Đau vai gáy buồn nôn do đâu? Xử lý thế nào?
Đau vai gáy buồn nôn kéo dài hơn 1 tuần thường là dấu hiệu của bệnh lý. Nó có thể gây rối loạn thần kinh thực vật nếu không được điều trị kịp thời. Các phương pháp xử lý tình trạng này có thể thực hiện ở nhà hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế. Điều bạn cần biết là cách thức và trường hợp áp dụng các phương pháp điều trị để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Nguyên nhân gây đau vai gáy buồn nôn
Thiểu năng tuần hoàn máu là cơ chế chủ yếu gây đau vai gáy kèm tình trạng buồn nôn. Khi lượng máu lưu thông đến não và cột sống cổ bị suy giảm đột ngột, não sẽ không nhận được đủ lượng oxy cần thiết. Hệ thần kinh trung ương sẽ bị rối loạn hoạt động và gây ra hàng loạt các vấn đề như: đau vai gáy, hoa mắt, buồn nôn và mất thăng bằng…
Thiếu máu lên não có thể bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt và ăn uống không đúng cách. Đây cũng là nguyên nhân chiếm đa số các trường hợp bị tình trạng này. Bên cạnh đó, một số trường hợp là do bệnh lý.
Thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh
Ngồi quá lâu một chỗ và sai tư thế
Nguyên nhân này thường gặp ở đối tượng là nhân viên văn phòng hoặc tài xế. Họ dễ bị đau vai gáy buồn nôn do thói quen ngồi nghiêng vẹo một bên hoặc vươn cổ ra phía trước trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, một số người tập luyện thể thao quá sức hoặc không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Ăn uống không khoa học và căng thẳng quá mức
Áp lực cuộc sống khiến nhiều người lao vào công việc cả ngày lẫn đêm. Cùng với đó là những bữa ăn vội vàng và thiếu chất. Khi kết thúc công việc, thay vì để cơ thể được nghỉ ngơi, nhiều người lại lạm dụng chất kích thích hoặc thức quá khuya. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh này là tình hình chung của rất nhiều người trẻ hiện nay.
Hậu quả của nó là tinh thần lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng. Thiếu máu lên não gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh. Và một trong những biểu hiện rõ nhất cho tình trạng này là đau vai gáy đi kèm với buồn nôn.
Gối nằm quá cao và tư thế ngủ co quắp
Tư thế khi ngủ cũng có thể là nguyên nhân gây đau vai gáy kèm với tình trạng buồn nôn. Cụ thể là những trường hợp gối kê đầu quá cao; gối và niệm quá mềm hoặc quá cứng. Bên cạnh đó, một số người có thói quen nằm co quắp suốt đêm cũng rất dễ bị đau ở vai gáy kèm buồn nôn.

Chấn thương
Một số ít trường hợp bị đau vai gáy buồn nôn có nguyên nhân từ chấn thương. Các chấn thương này có thể là do hậu của mang vác vật nặng không đúng tư thế hoặc quá sức; tai nạn giao thông hoặc tập luyện không đúng cách. Đối với nguyên nhân từ chấn thương, nếu tình trạng đau đi kèm sưng tấy, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ. Rất có thể đốt sống cổ đã bị sai lệch cấu trúc.
Đau gáy buồn nôn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý
Biểu hiện thường thấy là những cơn đau buốt ở vai gáy và lan ra cả bàn tay. Các trường hợp do nguyên nhân cơ học thường chỉ đau khi vận động mạnh. Tuy nhiên, nếu nó do bệnh lý gây ra thì chỉ cần nghiêng đầu một chút là đã đau buốt.
Cơn đau kéo dài cộng với sự lưu thông máu huyết kém có thể gây ra tình trạng tê bì bả vai và hai tay. Thậm chí có trường hợp còn bị mất cảm giác tạm thời và các cơ bị yếu đi. Thêm vào đó, người bệnh có thể bị buồn nôn hoặc nôn, khó chịu trong người và có thể kèm theo sốt, chóng mặt, đau đầu, mất thăng bằng, mất ngủ và sụt cân…
Các bệnh lý thường gặp gây đau vai gáy buồn nôn liên quan đến những tổn thương ở cột sống cổ. Tiêu biểu là thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị viêm cột sống dính khớp hoặc loãng xương cũng có thể dẫn đến những biểu hiện này. Ngoài ra, đau vai gáy kèm với tình trạng buồn nôn có thể còn là dấu hiệu của tình trạng viêm, thoái hóa khớp vai hoặc u não.
Đau vai gáy kèm buồn nôn có nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp đau vai gáy đi kèm buồn nôn có nguyên nhân do thói quen sinh hoạt và ăn uống thường không gây nhiều nguy hiểm. Cơn đau có thể hết sau 2 – 5 ngày. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn 1 tuần và xuất hiện kèm các dấu hiệu bất ổn khác của cơ thể, bạn phải hết sức thận trọng. Rất có thể tình trạng đau có nguyên nhân từ bệnh lý.

Đau vai gáy kèm với buồn nôn có nguyên nhân từ bệnh lý gây nhiều nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng nghiêm trọng của hầu hết các trường hợp này là liệt nửa người hoặc toàn thân. Ở trường hợp nhẹ hơn, người bệnh sẽ phải sống trong tình trạng đại, tiểu tiện mất tự chủ và các biểu hiện khác của tình trạng rối loạn thần kinh tự chủ (thần kinh thực vật).
Chính vì thế, khi nghi ngờ mình bị đau do nguyên nhân bệnh lý, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế kiểm tra. Phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, đỡ tốn chi phí và hạn chế được nhiều biến chứng. Các bệnh về xương khớp nói chung và ở cột sống cổ nói riêng rất khó điều trị khỏi hoàn toàn khi bệnh chuyển nặng. Người bệnh có thể sẽ phải sống chung với các cơn đau đến suốt cuộc đời dù có thể kiểm soát nó bằng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm.
Cách xử lý tình trạng đau vai gáy buồn nôn
Bạn cần biết được nguyên nhân gây đau vai gáy kèm tình trạng buồn nôn là do đâu. Nếu nó có nguyên nhân từ thói quen ăn uống và sinh hoạt, bạn có thể làm thuyên giảm cơn đau bằng các biện pháp tại nhà. Hoặc kèm theo đó là các chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Trường hợp đau do bệnh lý, việc điều trị cần tuân theo phác đồ. Các biện pháp trị liệu tại nhà hầu hết chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Thuốc Tây chữa đau vai gáy kèm buồn nôn
Thuốc tân dược xử lý tình trạng đau mỏi vai gáy kèm biểu hiện buồn nôn tập trung vào nhiều hướng tác động. Cụ thể gồm: giảm đau, chống viêm, giãn cơ và hỗ trợ hoạt động của xương khớp, thần kinh. Trong một số trường hợp sẽ cân nhắc dùng đến thuốc chống trầm cảm. Các nhóm thuốc này có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể.

-
Thuốc giảm đau (loại thường, không gây mê)
Paracetamol, Tylenol 8H hoặc Acetaminophen. Sau 30 – 60 phút dùng thuốc, cơn đau sẽ được cải thiện. Để tăng hiệu quả giảm đau, các bác sĩ có thể chỉ định dùng kết hợp với Codein phosphat nhóm II (một loại thuốc giảm đau gây buồn ngủ và giảm ho).
-
Thuốc kháng viêm
Thường dùng là loại không Steroid. Tiêu biểu là Diclofenac hoặc Meloxicam. Trong một số trường hợp sẽ phải cân nhắc dùng đến kháng viêm có Steroid. Người ta thận trọng khi dùng loại thuốc có chứa thành phần này bởi nó có nhiều tác dụng phụ (mất ngủ, nóng trong người, thay đổi tâm trạng và giảm số lượng tinh trùng…). Những loại kháng viêm có chứa thành phần này là Betamethasone hoặc Dexamethasone.
-
Thuốc giãn cơ
Các loại thuốc này sẽ tác động đến hệ thần kinh trung ương. Nó ức chế tiền Synap của các nơron. Qua đó, tình trạng co cứng các cơ và dây thần kinh ở vùng cổ, vai gáy sẽ được cải thiện. Các loại thuốc giãn cơ thường dùng là Tizanidine hoặc Decontractyl. Thông thường, thuốc cần từ 3 – 6 tiếng để phát huy tác dụng.
-
Thuốc hỗ trợ hoạt động của cơ xương và thần kinh
Loại thường dùng là vitamin nhóm B (đặc biệt là B1, B6, B12) và Glucosamine (một loại thuốc thúc đẩy tăng trưởng khớp và sụn). Việc bổ sung các thành phần này sẽ giúp hệ thần kinh ổn định hoạt động, cải thiện tình trạng thoái hóa hoặc sai lệch cấu trúc của xương khớp. Nhờ đó, cơn đau sẽ được kiểm soát và giảm nôn.
-
Thuốc chống trầm cảm
Mục đích là cải thiện tâm trạng cho người bị đau vai gáy kèm với biểu hiện buồn nôn. Bởi khi mắc phải tình trạng này, người ta thường mất ngủ, ăn không ngon và sụt cân. Những điều này làm suy yếu sức đề kháng và khiến tâm trạng luôn căng thẳng, mệt mỏi. Vì thế, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm trong nhiều trường hợp có thể giảm được các cơn đau âm ỉ và kéo dài.
Chữa đau vai gáy buồn nôn bằng thuốc Nam
Dùng thuốc Nam có ưu điểm là khá an toàn, nguyên liệu dễ tìm và chi phí rẻ. Tuy nhiên, hầu hết các bài thuốc là những kinh nghiệm được truyền miệng trong dân gian. Nó sẽ có một số ngoại lệ hoặc những lưu ý đi kèm theo. Điều quan trọng là bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng. Bên cạnh đó, nguyên tắc tác động của các bài thuốc này là thẩm thấu từ từ. Vì thế, bạn phải kiên trì dùng trong một thời gian mới đạt hiệu quả.
Các bài thuốc nam chữa đau vai gáy kèm tình trạng buồn nôn thường có nguyên liệu từ cây đinh lăng, ngải cứu, cỏ xước, dền gai hoặc gừng tươi.
-
Bài thuốc với cây đinh lăng
Hầu như các thành phần của cây đinh lăng đều có giá trị dược liệu. Đặc biệt là trong rễ hoặc vỏ củ. Bài thuốc chữa đau vai gáy kèm tình trạng buồn nôn với loại cây này gồm: rễ cây xấu hổ, cam thảo dây và cúc tần (mỗi loại 30g). Thân hoặc rễ của cây đinh lăng cũng dùng 30g. Mang các nguyên liệu này sắc với 400ml nước. Chia thành nhiều lần uống trong ngày. Kiên trì sử dụng trong 3 – 4 tuần.

-
Cách dùng ngải cứu
Chuẩn bị 500g nguyên liệu dạng tươi. Rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt. Thêm một thìa nhỏ mật ong vào nước cốt. Khuấy đều và uống sau bữa ăn. Dùng liên tục trong khoảng 1 tháng.
-
Cách dùng cỏ xước
Phơi khô 30g cỏ xước. Sau đó mang đi sắc với 300ml nước và uống hết trong ngày. Kiên trì uống nước lá này trong khoảng 1 tháng.
-
Các loại thảo dược dùng chung với dền gai:
Thành phần gồm: dền gai, cỏ xước, lá lốt, cỏ ngươi, tầm gửi (mỗi loại 30g) và 50g chìa vôi. Cho tất cả các nguyên liệu vào ấm đun với 1 lít nước. Dùng liên tục trong khoảng 1 tháng.
-
Cách dùng gừng tươi
Bạn cần khoảng 200g gừng tươi nguyên vỏ. Sau khi rửa sạch thì sắc lát và bỏ vào nửa lít nước sôi trong khoảng 5 phút. Chắt lấy nước rồi cho vào đó 1 thìa nhỏ mật ong, 4 giọt nước cốt canh và 100ml soda. Chia hỗn hợp ra thành nhiều phần và uống trước bữa ăn. Uống liên tục trong khoảng 15 ngày.
Chú ý khi dùng thuốc Tây y hoặc thuốc Nam chữa đau vai gáy buồn nôn
Ngoài tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc Tây y và thuốc Nam, bạn cần phải lưu ý thêm những điều dưới đây:
- Đối với thuốc Tây y: Không lạm dụng (dùng quá liều hoặc dùng trong thời gian quá lâu); không bỏ thuốc giữa chừng; không sử dụng nhiều loại thuốc giống nhau về cơ chế tác dụng tại cùng một thời điểm.
- Đối với thuốc Nam: Dùng đúng liều lượng; không tự ý kết hợp các thành phần thảo dược với nhau. Không được để thuốc qua đêm.
Vật lý trị liệu chữa đau vai gáy buồn nôn
Chườm nóng hoặc tắm xen kẽ nóng lạnh
Dưới tác dụng của nhiệt độ, các cơ, gây và dây thần kinh sẽ được thư giãn. Nhờ đó, tình trạng đau và buồn nôn sẽ được cải thiện. Lưu ý là bạn chỉ nên thực hiện các biện pháp này mỗi ngày 1 lần. Khi chườm nóng, có thể kết hợp các thảo dược để tăng hiệu quả giảm đau (thường dùng là ngải cứu sao nóng cùng muối hạt).
Đối với phương pháp tắm nóng lạnh xen kẽ. Bạn sẽ cần đến 1 cái vòi hoa sen. Dùng sức nước ấm tác động lên vùng vai gáy bị đau trong khoảng 3 phút. Sau đó chuyển sang nước lạnh từ 30 – 60 giây. Thực hiện xen kẽ nóng lạnh 1 – 2 lần.

Massage và thực hiện các bài tập cổ
Bạn nên massage nhẹ nhàng vùng vai gáy trước khi thực hiện các bài tập ở cổ. Mục đích là làm nóng cơ và giúp máu lưu thông tốt hơn. Cách thực hiện các bài tập rất đơn giản. Đầu tiên bạn giữ cho cổ, cột sống và vai thẳng tự nhiên. Nghiên cổ theo nhịp trước – sau, trái – phải. Sau đó xoay đều theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
Lưu ý là khi thực hiện các động tác hoặc xoa bóp, bạn có thể dùng một ít dầu nóng hoặc dầu dừa thoa lên cổ. Mục đích là rút ngắn thời gian làm nóng cơ, cải thiện tình trạng đau và buồn nôn.
Ngoài ra, bạn có thể dùng đến cao dán. Cơn đau có thể được đẩy lùi ngay lập tức. Trước khi dùng, bạn cần chắc chắn mình không bị dị ứng. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến của chuyên viên nhà thuốc.
Dùng thiết bị y khoa
Dùng xung điện, đèn hồng ngoại, tia laser hoặc kéo giãn cột sống là một số biện pháp vật lý trị liệu cần những thiết bị y khoa chuyên dụng. Một số dụng cụ bạn có thể tự mua (ví dụ như đèn hồng ngoại).
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên bạn không nên thực hiện cách điều trị này tại nhà mà không có kinh nghiệm chuyên môn. Bởi bạn sẽ không biết được thời điểm cần dùng, khoảng cách và rất nhiều lưu ý khác. Chỉ cần không cẩn thận, tình trạng đau và buồn nôn chẳng những không thuyên giảm mà còn có nguy cơ bị viêm nhiễm và chuyển sang biến chứng.

Phẫu thuật
Đây là cách xử lý cuối cùng để giải quyết tình trạng đau vai gáy kèm biểu hiện buồn nôn. Thông thường, nó áp dụng cho những trường hợp có nguyên nhân từ bệnh lý và bệnh đã chuyển nặng. Tình trạng đau sẽ được cải thiện sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cách này cũng tồn tại nhiều rủi ro và nguy cơ tái phát lại. Vì thế, nó không phải là giải pháp tối ưu nhất. Ngoài ra, chi phí cho một ca phẫu thuật khá cao.
Lưu ý trong ăn uống và sinh hoạt khi bị đau vai gáy kèm buồn nôn
Đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung thêm chất xơ và vitamin
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng từ bữa ăn hằng ngày là điều kiện nền tảng để tăng cường sức đề kháng. Sức đề kháng khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể giảm được cơn đau, hạn chế buồn nôn và tự sửa chữa những tổn thương.
Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung thêm những thực phẩm giàu chất xơ và vitamin. Chất xơ không chỉ có tác dụng với hệ tiêu hóa mà còn giúp cơ thể đào thải các độc tố trong người. Còn vitamin (đặc biệt là D, K, B và C) là những thành phần quan trọng để cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ canxi. Đây là khoáng chất chất yếu cho sự chắc khỏe của xương.
Cụ thể, đối với rau củ, bạn nên ăn các loại rau dền, mồng tơi, cà chua, bông cải xanh, cà rốt và bí đỏ… Còn trái cây thì nên bổ sung thêm các loại thuộc họ nhà cam, đu đủ, kiwi và việt quất…

Sinh hoạt đúng cách
Điều đầu tiên là cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi để có tinh thần tốt nhất. Bên cạnh đó là một số lưu ý để cải thiện đau vai gáy kèm buồn nôn như sau:
- Kê gối cao khoảng 8cm khi ngủ. Lưu ý để phần vai nằm trên gối. Gối không quá cứng nhưng cũng đừng quá mềm;
- Ngồi làm việc đúng tư thế (giữa cho lưng, cổ và vai thẳng tự nhiên, không chồm người ra phía trước hoặc ngả ra phía sau);
- Hạn chế mang vác các vật nặng. Nếu phải mang vác thì cần chú ý tư thế cho đúng (ngồi xuống và từ từ nâng vật nặng lên);
- Luyện tập thể dục vừa sức hằng ngày, nhất là các bài tập cho cổ và vai.
Ngày Cập nhật 06/06/2024