Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn Tiên Phát Là Gì? Làm Sao Nhận Biết?
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát là tình trạng cơn đau khởi phát do lạnh, vận động quá tầm hoặc sai tư thế. Tình trạng này đặc trưng bởi sự xuất hiện của cơn đau ở dọc bờ sườn, tủy ngực hoặc vùng liên sống – bả vai. Nếu sử dụng thuốc kịp thời và chăm sóc đúng cách, triệu chứng sẽ thuyên giảm trong một thời gian ngắn.
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát là gì?
Đau dây thần kinh liên sườn là thuật ngữ đề cập đến cơn đau xuất hiện hoặc kéo dài ở tủy ngực, dọc bờ sườn hoặc vùng liên sống – bả vai. Cơn đau có thể xuất hiện 1 hoặc cả 2 bên, ban đầu thường có mức độ nhẹ, âm ỉ nhưng về sau có thể đau nhói thành từng cơn. Mức độ đau tăng lên khi ho, hắt hơi, hít thở sâu hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát đề cập đến cơn đau xảy ra do vận động sai tư thế, vận động quá mức hoặc do ảnh hưởng của thời tiết lạnh. So với các nguyên nhân khác, đau dây thần kinh liên sườn tiên phát có mức độ tương độ nhẹ và có thể thuyên giảm nếu điều trị kịp thời.
Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến phụ nữ mang thai, sau khi sinh và người cao tuổi.
Nhận biết đau thần kinh liên sườn tiên phát
Đối với trường hợp đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, triệu chứng thường nhẹ hơn so với đau dây thần kinh liên sườn thứ phát (là hệ quả của các bệnh lý).
Các dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, bao gồm:
- Xuất hiện cơn đau ở vùng liên sống – bả vai hoặc vùng cạnh sống
- Cơn đau có thể xảy ra ở 1 hoặc 2 bên
- Một số trường hợp cơn đau có thể lan theo khoang liên sườn và gây đau nhức toàn bộ vùng sườn phía trước
- Mức độ tăng lên khi ho, hắt hơi, thay đổi tư thế đột ngột, hít thở sâu
- Cơn đau âm ỉ, kéo dài lẫn ban ngày và ban đêm
- Khác với cơn đau do tổn thương xương khớp, đau dây thần kinh thường không gây sưng viêm và nóng ở vùng da bao phủ bên ngoài
Ngoài ra, mức độ của triệu chứng còn phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và thể trạng của từng trường hợp.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn tiên phát
Như đã đề cập, đau dây thần kinh liên sườn tiên phát thường khởi phát do lạnh, vận động quá tầm hoặc do tư thế sai lệch:
- Nhiệt độ lạnh: Thời tiết lạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra triệu chứng đau thần kinh sườn. Nguyên nhân là do không khí lạnh gây co mạch, làm giảm quá trình lưu thông máu, giảm độ đàn hồi của mao mạch, dây thần kinh và cơ bắp. Vì vậy, thời tiết chuyển lạnh đột ngột có thể kích thích cơn đau dây thần kinh liên sườn và tái phát một số bệnh xương khớp mãn tính.
- Vận động quá tầm và sai tư thế: Sai tư thế và vận động quá tầm có thể gây chèn ép lên tủy lưng, dẫn đến hiện tượng đè nén và gây đau ở dây thần kinh liên sườn.
Đau dây thần kinh tiên phát có tự hết không?
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát thường có mức độ nhẹ hơn so với đau dây thần kinh liên sườn thứ phát. Nếu xảy ra do lạnh, triệu chứng có thể tự thuyên giảm khi thời tiết ấm dần lên. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, khí lạnh có thể tích tụ bên trong dây thần kinh và gây đau nhức kéo dài.
Đối với trường hợp khởi phát do sai tư thế và vận động quá tầm, cơn đau có thể giảm dần sau khi nghỉ ngơi, sử dụng thuốc và cải thiện các tư thế xấu. Ngược lại, nếu tiếp tục duy trì các tư thế sai lệch, tủy sống và dây thần kinh có thể bị chèn ép nghiêm trọng, gây viêm và đau nhức dai dẳng.
Vì vậy khi phát sinh triệu chứng, bạn nên chủ động thăm khám và tiến hành các biện pháp khắc phục nhằm hạn chế tính trạng cơn đau kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát
Điều trị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát chủ yếu là sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ chăm sóc khoa học nhằm cải thiện nguyên nhân và phòng ngừa tình trạng tái phát.
1. Sử dụng thuốc Tây
Thuốc Tây có tác dụng nhanh nên thường được sử dụng trong giai đoạn triệu chứng bùng phát mạnh. Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:
- Thuốc giảm đau thông thường: Các loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac,… có thể làm giảm cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên nhóm thuốc này có hiệu quả kém đối với cơn đau thần kinh và có thể gây ra một số tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, tăng độc tính lên gan.
- Thuốc giãn cơ vân: Thuốc giãn cơ vân (Mydocalm, Myonal) được dùng trong trường hợp đau nhiều kèm với triệu chứng co rút sườn. Mặc dù có tác dụng giảm đau hiệu quả nhưng loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ đối với người già, trẻ em và người mắc bệnh lý dạ dày – tá tràng. Để giảm thiểu rủi ro, chỉ nên sử dụng thuốc giãn cơ vân ở liều thấp nhất có đáp ứng.
- Thuốc điều trị đau thần kinh: Nhóm thuốc điều trị đau thần kinh thực chất là thuốc chống co giật và được sử dụng chủ yếu trong chữa bệnh động kinh. Tuy nhiên, do có tác dụng giảm cơn đau do tổn thương thần kinh nên nhóm thuốc này còn được sử dụng để điều trị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát. Thuốc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương nên cần được sử dụng với liều nhỏ, sau đó tăng dần đến khi có đáp ứng.
- Vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B có tác dụng nuôi dưỡng, chống thoái hóa và bảo vệ các tế bào thần kinh. Loại thuốc này được sử dụng đồng thời với các loại thuốc giảm đau nhằm tăng tác dụng điều trị. Mặc dù là nhóm thuốc bổ sung nhưng lạm dụng vitamin B có thể gây ra nhiều rủi ro và biến chứng. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
2. Điều trị bằng Đông y
Ngoài sử dụng thuốc Tây, bạn có thể làm giảm cơn đau dây thần kinh liên sườn với một số bài thuốc Đông y như:
- Bài thuốc 1: Sử dụng hoàng kỳ, ngũ gia bì, phòng sâm và kinh giới mỗi thứ 12g, quế chi, tế tân mỗi thứ 8g, thiên niên kiện và phòng phong mỗi thứ 10g, tang ký sinh, ngải diệp, nam tục đoạn và trinh nữ mỗi thứ 16g. Dùng mỗi lần 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
- Bài thuốc 2: Dùng đương quy, tục đoạn, đỗ trọng, bạch linh, hắc táo nhân, cam thảo, xuyên khung, ngũ gia bì, đan sâm, thương truật, phòng sâm, bạch truật và viễn chí mỗi thứ 30g, xương bồ 24g, quế và thiên niên kiên mỗi thứ 15g. Cho tất cả dược liệu phơi khô, thái nhỏ và ngâm với 1 lít rượu. Sau 12 ngày có thể dùng được, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống từ 25 – 30ml.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị trần bì, xuyên khung, tần giao, cam thảo và uất kim mỗi thứ 10g, hương phụ (chế), đương quy, tang ký sinh và đục đoạn mỗi thứ 12g, tô mộc 20g, kê huyết đằng 16g và hồng hoa 6g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
3. Phương pháp phong bế cạnh sống
Phương pháp phong bế cạnh sống là biện pháp tiêm thuốc chống viêm, giảm đau vào cột sống nhờ vào sự hỗ trợ của kỹ thuật X-Quang tăng sáng truyền hình. Biện pháp này được thực hiện khi các phương pháp nội khoa đơn thuần không kiểm soát được cơn đau.
Phong bế cạnh sống thường được chỉ định đối với các trường hợp đau kiểu rễ thần kinh như đau dây thần kinh liên sườn, đau dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa cột sống,…
Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành gây tủy sống, sau đó sử dụng máy X-Quang truyền hình nhằm quan sát biểu hiện của cột sống và đưa thuốc corticosteroid (Betamethasone) vào bên trong. Tuy nhiên biện pháp này chỉ được thực hiện không quá 3 lần/ năm.
Chăm sóc và phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn tiên phát
Bên cạnh các phương pháp điều trị, bạn nên xây dựng kế hoạch chăm sóc để hỗ trợ làm giảm cơn đau và hạn chế triệu chứng tái phát.
Chế độ chăm sóc và phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn tiên phát:
- Giữ ấm cơ thể, tránh di chuyển và hoạt động ở ngoài trời khi thời tiết chuyển lạnh.
- Thay đổi các tư thế sai lệch, đồng thời hạn chế các hoạt động gây chèn ép tủy lưng như mang vác nặng, ngồi nhiều, ít vận động,…
- Nên tập thể dục thường xuyên nhằm cải thiện khả năng vận động của cột sống, giảm chèn ép dây thần kinh và cải thiện cơn đau.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và canxi như cá, hải sản, dầu đậu nành, dầu ô liu, rau xanh, nấm, củ, trái cây,… Các nhóm thực phẩm này giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và tác động tích cực đến cơn đau thần kinh liên sườn.
- Dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế lao động nặng trong thời điểm cơn đau bùng phát mạnh.
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát có mức độ nhẹ và dễ cải thiện hơn so với đau dây thần kinh liên sườn thứ phát. Tuy nhiên nếu chủ quan và lơ là, triệu chứng có thể tiến triển phức tạp, gây ảnh hưởng nhiều đến thể trạng và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo thêm: Phương pháp châm cứu chữa đau dây thần kinh liên sườn
Ngày Cập nhật 05/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!