Hướng Dẫn Cách Phòng Ngừa Viêm Gan A Hiệu Quả
Viêm gan A là bệnh gây tổn thương gan rất dễ lây lan trong các hoạt động hàng ngày. Do đó, mọi người cần biết cách phòng ngừa viêm gan A hiệu quả để tránh lây nhiễm virus viêm gan A.
Tổng quan về bệnh viêm gan A
Viêm gan A (hay viêm gan siêu A) là bệnh tổn thương gan là virus viêm gan A gây ra. Đây là bệnh viêm gan truyền nhiễm phổ biến nhất trong các bệnh viêm gan và có thể lây lan thông qua thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, thông thường tình trạng viêm gan A là cấp tính (ngắn hạn) và không dẫn đến các bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Viêm gan A cũng hiếm khi chuyển thành mãn tính và cũng không gây tổn thương gan vĩnh viễn. Sau khi nhiễm virus viêm gan A, hệ thống miễn dịch có thể tạo ra các kháng thể chống lại virus và có thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng trong tương lai.
Mặc dù hiếm khi gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng đôi khi viêm gan A có thể dẫn đến tình trạng viêm gan tối cấp (hay còn gọi là suy gan cấp tính). Tình trạng này thường xuất hiện ở người lớn tuổi và có thể cần nhập viện để điều trị. Tuy nhiên, rất hiếm các trường hợp suy gan do viêm gan A có thể gây tử vong.
Một số cách phòng ngừa viêm gan A hiệu quả
Viêm gan A có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng kéo dài trong khoảng 2 tháng, ở một số trường hợp có thể kéo dài đến 6 tháng. Mặc dù không nguy hiểm nhưng viêm gan A rất dễ lây lan. Do đó người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Người bệnh có thể tham khảo một số hướng dẫn cách phòng ngừa viêm gan A hiệu quả như sau:
1. Nhận biết các triệu chứng viêm gan A
Viêm gan A thường không có dấu hiệu nhận biết cho đến tuần thứ 2 kể từ lúc nhiễm virus viêm gan A. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp người bệnh có thể lây nhiễm virus ngay cả khi không có bất cứ triệu chứng nào cả. Khả năng truyền nhiễm virus giảm dần theo thời gian.
Một số dấu hiệu nhận biết viêm gan A trong giai đoạn đầu bao gồm:
- Phát sốt một cách đột ngột
- Mất cảm giác ngon miệng
- Thiếu năng lượng hoặc thường xuyên mệt mỏi
- Buồn nôn hoặc nôn đột ngột
- Đau bụng, đặc biệt là khu vực gan (gân bụng bên phải, dưới xương sườn)
- Nước tiểu sẫm màu
- Vàng da hoặc vàng tròng mắt
- Phân màu nhạt hoặc có màu đất sét
- Đau khớp
- Nổi mề đay mẩn ngứa hoặc ngứa da mà không rõ nguyên nhân
Nếu nhận thấy các triệu chứng viêm gan A, người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm. Nếu dương tính với viêm gan A, nên đề nghị người thân trong gia đình hoặc những người tiếp xúc gần đến bệnh viện để được kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp.
2. Tiêm phòng viêm gan A
Không giống như viêm gan C, viêm gan A và B hiện tại đã có vắc – xin phòng ngừa. Tiêm vắc – xin được xem là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan A.
Vắc – xin viêm gan A được đề nghị áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi và người trưởng thành. Thông thường vắc – xin được tiêm thành 2 mũi, thời gian cách nhau khoảng 6 – 12 tháng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc – xin có thể bắt đầu bảo vệ cơ thể sau 4 tuần.
Một số đối tượng được khuyến cáo tiêm phòng vắc – xin viêm gan A thường bao gồm:
- Trẻ sơ sinh trên 12 tháng tuổi và người trưởng thành.
- Thanh thiếu niên và người trưởng thành thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan A hoặc có kế hoạch đi du lịch đến quốc gia có nguy cơ viêm gan A cao.
- Nhân viên y tế và nhân viên phòng thí nghiệm có thể tiếp xúc với virus viêm gan A.
- Người tiêm chích ma túy.
- Nam giới quan hệ tình dục đồng giới hoặc những người có nhiều bạn tình.
- Bệnh nhân thận yếu, đang chạy thận hoặc cần lọc máu thường xuyên.
3. Thường xuyên rửa tay
Con đường lây truyền viêm A phổ biến nhất là đường phân – miệng. Một người có thể lây nhiễm virus viêm gan A ngay cả khi tiêu thụ một lượng rất nhỏ phân nhiễm bệnh. Do đó, thường xuyên rửa tay, đặc biệt là khi:
- Tiếp xúc với máu, phân hoặc các chất dịch khác của người bệnh hoặc bất cứ một người nào khác.
- Sau khi thay tã lót hoặc quần áo cho người khác.
- Sau khi đi vệ sinh.
- Trước khi khi chuẩn bị thức ăn và ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
Thực hiện rửa tay đúng cách với xà phòng diệt khuẩn và nước sạch trong ít nhất 20 giây để loại bỏ vi khuẩn. Lau khô tay bằng khăn sử dụng một lần hoặc khăn sạch và giặt khăn khăn sau đó.
4. Không sử dụng thức ăn và nước không sạch
Thực phẩm và nguồn nước không sạch có thể chứa virus viêm gan A. Do đó, chọn nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Không sử dụng hải sản và động vật có vỏ ở nguồn nước ô nhiễm. Điều này có thể tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan A.
Thực phẩm như rau, quả hoặc trái cây muốn sử dụng tươi sống cần được rửa kỹ và xử lý vi khuẩn trước khi ăn. Ngoài ra, nếu sử dụng thực phẩm được chuẩn bị bởi người viêm gan A cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Một số hướng dẫn làm sạch rau quả phổ biến bao gồm:
- Rửa rau, củ, quả, trái cây dưới vòi nước đang chảy. Tuy nhiên không được dùng xà phòng.
- Sử dụng bàn chải để làm sạch bụi bẩn, đất cát ở những loại rau quả vỏ dày, cứng (như dưa hấu) hoặc được phát triển dưới lòng đất (như khoai, cà rốt).
- Ngâm thực phẩm trong nước muối loãng khoảng 5 – 10 phút để loại bỏ vi khuẩn.
Ngoài ra, sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nếu sống ở khu vực nước ô nhiễm, nếu có thể người bệnh nên cân nhắc thay đổi chỗ ở. Nếu đi du lịch đến khu vực có nguy cơ viêm gan A cao, lựa chọn uống nước đóng chai thay vì nguồn nước địa phương nếu cảm thấy nguồn nước không đảm bảo an toàn.
5. Thận trọng khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh
Sống chung hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm gan A làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Do đó, đặc biệt thận trọng khi ở gần hoặc tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm viêm gan A, đôi khi người bệnh có thể vô tình truyền nhiễm virus cho người khác.
Tránh sử dụng thực phẩm, đồ uống được chuẩn bị bởi người viêm gan A và không quan hệ tình dục với người bệnh để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Nếu nhận thấy các triệu chứng và dấu hiệu viêm gan A, người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể. Do đó, điều quan trọng là nắm rõ các dấu hiệu và triệu chứng viêm gan A.
Ngoài ra, đến bệnh viện để được kiểm tra ngay khi:
- Gặp các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, khó chịu hoặc đau ở bụng, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoắc tròng mắt.
- Tiếp xúc gần, quan hệ tình dục với người viêm gan A hoặc sử dụng thức ăn do người viêm gan A chuẩn bị.
- Đi du lịch đến khu vực có nguy cơ viêm gan A cao.
Ngoài ra, thời gian ủ bệnh viêm gan A khoảng 14 – 28 ngày. Do đó nếu được chẩn đoán dương tính viêm gan A, người bệnh nên thông báo cho người tiếp xúc gần để được kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp.
Mặc dù viêm gan A không nguy hiểm nhưng có tính lây lan nhanh. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu các thông tin về bệnh cũng như cách phòng ngừa viêm gan A để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cũng như không lây nhiễm cho người khác. Trao đổi với bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Ngày Cập nhật 06/03/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!