ 5 đến 10 tuổi nên được kiểm tra nha khoa định kỳ 6 tháng/lần. Điều này sẽ giúp các bậc phụ huynh nắm được tình trạng phát triển của sức khoẻ răng hàm mặt, từ đó có những can thiệp kịp thời. Nếu để đến lúc trẻ bị áp-xe nặng đến mức sốt, đau nhức, tiết dịch mủ mới đưa đến bệnh viện thì bác sĩ sẽ phải can thiệp bằng các thủ thuật tiểu phẫu kết hợp với áp dụng thuốc kháng sinh cho trẻ.
Đầu tiên bác sĩ sẽ rạch ổ áp-xe để hút bỏ mủ, vệ sinh ổ viêm nhiễm. Ở các bé đang là răng sữa và bị viêm quá nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc việc nhổ bỏ răng khu vực đó để tránh tình trạng nhiễm trùng lây lan. Còn với trẻ lớn hơn, phương án được lựa chọn thường là điều trị tuỷ và bọc lại răng.
Khi trở về nhà, các bậc phụ huynh có thể giúp con đỡ đau bằng cách chườm đá lạnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần tuân thủ chặt chẽ lịch uống thuốc, thăm khám lại và vệ sinh răng miệng theo chỉ định. Thời gian này, cha mẹ nên cho con ăn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt để vết thương được dễ chịu, nhanh lành.
Các biện pháp phòng ngừa áp-xe răng ở trẻ
Áp-xe răng ở trẻ em là căn bệnh thường gặp và không quá nguy hiểm, nhưng khi đã phát tác sẽ gây nên nhiều khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt của trẻ. Để ngăn ngừa tình trạng này, các gia đình có thể áp dụng các phương pháp khá đơn giản nhưng cần thực hiện kiên trì, đều đặn trong thời gian dài.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách
- Hạn chế việc trẻ ăn đồ ngọt (kẹo, bánh ngọt, socola, nước uống có gas…), đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ
- Nên đi khám nha sĩ theo lịch định kỳ 6 tháng/lần để bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề răng miệng, từ đó có cách ngăn ngừa hữu hiệu nhất
- Ngoài ra, cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh, khoa học, cung cấp đủ canxi, vitamin để răng trẻ phát triển toàn diện
- Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường ở răng, cha mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ ngay
Trên đây là những thông tin về áp-xe răng ở trẻ em cùng cách nhận biết và điều trị. Khi thấy những biểu hiện áp-xe răng, hãy đưa bé yêu của bạn đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý tốt nhất.
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!