Thoái hóa đa khớp là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Thoái hóa đa khớp nếu không chữa trị kịp thời có thể sẽ chuyển sang mạn tính. Khi đó, bệnh không những khó điều trị mà còn gây nhiều biến chứng. Trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh gây biến dạng khớp và mất dần chức năng vận động. Vì vậy, khi thấy triệu chứng sưng đau xuất hiện ở nhiều khớp cùng một lúc, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán và chỉ định biện pháp chữa trị.
Thoái hóa đa khớp là gì?
Thoái hóa đa khớp là không phải là một bệnh lý cụ thể mà là một thuật ngữ chỉ hiện tượng bào mòn sụn khớp xảy ra ở nhiều khớp khác nhau. Cụ thể, bệnh thường xuất hiện cùng một lúc tại các khớp như khớp gối, cột sống hoặc khớp háng,… Ngoài những khớp này, bệnh cũng có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào của trên cơ thể. Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính khác nhau nhưng thường diễn ra nhiều ở người trên 65 tuổi hoặc phụ nữ mãn kinh do suy giảm nội tiết tố.
Theo các chuyên gia khoa xương khớp, thóa hóa đa khớp là bệnh lý mạn tính thường xảy ra với các biểu hiện đau nhức, sưng hoặc co cứng, gây khó khăn khi cử động. Bệnh nếu không được quản lý tốt, triệu chứng bệnh sẽ chuyển nặng và làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng.
Phân biệt bệnh thoái hóa đa khớp và viêm khớp
Bệnh thoái hóa đa khớp và viêm khớp có những triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khoa xương khớp cho biết, về bản chất, hai căn bệnh này hoàn toàn khác nhau. Do đó, để tránh nhầm lẫn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, người bệnh cần phân biệt viêm khớp và thoái hóa đa khớp. Dưới đây là các tính chất khác nhau của hai căn bệnh này:
- Bệnh thoái hóa đa khớp: Hiện tượng sụn bao bọc bên ngoài khớp xương bị bào mòn và mỏng dần theo thời gian. Khi lớp sụn mất dần thường gây đau nhức mỗi khi khớp xương va chạm vào nhau. Thoái hóa đa khớp diễn ra ở nhiều khớp nhưng không mang tính chất đối xứng. Đặc biệt, bệnh hình thành chủ yếu ở khớp gối và cột sống
- Viêm khớp: Là tình trạng rối loạn gây ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động của khớp. Bệnh thường xuất hiện với biểu hiện đau nhức và sưng đỏ ở khớp. Tình trạng viêm của bệnh viêm khớp thường xảy ra cùng một lúc ở các khớp đối xứng nhau như hai bên khớp tay hoặc hai bên khớp gối.
Nguyên nhân gây thoái hóa đa khớp
Quá trình lão hóa khớp là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa đa khớp. Ngoài yếu tố này ra, bệnh hình thành có thể là do:
- Thừa cân, béo phì: Theo một số nghiên cứu, bệnh thoái hóa đa khớp xuất hiện một phần do yếu tố thừa cân. Theo các chuyên gia, khớp gối, khớp cổ chân là một trong những cơ quan có tần suất hoạt động nhiều. Đồng thời, đây cũng là bộ phận chịu nhiều áp lực của cơ thể. Do đó, nếu thường xuyên di chuyển hoặc cử động với chỉ số cân nặng vượt ngưỡng cho phép sẽ khiến khớp khớp gối và khớp cổ chân bị tổn thương. Theo thời gian, nếu tốc độ phục hồi chậm hơn phá hủy, khả năng thoái hóa và viêm khớp gối, khớp cổ chân là khá cao
- Chấn thương ở khớp: Các chấn thương vật lý tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu không được kiểm soát hiệu quả, chúng có thể gây tổn thương và hư hỏng khớp. Đặc biệt, theo thời gian dài, các khớp chấn thương có thể xuất hiện biến chứng, làm tăng nguy cơ thoái hóa.
- Do sai lệch cấu trúc xương bẩm sinh: Ở một số trường hợp bệnh có cấu trúc xương bị sai lệch khiến các đầu xương và sụn va chạm vào nhau mỗi khi di chuyển. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài, mô sụn ở khớp sẽ bị bào mòn và mất dần. Lúc này, làm tăng khả năng mắc bệnh thoái hóa đa khớp.
- Yếu tố nghề nghiệp: Người thường xuyên vận động hoặc làm các công việc nặng nhọc như khuẩn vác, mang vật nặng,… dễ mắc phải bệnh thoái hóa đa khớp. Nguyên nhân chủ yếu là các khớp bị chèn ép bởi áp lực lớn dẫn đến quá tải và gây thoái hóa.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đa khớp
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, bệnh hình thành cũng có thể do các yếu tố nguy cơ sau:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao, quá trình lão hóa xương khớp sẽ diễn ra nhanh hơn. Khi đó, xương và sụn khớp sẽ bị hao mòn theo thời gian dẫn đến tình trạng thoái hóa với triệu chứng đau nhức và co cứng khớp
- Lười vận động: Theo một số thống kê, những đối tượng lười vận động, thường xuyên ngồi một chỗ, đặc biệt là nhân viên văn phòng, người cao tuổi,… thường có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đa khớp cao.
- Yếu tố di truyền: Thoái hóa đa khớp là bệnh lý có xu hướng di truyền. Do đó, nếu gia đình có người bị bệnh, khả năng bạn mắc phải căn bệnh này khá cao.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Đặc biệt, bệnh thường gặp nhiều ở phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Khi đó, nồng độ estrogen cơ thể suy giảm, làm tăng khả năng bị bệnh
- Bệnh lý: Những người mắc bệnh đái tháo đường, nhiễm sắc tố sắt, xơ vữa động mạch hoặc bệnh gút thường có nguy cơ mắc thoái hóa đa khớp cao hơn những đối tượng khỏe mạnh khác
- Môi trường: Thoái hóa đa khớp hình thành cũng có thể là do yếu tố môi trường như thời tiết thay đổi,…
Dấu hiệu của thoái hóa đa khớp
Như đã đề cập ở trên, thoái hóa đa khớp là thuật ngữ mô tả triệu chứng đau nhức xảy ra cùng một lúc ở nhiều khớp trên cơ thể. Ở mỗi khớp khác nhau, biểu hiện bệnh thường không giống nhau. Cụ thể, người bệnh có thể nhận biết triệu chứng bệnh thông qua các dấu hiệu sau:
- Khớp gối: Bệnh thoái hóa khớp gối thường xuất hiện với biểu hiện đau nhức ở vùng trước và hai bên khớp gối. Khi bệnh mới khởi phát, đau âm ỉ và nhẹ. Tuy nhiên, đau lại gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của bệnh nhân. Đặc biệt là khi người bệnh di chuyển đi lại hoặc leo cầu thang. Thông thường, đau sẽ thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc giảm vận động. Nhưng, theo thời gian, đau tăng dần lên và gây tê nhức hoặc tê bì khớp gối. Nếu quan sát, có thể thấy khớp gối bị biến dạng nhẹ.
- Khớp ngón tay và bàn tay: Thoái hóa đa khớp xảy ra ở ngón hoặc bàn tay thường gây đau nhức dữ dội. Khi đó, triệu chứng đau thường tác động lên vùng gốc của ngón tay cái, gây khó khăn trong việc cầm nắm hoặc thực hiện các sinh hoạt hàng ngày
- Khớp bàn chân và ngón chân: Ngoài triệu chứng đau nhức tập trung tại ngón gốc chân cái, đau còn lan rộng ra cả bàn chân. Không những thế, đau còn kèm theo biểu hiện tê bì và co cứng khớp, gây khó khăn trong việc di chuyển
- Cột sống cổ: Bệnh hình thành ở cổ với các biểu hiện nhận biết như đau nhức vùng vai gáy. Ngoài triệu chứng này ra, người bệnh còn gặp phải dấu hiệu co cứng khớp cổ và vai, gây khó khăn khi cúi hoặc ngửa cổ. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây chèn ép dây thần kinh khiến đau nhức lan tỏa từ cổ xuống cánh tay, bàn tay và ngón tay. Thậm chí còn tác động, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh lân cận
- Khớp háng: Bệnh có thể gây đau nhức ở cả hai bên khớp háng. Bên cạnh triệu chứng này, người bệnh còn gặp phải tình trạng đau dữ dội từ sâu bên trong khớp háng. Ngoài ra, đau cũng có thể xuất hiện ở phía trước hoặc bên cạnh khớp. Trong trường hợp nặng, đau có thể lan rộng từ khớp háng xuống mông, đùi và khớp gối.
- Cột sống thắt lưng: Cũng giống như tình trạng thoái hóa khớp khác, thoái hóa khớp ở cột sống thắt lưng gây đau nhức và co cứng khớp. Ngoài ra, bệnh còn gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến hiện tượng đau nhức lan rộng từ vùng thắt lưng xuống đùi và khớp gối.
Thoái hóa đa khớp có nguy hiểm?
Bệnh thoái hóa đa khớp thường phát triển theo thời gian. Khi đó, sụn khớp giảm dần tính đàn hồi và tính căng phồng. Đặc biệt, chức năng giảm xốc hoặc phân lực cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, khớp xương mất dần chức năng chịu đựng tác động của lực và tải trọng khi tỉnh, động. Nếu tình trạng này không được cải thiện sớm, bệnh chuyển nặng và gây cứng hoặc khô khớp. Không những thế, bệnh còn gây biến dạng khớp và hạn chế khả năng lao động như đi lại hoặc đứng lên ngồi xuống. Nguy hiểm hơn, bệnh làm tăng nguy cơ bại liệt, mất vĩnh viễn khả năng vận động.
Điều trị bệnh thoái hóa đa khớp
Dựa vào kết quả chẩn đoán, nhân viên y tế sẽ đề nghị biện pháp chữa trị phù hợp. Tuy nhiên, mục đích điều trị bệnh thường tập trung vào việc giảm đau và duy trì chức năng vận động của hệ xương khớp. Dưới đây là các biện pháp điều trị bệnh thường được áp dụng như:
Chữa thoái hóa đa khớp bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là biện pháp điều trị bảo tồn, giúp giảm đau, giảm sưng và tăng cường chức năng vận động. Biện pháp điều trị này khá an toàn, không gây tổn thương đến khớp khi áp dụng lâu dài. Tuy nhiên, vật lý trị liệu chỉ phù hợp với những đối tượng mắc bệnh ở mức độ nhẹ và vừa. Đặc biệt, các kỹ thuật chữa bệnh từ phương pháp này thường có tác dụng chậm. Do đó, người bệnh cần kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày.
Một số biện pháp chữa thoái hóa đa khớp bằng vật lý trị liệu như:
- Điện trị liệu, nhiệt hoặc thủy trị liệu: Sử dụng nhiệt độ, nước hoặc dòng điện để cải thiện tình trạng đau, viêm và sưng ở khớp thoái hóa
- Xoa bóp: Có tác dụng tăng lưu thông máu, giúp tăng khả năng phục hồi mô sụn
- Nẹp khớp: Giúp cố định khớp, hạn chế khớp vận động trong khoảng thời gian nhất định. Từ đó giúp thúc đẩy mô sụn phát triển và giảm viêm, sưng
Giảm đau thoái hóa đa khớp bằng thuốc
Để làm chậm quá trình thoái hóa khớp và giảm đau nhức do bệnh gây nên, bác sĩ thường kê các đơn thuốc sau đây cho bệnh nhân sử dụng:
- Thuốc chống viêm không chứa steroid: Bao gồm thuốc Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,… Các thuốc này có tác dụng chống viêm và giảm đau. Thuốc thường được chỉ định sử dụng khi thuốc Acetaminophen giảm đau không có kết quả. Tuy nhiên, thuốc chống viêm không chứa steroid có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét hoặc xuất huyết dạ dày. Do đó, bệnh nhân nên thận trọng khi sử dụng
- Thuốc giảm đau: Nhóm thuốc có tác dụng giảm đau từ nhẹ đến trung bình thường được sử dụng phổ biến nhất là Acetaminophen/ Paracetamol. Nhưng, thuốc có thể gây độc với gan và thận khi dùng ở liều lượng cao trong thời gian dài. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
- Thuốc giảm đau nhóm Opioid: Nhóm thuốc này thường dùng trong trường hợp bệnh nặng. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là gây nghiện. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi được bác sĩ kê đơn
- Bổ sung Glucosamin sulfat: Việc thiếu hụt Glucosamin nội sinh sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa khớp. Do đó, để cải thiện chức năng khớp, đồng thời giúp phục hồi chức năng sụn và ngăn ngừa bệnh phát triển, bệnh nhân nên bổ sung thêm Glucosamin sulfat mỗi ngày. Sản phẩm có tác dụng kích thích sản xuất proteopolycan, giúp sửa chữa tế bào sụn hư hỏng. Bên cạnh đó, Glucosamin sulfat còn có công dụng ức chế enzym tiêu hủy protein. Từ đó giúp làm giảm gốc tự do phá hủy sụn khớp. Chưa kể đến, hoạt chất này còn có tác dụng chống thoái hóa sụn xương và giúp tăng độ nhớt của hoạt dịch, giúp cải thiện tình trạng khô cứng khớp
- Chondoitin sulfat: Nguyên nhân gây thoái hóa khớp một phần là do mất Chondoitin sulfat. Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng và làm chậm quá trình thoái hóa đa khớp, người bệnh cần bổ sụng viên uống này mỗi ngày. Theo các chuyên gia, Chondoitin sulfat là một sulfat glycosaminoglycan (GAG) có trong hầu hết mô người. Hoạt chất này có tác dụng tạo sụn nhờ kích thích sản xuất axít hyaluronic và proteoglycan. Bên cạnh đó,Chondoitin sulfat còn có công dụng ức chế sự tổng hợp nitric oxid và enzym proteolytic. Do đó, giúp bảo vệ sụn khớp và làm tăng tính bền vững của collagen nội bào.
Ngoài các loại thuốc nêu trên, bệnh nhân cũng có thể dùng miếng dán Capsaicin để giảm đau nhức tại chỗ. Tuy nhiên, không nên sử dụng quá nhiều tránh gây bỏng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tiêm khớp chữa thoái hóa đa khớp
Tiêm khớp được chỉ định khi bệnh chuyển nặng với triệu chứng đau dữ dội và vận động khó khăn. Một số loại thuốc tiêm khớp thường được chỉ định như:
- Tiêm kháng viêm corticosteroid: Thuốc có tác dụng giảm viêm và sưng mạnh mẽ nhờ ức chế hoạt động miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ như loãng xương hoặc hư hại khớp. Do đó, bệnh nhân chỉ nên tiêm khi được bác sĩ chỉ định
- Tiêm Hyaluronat sodium: Có tác dụng giảm viêm đau và ức chế sự phân hủy protein. Bên cạnh đó, thuốc còn giúp kết nối với chất nền của sụn. Vì vậy giúp làm tăng sinh tổng hợp tế bào sụn, ngăn ngừa bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu. Thuốc chống chỉ định tiêm ở bệnh nhân mẫn cảm với thành phần chứa trong thuốc
- Tiêm PRP (huyết tương giàu tiểu cầu): Thuốc có tác dụng tái tạo mô sụn và phục hồi chức năng khớp. Biện pháp điều trị này thường có hiệu quả sau 3 – 6 tháng. Thuốc ít gây kích ứng hoặc phản ứng phụ nhưng chi phí khá đắt
Lưu ý: Tiêm khớp chỉ được thực hiện dưới sự bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để tránh tiêm lệch khớp, gây tai biến. Bên cạnh đó, môi trường và dụng cụ tiêm thuốc cần được vô khuẩn, tránh tình trạng nhiễm trùng, gây nguy hiểm sức khỏe.
Phẫu thuật điều trị thoái hóa đa khớp
Phẫu thuật thoái hóa khớp được cân nhắc khi các biện pháp chữa trị trên không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, biện pháp này còn được chỉ định khi khớp biến dạng hoặc xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Mục đích của phẫu thuật là giúp loại bỏ xương gai, chỉnh hình hoặc thay thế khớp nhằm giúp cải thiện chức năng vận động của khớp.
Phẫu thuật thoái hóa khớp bao gồm các biện pháp sau:
- Phẫu thuật nội soi
- Phẫu thuật mổ hở
Lưu ý: Phẫu thuật có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro như chảy máu kéo dài hoặc nhiễm trùng,… Do đó, bệnh nhân cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Biện pháp phòng tránh thoái hóa đa khớp tái phát
Để tăng tốc độ phục hồi khớp, ngăn ngừa bệnh tái phát, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Duy trì cân nặng ở mức độ ổn định. Trong trường hợp quá cân, người bệnh nên thực hiện chế độ giảm cân. Tuy nhiên, cần có chế độ giảm cân khoa học theo hướng dẫn của chuyên gia tư vấn dinh dưỡng. Tuyệt đối không áp dụng các mẹo giảm cân trên mạng nhằm tránh trường hợp “tiền mất tật mang”
- Tích cực tập thể dục thể thao để tăng cường chức năng vận động ở khớp. Đồng thời giúp tăng tiết hoạt dịch, giảm khô cứng khớp và thúc đẩy quá trình hồi phục sụn. Tuy nhiên, không nên tập quá sức. Tốt nhất nên tập đúng theo vài tập được bác sĩ vật lý trị liệu hướng dẫn
- Xây dựng chế độ ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D. Nên tránh sử dụng đồ ăn, thức uống chứa chất kích thích như cồn, caffein,…
- Ngưng sử dụng thuốc lá và hạn chế mang vác vật nặng, quá sức
Trên đây là thông tin về bệnh thoái hóa đa khớp, người bệnh cần nắm vững. Bởi việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc phòng và chữa bệnh.
→ Có thể bạn quan tâm: