Phương Pháp Điều Trị Thoát Vị Đĩa Đệm Bằng Sóng Cao Tần
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là một trong những phương pháp bảo tồn đĩa đệm. Đây là biện pháp sử dụng sóng radio để tạo áp lực lên đĩa đệm, giúp kéo nhân nhầy trở lại vị trí vốn có của nó. Đồng thời, kỹ thuật này còn tác động giúp nhân nhầy tiết dịch nhầy, tăng cường khả năng bình phục.
Điều trị thoát vị địa đệm bằng sóng cao tần là gì?
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần (Radio Frequency Ablation) là biện pháp làm nhỏ hoặc loại bỏ mô bằng nhiệt. Dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số 200 – 1.200MHz, nguồn nhiệt 40 – 70 độ C sẽ được truyền từ máy vào các mô ở đĩa đệm qua một điện cực dạng kim. Khi đó, dòng sóng âm được truyền vào đầu kim sẽ sinh ra nhiệt, làm khô các nhân nhầy và các mô xung quanh dẫn đến tình trạng mất nước và làm hoại tử phần nhân nhầy cần hủy. Lúc này, nhân nhầy đĩa đệm sẽ được thu nhỏ và không còn chèn ép dây thần kinh, giúp giảm đau nhức và tê bì.
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là phương pháp xâm lấn tối thiểu. Do đó, tỷ lệ tổn thương xảy ra trong quá trình thực hiện thường thấp hơn so với các biện pháp phẫu thuật khác. Trong những năm gần đây, biện pháp này đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm của Mỹ đồng ý cho áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
Chỉ định/ Chống chỉ định dùng sóng cao tần chữa thoát vị đĩa đệm
Dùng sóng cao tần điều trị thoát vị đĩa đệm thường chỉ định ở những đối tượng như:
- Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ với các biểu hiện như đau nhức ở cổ. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác tê bì ở cổ và sau đó lan ra vai và tay.
- Người bệnh thoát vị đĩa đệm cổ và thắt lưng đã điều trị nội khoa ít nhất 6 tuần nhưng không thuyên giảm
- Bệnh nhân bị thoái hóa đĩa đệm độ II và III với điều kiện chưa rách bao xơ
- Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng với triệu chứng đau lưng và tê bì chân
Chống chỉ định dùng sóng cao tần điều trị thoát vị đĩa đệm ở những trường hợp sau:
- Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn IV và V
- Thoát vị đĩa đệm đã vỡ và bị rách bao xơ
- Nhân nhầy vượt qua 1/3 đường kinh trước và sau của ống sống
- Người bệnh bị chấn thương cột sống với biểu hiện cột sống mất vững
- Thoát vị kèm theo các bệnh lý khác như ung thư cột sống, dị dạng cột sống, hẹp ống sống cổ có hội chứng tủy cổ, u tủy, viêm tủy hoặc thoát vị kèm chồi xương chèn ép,…
Quy trình điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần
Kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Bệnh nhân thăm khám và chuẩn bị trước khi can thiệp
Bệnh nhân cần thăm khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí thoát vị đĩa đệm. Kỹ thuật chẩn đoán bệnh có thể kể đến như chụp cộng hưởng từ MRI, chụp X – quang, chụp cắt lớp CT,… Sau khi có kết quả và được bác sĩ chỉ định điều trị bằng sóng cao tần. Trước khi can thiệp phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ giải thích cho người bệnh nắm rõ về những rủi ro có thể xảy ra trước, trong và sau khi điều trị. Bên cạnh đó, bệnh nhân vệ sinh toàn thân và khu vực can thiệp.
Bướ 2: Nhân viên y tế chuẩn bị dụng cụ can thiệp
Chuẩn bị dụng cụ với các thiết bị như máy tạo sóng cao tần, máy chụp X-quang và kim đốt – đầu que đốt. Tất cả các dụng cụ và thiết bị phục vụ quá trình điều trị đều đã được tiệt trùng theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Bước 3: Tiến hành thực hiện
Điều trị thoát vị đĩa đệm cổ
- Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm với tư thế nằm ngửa. Trong khi đó, nhân viên y tế sẽ sử dụng một chiếc gối nhỏ kê dưới vai bệnh nhân để cổ ở trong tư thế ưỡn. Nếu cần, bác sĩ sẽ kéo vai kiểm tra mức C6 C7 và T1
- Tiếp đến, vô khuẩn vùng cổ bằng cồn iod và gây tê tại chỗ với Lidocain
- Sau đó, dưới sự hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng, bác sĩ sẽ chọc kim qua da vào sâu bên trong trung tâm nhân đệm. Vị trí kim chọc sẽ được xác định trên bình diện nghiêng và bình diện trước
- Tiếp theo, kiểm tra C-arm ở 2 bình diện
- Tiến hành đốt ở các vị trí như đường trước, đường giữa và đường sau trên bình diện nghiêng. Dùng sóng cao tần đốt. Mỗi bị trí đốt khoảng 6 giây
- Rút kim ra, băng lại vết chọc và nằm nghỉ ngơi
- Bệnh nhân sẽ được đeo Collar cứng trong vòng 2 tuần sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm cổ bằng sóng cao tần
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
- Người bệnh nằm ở tư tế nghiêng sấp
- Dựa vào màn huỳnh quang, quan sát cột sống và đĩa đệm của bệnh nhân ở hai tự thế là tư thế bên và sau
- Dùng kim thăm dò để xác định vị trí chọc kim vào đĩa đệm
- Gây tê tại chỗ (gây tê ngoài da và sâu trong mô mềm)
- Dùng kim 17G dẫn đường vào đĩa đệm. Đường vào của kim nên đặt ở chỗ tiếp giáp giữa bao xơ và nhân nhầy. Khi đó, ở tư thế trước và sau, đầu kim thăm sẽ nằm ở giữa đường bao quanh hai cuống
- Tiếp đó, bơm thuốc cản quang vào nhân nhầy để kiểm tra bao xơ có còn nguyên vẹn
- Tiếp đó, dùng kim tái tạo nối với máy phát sóng cao tần đâm vào bao xơ với độ sâu nhất định và tiến hành giải phóng năng lượng, giúp đốt nhân nhầy
- Cuối cùng, rút kim ra và băng lại vết chọc
Ưu và nhược điểm điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần có những ưu và nhược điểm sau đây:
Ưu điểm:
- Thời gian thực hiện điều trị ngắn hơn các phương pháp phẫu thuật khác. Một ca phẫu thuật chỉ mất khoảng 20 phút
- Ít gây đau và ít làm tổn thương cột sống hơn các biện pháp chữa trị khác. Đặc biệt, di chứng sau phẫu thuật thường rất thấp
- Thời gian phục hồi bệnh khá nhanh. Bệnh nhân có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt hàng ngày sau 24 giờ can thiệp
- Tỷ lệ thành công của phương pháp này cao khoảng 80 – 90%
Nhược điểm:
- Biện pháp chỉ được chỉ định điều trị ở những bệnh nhân mắc bệnh thoát vị đĩa đệm ở mức độ nhẹ và không gặp bất kỳ các bệnh lý cột sống nào. Do đó, không phải đối tượng nào cũng có thể áp dụng được phương pháp điều trị này
- Hiệu quả điều trị bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như cơ địa, mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của mỗi người
- Chi phí đắt (30 triệu/1 lần điều trị)
Điều trị bằng sóng cao tần có thay thế phẫu thuật được không?
Theo các chuyên gia khoa xương khớp, chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là một trong những biện pháp điều trị nội khoa. Do đó, biện pháp này không thể thay thế phẫu thuật. Bên cạnh đó, chỉ định chữa trị bằng phương pháp này thường rất hẹp. Chúng chỉ được áp dụng ở những đối tượng bệnh nhẹ, bệnh mới xuất hiện và không có bất kỳ bệnh lý cột sống nào kèm theo.
Vì vậy, đối với bệnh nhân đã được xác định mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, trước khi chỉ định điều trị bằng sóng cao tần, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thăm khám kỹ. Mục đích của hành động này nhằm giúp nhân viên y tế chẩn đoán chính xác người bệnh có mắc phải bệnh lý cột sống nào ngoài thoát vị. Trong trường hợp thoát vị đã hình thành lâu cộng với việc bệnh nhân mắc bệnh cột sống khác và điều trị nội khoa không đáp ứng, phẫu thuật chính là giải pháp tối ưu, bệnh nhân cần thực hiện càng sớm càng tốt nhằm tránh biến chứng về sau.
Lưu ý khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần
Sau khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần, người bệnh nên chú ý những điều sau:
- Trong quá trình áp dụng sóng cao tần điều trị thoát vị đĩa đệm, để tránh ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, bệnh nhân không nên hút thuốc lá, uống rượu, bia hoặc dùng các chất gây nghiện, chất kích thích khác
- Tránh căng thẳng hoặc stress
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi
- Không mang vác vật nặng sau khi điều trị bằng sóng cao tần
- Nên tránh tập luyện thể dục thể thao với các bài tập có cường độ nặng. Tốt nhất nên thực hiện các bộ môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội hoặc đi bộ
- Hạn chế đi xe với đường dằn xóc
- Nên chú ý tư thế ngồi và đi đứng để tránh ảnh hưởng cột sống
- Có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, hạn chế ăn chất béo no nhằm mục đích giảm cân để giảm áp lực lên cột sống và cơ thể
- Tái khám sau khi điều trị để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra hướng xử lý hợp lý
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần giúp mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị. Tuy nhiên, biện pháp cũng tiềm ẩn những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe. Do đó, bạn nên thăm khám và điều trị khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
→ Có thể bạn quan tâm: Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng Laser có hiệu quả không?
Ngày Cập nhật 07/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!