Cách chăm sóc da bị viêm da tiết bã ngăn ngừa bệnh tái phát
Chăm sóc da bị viêm da tiết bã đúng cách có thể tăng sức đề kháng, giảm ngứa ngáy và phục hồi mô da tổn thương. Bên cạnh đó kết hợp biện pháp này và lối sống lành mạnh còn giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Hướng dẫn chăm sóc da bị viêm da tiết bã đúng cách
Viêm da tiết bã là bệnh da liễu mãn tính, xảy ra ở người có tuyến dầu hoạt động quá mức và cơ địa nhạy cảm. Bệnh thường phát triển theo từng giai đoạn và có khả năng tái phát cao. Vì vậy bạn nên kết hợp việc sử dụng thuốc với biện pháp chăm sóc da đúng cách nhằm kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ tái phát.
Cách chăm sóc da dành cho người bị viêm da tiết bã:
1. Chú trọng bước làm sạch da
Người bị viêm da tiết bã thường có tuyến dầu hoạt động quá mức khiến da đổ nhiều dầu, gây bít tắc lỗ chân lông và tạo điều kiện cho vi nấm Candia, nấm Malassezia xâm nhập. Do đó để hạn chế tổn thương da lan rộng và phòng ngừa bệnh tái phát, bạn nên chú trọng bước làm sạch da.
- Nên vệ sinh da mặt nhiều lần trong ngày và dùng sữa rửa mặt 2 lần/ ngày (sáng – tối). Cần lựa chọn sữa rửa mặt có độ pH 5.5, không chứa cồn, hương liệu và chất bảo quản để tránh nguy cơ dị ứng da mặt.
- Nếu sử dụng các sản phẩm trang điểm (phấn nền, phấn mắt, mascara, eyeliner, kem che khuyết điểm, kem lót,…) bạn nên dùng nước tẩy trang trước khi rửa mặt.
- Vào những ngày trời nắng nóng, nên sử dụng giấy thấm dầu để loại bỏ dầu thừa ở vùng da tiết nhiều dầu như mũi, má, cằm và trán.
- Nếu bị viêm da tiết bã ở đầu, cần gội đầu từ 4 – 6 lần/ tuần với các dầu gội làm sạch dịu nhẹ.
- Luôn giữ vùng da bị viêm da tiết bã ở trạng thái sạch sẽ và khô thoáng. Nếu để da tiết nhiều dầu và kém vệ sinh, vi nấm có thể phát triển và gây tái phát bệnh trở lại.
2. Dưỡng ẩm cho da thường xuyên
Bên cạnh bước làm sạch, bạn cần dưỡng ẩm cho da thường xuyên. Khi được cung cấp đủ ẩm, da thường bóng khỏe, mịn màng, nang lông sẽ giảm bài tiết dầu thừa và hạn chế nguy cơ bít tắc lỗ chân lông.
Ngoài ra, dưỡng ẩm cho da 2 lần/ ngày có thể phục hồi hàng rào bảo vệ da, duy trì làn da căng bóng, mịn màng và khỏe khoắn. Bên cạnh các thành phần dưỡng ẩm (Vitamin E, Glycerin, Acid Hyaluronic, Shea Butter,…) bạn có thể dùng các loại kem dưỡng có bổ sung các hoạt chất giúp phục hồi và nuôi dưỡng da như Vitamin B5, Niacinamide, Lactic acid, chiết xuất yến mạch, Vitamin C,…
3. Chống nắng cho da
Tia UVA và UVB từ ánh nắng mặt trời có thể kích thích hoạt động của tuyến bã nhờn, khiến da đổ nhiều dầu và mồ hôi. Tình trạng này tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và gây tái phát bệnh viêm da tiết bã.
Hơn nữa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài còn làm tăng sắc tố melanin (nguyên nhân gây tàn nhang, thâm và sạm nám), đồng thời thúc đẩy tốc độ lão hóa và hình thành nếp nhăn.
Vì vậy bạn cần chống nắng cho da bằng cách sử dụng kem chống nắng, mặc áo khoác, đeo khẩu trang và dùng ô khi di chuyển hoặc hoạt động ngoài trời.
4. Tẩy tế bào chết 2 lần/ tuần
Da có xu hướng đào thải các tế bào già cỗi và hư hại nhằm sản sinh các mô da mới. Vì vậy bạn cần tẩy tế bào chết đều đặn nhằm giúp da thông thoáng, mịn màng và đều màu. Các tế bào chết thường không gây hại cho da. Tuy nhiên nếu cộng hưởng với dầu thừa, bã nhờn và bụi bẩn, da có thể bị sạm, tối màu, bít tắc lỗ chân lông và tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Do đó bạn nên tẩy tế bào chết đều đặn cho da 2 lần/ tuần với các sản phẩm dịu nhẹ hoặc tận dụng một số nguyên liệu từ thiên nhiên như yến mạch, bột đậu đỏ, chanh, sữa chua,….
5. Đắp mặt nạ thiên nhiên
Bên cạnh đó, mỗi tuần bạn nên đắp mặt nạ thiên nhiên khoảng 2 – 3 lần nhằm dưỡng ẩm, tăng sức đề kháng và cải thiện một số khuyết điểm trên da.
– Mặt nạ từ sữa chua và yến mạch
Sữa chua và yến mạch là mặt nạ có tác dụng dưỡng ẩm, loại bỏ tế bào chết, làm sạch da và nuôi dưỡng làn da trắng sáng. Axit lactic trong sữa chua giúp nới lỏng liên kết giữa các vảy da chết, từ đó loại bỏ tế bào chết một cách nhẹ nhàng mà không phải chà xát lên da.
Trong khi đó yến mạch chứa acid furelic và avenanthramides có tác dụng giảm ngứa, chống viêm và tăng sức đề kháng cho da. Vì vậy áp dụng mặt nạ này 2 – 3 lần/ tuần có thể bảo vệ da khỏi các tác nhân kích thích và giảm nguy cơ bùng phát bệnh viêm da tiết bã.
Thực hiện:
- Trộn đều 1 thìa bột yến mạch với 2 thìa sữa chua không đường
- Làm sạch vùng da bị ảnh hưởng và thoa hỗn hợp trực tiếp lên da
- Để trong 10 – 15 phút và rửa lại với nước ấm
- Nếu dùng cho vùng da toàn thân, bạn có thể thêm ½ thìa nước cốt chanh để tăng tác dụng làm sạch và tẩy da chết
– Mặt nạ từ mật ong và nha đam
Mật ong và nha đam có tác dụng nuôi dưỡng và cân bằng độ ẩm trên da. Bên cạnh đó mật ong còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng tiêu trừ gốc tự do, kiểm soát hoạt động bài tiết dầu thừa và ức chế một vi khuẩn gây hại.
Bên cạnh đó, nha đam còn có tác dụng làm dịu, dưỡng ẩm và tăng tốc độ hồi phục da. Kết hợp 2 nguyên liệu này giúp nuôi dưỡng làn da sâu, phục hồi hàng rào bảo vệ và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Cách thực hiện:
- Trộn đều 1 thìa mật ong với 2 thìa gel nha đam tươi
- Làm sạch da và lau khô với khăn
- Thoa hỗn hợp lên da và để trong 15 phút
- Rửa lại với nước ấm
Mật ong có hoạt tính mạnh và tác dụng đa dạng. Do đó bạn có thể áp dụng một số cách dùng mật ong trị viêm da tiết bã nhằm làm giảm tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy và sưng đỏ.
– Mặt nạ từ dưa leo
Nếu bạn không có quá nhiều thời gian và vùng da tổn thương có phạm vi nhỏ, bạn có thể dùng mặt nạ dưa leo để dưỡng ẩm và tăng sức đề kháng cho da.
Dưa leo không chứa quá nhiều thành phần chống oxy hóa nhưng nguyên liệu này chứa hơn 90% nước. Với lượng nước dồi dào, mặt nạ dưa leo có thể cân bằng độ ẩm trên da, giảm tình trạng bài tiết dầu quá mức và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Thực hiện:
- Rửa sạch ½ – 1 dưa leo và thái lát mỏng
- Làm sạch da và đắp dưa leo trực tiếp lên da
- Để trong khoảng 10 phút và rửa với nước sạch
6. Tăng sức đề kháng cho da bằng chế độ dinh dưỡng
Bên cạnh đó, bạn có thể tăng sức đề kháng cho da, kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ tái phát bệnh bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học.
- Nên uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày nhằm điều hòa hoạt động tiết dầu và dưỡng ẩm cho da.
- Cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch và giúp làm đều màu da.
- Có thể bổ sung một số thực phẩm lành mạnh khác như đậu nành, thịt heo, trứng, sữa, tinh dầu tự nhiên và các loại hạt. Các thực phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng kích thích sản sinh collagen, tăng sức đề kháng và giúp da khỏe khoắn.
- Bên cạnh đó, cần hạn chế các thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng xấu đến da và sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, thức ăn nhanh, thực phẩm dễ gây dị ứng, đồ hộp,…
Một số lưu ý giúp phòng ngừa viêm da tiết bã tái phát
Viêm da tiết bã không chỉ bùng phát khi sức đề kháng của da suy yếu. Vì vậy bên cạnh việc chăm sóc da, bạn cũng cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa khác như:
- Cần nâng cao thể trạng và tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên.
- Nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức và căng thẳng thần kinh.
- Thường xuyên tập yoga, ngồi thiền, bơi lội, nghe nhạc và đọc sách để giải tỏa căng thẳng và stress. Hệ thần kinh bị căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây bùng phát viêm da tiết bã.
- Tích cực trong việc điều trị một số bệnh lý nguyên nhân như rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, bệnh Parkinson, suy giảm nội tiết,…
- Thay đổi sản phẩm chăm sóc da và tóc nếu các sản phẩm này chứa hương liệu, xà phòng, cồn, chất bảo quản và có độ pH cao.
- Hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa, hóa chất và một số tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn, nấm mốc, côn trùng, nhiệt,…
Hy vọng qua những thông tin trên, bạn có thể chăm sóc da bị viêm da tiết bã đúng cách nhằm cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó, cần thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng cho da và hạn chế nguy cơ tái phát.
Ngày Cập nhật 23/06/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!