Phương pháp, thời gian dẫn lưu tư thế cho bệnh nhân áp xe phổi?
Dẫn lưu tư thế cho bệnh nhân áp xe phổi là một phương pháp điều trị nội khoa nhằm giải phóng đờm dịch ra khỏi phổi nhờ trọng lực. Do đó, người điều trị phải hiểu rõ giải phẫu của đường khí phế quản để có thể áp dụng hữu hiệu tư thế dẫn lưu.
Phương pháp dẫn lưu tư thế cho bệnh nhân áp xe phổi
Phương pháp dẫn lưu tư thế
Đặt người bệnh ở tư thế dẫn lưu
- Tổn thương thuỳ trên phổi phải: Tư thế nửa nằm nửa ngồi.
- Tổn thương thuỳ trên phổi trái: Ngồi hơi gập phía trước.
- Tổn thương thùy giữa phải và thuỳ dưới trái: nằm ngửa, hông cao 20 độ.
- Tổn thương tiểu thuỳ đỉnh của thuỳ dưới: nằm nghiêng góc 20 độ.
- Tổn thương tiểu thùy đáy của thuỳ dưới: nằm nghiêng góc 20 độ.
- Vỗ: kỹ thuật viên khum bàn tay vỗ đều trên thành ngực sao cho các cạnh của bàn tay tiếp xúc với thành ngực. Việc vỗ được tiến hành liên tục, nhịp nhàng tạo ra áp lực dội đều vào lồng ngực người bệnh gây long đờm mà không gây đau cho người bệnh.
- Rung: kỹ thuật viên KTV đặt lòng bàn tay phẳng áp vào thành ngực người bệnh tương ứng với thùy phổi bị tổn thương, căng các cơ vùng cánh tay và vai để tạo ra sự rung và ấn nhẹ lên vùng được rung (KTV có thể đặt tay còn lại lên bàn tay áp vào thành ngực người bệnh và đẩy tay để tạo ra sự rung).
- Yêu cầu người bệnh thở ra từ từ thật hết sau đó hít sâu và ho khạc đờm vào chậu đựng đờm (trẻ lớn). Vệ sinh mũi miệng sạch sau ho. Trẻ nhỏ: hút đờm mũi họng bằng máy hút.
- Mỗi lần vỗ rung kéo dài khoảng 1-3 phút với trẻ nhỏ, 3-5 phút với trẻ lớn. Mỗi ngày nên làm 3 lần (sáng, chiều và tối).
- Thời gian đầu, việc vỗ rung cho người bệnh thường được đảm trách bởi các người thực hiện, sau đó cần hướng dẫn tỷ mỉ cho người nhà người bệnh kỹ thuật vỗ rung để có thể thực hiện thường xuyên khi người bệnh ra viện đặc biệt những người bệnh mắc bệnh giãn phế quản.
Phương pháp này thực hiện cho bệnh nhân áp xe phổi trong trường hợp nào?
Chỉ định với mục tiêu phòng bệnh:
- Bệnh nhân thở máy liên tục (với điều kiện tình trạng bệnh nhân cho phép chịu đựng được biện pháp điều trị).
- Bệnh nhân phải bất động lâu ngày, đặc biệt ở người già, những người có nguy cơ ùn tắc đường thở như bệnh phổi – phế quản mạn tính, sau các ca mổ lớn hoặc mổ lồng ngực.
- Bệnh nhân có tăng tiết đờm dãi như bệnh giãn phế quản hay kén phổi.
- Bệnh nhân có khuynh hướng hạn chế hô hấp vì đau hoặc suy kiệt phải bất động, bệnh nhân bị giảm hoặc mất phản xạ ho để tống đờm.
Chỉ định với mục tiêu để đào thải đờm, dịch bị ứ đọng, giúp khai thông đường thở:
- Bệnh nhân bị xẹp phổi do ứ đọng dịch tiết
- Bệnh nhân bị áp xe phổi có khạc mủ.
- Bệnh nhân bị viêm phổi.
- Bệnh nhân bị ứ đọng đờm dịch sau phẫu thuật.
- Bệnh nhân hôn mê lâu ngày.
Thời gian dẫn lưu cho bệnh nhân áp xe phổi
- Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực: Dựa vào phim chụp X-quang phổi thẳng nghiêng hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực chọn tư thế bệnh nhân để dẫn lưu tư thế kết hợp với vỗ rung lồng ngực. Dẫn lưu tư thế nhiều lần /ngày, để BN ở tư thế sao cho ổ áp xe được dẫn lưu tốt nhất, lúc đầu trong thời gian ngắn vài phút, sau kéo dài dần thời gian tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của bệnh nhân có thể đến 15 – 20 phút/lần.
- Phương pháp này cần tiến hành 2 – 4 lần trong ngày vào trước bữa ăn để ngăn ngừa nôn và hít phải thức ăn, ở mỗi tư thế dẫn lưu cần làm cho bệnh nhân thoải mái và giữ ở mỗi tư thế 10 – 15 phút.
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã có thể hình dung được phần nào về phương pháp dẫn lưu tư thế điều trị áp xe phổi. Khi mức độ bệnh trở nên nghiêm trọng, bạn cần thực hiện các phương pháp điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh để lâu gây các biến chứng nguy hiểm, khó chữa.
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!