Thoái hóa khớp vai: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai nếu không chữa trị ngay từ đầu có thể gây biến chứng nguy hiểm, làm mất khả năng vận động khớp bả vai. Do đó, để kiểm soát và khắc phục tốt triệu chứng bệnh, người bệnh cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng nhận biết cũng như cách điều trị bệnh.
Dựa vào giải phẫu khớp vai cho thấy, khớp này được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau. Trong đó có 2 khớp chính đó là khớp Glenohumeral (điểm nối giữa đỉnh xương cánh tay và bả vai) và khớp Acromioclavicular AC (khớp nối giữa xương bả vai và xương đòn).
Các khớp này thực hiện nhiệm vụ chính là giúp tăng phạm vi chuyển động của vai, cánh tay và một số bộ phận liên quan khác. Tuy nhiên, trong trường hợp khớp vai bị thoái hóa, chức năng hoạt động của khớp suy giảm, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Thoái hóa khớp vai là gì?
Theo các chuyên gia, thoái hóa khớp vai là tình trạng sụn khớp tại các khớp ở vai bị bào mòn và mất dần do tổn thương khớp hoặc lão hóa khớp. Bệnh thường xảy ra ở khớp Acromioclavicular AC với triệu chứng sưng, đau và co cứng khớp.
Thoái hóa khớp vai có thể xảy ra ở mọi người. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở người cao tuổi, trên 50 tuổi. Không những thế, bệnh cũng có thể xuất hiện ở những đối tượng trẻ tuổi, lười vận động.
Bệnh hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thoái hóa xuất hiện có thể là do viêm khớp thông thường gây ra. Hoặc cũng có thể biến chứng của do bệnh gout hoặc viêm khớp dạng thấp.
Cho dù là nguyên nhân nào gây bệnh, thoái hóa thường gây đau nhức và cản trở các sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Do đó, để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh gây biến chứng, người bệnh không nên chủ quan trong điều trị.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai xuất hiện có thể là do yếu tố bên trong hoặc bên ngoài gây nên. Cụ thể:
- Thói quen sinh hoạt không đúng cách: Bệnh thường gặp ở những đối tượng thường xuyên bê hoặc mang vác vật nặng ở vai, cổ. Bên cạnh đó, ngồi sai tư thế với cổ vẹo qua một bên hoặc thực hiện các hoạt động lặp lại ở khớp vai cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Chấn thương ở vai: Gãy xương vai như xương đòn, xương cánh tay hoặc trật khớp hay chấn thương khớp bả vai,… nếu không quản lý tốt, về lâu dài có thể gây thoái hóa khớp vai
- Bệnh lý: Thoái hóa khớp vai có thể là do viêm khớp vai, viêm khớp dạng thấp ở vai,…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp vai
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh có thể liệt kê:
- Tuổi tác: Theo các chuyên gia, xương khớp là bộ phận chịu ảnh hưởng bởi thời gian. Do đó, càng lớn tuổi, chức năng của hệ xương khớp yếu dần. Vì vậy, khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt, đối tượng trên 40 – 50 tuổi thường có nguy cơ gặp phải căn bệnh này cao
- Di truyền: Một số nghiên cứu chứng minh, bệnh thoái hóa khớp vai xảy ra một phần là do yếu tố di truyền. Tỷ lệ mắc phải bệnh ở những đứa trẻ có cha mẹ bị thoái hóa khớp vai thường cao hơn những đứa trẻ có cha mẹ bình thường, khỏe mạnh
- Thiếu chất dinh dưỡng: Chế độ ăn nghèo nàn dẫn đến tình trạng thiếu hụt dưỡng chất nuôi dưỡng khớp, làm tăng khả năng mắc bệnh
- Dị tật bẩm sinh: Ở một số đối tượng có cấu trúc xương kém thường rất dễ bị trật khớp bả vai, làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Giới tính: Thoái hóa khớp vai, đặc biệt là khớp Glenohumeral thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới
Triệu chứng nhận biết thoái hóa khớp vai
Tương tự như bệnh thoái hóa khớp, người bị thoái hóa khớp vai có thể gặp phải các biểu hiện sau:
- Đau nhức ở khớp vai: Ban đầu đau âm ỉ nhưng triệu chứng đau thường giảm dần khi bệnh nhân ngưng hoạt động cánh tay. Tuy nhiên, càng về sau đau có tính tăng dần, dữ dội hơn ngay cả khi người bệnh không hoạt động. Đau có thể xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh tỉnh giấc
- Khớp vai bị co cứng: Ngoài triệu chứng đau, bệnh nhân còn gặp phải tình trạng co cứng khớp, gây khó khăn trong việc cử động khớp vai. Thông thường, biểu hiện này thường gặp vào sáng sớm, lúc bệnh nhân mới tỉnh giấc. Triệu chứng co cứng thường giảm dần sau khi người bệnh xoa bóp 30 phút
- Triệu chứng khác: Ngoài các biểu hiện nêu trên, người bệnh có thể nhận biết triệu chứng thoái hóa khớp vai qua các dấu hiệu như sưng đau và tấy, đỏ ở khớp vai. Thêm vào đó, khớp thường phát tiếng kêu lục cục hoặc lạo xạo mỗi khi bệnh nhân cử động bả vai. Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải tình trạng tê bì hoặc đau nhức ở vai, cổ lan lan rộng xuống cánh tay và ngón tay.
Thoái hóa khớp vai có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp vai khi mới khởi phát thường gây đau nhức hoặc cứng khớp, ảnh hưởng đến chức năng vận động của vai. Nhưng, trong trường hợp này bệnh không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời, triệu chứng bệnh ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Bên cạnh đó, bệnh còn gây nên nhiều biến chứng như:
- Vôi hóa khớp vai
- Viêm dính khớp vai, cột sống
Nguy hiểm nhất, bệnh có thể gây cứng khớp, làm chèn ép dây thần kinh cột sống dẫn đến tình trạng teo khớp và mất khả năng vận động.
Điều trị bệnh thoái hóa khớp vai bằng cách nào?
Trước khi tiến hành điều trị bệnh, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số biện pháp chẩn đoán sau:
- X – quang
- Xét nghiệm máu
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Phân tích chất lỏng trong khớp
Dựa vào các thủ thuật này, nhân viên y tế sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ bệnh. Từ đó, đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp với từng tình trạng bệnh ở mỗi người.
Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp vai thường tập trung vào biện pháp khắc phục cơn đau. Cụ thể, để cải thiện tình trạng đau nhức và khó chịu do bệnh gây nên, người bệnh có thể áp dụng các cách chữa trị sau đây:
Kiểm soát đau thoái hóa khớp vai bằng thuốc
+ Thuốc Tây
Để giảm đau và cải thiện tình trạng co cứng ở khớp vai, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc thuộc các nhóm sau đây:
- Thuốc giảm đau: Giúp giảm đau nhức và sưng ở khớp vai. Một số loại thuốc thường được dùng như Paracetamol và Co-codamol,… Nên sử dụng đúng liều và đúng cách. Không nên lạm dùng bởi thuốc có thể kích thích gây viêm loét dạ dày và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
- Thuốc giãn cơ: Có thể tìm thấy một số loại thuốc giãn cơ như Mydocalm hoặc Myonal,… trên đơn thuốc của bệnh nhân thoái hóa khớp vai. Thuốc thường được chỉ định sử dụng với mục đích thư giãn cơ bắp, cải thiện tình trạng co cứng khớp. Từ đó giúp tăng phạm vi chuyển động của khớp vai
- Thuốc chống viêm: Bao gồm thuốc Ibuprofen, Aspirin hoặc Indomethacin,… Các loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm tại khớp, đồng thời ức chế viêm phát triển sang các khớp lân cận. Không sử dụng Aspirin cho trẻ em
- Glucosamin và Chondroitin: Hoạt chất có tác dụng kích thích tái sản xuất sụn, đồng thời ức chế enzyem phá hủy sụn khớp. Bổ sung đều đặn giúp sửa chữa sụn và tăng khả năng hồi phục bệnh
- Thuốc tiêm corticosteroid: Là thuốc kháng viêm mạnh thường dùng trong trường hợp thoái hóa khớp vai nặng. Diprospan và Depomedrol thường được sử dụng phổ biến
+ Thuốc dân gian
Các bài thuốc dân gian có tác dụng giúp làm giảm đau và sưng ở xương khớp. Bên cạnh đó, vì có nguồn gốc tự nhiên nên thuốc khá an toàn đối với sức khỏe người dùng. Do đó, bệnh nhân có thể an tâm sử dụng để điều trị bệnh.
Dưới đây là một số bài thuốc dân gian giúp chữa thoái hóa khớp:
- Sử dụng rễ cây đinh lăng: Dược liệu có tác dụng bổ huyết, đồng thời giúp thúc đẩy máu lưu thông tốt. Do đó, nếu sử dụng thường xuyên giúp nuôi dưỡng và tăng khả năng chữa lành sụn khớp, hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp vai. Để giảm đau, người bệnh có thể sử dụng 30 gram rễ cây đinh lăng đem rửa sạch và nấu nước uống
- Ngải cứu: Sử dụng một nắm lá ngải cứu đem rửa sạch và sao nóng với muối hạt. Đắp hỗn hợp này lên bả vai và cố định từ 15 – 20 phút. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần mỗi tuần giúp giảm đau và sưng
- Cây huyết đằng: Theo Đông y, cây huyết đằng có tính bình và vị đắng, có tác dụng bổ huyết và trị đau nhức xương khớp. Do đó, để kiểm soát cơn đau do bệnh thoái hóa khớp vai gây ra, bệnh nhân sử dụng 16 gram huyết đằng, 16 gram rễ vòi, 16 gram thổ phục linh, 16 gram hy thiêm, 10 gram rễ cà gai leo, 10 gram nam độc lực, 10 gram rễ cây cúc ảo, 12 gram sinh địa, 10 gram huyết dụ và 12 gram ngưu tất. Sắc thuốc và uống
- Cây xấu hổ: Sử dụng 10 – 25 gram cây xấu hổ đem rửa sạch, thái khúc và sắc nước uống. Ngoài ra, có thể sao nóng dược liệu với muối và đắp lên vai
Giảm đau thoái hóa khớp vai bằng bài tập
Một số bài tập giúp kiểm soát tình trạng đau nhức và co cứng khớp vai như:
- Duỗi tay nâng cao vai: Người bệnh nằm thẳng lưng trên giường. Hai tay giữ hai đầu của cây gậy có chiều dài bằng cánh tay. Sau đó, từ từ nâng tay lên cao rồi vòng qua sau đầu. Thực hiện lặp lại động tác 10 lần. Mục đích của bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho vùng cơ vai, đồng thời giúp các cơ ở bộ phận này thư giãn. Từ đó giúp giảm đau và nhức
- Động tác chữ V: Bệnh nhân đứng thẳng trên sàn nhà. Sau đó duỗi chân sao cho mũi bàn chân trái chạm vào tường, hai chân tạo thành hình chữ V. Tiếp đó, từ từ nâng tay phải qua đầu và chạm vào tường. Giữ tư thế từ 3 – 5 giây. Đổi bên và thực hiện thao tác tương tự
- Bài tập duỗi xoay vai: Nằm thẳng lưng trên sàn. Hai tay nắm hai đầu gậy giống bài tập duỗi tay nâng cao vai. Sau đó, từ từ xoay tròn cánh tay để các cơ vai hoạt động. Thực hiện bài tập 10 lần rồi nghỉ thư giãn.
Điều trị thoái hóa khớp vai bằng vật lý trị liệu
Ngoài các biện pháp chữa trị nêu trên, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu sau đây để phục hồi chức năng vận động của vai:
- Chườm lạnh, chườm nóng lên vai: Dùng nước nóng hoặc nước đá chườm lên vai 20 phút/ lầ. Mỗi ngày chườm khoảng 2 – 3 lần, giúp giảm đau và sưng
- Xoa bóp, massage: Biện pháp này giúp giảm đau ở khớp vai trong thời gian ngắn. Để tăng tính hiệu quả, người bệnh có thể massage vai bằng tinh dầu bạc hà, khuynh diệp hoặc tinh dầu hoa oải hương,…
- Biện pháp khác: Trị liệu bằng điện, chữa bằng nước sóng ngắn, bấm huyệt, châm cứu,…
Phẫu thuật chữa thoái hóa khớp vai
Phẫu thuật được đề nghị khi bệnh chuyển nặng. Một số biện pháp phẫu thuật thoái hóa khớp vai thường được chỉ định như:
- Thay khớp vai
- Cắt bỏ khớp
- Thay đầu xương cánh tay
Bên cạnh các biện pháp điều trị thoái hóa khớp vai, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học. Bên cạnh đó, để dự phòng đau nhức tái phát, bệnh nhân nên chủ động tái khám định kỳ theo lịch hẹn từ bác sĩ.
→ Có thể bạn quan tâm: Thoái hóa khớp cổ chân: Nguyên nhân và hướng điều trị