Đừng chủ quan với viêm phổi do virus Corona, đại dịch được cảnh báo toàn cầu
Bệnh viêm phổi do virus Corona đang là vấn đề HOT nhất trong thời gian gần đây. Trong những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, cả thế giới đều bàng hoàng, lo lắng vì sự xuất hiện của chủng virus Corona mới ký hiệu 2019 – nCoV tại Trung Quốc. Loại virus này gây viêm nhiễm đường hô hấp nghiêm trọng, phổ biến nhất là viêm phổi. Điều đáng lo ngại là tốc độ lây lan virus nhanh chóng, nhiều người đã tử vong. Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng tránh.
Bệnh viêm phổi do virus Corona đã được cảnh báo toàn cầu
Viêm phổi do virus Corona là tình trạng viêm nhiễm phổi do người bệnh nhiễm chủng virus Corona mới (2019 – nCoV). Tình trạng này đang bùng phát mạnh, trở thành mối đe dọa với công dân toàn cầu. Các thống kê y tế đã cho thấy số ca nhiễm bệnh do virus corona gia tăng nhanh chóng. Tính đến 10 giờ sáng ngày 30/1, Ủy ban quốc tế Trung Quốc đã công bố có 7714 người nhiễm nCoV, 170 người đã tử vong và hơn 12000 ca nghi nhiễm virus này.
Ngoài lãnh thổ Trung Quốc, hơn 22 quốc gia đã ghi nhận có người nhiễm virus, trong đó có Việt Nam. Ngày 30/1, thống kê y tế đã khẳng định có 105 trường hợp nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh được xác định là 5, trong đó có 2 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam đều từ Vũ Hán Trung Quốc trở về.
Một nghiên cứu tại Vũ Hán thực hiện trên 41 bệnh nhân nhiễm virus corona (đăng trên tạp chí The Lancet) đã cho biết nhiều biến chứng có thể xảy ra khi mắc viêm phổi do virus corona:
- Suy hô hấp tiến triển 29%.
- Nhiễm virus huyết 15%.
- Tổn thương tim cấp 12%.
- Nhiễm trùng thứ phát 10%.
- 13/41 ca phải nhập khoa Hồi sức tích cực.
- 6/41 ca tử vong, thường gặp ở người có bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch.
Trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của viêm phổi do virus 2019 – nCoV, Tổ chức y tế Thế giới đã quyết định ban bố viêm phổi do corona là TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP TOÀN CẦU vào sáng 31/1/2020. Vì vậy mọi người cần hết sức cảnh giác, chủ động tìm hiểu về bệnh lý để biết cách ứng phó, phòng tránh nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi do virus corona
Nguyên nhân gây dịch viêm phổi cấp được xác định là do chủng virus mới 2019 – nCoV hay còn gọi là Virus Vũ Hán, là một chủng của virus Corona. Ngoài chủng virus mới này đã phát hiện 6 chủng khác lây nhiễm ở người trước đó.
2019 – nCoV được phát hiện ở Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Chưa có kết luận đầy đủ nhất về sự xuất hiện của virus này nhưng đa phần các chủng virus Corona thường bắt nguồn từ động vật (lạc đà, cầy hương, dơi, mèo…), virus phát triển mạnh ở những nơi ẩm ướt.
Một nguồn nhiễm bệnh viêm phổi khác là lây nhiễm virus 2019 – nCoV từ người mắc bệnh.
Virus corona lây truyền như thế nào?
Chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh, Thầy thuốc ưu tú Lê Phương, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Thừa kế & Ứng dụng Đông y Việt Nam cho biết: “Các nhà chuyên môn đã xác định virus nCoV có thể lây truyền qua đường hô hấp. Chưa có nghiên cứu xác định khả năng lây truyền qua đường máu, phân và các vật phẩm khác…”. Bác sĩ Lê Phương cho biết thêm, người bình thường có thể nhiễm virus nếu:
- Tiếp xúc gần gũi, bắt tay với người bệnh.
- Tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi của người bệnh.
- Phơi nhiễm do chạm và vật mà người bệnh tiếp xúc và đưa lên miệng, mũi, mắt.
Khi virus xâm nhập vào cơ thể người, thời gian ủ bệnh sẽ tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Các chuyên gia cho biết, thời gian ủ bệnh trung bình là 5,2 ngày, số ngày ủ bệnh có thể ngắn hơn (khoảng 2 – 3 ngày) hoặc lên đến 14 ngày.
Bác sĩ Lê Phương nhấn mạnh: “Các nghiên cứu y khoa đã chứng minh, trong thời gian ủ bệnh, Virus corona vẫn có thể truyền từ người sang người. Vì vậy người mắc bệnh và người bị nghi ngờ nhiễm mầm bệnh cần được cách ly và theo dõi y tế”.
Triệu chứng viêm phổi do nhiễm virus corona cần chú ý
Dựa theo những biểu hiện của những bệnh nhân đã phát hiện và 41 bệnh nhân trong nghiên cứu tại Vũ Hán, các triệu chứng viêm phổi do virus Corona thường gặp là:
- Sốt: 98% bệnh nhân có biểu hiện này khi bệnh mới khởi phát.
- Ho: 76% bị ho.
- Khó thở: 55% bệnh nhân có triệu chứng này. Thời gian trung bình có biểu hiện khó thở là từ ngày thứ 8 kể từ khi bệnh khởi phát.
- Đau mỏi cơ toàn thân chiếm 44%.
Ngoài ra người bệnh có các triệu chứng ít gặp hơn là: Ho khạc đờm 28%, đau đầu 8%, ho ra máu 5%, phân lỏng 3%.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị suy yếu nội tạng.
Hầu hết các triệu chứng điển hình, triệu chứng ban đầu khó phân biệt với cảm cúm, sốt thông thường. Bệnh chỉ có thể chẩn đoán chính xác nhất khi kiểm tra xét nghiệm các mẫu dịch phẩm hô hấp, đờm, nội khí quản tại các cơ sở y tế. Vì vậy khi nghi ngờ mắc bệnh người bệnh cần chủ động cách ly, với người xung quanh và sớm đi khám, kiểm tra chính xác.
Điều trị viêm phổi do nhiễm Virus Corona
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh đối với viêm phổi do virus corona. Việc nghiên cứu vắc xin đang được tiến hành khẩn trương bởi đội ngũ chuyên gia toàn thế giới.
Những bệnh nhân mắc viêm phổi nCoV được các nhóm nghiên cứu chỉ định dùng thuốc chống virus kết hợp xét nghiệm enzym và sàng lọc.
- Một số thuốc được lựa chọn như: corticosteroids, Carfilzomib và ritonavir, HIV như Indinavir, Lopinavir, Saquinavir, thuốc chống virus hợp bào hô hấp, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống tâm thần phân liệt.
- Những loại thuốc truyền thống của Trung Quốc có khả năng chống virus cũng được cân nhắc sử dụng: Hổ trượng, hoạt huyết đan…
Hiện nay đã có hai trường hợp khỏi bệnh tại Việt Nam và Trung Quốc. Điều quan trọng là mọi người chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi nghi ngờ và phòng tránh bệnh sớm.
Khi cần thông báo thông tin hoặc hỗ trợ y tế liên quan đến viêm phổi do virus nCoV, công dân có thể liên hệ tới Bộ Y tế qua hotline 19003228. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ tới đường dây nóng của cơ sở y tế địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Các biện pháp phòng tránh viêm phổi nCoV
Bộ y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện những biện pháp sau để phòng ngừa bệnh:
- Nếu đang sốt, ho hoặc khó thở, cần dừng các lịch trình du lịch hoặc di chuyển. Đi kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ, chia sẻ rõ lịch trình di chuyển với nhân viên y tế.
- Không nên tiếp xúc với người đang cúm, bị ho, sốt, khó thở.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tiếp xúc tay với mắt, mũi, miệng.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Đeo khẩu trang ở nơi đông người, hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng cúm, sốt, ho, khó thở. Hãy chắc chắn rằng đeo khẩu trang kín miệng và mũi, không chạm vào khẩu trang khi đeo. Nếu dùng khẩu trang 1 lần hãy bỏ ngay vào thùng rác sau khi sử dụng.
- Nếu bị ốm khi du lịch hoặc đang di chuyển bằng phương tiện giao thông như tàu, ô tô, máy bay… hãy báo cho nhân viên để nhờ tìm kiếm sự hỗ trợ y tế sớm nhất.
- Hạn chế tiếp xúc gần với động vật hoang dã, vật nuôi. Nếu tiếp xúc thì cần rửa tay bằng xà phòng ngay sau đó.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Khi ho hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng tay áo, khăn giấy. Sau đó bỏ ngay giấy vào thùng rác và rửa lại tay bằng xà phòng.
- Không nên di chuyển đến các vùng có người mắc bệnh.
- Tránh tụ tập ở nơi đông người.
- Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng sinh hoạt và môi trường sống.
Khuyến cáo dành cho người mới từ Trung Quốc trở về Việt Nam
Những công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc trước, trong và sau thời gian tết Nguyên Đán Canh Tý cần chú ý một số vấn đề sau:
- Tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Khai báo với cơ quan địa phương để được hỗ trợ sớm nhất.
- Nếu có triệu chứng như sốt, khó thở, ho thì cần đeo khẩu trang để bảo vệ, nhanh chóng thông báo với cơ sở y tế địa phương để được kiểm tra, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Thông tin đầy đủ về triệu chứng, lịch trình di chuyển trong thời gian gần nhất với các cơ quan chức năng, cơ sở y tế để có biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa lây nhiễm nếu mắc bệnh.
Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để dập tắt dịch bệnh viêm phổi do virus Corona. Vì vậy mỗi cá nhân hãy cùng góp sức để hạn chế thấp nhất những rủi ro do dịch bệnh gây ra. Hãy chủ động phòng tránh và chủ động cách ly, tìm kiếm hỗ trợ y tế nếu nghi ngờ mắc bệnh.
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!