Câu Kỷ Tử - Tác Dụng Và Các Bài Thuốc Trị Bệnh Thần Kỳ
Câu kỷ tử còn được gọi là Khởi tử, Câu khởi,… là một loại dược liệu quý với nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Trong Đông y, dược liệu câu kỷ tử có vị ngọt, tính bình và được quy vào kinh Can, Thận và Phế, có tác dụng nhuận phế, bổ can thận, an thần, minh mục, bổ tinh huyết.
- Tên gọi khác: Khởi tử, Kỷ tử, Câu khởi, Khủ khởi, Địa cốt tử,…
- Tên khoa học: Fructus Lycii
- Họ: Thuộc họ Cà (Solanaceae)
1. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Câu câu kỷ tử là loại cây mọc bụi, dáng đứng. Khi trưởng thành, cây có thể cao khoảng 1,5 mét và có thể cao hơn. cây được phân thành nhiều nhánh nhỏ. Mỗi cành có gai ngắn mọc ở những hốc lá. Lá nguyên, mọc cách dọc theo cành dài. Phiến lá hình mũi mác, hẹp ở gốc. Cuống lá ngắn, ở một số lá có thể không có cuống.
Hoa cây câu kỷ tử là loại hoa nhỏ, mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc mọc thành chùm khoảng 2 – 3 hoa. Đài nhẵn, hình vuông, có 3 – 4 thùy hình trái xoan nhọn. Tràng hoa màu tím, hình phễu, có sợi lông nhỏ ở mép lá. Nhị hình chỉ đính ở đỉnh ở ống tràng. Bầu có 2 ô, vòi nhụy nhẵn dài, đầu nhụy chẻ đôi.
Quả mọng hình trứng, còn sống quả màu xanh rồi chuyển dần sang màu đỏ sầm hoặc vàng đỏ. Quả có hình bầu dục dài khoảng 1 cm. Khi khô, vỏ ngoài nhăn nheo, bên trong có chứa nhiều hạt hình tạng thận. Hạt có màu vàng.
Phân bố:
Câu kỷ tử được tìm thấy nhiều ở các tỉnh thuộc nước Trung Quốc như: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam,… Loại cây này chưa được tìm thấy ở Việt Nam.
2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và các bảo quản
Bộ phận dùng: Dùng phần quả khô rụng của cây kỷ tử để bào chế thành thuốc.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào tháng 8 – 9 hàng năm. Thu hái vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều mát.
Chế biến: Đem những phần quả rụng rửa sạch nhiều lần với nước rồi đem phơi khô. Lưu ý, câu kỷ tử chỉ phơi trong râm mát cho đến khi quả nhăn lại hoàn toàn.
Bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, không để dược liệu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Bảo quản dược liệu trong bọc kín để sử dụng trong thời gian lâu.
3. Thành phần hóa học
- Theo Trung dược học: Trong câu kỷ tử có chứa nhiều loại axit amin, betain, polysaccharid, acid nicotinic, vitamin C, vitamin nhóm B (B1, B2,…), canxi, phốt pho, sắt,…;
- Theo Sổ tay lâm sàng trung dược: Câu kỷ tử chứa 0.09% hợp chất betain;
- Theo Từ Quốc Quân và Triệu Thủ Huấn: Câu kỷ tử có chứa nhiều thành phần có lợi, bao gồm: caroten, canxi, sắt, phốt pho, vitamin C, axit nicotic, amon sunfat,…
- Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Trong dược liệu câu kỷ tử có chứa lysin, betain, cholin, protein, chất béo, acid cyanhydric atropin,…;
- Theo Từ Quốc Quân – Dược Tài Học: Những thành phần có trong câu kỷ tử bao gồm: carotene, thiamine, nicotinic acid, riboflavine, vitamin C.
4. Tính vị
Dược liệu câu kỷ tử có tính vị như sau:
- Vị ngọt, tính bình (theo Trung Dược Học)
- Vị ngọt, tính bình (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
- Vị ngọt, tính bình (theo Dược Tính Bản Thảo)
- Tính hơi hàn, không độc (theo Danh Y Biệt Lục)
- Vị hàn, không độc (theo Thực Liệu Bản Thảo)
5. Quy kinh
Dược liệu câu kỷ tử được quy vào các kinh sau:
- Kinh Can, Thận và Phế (theo Trung Dược Học)
- Kinh Can và Thận (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
- Kinh túc Thiếu âm Thận, túc Quyết âm Can (theo Bản Thảo Hối Ngôn)
- Kinh túc Thiếu âm Thận, thủ Thiếu âm Tâm (theo Bản Thảo Kinh Giải)
6. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Theo sự ghi nhận trong nền dược lý hiện đại, câu kỷ tử mang lại những công dụng sau:
- Tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường khả năng thực bào, tăng lực của enzym dung khuẩn của huyết thanh;
- Tăng cường chức năng tạo máu khi thí nghiệm trên chuột nhắt;
- Thành phần hoạt chất betain có trong câu kỷ tử khi được thí nghiệm trên gà có tác dụng tăng trọng lượng và hiệu suất đẻ trứng. Ngoài ra, hoạt chất này còn có tác dụng bảo vệ gan và làm hạ đường huyết;
- Giúp làm giảm đường huyết, hàm lượng cholesterol khi thí nghiệm trên chuột cống;
- Ức chế bệnh ung thư ở chuột nhắt;
- Điều chỉnh chứng rối loạn thành phần lipid máu;
- Chống oxy hóa và giúp làm chậm quá trình lão hóa xương và một số bộ phận khác.
Theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, dược liệu câu kỷ tử có những công dụng sau:
- Cường thịnh âm đạo, bổ ích tinh huyết (theo bản thảo kinh tập chú);
- An thần, minh mục, giúp bổ ích tinh bất túc (theo Dược tính bản thảo);
- Trị chứng hư lao, bổ ích gân cốt, giúp mạnh gân cốt, trừ phong (theo Thực liệu bản thảo);
- Tu dưỡng Can và Thận (theo Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách);
- Bổ Can Thận, nhuận phế, sinh tinh huyết, minh mục (theo Trung dược học);
- Nhuận phế, bổ thận (theo Bản thảo cương mục);
- Nhuận phế, ích khí, trừ khí, bổ thận, sinh tân, bổ Can và Thận, minh mục, ích tinh (theo Bản thảo kinh sơ).
Chủ trị:
- Can thận âm hư, chứng tiêu khát, khái thấu, trị hư lao, trị chứng âm huyết hư tổn (theo Sổ tay lâm sàng trung dược);
- Trị chứng say xẩm, đau thắt lưng, di tinh, chóng mặt do huyết hư, trị bệnh tiểu đường (theo Trung dược học).
7. Cách dùng – Liều dùng
Cách dùng: Câu kỷ tử được dùng ở dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc hoàn thành viên để uống cùng với ly nước ấm. Tuy nhiên, cách dùng còn phụ thuộc vào từng bài thuốc và bệnh lý.
Liều dùng: 8 – 20 gram/ ngày.
8. Những bài thuốc chữa bệnh từ câu kỷ tử
Dưới đây là một số bài thuốc từ dược liệu câu kỷ tử, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng điều trị để cải thiện bệnh lý:
# Bài thuốc chữa mắt đỏ, mắt sinh mộc thịt (Trửu Hậu Phương):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử.
- Cách thực hiện: Đem một ít câu kỷ tử giã lấy phần nước. Đem một nhúm bông gòn nhúng thấm nước cây kỷ tử rồi điểm vài ba lần vào khóe mắt.
# Bài thuốc trị chứng chảy nước mắt do Can hư:
- Nguyên liệu: 960 gram câu kỷ tử và rượu trắng.
- Thực hiện: Đem toàn bộ câu kỷ tử vào trong túi lựa, sau đó đem ngâm trong rượu rồi đậy kín nắp. Sau 3 tuần là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng một ly thủy tinh nhỏ (tương ứng với 30 ml).
# Bài thuốc trị Can Thận âm hư, hay ra mồ hôi trộm, hoa mắt, chóng mặt, hay sốt nhẹ về đêm (Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử 12 gram, thục địa 16 gram, cúc hoa 12 gram, sơn dược 8 gram, đơn bì 6 gram, phục linh 6 gram.
- Thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được loại bỏ tạp chất tán thành bột mịn rồi trộn đều hỗn hợp bột. Thêm một ít mật để hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 12 gram để uống cùng với ly nước muối nhạt. Mỗi ngày sử dụng 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối sau khi ăn no.
# Bài thuốc trị da mặt bị nám, da dẻ bị sần sùi (Thánh Huệ Phương):
- Nguyên liệu: 10 gram câu kỷ tử và 3 gram sinh địa.
- Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu trên tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng một muỗng ăn để uống cùng rượu trắng nóng. Mỗi ngày sử dụng 3 lần vào mỗi buổi sáng, trưa và tối.
# Bài thuốc trị chứng suy nhược khi trời nắng nóng, suy nhược do cơ thể không thích nghi được với thời tiết (Nhiếp Sinh Chúng Diệu Phương):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử và ngũ vị tử với liều lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Đem hai nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn rồi trộn đều hỗn hợp. Mỗi lần sử dụng một ít để pha cùng với nước ấm và sử dụng thay cho nước trà.
# Bài thuốc trị suy nhược, hoa mắt, thận hư, mắt mộng thịt (Tứ Thần Hoàn – Thụy Trúc Đường Kinh Nghiệm Phương):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử 40 gram, thục tiêu 40 gram, tiểu hồi hương 40 gram, chi ma (mè) 40 gram, thục địa 40 gram, bạch truật 40 gram, bạch phục linh 40 gram và rượu trắng ngon.
- Thực hiện: Đem cây kỷ tử ngâm cho thấm cùng với một ít rượu trắng ngon, sau đó chia thành 4 phần nhỏ. Một phần sao cùng với thục tiêu, một phần sao với tiều hồi hương, một phần sao với chi ma, phần còn lại để nguyên. Đem tất cả các nguyên liệu đem tán thành bột rồi trộn đều hỗn hợp. Thêm một ít mật để hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 12 gram cùng với ly nước ấm. Mỗi ngày sử dụng 2 lần sau mỗi bữa ăn no.
# Bài thuốc trị suy nhược, đau lưng, nhức mỏi gối, thận yếu, thận hư, di tinh ở nam giới (Tả Quy Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử, sơn thù nhục, thỏ ty tử, ngưu tất, quy bản, lộc giao , sơn dược mỗi vị 160 gram cùng với thục địa 320 gram.
- Thực hiện: Đem sơn dược, lộc giao và quy bản sao vàng. Sau đó, đem toàn bộ nguyên liệu tán thành bột mịn, trộn đều rồi thành hỗn hợp bột. Thêm một ít mật để hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 12 – 16 gram cùng với một cốc nước ấm, mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần.
# Bài thuốc trị viêm gan mãn tính, xơ gan do âm hư (Nhất Quán Tiễn – Liễu Châu Y Thoại):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử 12 – 24 gram, sinh đia 24 – 40 gram, đương quy 12 gram, bắc sa sâm 12 gram, mạch môn 12 gram và xuyên luyện tử 6 gram.
- Thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu sắc cùng với 5 chén nước, sắc cô đặc còn lại 1 chén thuốc. Chắt lọc lấy phần nước sắc để dùng. Tiếp tục cho 5 chén nước và sắc để lấy thêm 1 chén nước khác. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm. Nếu thuốc nguội nên hâm nóng lại trước khi dùng.
# Bài thuốc trị hoa mắt, đục thể thủy tinh, thị lực giảm sút, mắt yếu ở tuổi già:
Cách 1: Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Y Cấp
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử và đơn bì mỗi vị 80 gram; cúc hoa 120 gram; sơn thù và sơn dược 160 gram cùng với thục địa 320 gram.
- Thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu tán thành bột mịn. Thêm một ít mật rồi hoàn thành viên. Mỗi lần sử dụng 10 – 12 gram để uống cùng với nước ấm hoặc nước sôi để nguội. Mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần.
Cách 2: Cúc Thanh Thang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử 20 gram, nhục thung dung 12 gram, cúc hoa và ba kích thiên mỗi vị 8 gram.
- Cách thực hiện: Với một thang thuốc trên, người bệnh sắc cùng với 5 chén nước, sắc cô đặc còn lại 2 chén thuốc để sử dụng trong ngày. Mỗi lần sử dụng 1 chén thuốc, mỗi ngày sử dụng 2 lần.
# Bài thuốc trị yếu sinh lý, vô sinh ở nam giới:
- Nguyên liệu: 15 gram câu kỷ tử.
- Thực hiện: Sử dụng để nhai mỗi tối.
# Bài thuốc trị viêm loét dạ dày mãn tính:
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử.
- Thực hiện: Đem câu kỷ tử rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn. Sau đó đem sao cho khô rồi giã nát. Cất trữ vào trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 10 gram để pha cùng với nước để dùng. Mỗi ngày sử dụng 2 lần vào buổi sáng và tối. Dùng thuốc khi bụng đói. Kiên trì sử dụng trong 2 tháng.
# Bài thuốc trị đau lưng, nhức mỏi vùng thắt lưng, thận hư, thận yếu (Câu Kỷ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử và hoàng tinh mỗi vị bằng nhau.
- Thực hiện: Đem tán thành bột mịn rồi thêm một ít mật để hoàn thành viên với kích thước mỗi viên bằng hạt bắp. Mỗi lần sử dụng 12 gram, dùng thuốc cùng với nước nóng. Mỗi ngày uống 2 lần vào buổi trưa và tối.
# Bài thuốc trị can hư sinh ra bệnh đau mắt, nhức mắt, mắt chảy nước khi ra gió (Câu Kỷ Tửu – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách):
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử và rượu trắng.
- Thực hiện: Đem một lượng câu kỷ tử vừa đủ ngâm cùng với một lượng rượu trắng. Sau 7 ngày ngâm là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng 1 – 2 muỗng ăn và dùng mỗi ngày 2 lần.
# Bài thuốc trị vô sinh, hiếm muộn ở nam giới, giúp tăng số lượng và chất lượng tinh trùng:
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử, nhục thung dung, lộc nhung, lộc giác giao, đương quy, đan sâm, đảng sâm, xuyên khung, táo nhân, nhân sâm và sinh địa với mỗi vị bằng nhau.
- Thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đun cùng với 300 gram đường phèn và 500 ml nước lọc. Đợi cho hỗn hợp nguội dần rồi ngâm cùng với 10 lít rượu 45 độ. Đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát, sau 30 ngày là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng 25 – 30 ml và mỗi ngày dùng 3 lần.
# Bài thuốc từ câu kỷ tử giúp giải độc gan:
- Nguyên liệu: Câu kỷ tử khô, mật ong và trà khô.
- Thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu hãm cùng với nước sôi trong khoảng 8 – 10 phút và có thể sử dụng. Khi dụng khi nước còn ấm.
9. Một số lưu ý khi sử dụng bài thuốc từ câu kỷ tử
Để phát huy hết công dụng của dược liệu câu kỷ tử cũng như tránh khỏi một số triệu chứng ngoài ý muốn, bạn cần lưu ý đến các một số vấn đề sau:
- Không sử dụng các bài thuốc từ dược liệu câu kỷ tử cho các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong loại dược liệu này;
- Thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng bị ngoại tà thực nhiệt, tiêu chảy, tỳ vị hư yếu;
- Phụ nữ mang thai hoặc có dấu hiệu đang mang thai không được sử dụng dược liệu câu kỷ tử. Bởi trong dược liệu này có chứa một số thành phần có thể gây sảy thai;
- Câu kỷ tử có thể làm giảm khả năng tăng tiết sữa. Do đó, phụ nữ đang cho con bú cần hạn chế sử dụng loại dược liệu này.
Trên đây là những thông tin về dược liệu câu kỷ tử. Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này mà chưa có sự đồng ý của giới chuyên môn.
Có thể bạn chưa biết:
Ngày Cập nhật 07/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!