Bệnh Viêm Tai Ngoài: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Bệnh viêm tai ngoài xảy ra phổ biến nhưng ít nguy hiểm hơn so với bệnh viêm tai giữa. Tuy nhiên bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu và mất tập trung với những triệu chứng như đau tai, ngứa tai, chảy mủ tai, ù tai… Bên cạnh đó việc không điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nghe. Có nhiều nguyên nhân gây viêm tai ngoài. Tuy nhiên bệnh chủ yếu xuất hiện do bệnh nhân tiếp xúc với nguồn nước bẩn khi đi bơi trong hồ, sông, rạch hoặc trong hồ bơi.
Bệnh viêm tai ngoài là bệnh gì?
Bệnh viêm tai ngoài thể hiện cho tình trạng nhiễm trùng và viêm ngay tại lớp da mỏng ở khoang tai. Bệnh chủ yếu xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn. Tuy nhiên ở một số trường hợp ít gặp, bệnh xảy ra do sự tác động của nấm. Viêm tai ngoài và các triệu chứng khó chịu thường xuất hiện sau khi bơi khoảng vài ngày. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian phát bệnh, viêm tai ngoài được chia thành hai thể, bao gồm viêm tai ngoài cấp tính và viêm tai ngoài mạn tính.
- Viêm ống tai ngoài cấp tính: Bệnh xảy ra và kéo dài dưới 3 tháng.
- Viêm ống tai ngoài mạn tính: Bệnh xảy ra và kéo dài trên 3 tháng. Thậm chí bệnh lý này có thể kéo dài đến 1 năm ở những trường hợp nghiêm trọng.
Ngoài ra bệnh viêm tai ngoài có thể tái phát nhiều lần. Điều này xảy ra là do người bệnh không điều trị dứt điểm bệnh lý, chậm trễ trong quá trình điều trị hoặc không áp dụng biện pháp chăm sóc sau điều trị khiến vi khuẩn xâm nhập và bệnh tái phát.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tai ngoài
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tai ngoài được thể hiện qua 3 dạng, bao gồm viêm ống tai ngoài, viêm tai khu trú và viêm tai ác tính.
- Viêm ống tai ngoài
Viêm ống tai ngoài là tình trang nhiễm trùng và viêm ở lớp da bao phủ ống tai ngoài, có thể tiến triển ở thể cấp tính hay mạn tính. Viêm ống tai ngoài có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau và tương đối phổ biến.
Đặc biệt bệnh thường xảy ra ở những người sinh sống và làm việc ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm, có nguồn nước bẩn, môi trường ô nhiễm và có thói quen lau tai quá nhiều lần dẫn đến trầy xước tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập và gây viêm ở lớp da bảo vệ ống tai ngoài hoặc sử dụng những dụng cụ không được vệ sinh để ngoáy tai.
Viêm ống tai ngoài thường không nguy hiểm. Tuy nhiên việc không điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nghe. Trường hợp nặng có thể gây tai ngoài ác tính và tử vong.
- Viêm tai ngoài khu trú
Viêm tai ngoài khu trú còn có tên gọi khác là nhọt ống tai. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng nhiễm trùng nang lông trong ống tai. Bệnh lý này thường xảy ra do sự xâm nhập của vi trùng Staphylococcus.
Khi bị viêm tai ngoài khu trú, bệnh nhân sẽ thường xuyên có cảm giác đau đớn nghiêm trọng trong ống tai. Khi kéo vành tai hoặc khi ấn vào vùng trước tai , người bệnh sẽ thấy mức độ đau tăng lên. Ngoài ra nếu không sớm điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tai giữa và làm suy giảm thính lực khi tình trạng nhiễm trùng lây lan.
- Viêm tai ngoài ác tính
Viêm tai ngoài ác tính được xác định là tình trạng viêm hoại tử lan rộng. Đây là tình trạng nguy hiểm và có khả năng gây tử vong. Bệnh thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị tiểu đường.
Viêm tai ngoài ác tính tiến triển khi bệnh nhân bị viêm ống tai ngoài do vi trùng Pseudomonas aeruginosa nhưng không được điều trị. Cụ thể việc không điều trị sẽ khiến viêm nhiễm lan rộng khiến các cấu trúc mô mềm xung quanh bị phá hủy, cuối cùng viêm lan rộng đến nền sọ và gây bệnh viêm tai ngoài ác tính.
Bệnh viêm tai ngoài ác tính có thể gây ra những biến chứng nặng nề dưới đây nếu không điều trị:
-
- Viêm màng nhĩ hoặc thủng màng nhĩ
- Áp xe tại chỗ
- Thu hẹp ống tai dẫn đến nghe kém
- Viêm mô tế bào
- Liệt dây thần kinh do viêm màng não
- Áp xe não
- Tử vong ở trường hợp nặng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai ngoài
Để nhận biết bệnh viêm tai ngoài, người bệnh có thể dựa vào những dấu hiệu dưới đây:
Dấu hiệu nhận biết chung
- Có cảm giác đau nhẹ ở tai
- Ngứa tai
- Ù tai
- Tai rỉ dịch
- Ngứa tai
- Xuất hiện mụn nhọt nhỏ hoặc u khiến bệnh nhân bị đau trong khoang tai. Các u/ nhọt có thể tạo ra cảm giác đau đớn dữ dội. Trong trường hợp mụn nhọt vỡ, người bệnh sẽ nhận thấy có một lượng nhỏ mủ hoặc máu chảy ra từ trong tai.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai ngoài cấp tính
- Đỏ, sưng nề và đau ở mức độ nghiêm trọng
- Sốt và nổi hạch
- Ống tai bị hẹp do bị ứ đọng chất nhầy mủ hoặc do phù nề khiến thích lực bị ảnh hưởng nhẹ.
Dấu hiệu nhận biết viêm tai ngoài mạn tính
- Đau nhức nhiều ở ống tai, đau kéo dài và ngày càng nghiêm trọng
- Người bệnh nghe kém do dịch mủ ứ đọng
- Ù tai, không nghe rõ
- Sưng nề và đỏ ở ống tai
- Thường xuyên có dịch màu vàng chảy ra ngoài.
Bệnh viêm tai ngoài xuất hiện do đâu?
Nguyên gây viêm tai ngoài là sự xâm nhập và tiến triển của một số loại vi khuẩn trong ống tai ngoài, thường gặp gồm vi khuẩn Pseudomonas, Staphylococcus và một số loại vi khuẩn khác sinh sống trong nước. Trong một số trường hợp ít gặp, tình trạng viêm nhiễm xảy ra do sự tác động của nấm.
Các tác nhân thường xâm nhập và gây viêm tai ngoài khi người bệnh tiếp xúc với nguồn nước bẩn trong tắm trong ao hồ, sông hoặc trong hồ bơi. Ngoài ra tình trạng nhiễm trùng và viêm tai ngoài có thể xuất hiện bởi một số nguyên sau:
- Gãi bên trong tai hoặc tai.
- Đeo tai nghe không sạch.
- Có vật lạ mắc kẹt trong tai.
- Sử dụng tăm bông hoặc một số vật nhỏ khác để làm sạch ống tai quá mạnh khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm.
- Sử dụng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh để ngoáy tai.
- Đang mắc các bệnh về da mãn tính như bệnh vảy nến hoặc bệnh chàm
- Hệ miễn dịch suy yếu (trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, bệnh nhân bị HIV…)
- Hệ quả từ bệnh viêm tai giữa không được điều trị, đặc biệt là khi có dịch thừa kẹt trong ống tai.
- Nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng khi sống trong môi trường ô nhiễm hoặc có khí hậu nóng ẩm.
Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh viêm tai ngoài
Việc chẩn đoán bệnh viêm tai ngoài và mức độ nghiêm trọng của bệnh thường dựa trên biểu hiện thực thể và những triệu chứng lâm sàng. Vì thế khi được thăm khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ đặt một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng, sờ hoặc ấn nhẹ để kiểm tra mức độ đau, soi tai để kiểm tra lượng dịch mủ ứ đọng, u/ mụn nhọt và một số biểu hiện thực thể khác.
Ngoài ra người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số kỹ thuật chuyên sâu để tìm kiếm nguyên nhân và xác định chính xác chủng vi khuẩn, nấm. Điều này sẽ giúp người bệnh có hướng điều trị thích hợp nhất.
Một số kỹ thuật thường được chỉ định gồm:
- Xét nghiệm dịch mủ: Lấy mẫu thử của mủ ứ đọng trong tai, sau đó đưa đến phòng xét nghiệm tìm loại nấm hoặc loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và viêm
- Đo áp suất không khí trong ống tai và màng nhĩ: Đo áp suất không khí trong ống tai và màng nhĩ cho phép bác sĩ kiểm tra khả năng vận động của các bộ phận bên trong ống tai.
Phương pháp điều trị bệnh viêm tai ngoài
Thông thường để điều trị bệnh viêm tai ngoài, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định một số loại thuốc phù hợp. Trong đó, thuốc nhỏ chứa kháng sinh được sử dụng cho hầu hết các trường hợp. Thời gian sử dụng từ 10 đến 14 ngày. Tuy nhiên bệnh nhân có thể được yêu cầu sử dụng thêm thuốc giảm đau hoặc áp dụng thêm một số biện pháp khác để làm giảm nhẹ triệu chứng.
1. Thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh
Sử dụng thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh được xác định là phương pháp điều trị chính đối với những bệnh nhân mắc bệnh viêm tai ngoài. Loại thuốc này có tác dụng giảm viêm tại chỗ và tiêu diệt nhanh vi khuẩn gây viêm. Từ đó giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng và phòng ngừa viêm nhiễm tái phát.
Tuy nhiên việc tự ý sử dụng kháng sinh điều trị viêm tai ngoài là điều không nên. Bởi điều này có thể làm phát sinh những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó người bệnh chỉ nên dùng thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh sau khi có kết quả chẩn đoán và được bác sĩ chỉ định.
Bên cạnh đó thuốc phải được sử dụng đúng liều và đúng thời gian quy định. Thông thường những loại thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh sẽ được yêu cầu sử dụng liên tục từ 10 đến 14 ngày.
2. Thuốc kháng sinh đường uống
Thuốc kháng sinh đường uống sẽ được chỉ định cho những trường hợp có viêm nhiễm lan rộng, viêm nhiễm nặng, bệnh nhân không có đáp ứng tốt với thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh. Do những loại thuốc kháng sinh đường uống có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên việc dùng thuốc cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
3. Corticoid
Để giảm viêm, người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị với Corticoid . Tác dụng chính của loại thuốc này là chống viêm, ức chế miễn dịch và chống dị ứng. Việc sử dụng Corticoid sẽ giúp người bệnh nhanh chóng khắc phục tình trạng viêm nhiễm ở tai ngoài và các biểu hiện đi kèm.
Tuy nhiên sử dụng kéo dài hoặc lạm dụng Corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Cụ thể như loãng xương, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nguy cơ loét dạ dày, chậm lành vết thương, teo da, đục thủy tinh thể, hội chứng Cushing… Do đó bệnh nhân chỉ nên dùng Corticoid khi cần thiết và có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
4. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tai ngoài kèm theo triệu chứng đau nhức nghiêm trọng. Ngoài ra thuốc có thể được sử dụng kết hợp với những biện pháp chăm sóc tại nhà để kiểm soát triệu chứng cho những trường hợp nhẹ hoặc bị dị ứng với thuốc kháng sinh.
Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như thuốc Paracetamol, Ibuprofen (Advil, Motrin), Acetaminophen (Tylenol)… hoặc những loại thuốc nhỏ tai có chứa thành phần giảm đau và chống viêm.
5. Chườm ấm
Chườm ấm có tác dụng làm dịu cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Vì thế biện pháp này được khuyến khích áp dụng cho những trường hợp bị đau do viêm tai ngoài để giảm nhẹ triệu chứng. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý tuyệt đối không được để ướt khoang tai sau khi tất cả các triệu chứng đã biến mất trong vòng 1 tuần.
Lưu ý chung:
- Sử dụng thuốc đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
- Nên thăm khám trước khi dùng thuốc. Tuyệt đối không dùng thuốc bừa bãi vì những loại thuốc nêu trên đều có khả năng gây tác dụng phụ.
- Bệnh nhân bị viêm tai ngoài mãn tính cần lưu ý tái khám thường xuyên và điều trị lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa phát sinh những biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng nghe.
- Thông báo với bác sĩ nếu tai có cảm giác bị tắc hoặc cơn đau xảy ra kéo dài, thuốc không mang đến hiệu quả điều trị cao.
Biện pháp phòng ngừa viêm tai ngoài
Bệnh viêm tai ngoài có thể dễ dàng được phòng ngừa bằng nhiều biện pháp khác nhau. Vì thế để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tránh để nước vào tai khi đi bơi bằng cách đội mũ bơi hoặc đeo nút bịt lỗ tai.
- Tránh sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để tắm hoặc vệ sinh tai.
- Không sử dụng dụng cụ bẩn để ngoáy tai.
- Tránh làm sâu bên trong ống tai hoặc cố gắng chọc sâu hoặc ngoáy vào trong ống tai. Bởi hoạt động này có thể khiến ống tai bị trầy xước, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và viêm.
- Giữ cho tai luôn khô ráo.
- Tránh sinh sống và làm việc ở những nơi có không khí ô nhiễm, nhiều khói bụi.
- Nâng cao sức đề kháng và làm giảm nguy cơ viêm nhiễm bằng cách tăng cường vận động và duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Có thể áp dụng một số bài tập đơn giản như yoga, đi bộ, chạy bộ… Ngoài ra cần tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin (đặc biệt là vitamin), chất xơ, axit béo omega-3 và protein, cụ thể như cam, các loại quả mọng, ranh xanh, củ quả, cá béo, sữa, thịt, gừng, tỏi… Đây đều là những loại thực phẩm có khả năng kháng viêm, nâng cao sức khỏe và ổn định các hoạt động của hệ miễn dịch.
Bệnh viêm tai ngoài là bệnh về tai xảy ra phổ biến, ít nguy hiểm hơn so với bệnh viêm tai giữa và có thể được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên nếu chủ quan, viêm tai ngoài có thể chuyển sang thể mãn tính, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến thính lực và sức khỏe tổng thể.
Chính vì thế, người bệnh cần sớm áp dụng các phương pháp chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu tai có cảm giác bị tắc hoặc cơn đau xảy ra kéo dài mặc dù viêm tai ngoài đã được điều trị.
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!