Bệnh thoái hóa khớp ngón tay: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Bệnh thoái hóa khớp ngón tay là một trong các bệnh xương khớp thường xảy ra ở những người có độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Bệnh không chỉ gây đau mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cử động, chức năng vận động của các ngón tay. Từ đó làm giảm chất lượng đời sống của người bệnh.
Nhóm người dễ mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay
Bệnh thoái hóa khớp ngón tay xuất hiện phổ biến nhất ở nhóm đối tượng có độ tuổi từ 60 – 65. Tuy nhiên những người có độ tuổi từ 55 đã bắt đầu cảm nhận được những triệu chứng của tình trạng thoái hóa khớp. Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn ở nhóm đối tượng từ 60 trở lên. Tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao nhất ở nhóm đối tượng từ 70 – 79 tuổi.
Tuổi cao được xác định là yếu tố nguy cơ cao nhất khiến bệnh thoái hóa khớp ngón tay hình thành. Điều này xuất hiện là do khớp không nhận đủ lượng máu để nuôi dưỡng. Từ đó hình thành nên sự lão hóa sụn làm cho sụn khớp bị bào mòn, thiếu sự linh hoạt và kém chịu đựng khi phải đối mặt với những tác động xấu từ bên ngoài.
Thoái hóa khớp thường gặp ở nữ giới (khoảng 75%). Như vậy, có thể thấy số lượng bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay ở phụ nữ cao hơn gấp 3 lần so với nam giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi của hormone estrogen. Khi hormone estrogen thay đổi sẽ khiến tế bào sụn khớp thay đổi theo.
Ngoài ra những người có thể trạng thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Kết quả thống kê cho thấy có đến 1/3 bệnh nhân mắc bệnh là do thừa cân béo phì.
Bệnh thoái hóa khớp ngón tay hình thành do đâu?
Những nguyên nhân phổ biến khiến bệnh thoái hóa khớp ngón tay hình thành và phát triển:
Tuổi tác
Hiện tượng lão hóa các chức năng của cơ thể sẽ diễn ra nhanh hơn khi tuổi đời của bạn càng cao. Đặc biệt là ở phụ nữ do hormone sinh dục của phụ nữ ở giai đoạn này đã suy giảm. Bên cạnh đó lượng máu di chuyển đến khớp ngón tay nói riêng và các khớp trong cơ thể nói chung bị suy giảm đáng kể.
Sự suy giảm lượng máu khiến cho tổ chức sụn khớp bị thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng sụn khớp. Hơn thế khả năng chịu dựng của sụn khớp cũng sẽ suy giảm và không thể chống đỡ được những tác động liên tục lên khớp mỗi ngày.
Thiếu canxi
Tỉ lệ những người thiếu canxi dẫn đến thoái hóa khớp chiếm đa số. Trong số bệnh nhân đáng lưu ý nhất vẫn là phụ nữ. Đặc biệt là khi phụ nữ đã hoặc đang bước vào giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh. Thiếu canxi được đánh giá là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa khớp ngón tay.
Làm những công việc liên quan đến ngón tay, bàn tay nhiều
Những người có công việc thường xuyên phải vận động ngón tay, bàn tay như nhân viên văn phòng, phụ nữ làm công việc nội trợ (lao động, giặt giũ…) sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với nhóm đối tượng khác.
Bệnh thoái hóa khớp thường xuất hiện ở bàn tay, ngón tay ở bên tay thuận – tay vận động nhiều hơn. Đối với những người thuận tay phải thì những khớp tồn tại trên bàn tay phải và những khớp ngón tay bên phải như khớp ngón cái, ngón giữa, ngón trỏ sẽ dễ rơi vào tình trạng thoái hóa xương khớp hơn so với những khớp tồn tại bên bàn tay trái (bàn tay không thuận).
Khi tình trạng thoái hóa xương khớp xuất hiện, những khớp tồn tại trên bàn tay thuận bị biến dạng khớp nhiều hơn và cũng có những biểu hiện nặng hơn. Đối với trường hợp viêm đa khớp dạng thấp thì tình trạng thoái hóa khớp ngón tay, cổ tay và bàn tay chiếm tỉ lệ cao hơn những khớp khác.
Chấn thương
Thoái hóa khớp ở ngón tay có thể xảy ra sau khi bạn bị chấn thương, bị gãy xương, mắc bệnh gout, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh đái tháo đường và một số bệnh rối loạn chuyển hóa khác. Ngoài ra, đối với những người cao tuổi, lười vận động hoặc ít vận động cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng thoái hóa khớp hình thành.
Triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp ngón tay
Đau và cứng khớp là triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp ngón tay. Cơn đau sẽ xuất hiện mỗi khi người bệnh cử động tay hoặc vận động. Hiện tượng này được gọi là đau kiểu cơ học. Hiện tượng đau nhức thường sẽ thuyên giảm khi những khớp ở ngón tay không vận động, không cử động, được nghỉ ngơi hoàn toàn.
Tính chất cơn đau do bệnh thoái hóa khớp gây ra thường không nghiêm trọng, không dữ dội. Chúng chỉ xuất hiện với biểu hiện ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Thông thường, thời gian ở mỗi lần đau sẽ kéo dài từ 15 – 30 phút. Ở một số trường hợp khác, cơn đau có thể xuất hiện với tần suất dày đặc hơn và kéo dài hơn.
Thời gian đau nhức khớp ngón tay phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ nặng nhẹ của tổn thương xương khớp. Đôi khi biểu hiện sưng nhẹ cũng sẽ xuất hiện khi bạn bị đau khớp.
Đối với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp ngón tay, ngoài tình trạng đau nhức, hiện tượng cứng khớp thường xuất hiện một cách rõ ràng và rất dễ nhận biết. Hiện tượng cứng khớp xảy ra nhiều nhất vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau mỗi giấc ngủ trưa.
Triệu chứng cứng khớp biểu hiện ở việc khớp tay, ngón tay của bệnh nhân không thể cử động mềm mại, không uyển chuyển như lúc trước hoặc rất khó để cử động. Lâu ngày bàn tay và những ngón tay bắt đầu xảy ra hiện tượng khó cử động, khó thao tác trong những hoạt động sinh hoạt thường ngày. Cụ thể như: Thực hiện không chuẩn các thao tác khi giặt giũ quần áo, tắm, vệ sinh cá nhân hoặc cầm nắm đồ vật không chắc dẫn đến bị rơi đồ vật.
Theo thống kê có khoảng 50% bệnh nhân bị thoái hóa khớp ngón tay gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các công việc nội trợ, tự chăm sóc bản thân, mặc quần áo, giặt giũ, chải đầu, ăn, uống, chăm sóc người thân.
Bên cạnh những rối loạn trong cử động và thực hiện động tác cầm nắm, các cơ tồn tại xung quanh khớp ngón tay cũng bị teo nhỏ dần. Nguy hiểm hơn, khớp ngón tay có thể bị biến dạng, đặc biệt là trong giai đoạn muộn. Điều này được giải thích là do ở những khớp ngón xa hay khớp ngón gần hình thành nên các chồi xương gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay
Ngoài việc đặt câu hỏi để xác định những triệu chứng lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn chụp X-quang bàn tay, khớp ngón tay hay thậm chí là khớp cổ tay để xác định bệnh lý. Biện pháp chẩn đoán hình ảnh này có thể xác định được bốn dấu hiệu cơ bản của hiện tượng thoái hóa khớp. Đó là: Hẹp khe khớp, gai xương, đặc xương dưới sụn, hốc xương.
Để quá trình xét nghiệm hoàn hảo, kết quả chẩn đoán bệnh lý trở nên chính xác hơn, người bệnh nên thực hiện thêm một số xét nghiệm theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể như: Xác định yếu tố dạng thấp RF, xét nghiệm máu lắng…
Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay nên sớm đến bệnh viện để thăm khám xác định bệnh lý và điều trị kịp thời. Người bệnh không nên để lâu để tránh những biến chứng về xương khớp xảy ra.
Cần làm gì khi bị thoái hóa khớp ngón tay?
Người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để tiến hành thăm khám và điều trị khi nghi ngờ mắc bệnh. Nguyên tắc chung trong chữa trị bệnh thoái hóa khớp là sử dụng các loại thuốc giảm đau tại chỗ hay toàn thân, thuốc kháng viêm kèm theo biện pháp ngăn ngừa hiện tượng biến dạng khớp.
Tuy vậy, đối với trường hợp đã xác định thoái hóa khớp ngón tay, người bệnh phải áp dụng phác đồ điều trị, sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và tự ý dùng thuốc. Bởi ngoài hiệu quả kiểm soát triệu chứng, những loại thuốc điều trị thoát hóa khớp đều có khả năng mang đến nhiều rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn mà bệnh nhân khi dùng thuốc không thể kiểm soát được.
Ngoài ra, để khắc phục triệu chứng cứng và đau khớp ngón tay, người bệnh có thể xoa bóp bàn tay, ngón tay với dầu làm nóng (dầu gió, cao sao vàng, dầu chàm), ngâm bàn tay vào nước ấm pha muối loãng (nước muối sinh lý) hoặc sử dụng gel chứa những hoạt chất chống viêm để xoa bóp (diclophenac, voltagel, deepheat…).
Cách phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp ngón tay
Để làm giảm nguy cơ bị thoái hóa khớp ngón tay, bạn có thể áp dụng những cách phòng ngừa dưới đây:
- Trong lao động hoặc trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên tận dụng những thiết bị, máy móc thay thế hoặc hỗ trợ cho bàn tay. Cụ thể như cối xay thịt, máy rửa bát…
- Ở mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, bạn nên áp dụng một số bài tập nhẹ nhàng tại khớp ngón tay, khớp cổ tay và bàn tay. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao độ linh hoạt và độ dẻo dai của các khớp.
- Để phòng ngừa bệnh hiệu quả thì những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp ngón tay, cổ tay, bàn tay như người nội trợ, phụ nữ làm việc chân tay nhiều, nhân viên văn phòng… cần tránh lao động nặng. Khi hoạt động, làm việc nhiều với tay, bạn nên dành thời gian để tay có thể nghỉ ngơi. Bạn không nên làm việc với tay liên tục trong nhiều giờ liền.
- Nên ngâm toàn bộ bàn tay vào trong một chậu nước muối sinh lý ấm. Mỗi lần ngâm 10 phút. Mỗi ngày ngâm 2 lần (buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ).
- Bạn cần có chế độ ăn uống khoa học để tránh tăng cân quá mức. Ngoài ra bạn cũng nên thường xuyên vận động cơ thể.
- Khi mắc những bệnh lý liên quan đến chuyển hóa hoặc khi bị chấn thương ở bàn tay, cổ tay, ngón tay, bạn nên thăm khám và điều trị dứt điểm bệnh lý theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bàn tay và những ngón tay là bộ phận thường xuyên phải hoạt động, vận động nhiều và chịu không ít áp lực khi bạn làm việc hoặc sinh hoạt. Chính vì thế bộ phận này dễ bị lão hóa theo thời gian. Ngay khi có dấu hiệu thoái hóa khớp ngón tay, người bệnh nên đi khám sớm để được can thiệp, được chữa bệnh kịp thời. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa những biến chứng và sớm trở lại với sinh hoạt bình thường.
Ngày Cập nhật 06/09/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!