Cách chữa chàm sữa bằng dầu dừa an toàn cho bé
Chữa chàm sữa bằng dầu dừa là cách điều trị không còn xa lạ. Nó luôn được đánh giá cao về hiệu quả và độ an toàn khi dùng cho trẻ sơ sinh. Việc sử dụng khá đơn giản, tuy nhiên bạn cần biết một số lưu ý mới có được hiệu quả điều trị như mong muốn và tránh nguy cơ khiến bệnh thêm trầm trọng.
Dấu hiệu nhận biết bé bị chàm sữa
Tương tự như chàm xanh ở trẻ sơ sinh, chàm sữa cũng là loại chàm rất phổ biến ở nhóm đối tượng này. Các kết quả thống kê cho biết có khoảng 20% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị chàm sữa trên toàn thế giới.
Không lành tính như chàm xanh, chàm sữa rất dễ tái phát và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Có nhiều phương pháp điều trị loại chàm này, trong đó có cách chữa chàm sữa bằng dầu dừa. Trước khi tìm hiểu chi tiết về cách thức này, bạn cần biết qua các biểu hiện của chàm sữa. Mục đích là tránh nhầm lẫn với các loại bệnh chàm ở trẻ và đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn.
Biểu hiện đặc trưng bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là sự xuất hiện các mụn nhỏ li ti trên da. Chúng có màu đỏ nên còn gọi là hồng ban Sau một thời gian thì những nốt đỏ này phát triển thành mụn nước. Dịch nhầy trong mụn có thể bị rỉ ra ngoài. Ở vùng da bị chàm sữa, ngoài sự xuất hiện của các nốt mụn sẽ còn bị tình trạng nứt, đóng mày và bong tróc. Chàm sữa khiến da ngứa ngáy rất khó chịu. Bé hay quấy khóc, cơ thể mệt mỏi và kém ăn.
Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, bạn cần đưa bé đến cơ sở y tế thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng. Mục đích là để chắc chắn các tổn thương trên da bé có phải là chàm sữa hay không. Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ đánh giá được tình trạng bệnh và đưa ra các chỉ định điều trị thích hợp.
Tác dụng của dầu dừa đối với chàm sữa
Chữa chàm sữa bằng dầu dừa là phương pháp có từ lâu đời trong dân gian. Công dụng của loại dầu này với da bị chàm sữa đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Cụ thể, tác động của dầu dừa với bệnh như sau:
- Ức chế tình trạng viêm da; giảm đỏ, khô và ngứa da: Công dụng này đến từ đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa cao của Phytonutrients và polyphenols có trong dầu dừa.
- Kiểm soát sự tích tụ của vi khuẩn trên vùng da bị chàm sữa: Nhờ vào lượng axit lauric. Đây là một loại chất béo bão hòa, dễ hấp thụ và tốt cho sức khỏe.
- Dưỡng ẩm da: Hàm lượng khá cao vitamin E trong dầu dừa vừa có tác dụng dưỡng ẩm vừa tăng độ đàn hồi cho da. Bên cạnh đó, thành phần này còn góp phần bảo vệ da.
Ngoài những công dụng đã được chứng minh của dầu dừa với bệnh chàm sữa, loại dầu này được sử dụng phổ biến còn do tính an toàn. Chưa có ghi nhận nào về trường hợp sử dụng dầu dừa bị kích ứng da khi dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, việc tìm mua hoặc tự tay làm dầu dừa cũng rất dễ.
Cách chữa chàm sữa bằng dầu dừa
Có nhiều cách chữa chàm sữa bằng dầu dừa, dưới đây là 3 cách phổ biến và được đánh giá cao về hiệu quả. Bạn có thể áp dụng một trong 3 cách hoặc phối hợp xen kẽ các các cách điều trị với nhau.
Thoa dầu dừa nguyên chất lên da bị chàm sữa
Bạn dùng nửa thìa dầu dừa đổ và lòng bàn tay rồi thoa đều và nhẹ nhàng lên vùng da bị chàm sữa của bé. Đợi khoảng 15 phút cho dầu thấm vào da rồi dùng giấy thấm phần dầu còn dư.
Bạn có thể thoa dầu dừa theo cách này mỗi ngày 2 lần. Thời điểm tốt nhất để thoa là sau khi bé tắm xong. Bởi lúc này da bé đang mềm và đảm bảo sạch vi khuẩn. Các dưỡng chất từ dầu dừa sẽ dễ dàng hấp thụ vào sâu bên trong da. Đồng thời, bé cũng giảm được nguy cơ nhiễm trùng da. Kiên trì thoa dầu dừa cho bé trong khoảng 2 – 3 tuần thì các triệu chứng của chàm sữa sẽ dần hết.
Kết hợp dầu dừa và yến mạch thoa lên da bị chàm sữa
Bột yến mạch có tác dụng dưỡng ẩm tự nhiên, nó đặc biệt thích hợp cho da bị khô và bong tróc. Bên cạnh đó, loại bột này còn có tính kháng viêm và tẩy tế bào chết khá tốt. Kết hợp bột yến mạch với dầu dừa sẽ nâng cao hiệu quả cải thiện các dấu hiệu của chàm sữa. Đặc biệt là tình trạng ngứa ngáy khó chịu sẽ nhanh chóng được khắc phục.
Để thực hiện cách điều trị này, bạn cần khoảng 150ml dầu dừa. Vừa cho bột yến mạch vào dầu vừa khuấy đều đến khi sánh mịn lại. Dùng hỗn hợp này thoa nhẹ nhàng lên vùng da bị chàm sữa. Đợi khoảng 15 phút cho các tinh chất từ bột yến mạch và dầu dừa thấm vào da. Sau đó tắm lại cho trẻ bằng nước sạch.
Bạn có thể áp dụng cách này ngày 2 lần và kiên trì trong khoảng 1 tháng. Bên cạnh công dụng cải thiện các triệu chứng, dùng dầu dừa và yến mạch còn được đánh giá về khả năng chống tái phát bệnh hiệu quả.
Cho bé ăn trực tiếp dầu dừa
Nếu trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm, bạn có thể dùng dầu dừa chế biến món ăn hoặc trộn với bột ăn dặm. Mỗi ngày chỉ nên dùng nửa muỗng cà phê. Không nhiều tài liệu đáng tin cậy nói về hiệu quả của phương pháp này. Do đó, nếu cho trẻ ăn dầu dừa chữa chàm sữa thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Lưu ý khi dùng dầu dừa chữa chàm sữa cho bé
Nguồn gốc và chất lượng dầu dừa
Dầu dừa được bán nhiều nơi, mức giá cũng khá dễ chịu. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng để chọn loại dầu dừa chất lượng. Nên ưu tiên những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và do cơ sở uy tín sản xuất. Đừng ham rẻ mà mua những loại trôi nổi trên thị trường. Bạn luôn phải nhớ rằng da của bé rất mỏng và dễ bị tổn thương. Tất cả các sản phẩm dùng cho bé phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bên cạnh đó, khi sử dụng dầu dừa bôi lên da chữa chàm sữa, bạn cần dùng một lượng vừa đủ. Quá nhiều da của bé sẽ không hấp thụ hết. Lượng dầu còn dư có thể gây bít lỗ chân lông. Bã nhờn không được bài tiết sẽ ứ đọng và khiến da bị viêm.
Chăm sóc trẻ bị chàm sữa
Vệ sinh và dưỡng ẩm cho da đúng cách
Trước và sau khi thoa thuốc, vùng da của bé cần được vệ sinh sạch. Đồng thời, trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cũng cần giữ cho da bé sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với nước. Song đó, bạn cần cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Nên cắt móng tay, móng chân cho bé để hạn chế cào cấy gây tổn thương da.
Khi bé bị chàm sữa, bạn không được tự ý dùng kem bôi có chứa corticoid hoặc các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh để cải thiện triệu chứng. Sử dụng những loại thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ (bội nhiễm, sốc phản vệ…). Ngoài ra, việc sử dụng các loại xà phòng hoặc phấn rôm cho bé cần lưu ý chọn loại có nguồn gốc tự nhiên, chất tẩy rửa thấp và chuyên dùng cho trẻ nhỏ.
Mặt khác, chàm sữa cũng như hầu hết các bệnh chàm ở trẻ em ở điểm có liên quan mật thiết với tình trạng dị ứng. Chính vì thế, bạn cần hạn chế để bé tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như: lông thú bông, lông của các loại động vật, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá….
Những lưu ý khác
Nếu bé đang trong giai đoạn dùng sữa mẹ thì người mẹ cần kiêng những loại thực phẩm dễ gây dị ứng (hải sản, thịt gà…). Đồng thời tăng cữ bú để hỗ trợ tốt hơn cho sức đề kháng của bé. Trường hợp bé đang trong độ tuổi ăn dặm thì bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất từ rau củ quả. Nhớ cho trẻ uống nhiều nước.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn bị chàm sữa, bạn không nên cho bé đi tiêm phòng thủy đậu. Bởi điều này có thể khiến da bị bọng nước và gây sốt cao. Các tổn thương này có thể để lại sẹo và ảnh hưởng nhiều đến sự tự tin của trẻ sau này.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!