Đau vai gáy lan xuống cánh tay và các bệnh lý liên quan
Đau vai gáy lan xuống cánh tay thường có nguyên nhân từ các bệnh về xương khớp. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp thì đây còn là dấu hiệu của bệnh ở não. Tình trạng đau sẽ kéo dài nhiều ngày kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác. Không điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có bại liệt.
Các bệnh lý gây đau vai gáy lan xuống cánh tay
Tình trạng đau vai gáy và lan dần xuống cánh tay bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính: cơ học và bệnh lý. Đối với nhóm nguyên nhân cơ học, cơn đau thường sẽ hết sau vài ngày. Những trường hợp bị đau này thường là do vận động, làm việc hoặc ngủ sai tư thế. Bên cạnh đó, người ăn uống thiếu chất, lao động hoặc tập luyện quá sức cũng có thể gây đau.
Còn đối với nhóm nguyên nhân từ bệnh lý, tình trạng đau thường sẽ diễn biến phức tạp và kết hợp thêm nhiều triệu chứng khác. Đồng thời, nó cũng rất khó để điều trị. Trong thực tế, khá nhiều trường hợp bị đau vai gáy và cánh tay là sự kết hợp của cả nguyên nhân cơ học lẫn bệnh lý.
Điều này không những gây khó khăn trong điều trị mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Để chủ động cải thiện tình trạng đau nhức và điều trị bệnh lý, bạn cần biết qua một vài bệnh có thể là nguyên nhân dẫn đến các cơn đau ở vai gáy và cánh tay.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Giữa các đốt sống là đĩa đệm. Cấu tạo của đĩa đệm gồm nhân nhầy bên trong và lớp bao bọc bên ngoài. Vì lý do nào đó mà lớp bao bên ngoài bị nứt, rách hoặc phình to, nhân nhầy sẽ thoát ra ngoài. Chúng gây chèn ép rễ dây thần kinh. Tùy vào mức độ chèn ép mà tình trạng đau có thể nhiều hoặc ít. Bất kỳ vị trí nào trong cột sống cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm. Trong đó, phần đĩa đệm ở đốt sống cổ và thắt lưng dễ bị thoát vị nhất.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, cơn đau sẽ tái phát nhiều đợt. Mỗi đợt từ kéo dài từ 1 – 2 tuần. Mức độ đau sẽ nặng hơn vào thời điểm từ nửa đêm về sáng hoặc khi người bệnh cúi người, hắt hơi. Cơn đau lan từ vai gáy xuống cánh tay có thể kèm theo hiện tượng tê cóng, châm chích và mất cảm giác tạm thời.
Thoái hóa đốt cột sống
Thoái hóa cột sống còn được hiểu là tình trạng viêm cột sống. Nó là tổng hợp của nhiều tình trạng tổn thương. Trong đó có thoát vị đĩa đệm và gai cột sống. Bệnh khiến rễ dây thần kinh bị chèn ép và mòn xương. Bên cạnh đó, nó còn gây biến dạng cột sống và rối loạn tiền đình.
Cột sống có thể bị thoái hóa ở bất kỳ vị trí nào. Thường gặp nhất là ở đốt sống cổ và thắt lưng. Tình trạng thoái hóa đốt sống cổ sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến bả vai, hai tay hoặc não. Còn ở thắt lưng thì ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa ở hai chân.
Nhìn chung, biểu hiện của bệnh thoái hóa đốt sống cổ khá dễ nhận biết. Cơn đau ở vai gáy sẽ xuất hiện âm ỉ nhiều ngày và lan ra hai cánh tay. Nó khiến người bệnh ăn không ngon, ngủ không yên và mất tập trung. Những triệu chứng này kéo dài nhiều ngày sẽ gây sụt cân, mệt mỏi và dễ bị căng thẳng khi làm việc.
Trường hợp người bệnh cử động khó khăn hoặc bị cứng gáy thì đó là những dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng. Bởi lúc này đường cong sinh lý của cột sống đã bị biến dạng. Kèm với đó còn có thể xuất hiện thêm tình trạng chóng mặt, hoa mắt, ù tai, nấc cụt hoặc ngáp liên tục.
Hẹp ống sống
Ống sống bao quanh xương cột sống và có cấu trúc hình ống. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ tủy và rễ dây thần kinh. Khi ống sống bị thu hẹp, rễ dây thần kinh và tủy sống sẽ bị chèn ép. Điều này dẫn đến những cơn đau nhức. Tình trạng đau thường xuất hiện ở vai rồi lan ra tay hoặc ở thắt lưng và lan xuống hai chân.
Hẹp ống sống không những gây đau nhức vai gáy và cánh tay mà còn khiến máu lưu thông đến những vị trí này bị hạn chế. Thiếu máu nuôi dưỡng, các cơ dần bị yếu đi và xuất hiện tình trạng tê bì hoặc thường xuyên bị chuột rút. Ngoài ra, trường hợp nặng có thể khiến người bệnh mất thăng bằng khi di chuyển hoặc mất kiểm soát khi tiểu tiện.
Loãng xương
Loãng xương cũng là một trong những bệnh lý về xương khớp gây đau ở vai gáy và cánh tay. Xương bị mất dần canxi sẽ trở nên yếu và dễ gãy. Đồng thời, người bệnh sẽ bị nhức mỏi ở các đầu khớp hoặc có cảm giác như kim chích. Đối với những vị trí chịu nhiều áp lực như thắt lưng hoặc vai gáy, tình trạng đau sẽ nhiều hơn. Cơn đau âm ỉ và kéo dài rất lâu nhưng khi nghỉ ngơi sẽ thuyên giảm.
Ngoài ra, với những người bước vào độ tuổi trung niên thì loãng xương rất thường đi kèm với một số bệnh lý về tuần hoàn máu. Thường gặp nhất là bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp và tiểu đường.
Một số bệnh lý khác
Ngoài các bệnh lý về xương khớp gây đau vai gáy lan xuống cánh tay như đã trình bày, tình trạng này còn có thể do bệnh lý ở não. Bệnh thường biến rất nhanh và gây nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, rất ít trường hợp mắc phải nguyên nhân này. Bệnh lý ở não gây đau nhức vai và cánh tay là bệnh nang màng nhện (một dạng nang nước trong não hoặc tủy sống chứa dịch não tủy) và xuất huyết dưới màng nhện. Bệnh khiến rễ dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép.
Bên cạnh đó, tình trạng cánh tay và vai gáy bị đau còn có thể do nhiễm lạnh. Cụ thể là những người thường xuyên ngồi trước máy điều hòa để nhiệt độ quá thấp; tắm gội vào tối muộn hoặc ướt mưa. Khi bị nhiễm lạnh, máu huyết lưu thông rất kém. Tình trạng này cộng hưởng với một số nguyên nhân cơ học khác và gây đau ở vai gáy. Cơn đau lan theo dây thần kinh truyền xuống cánh tay khiến người bệnh mệt mỏi và lười vận động.
Cách chữa đau vai gáy lan xuống cánh tay do bệnh lý
Các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến phương pháp điều trị bệnh lý gây đau vai gáy và cánh tay là: mức độ diễn biến của bệnh và sức khỏe người bị đau. Để đánh giá được chính xác hai yếu tố này, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
Về tổng thể, có 2 phương pháp điều trị chính: nội khoa và phẫu thuật.
Đặc điểm của điều trị nội khoa
Nhắc đến điều trị nội khoa, người ta nghĩ ngay đến dùng thuốc. Thuốc Tây y gồm các nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ, phong bế dẫn truyền thần kinh và nhóm thuốc cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ – xương. Còn thuốc Đông y thì sử dụng những loại có tính kháng viêm, tăng lưu thông máu và mạnh gân cốt.
Nếu bạn vẫn nghĩ điều trị nội khoa chỉ có dùng thuốc thì chưa đủ. Vật lý trị liệu và tiêm thuốc qua tĩnh mạch cũng thuộc nhóm điều trị này. Trong đó, vật lý trị liệu gồm: xoa bóp; châm cứu; bấm huyệt; thực hiện các bài tập; dùng nhiệt, điện hoặc sóng siêu âm, sóng cao tần; dùng tia hồng ngoại hoặc tia laser; kéo giãn cột sống…
Với các trường hợp đau do bệnh về xương khớp, điều trị nội khoa là ưu tiên hàng đầu cho những trường hợp nhẹ đến trung bình. Tác động của phương pháp này là làm chậm lại quá trình phát triển của bệnh và kích thích cơ thể tự sửa chữa hoặc làm lành những thương tổn. Nó không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh hoặc chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Xem thêm: Đau mỏi vai gáy tê bì chân tay và cách điều trị hiệu quả
Phẫu thuật không hẳn là giải pháp tối ưu nhất
Đối với những trường hợp bị đau do khối u trong não thì phẫu thuật là phương pháp ưu tiên hàng đầu để chữa bệnh. Tuy nhiên, với nguyên nhân từ bệnh xương khớp thì đây không phải là lựa chọn tối ưu nhất trừ khi bệnh quá nặng. Nguyên nhân là chưa có một giải pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh về xương khớp. Bên cạnh đó, vị trí phẫu thuật tập trung rất nhiều dây thần kinh nên rất dễ xảy ra biến chứng.
Dù thế, trong các trường hợp bị biến đổi cấu trúc cột sống (cong vẹo cột sống hoặc trượt đốt sống cổ, dính khớp…), đe dọa ảnh hưởng đến não hoặc có nguy cơ bại liệt sẽ phải cần đến phẫu thuật. Các dây thần kinh bị chèn ép sẽ được giải phóng. Đồng thời, các bác sĩ có thể dùng đến đĩa đệm nhân tạo hoặc một số kỹ thuật khác để ổn định cấu trúc cột sống. Nhờ vậy, tình trạng đau sẽ được cải thiện và ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Những lưu ý khi điều trị cơn đau lan từ vai gáy xuống cánh tay
Khi bị đau vai gáy lan xuống cánh tay, dù là nguyên nhân cơ học hay bệnh lý, bạn cần phải lưu ý thêm những điều dưới đây để cải thiện tình trạng này:
-
Tư thế khi làm việc
Đối với nhân viên văn phòng cần giữ cho vai, cột sống và cổ thẳng tự nhiên. Không chồm ra trước hoặc ngả ra sau quá lâu. Bên cạnh đó, nếu phải thường xuyên ngồi một chỗ thì bạn nên đi tới lui hoặc vận động nhẹ nhàng sau khoảng 1 tiếng đồng hồ làm việc.
Còn với người lao động nặng thì cần chú ý tư thế mang vác cho đúng. Nên ngồi xuống, dùng lực ở mông và đùi để nâng các vật nặng. Đồng thời, bạn cũng nên nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút để thư giãn cơ sau 1 – 2 tiếng làm việc liên tục.
-
Sinh hoạt khoa học
Khi ngồi xem phim, bạn cần dùng một cái gối để tựa lưng và ngả về phía sau, tránh mỏi vai gáy. Hoặc bạn nên dựa vào thành ghế để cột sống được thư giãn. Bên cạnh đó, khi ngủ, bạn đừng kê gối quá 10cm. Gối và nệm nằm đừng quá cứng nhưng cũng không nên quá mềm. Đồng thời, bạn có thể dùng đến gối ôm để có được tư thế ngủ thoải mái nhất và nhớ là đừng co quắp người suốt đêm.
Bạn có thể thực hiện các bài tập thích hợp để cải thiện tình trạng đau. Tuy nhiên, hãy hỏi bác sĩ trước khi thực hiện. Đặc biệt là trong trường hợp nguyên nhân gây đau do thoát vị đĩa đệm. Nếu tập không đúng cách, nhân nhầy đĩa đệm sẽ chèn ép rễ thần kinh nhiều hơn và khiến bệnh thêm trầm trọng.
-
Chế độ dinh dưỡng
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý tới chế độ dinh dưỡng của bản thân. Khi mắc bệnh, cơ thể thường thiếu một số loại vitamin và khoáng chất nhất định. Do đó, ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, bạn nên bổ sung thêm các thành phần này.
Với những bệnh lý liên quan đến não, bạn cần ưu tiên các thực phẩm giàu sắt. Tiêu biểu là thịt đỏ, các loại hạt, quả óc chó, củ cải đường, lựu, cà chua, lòng đỏ trứng gà, cải bó xôi, đậu phụ…
Còn đối với nguyên nhân từ các bệnh xương khớp, bạn sẽ bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi, vitamin B, D và C. Trong đó, thực phẩm giàu canxi là cá mòi, đậu trắng, các loại rau có màu xanh đậm, phô mai và sữa chua. Vitamin B thì có nhiều trong thịt gà, cá hồi, súp lơ và nấm…. Các thực phẩm giàu vitamin D là trứng cá, sò và chế phẩm từ đậu nành…. Còn vitamin C thì có trong các loại trái cây họ nhà cam, ổi, sơ ri, bông cải xanh…
Xem thêm: Đau vai gáy nên ăn gì và kiêng gì? Lời khuyên từ bác sĩ
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!