Hỗ trợ điều trị vảy nến bằng UVB và những thông tin cần biết
Điều trị vảy nến bằng UVB là liệu pháp quang học giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh bằng cách giảm viêm và làm chậm quá trình tăng sản xuất tế bào da. Tuy nhiên, việc điều trị đòi hỏi lặp đi lặp lại trong thời gian dài, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da. Do đó, trước khi áp dụng liệu pháp điều trị này, bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa.
Thông tin cần thiết về bệnh vảy nến
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, theo một số báo cáo nghiên cứu khoa học cho biết, căn bệnh ngoài da này có liên quan một phần đến gen di truyền và yếu tố rối loạn miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân làm tế bào da tăng sinh nhanh là do sự tác động của yếu tố môi trường.
Bệnh vẩy nến thường xuất hiện với triệu chứng ngứa ngáy trên da. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo các biểu hiện khác như bong tróc da, xuất hiện lớp vảy, vết nứt gây đau và chảy máu trên da. Triệu chứng bệnh hình thành không chỉ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thông thường, để điều trị bệnh vảy nến, các chuyên gia y tế cần phải cân nhắc về thể bệnh, vị trí, độ tuổi cũng như diện tích da bị bệnh. Dựa vào các yếu tố này, họ sẽ đưa ra biện pháp hoặc thuốc chữa trị phù hợp với từng đối tượng bệnh. Cụ thể, đối với trường hợp bệnh tổn thương da dưới 5% diện tích da cơ thể, bệnh nhân có thể điều trị tại cơ sở y tế bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chữa trị tại nhà bằng cách chăm sóc da tốt và dùng thuốc theo đơn kê.
Tuy nhiên, ở những đối tượng có diện tích tổn thương lớn, bệnh nhân cần chữa trị dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Lúc này, ngoài dùng kem bôi ngoài da và thuốc dùng đường uống, liệu pháp ánh sáng UVB thường được bác sĩ xem xét và chỉ định bệnh nhân sử dụng. Bởi phương pháp này giúp kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da. Đồng thời giúp kéo dài thời gian ổn định bệnh.
Điều trị vảy nến bằng UVB là gì?
Điều trị vảy nến bằng UVB hay còn gọi là tia cực tím bước sóng trung bình hoặc bức xạ cực tím gây bỏng da là liệu pháp trị liệu quang học sử dụng tia tử ngoại UVB có bước sóng ánh sáng nằm trong khoảng 290 – 320 nanomet chiếu trực tiếp lên vùng da bị tổn thương do vảy nến. Từ đó giúp kiểm soát triệu chứng và ổn định bệnh lâu dài.
Điều trị vảy nến bằng UVB thường chỉ định ở trường hợp bệnh nhân mắc bệnh vảy nến ở mức độ từ trung bình đến nặng. Mặc dù không giúp chữa trị dứt điểm bệnh nhưng theo một số nghiên cứu, phương pháp trị liệu này giúp ổn định bệnh lâu dài hơn so với các biện pháp quang trị liệu ánh sáng UV hoặc UVA dải rộng.
Điều trị vảy nến bằng UVB có mấy loại?
Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết, UVB có hai loại, bao gồm:
- UVB dải hẹp: Là liệu pháp điều trị ánh sáng phổ biến nhất, có giới hạn bước sóng trong chữa trị vảy nến là 311 – 313 nanomet.
- UVB dải rộng: Là hình thức trị liệu vảy nến bằng ánh sáng lâu đời nhất. UVB dải rộng sử dụng bước sóng rộng hơn trị liệu UVB dải hẹp
Liệu pháp trị liệu UVB dải hẹp thường được chỉ định dùng phổ biến hơn UVB dải rộng. Bởi UVB dải hẹp rẻ hơn, đồng thời mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, chữa trị bằng UVB dải hẹp toàn thân hoạt động trên cơ chế hạn chế phổ ánh sáng nên giúp giảm thiểu nguy cơ về tác dụng phụ.
Do đó, có thể áp dụng chữa bệnh vảy nến bằng UVB dải hẹp ở tất cả mọi đối tương, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Hơn nữa, sau khi điều trị bằng liệu pháp quang học này, bệnh nhân không cần phải bảo vệ mắt. Đồng thời, điều trị vảy nến bằng UVB khả năng gây ung thư da thấp hơn so với chữa vảy nến bằng UVA (PUVA).
Liều lượng ánh sáng điều trị vảy nến bằng UVB
Điều trị bệnh vảy nến bằng UVB thường được chỉ định 3 – 5 lần trong tuần. Thời gian chữa trị có thể kéo dài từ 4 tuần đến 3 tháng. Tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của da cũng như diện tích tổn thương trên da mà liều lượng ánh sáng và thời gian chữa trị bệnh ở mỗi người không giống nhau. Cụ thể:
- Liều dùng UVB hay bức xạ cực tím gây bỏng da điều trị bệnh vẩy nến với liều gây đỏ da tối thiểu ở từng đối tượng bệnh: 20 – 60 mJ/cm2, với cường độ UVB giảm ở vĩ tuyến 0 – 90 độ Nam và Bắc. Đối với người bệnh có làn da sáng: Liều đỏ da tối thiểu ở mỗi vùng da sẽ khác nhau. Chẳng hạn như khoảng 10 phút ở vùng xích đạo, 10 – 45 phút ở vùng ôn đới hoặc 15 – 20 phút ở vĩ độc 25 – 30 độ Bắc và Nam.
Thông thường, để cho da quen dần với bức xạ, liều ban đầu (liều khởi phát) thường được nhân viên y tế xác định dựa trên loại da của bệnh nhân. Sau khi da thích ứng với các bước sóng khác nhau, họ sẽ tăng dần liều lượng ánh sáng lên.
Liều điều trị vảy nến bằng UVB dải hẹp
Dưới đây là thông tin về liều điều trị vảy nến UVB dải hẹp (Narrow-band ultraviolet B light):
- Liều đỏ da tối thiểu của UVB dải hẹp (MED): Liều đỏ da phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm ánh sáng ở từng đối tượng
- Điều trị bệnh vảy nến typ I đến II: Sử dùng liều khởi đầu bằng 50% liều đỏ da đo ban đầu (MED). Sau đó tăng liều lên 20% so với liều khởi đầu trong 4 lần chữa trị tiếp theo
- Chữa vảy nến typ III đến IV: Liều khởi đầu bằng 60% liều đỏ da ban đầu. Trong 4 lần điều trị tiếp theo tăng liều lên 20% so với liều chữa trị khởi đầu
Liều điều trị vảy nến bằng UVB dải hẹp ở mỗi thể thường khác nhau. Tuy nhiên, sau 5 lần điều trị, nhân viên y tế sẽ tăng đều liều lên từ 5 – 15%.
Lưu ý: Điều trị vảy nến bằng UVB hay UVB dải hẹp cần được thực hiện bởi chuyên gia da liễu có trình độ chuyên môn về liệu pháp ánh sáng.
Điều trị vảy nến bằng UVB có hiệu quả không?
Liệu pháp chữa trị bằng UVB dải hẹp có tác dụng làm sạch và cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến. Theo các chuyên gia tư vấn da liễu, điều trị vảy nến bằng UVB có hiệu quả không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các bệnh viện da liễu trong nước cho hay, có khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng khi áp dụng biện pháp chữa trị này. Ngoài ra, theo Viện chất lượng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe (Institute for Quality and Efficiency in Health CareTrusted Source) cho biết, có khoảng 50 – 90% người bệnh sử dụng liệu pháp ánh sáng UVB điều trị bệnh vảy nến cho kết quả cải thiện rõ rệt, giảm hoàn toàn triệu chứng bệnh.
Thông thường, hiệu quả duy trì của bệnh có thể kéo dài vài năm nếu bệnh nhân biết cách chăm sóc tốt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, để bệnh ổn định trong thời gian dài, người bệnh cần kết hợp thêm các điều trị bằng thuốc. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên thay đổi lối sống và sinh hoạt hàng ngày.
Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị vảy nến bằng UVB
Liệu pháp ánh sáng tia cực tím bước sóng trung bình (UVB) có thể gây một vài tác dụng phụ khác nhau. Cụ thể, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng khô hoặc ngứa trên da sau điều trị. Vì vậy, ngay sau khi trị liệu, bệnh nhân nên làm ẩm da bằng các sản phẩm chăm sóc da có chứa lipid, chất làm ẩm.
Bên cạnh đó, trị liệu bằng UVB có thể gây gây phản ứng da giống như cháy nắng. Ở một số ít trường hợp, bức xạ làm tăng nhạy cảm ánh sáng có thể gây bỏng rộp hoặc hình thành một vài vết loét trên da. Do đó, để giảm thiểu các tác dụng phụ này, người bệnh nên sử dụng kem chống nắng trước khi điều trị.
Ngoài các tác dụng phụ nêu trên, liệu pháp chữa trị này cũng có thể gây nổi các mảng đỏ trên da. Nhưng, tình trạng này thường biến mất sau đó vài ngày. Tuy nhiên, để hạn chế tác dụng phụ đến mức thấp nhất có thể, sau khi điều trị vảy nến bằng UVB, người bệnh nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trước và sau khi chữa trị. Tốt nhất nên sử dụng kem chống nắng, mặt quần áo dài tay hoặc dùng kính râm khi ra ngoài trời.
Liệu pháp điều trị vảy nến bằng UVB có làm tăng nguy cơ ung thư da?
Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về nguy cơ ung thư da do sử dụng bức xạ UVB. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu cho biết, liệu pháp quang học UVB có thể liên quan đến bệnh ung thư da nhưng nguy cơ mắc bệnh thường thấp hơn biện pháp UVA có sử dụng viên nén Psoralen. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư da, bệnh nhân chỉ nên điều trị bệnh dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Những đối tượng có nguy cơ ung thư da cao khi điều trị vảy nến bằng UVB?
Các trường hợp có nguy cơ mắc ung thư da cao khi điều trị bệnh vảy nến bằng UVB:
- Người sử dụng biện pháp chữa bệnh bằng UVB với liều lượng phóng xạ cao
- Bệnh nhân điều trị bệnh với số lần và tần suất thực hiện càng cao, nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn
- Người bệnh có tiền sử mắc bệnh ung thư da
- Bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc ức chế miễn dịch như ciclosporin, azathioprine hoặc methotrexate
Ngoài những đối tượng nêu trên, người có làn da trắng thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn những đối tượng khác.
Điều trị vảy nến bằng UVB giúp mang lại kết quả điều trị cao. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, bệnh nhân chỉ nên áp dụng trị liệu khi thực sự cần thiết.
→ Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!