Chuyên gia giải đáp: Chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối có thực sự tốt không?
Chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối là cách đơn giản, ít tốn kém được nhiều người áp dụng tại nhà. Thực chất phương pháp này có hiệu quả không? Nếu có thì nên tiến hành như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất và đảm bảo an toàn? Lắng nghe chuyên gia giải đáp trong những nội dung sau đây.
Chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối có hiệu quả không?
Nước muối là thường được nhiều người sử dụng để điều trị một số vấn đề sức khỏe, đặc biệt là những tình trạng tổn thương viêm nhiễm. Một trong những băn khoăn được nhiều người đặt ra là chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối có tốt không?
Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Lê Phương, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Thừa kế & Ứng dụng Đông y Việt Nam cho biết:
“Sử dụng nước muối điều trị viêm mũi dị ứng là mẹo chữa tại nhà mọi người hoàn toàn có thể áp dụng. Bởi vì phần lớn nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do các tác nhân bên ngoài như bụi bẩn, phấn hoa, khói bụi, lông động vật… Sử dụng nước muối sẽ có tác dụng rửa trôi các tác nhân gây dị ứng, bảo vệ và làm sạch lớp niêm mạc mũi, ngăn ngừa viêm nhiễm, cải thiện các triệu chứng sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi…
Bên cạnh đó, sử dụng nước muối sinh lý trong trường hợp viêm mũi dị ứng còn có tác dụng làm loãng dịch nhầy mũi, giúp quá trình đào thải chúng dễ dàng hơn, hạn chế ngạt mũi, khó thở, giúp người bệnh dễ chịu hơn.”
Bác sĩ Lê Phương nhấn mạnh người bệnh không nên sử dụng nước muối quá đặc vì có thể làm tổn thương lớp niêm mạc mũi, khiến chúng mất nước, teo nhỏ, bất hoạt theo kiểu “chết khô”.Thay vào đó, người bệnh nên sử dụng nước muối sinh lý 0,9%. Nồng độ và tính chất của nước muối sinh lý tượng tự dịch cơ thể, độ pH gần với xoang mũi nên giúp làm loãng dịch nhầy tại các khu vực viêm sưng, giảm phù nề mà không làm mất nước tế bào niêm mạc mũi.
Bên cạnh khả năng loại bỏ tác nhân gây dị ứng, do có tính đẳng trương với dịch tế bào của cơ thể người nên nước muối sinh lý khá an toàn và lành tính với hầu hết bệnh nhân viêm mũi dị ứng, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ có thai. Hơn nữa quá trình sản xuất nước muối đơn giản và ít tốn kém nên việc chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý rất tiết kiệm, phù hợp với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, bác sĩ Phương khuyên rằng, người bệnh chỉ nên sử dụng nước muối để hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng chứ không thể coi đây là giải pháp chữa trị triệt để. Nồng độ nước muối nếu đẳng trương với dịch cơ thể thì chúng cũng cân bằng với dịch tế bào của hầu hết các vi khuẩn khác. Vì vậy, nếu bệnh lý do vi khuẩn, virus gây nên, người bệnh vẫn cần sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hướng dẫn thực hiện chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối
Có 2 cách dùng nước muối sinh lý thường được sử dụng để chữa viêm mũi dị ứng, gồm:
Cách 1: Sử dụng nước muối sinh lý để chữa viêm mũi dị ứng
Chuẩn bị:
Sử dụng dung dịch nước muối có nồng độ 0,9% bằng cách pha nước muối theo tỷ lệ 9g muối NaCl với 1 lít nước cất hoặc nước sạch đã tiệt khuẩn. Hoặc bạn có thể mua nước muối sinh lý tại các hiệu thuốc.
Trước khi tiến hành, bạn cần vệ sinh sạch sẽ 2 tay, xi lanh hoặc bình rửa mũi chuyên dụng.
Cách thực hiện:
- Hút dung dịch nước muối đầy xi lanh hoặc bình rửa chuyên dụng.
- Đưa người về phía trước, nghiêng đầu sang trái một góc 45 độ nếu bạn thực hiện rửa lỗ mũi bên phải trước và ngược lại nghiêng sang phải nếu bạn rửa mũi trái trước.
- Cho đầu xi lanh hoặc đầu đầu bình rửa vào lỗ mũi, rồi bơm nhẹ nhàng sao cho nước muối không đi quá mạnh, có thể gây sặc. Khi thực hiện, người bệnh cần há to miệng và thở bằng miệng để nước muối không chảy vào tai. Nước muối phần lớn sẽ chảy sang lỗ mũi bên cạnh và một phần nhỏ chảy xuống họng.
- Thực hiện rửa tại mũi này 1 – 2 lần nữa rồi chuyển sang bên mũi còn lại với cách làm tương tự
- Sau khi rửa mũi cả 2 bên, bạn cần xì mũi nhẹ để dịch nhầy trong mũi ra hết. Không nên xì quá mạnh gây tổn thương niêm mạc mũi.
Cách 2: Sử dụng nước muối sinh lý kết hợp tỏi để chữa viêm mũi dị ứng
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy Allicin trong tỏi có tác dụng như một chất kháng sinh tự nhiên, có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm hiệu quả, thường được dùng để điều trị các trường hợp viêm nhiễm.
Bạn có thể kết hợp nước muối và nước ép tỏi để chữa viêm mũi dị ứng như sau:
- Dùng 1 cốc nước muối mua sẵn hoặc tự pha theo cách như trên, cho thêm 3 -4 thìa cà phê nước ép từ tép tỏi tươi và khuấy đều.
- Dùng xi lanh hoặc bình rửa mũi để bơm nhẹ dung dịch này và tiến hành rửa 2 bên lỗ mũi tương tự cách làm ở trên.
Những lưu ý khi chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối
Sử dụng nước muối là phương pháp khá thông dụng để chữa viêm mũi dị ứng do ưu điểm vượt trội về việc cải thiện triệu chứng và ít tốn kém. Tuy nhiên, bác sĩ Lê Phương cho biết phương pháp này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể xem thường nếu người bệnh thực hiện không đúng cách. Vậy nên, khi tiến hành người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:
- Khi thực hiện bơm nước muối vào mũi, bạn cần há nghiêng đầu và há miệng ra để nước muối không chảy vào tai gây nguy cơ viêm tai giữa nguy hiểm.
- Khi xịt nước muối vào mũi, ban đầu người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, khó chịu nhưng nếu kiên trì thực hiện 2 -3 lần mỗi ngày, sau 4 -5 ngày thì triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện, mũi thông thoáng và dễ thở hơn
- Sử dụng nước muối ngay khi mới có triệu chứng viêm mũi dị ứng sẽ cho hiệu quả điều trị tốt nhất. Còn khi bệnh đã trở nặng, cần kết hợp thêm các phương pháp khác để khắc phục.
- Với những người không bị bệnh đường hô hấp không nên dùng nước muối để nhỏ, rửa hằng ngày. Bởi tại các khoang mũi xoang, lớp niêm mạc trên cùng có khả năng bài tiết chất nhầy. Lớp chất nhầy này có vai trò làm ấm, làm ẩm không khí, làm sạch và loại bỏ bụi bẩn, tác nhân gây bệnh. Lạm dụng nước muối sinh lý trong trường hợp không có bệnh đường hô hấp có thể làm mất phản xạ tiết chất nhầy tự nhiên, kích ứng niêm mạc, tạo điều kiện cho siêu vi và các tác nhân dị ứng tấn công gây bệnh.
- Nếu có điều kiện, người bệnh nên sử dụng các dung dịch nước muối sinh lý được pha sẵn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh. Trong điều kiện không có khả năng mua nước muối pha sẵn, người bệnh cần lưu ý dùng nước sạch và pha đúng nồng độ tức pha 9 gram NaCl trong 1 lít nước sạch.
- Trên thực tế, sản phẩm dung dịch nước muối sinh lý súc miệng, rửa vết thương ngoài da có giá thành rất rẻ, lỏng lẻo trong khâu đăng ký và kiểm định chất lượng.Với giá thành trên thị trường chỉ vài ngàn đồng cho 1 chai nước muối 500ml, rẻ hơn cả một chai nước lọc để uống, thì rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo điều kiện sử dụng. Cho nên, khi bạn mua một chai nước muối sinh lý để súc miệng, rửa mũi mà không để ý tới xuất xứ và tiêu chuẩn đăng ký chất lượng, khả năng làm tăng thêm nhiễm khuẩn là rất cao.
- Đối với những bệnh nhân có bệnh thận, huyết áp cao, dùng nước muối loãng để rửa mũi, súc họng vẫn phần nào bổ sung thêm một lượng muối NaCl vào cơ thể, vẫn có nguy cơ tăng nặng tình trạng bệnh, gây tăng huyết áp, phù, suy thận…
Tóm lại, chữa viêm mũi bằng nước muối sinh lý là một phương pháp khá an toàn, lành tính và tiết kiệm nếu dùng đúng cách. Hy vọng những chia sẻ của bác sĩ Lê Phương trên đây sẽ giúp bạn đọc nắm rõ cách sử dụng nước muối để chữa bệnh viêm mũi dị ứng vừa hiệu quả vừa đảm bảo an toàn.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!