Điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học – Ưu và nhược điểm
Điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học là một bước tiến quan trọng trong y học hiện đại. Hoạt động của loại thuốc dựa trên cơ chế của hệ miễn dịch. Thuốc cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh nhưng thường đi kèm nhiều tác dụng phụ.
Thuốc sinh học trị vảy nến là gì?
Bệnh vảy nến có bản chất là sự tăng sinh quá mức các tế bào sừng và rối loạn phản ứng viêm. Bệnh liên quan mật thiết với hệ miễn dịch và vai trò của tế bào T. Tế bào T hay còn gọi là tế bào lympho. Nó thuộc một phân lớp của bạch cầu. Đây là tế bào đóng vai trò trung tâm trong hệ miễn dịch tế bào.
Sự rối loạn hoạt động của tế bào T kết hợp cùng các yếu tố kích hoạt khác sẽ gây bệnh vảy nến. Các yếu tố này gồm: virus, vi khuẩn, nấm, tác dụng phụ một số loại thuốc; đặc điểm của gen và hoạt động của các cytokine (là các protein làm nhiệm vụ điều hòa hoạt động của tế bào).
Thuốc sinh học (biological drugs) điều trị vảy nến là loại thuốc được điều chế từ protein. Nói cách khác, nó được tạo ra từ cơ thể sống. Thuốc tác động đến hoạt động của hệ miễn dịch và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Cụ thể, đa số các loại thuốc này đều tập trung hướng tác động đến tế bào T.
Những trường hợp bị vảy nến có thể dùng thuốc sinh học chữa trị
Sự ra đời của thuốc sinh học được xem là một bước tiến mới trong điều trị bệnh vảy nến nói riêng và các bệnh liên quan đến hoạt động của hệ miễn dịch nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp dùng loại thuốc điều trị mới này. Cụ thể, nó chỉ được sử dụng cho các trường hợp sau:
- Mức độ bệnh từ trung bình đến nặng. Cụ thể, trường hợp được xác định bệnh ở mức độ trung bình khi vùng da bị vảy nến chiếm từ 3 – 10% cơ thể. Nếu tỷ lệ này quá 10% thì được xếp vào trường hợp nặng;
- Tuyệt đối không dùng thuốc sinh học cho người từng bị ung thư, người bị nhiễm trùng do bệnh lao và người bị suy yếu hệ miễn dịch do bệnh HIV;
- Chống chỉ định thuốc sinh học cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú;
- Thận trọng khi dùng cho đối tượng là trẻ em.
Các loại thuốc sinh học chữa bệnh vảy nến
Có khá nhiều loại thuốc sinh học được nghiên cứu điều trị bệnh vảy nến. Mỗi loại thuốc tương ứng với một số trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, chi phí, thời gian điều trị và hiệu quả của từng loại thuốc cũng khác nhau.
Thuốc sinh học Alefacept
Alefacept là thuốc sinh học chữa vảy nến đầu tiên được Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận vào năm 2003. Thuốc mang lại hiệu quả điều trị kéo dài và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, người bệnh cần phải được kiểm tra CD4 trước khi dùng thuốc. Mục đích là đánh giá hoạt động của hệ miễn dịch. Thêm vào đó, trong quá trình điều trị, cách 2 tuần sẽ kiểm tra CD4 1 lần.
Alefacept là một loại protein liên kết đôi. Tác dụng điều trị bệnh vảy nến của thuốc Alefacept dựa trên cơ chế ngăn cản sự hoạt hóa của tế bào T. Đồng thời, thuốc còn làm giảm số lượng tế bào này bằng cách gây ra quá trình thực bào.
Phác đồ điều trị bệnh vảy nến dùng thuốc sinh học Alefacept kéo dài 12 tuần. Kết thúc liệu trình điều trị thứ nhất, nếu bệnh tình có dấu hiệu chuyển biến tích cực, người bệnh có thể thực hiện liệu trình thứ hai. Tuy nhiên, trước khi điều trị, họ phải được xét nghiệm CD4. Đồng thời, thời gian bắt đầu liệu trình tiếp theo phải cách liệu trình trước đó ít nhất 12 tuần.
Thuốc sinh học Efalizumab
Loại thuốc này được FDA chứng nhận vào năm 2003. Efalizumab là tên hoạt chất chính yếu trong thuốc. Nó thuộc nhóm kháng sinh dùng để tiêm. Cơ chế hoạt động của thuốc dựa trên sự tăng cường hiện diện tế bào T ở những vị trí bị viêm nhiễm. Efalizumab không được kết hợp với các nhóm thuốc kháng TNF alpha.
Thuốc được bán theo đơn và thường được chỉ định tiêm tại cơ sở y tế. Liều lượng dùng được khuyến cáo là mỗi tuần 1 lần. Chưa có ghi nhận về tính an toàn của loại thuốc sinh học này khi dùng kéo dài hơn 1 năm. Người bị viêm khớp vảy nến không nên dùng Efalizumab vì hiệu quả của nó không cao như các loại thuốc sinh học khác.
Trước khi dùng Efalizumab để điều trị vảy nến, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm tiểu cầu. Mục đích là hạn chế thấp nhất những tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình dùng thuốc, kỹ thuật xét nghiệm này vẫn tiếp tục thực hiện 3 tháng/1 lần.
Thuốc sinh học Etanercept
Etanercept là thuốc sinh học dùng điều trị viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp và viêm khớp dạng thấp. Etanercept có cấu trúc như một protein liên kết đôi. Bản chất của nó là một Receptor TNF hòa tan. Đây là thành phần liên quan đến phản ứng gây viêm của da.
Thuốc được khuyến khích dùng cho bệnh vảy nến thể mảng. Liều dùng mỗi tuần 2 lần. Mỗi lần 50mg. Liệu trình 1 lần điều trị là 12 tuần. Thuốc được đóng gói thành 2 dạng: 50mg với 1 bơm tiêm bằng nhựa và 25mg không có bơm tiêm (dành cho liều nhắc lại). Cách đóng gói này giúp người bệnh linh hoạt thay thế liều để đạt hiệu quả điều trị như mong muốn.
Thuốc sinh học Infliximab
Infliximab là kháng thể đơn dòng IgG1. Đây là loại kháng thể chiếm đến 80% tổng số lượng kháng thể trong toàn hệ miễn dịch. Trước đây, loại thuốc sinh học này chỉ được dùng cho bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp. Nó không được dùng cho viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, hiện nay nó được Liên minh Châu Âu phê chuẩn dùng cho cả bệnh lý này.
Hiệu quả điều trị bệnh có thể thấy được sau 2 – 4 giờ dùng thuốc. Liều dùng tùy vào cân nặng. Có 2 mức phổ biến: 3mg/kg hoặc 5mg/kg. Liệu trình điều trị của thuốc sinh học Infliximab được tiến hành trong 3 lần tiêm. Trong đó, lần thứ hai cách lần đầu 2 tuần và lần cuối cùng cách lần đầu 6 tuần. Kết thúc liệu trình này, bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm gián đoạn 2 tháng/1 lần.
Ưu và nhược điểm điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học
Ưu điểm thuốc sinh học chữa bệnh vảy nến
- Hiệu quả điều trị cao hơn hẳn so với các loại thuốc chữa bệnh thông thường;
- Tác động nhanh;
- Dùng cho các trường hợp bệnh từ trung bình đến nặng.
Nhược điểm của thuốc sinh học trong điều trị vảy nến
- Chi phí cao;
- Liệu trình điều trị kéo dài;
- Người bệnh phải tuyệt đối tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ;
- Không chữa tận gốc bệnh;
- Dễ gây tác dụng phụ.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học là:
- Đau đầu;
- Mệt mỏi;
- Sốt và lạnh run người;
- Ho;
- Thiếu máu và giảm bạch cầu;
- Suy gan và suy tim;
- Vùng da bị tiêm thuốc sưng đỏ và khó chịu;
- Tăng nguy cơ bội nhiễm và có thể gây bùng phát bệnh trong quá trình điều trị.
Ngày Cập nhật 31/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!