Hà Thủ Ô - Tác Dụng Và Cách Dùng Cây Thuốc Chữa Bệnh
Hà thủ ô là một trong những dược liệu quý được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y nhờ công dụng kháng khuẩn, bồi bổi thận, huyết,… Tuy nhiên, khi sử dụng, bạn cũng nên thận trọng. Bởi thảo dược chứa độc tố có thể gây hại đối với sức khỏe.
+ Tên gọi khác: Hà thủ ô đỏ thường gọi với tên là giao đằng hoặc dạ hợp. Hà thủ ô trắng còn gọi khác là hà thủ ô nam, cây đa lông, dây sữa bò, dây mốc, củ vú bò, khau cần cà (Tày), xạ ú pẹ (Dao), mã liên an, chừa ma sìn (Thái),…
+ Tên khoa học: Hà thủ ô đỏ Fallopia multiflora, hà thủ ô trắng Streptocaulon juventas Merr
+ Họ: Hà thủ ô đỏ họ rau răm Polygonaceae, hà thủ ô trắng họ thiên lý Asclepiadaceae
Đặc điểm cây hà thủ ô
Hà thủ ô là cây thân leo, sống lâu năm. Phần thân cây thường mọc quấn xoắn vào nhau. Lá mọc so le với phiến lá hình tim, có đầu nhọn. Cuống lá dài, mép lá nguyên hoặc lượn sóng. Lá cây có chiều dài 5 – 7 cm và rộng từ 3 – 5 cm. Hoa mọc thành chùm, có đường kính nhỏ khoảng 2mm. Hoa thường mọc ở kẽ lá mỏng, cách xa nhau. Quả nhẵn bóng, có 3 góc và không thể tự mở. Rễ cây ban đầu nhỏ khi lớn phồng thành củ.
Hà thủ ô có mấy loại và cách phân biệt
Dược liệu có hai loại chính là hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ. Mỗi loại sẽ chứa các thành phần hóa học và tác dụng dược lý, chữa bệnh khác nhau. Do đó, khi sử dụng, để tránh nhầm lẫn, các bạn có thể phân biệt hai dược liệu này theo các đặc điểm thực vật sau đây:
- Đặc điểm hà thủ ô trắng: Là cây dây leo, có chiều dài trung bình từ 2 – 5 m. Toàn thân cây, bao gồm cả lá và quả phủ một lớp nhựa mủ trắng như sữa bò. Cây có màu hơi đỏ, có nhiều lông. Thông thường, lớp lông này sẽ rụng dần và trở nên nhẵn khi cây trưởng thành và già. Lá cây dây sữa bò có màu xanh đậm, mọc đối xứng nhau. Hoa có màu vàng tía hoặc nâu nhạt, có nhiều lông. Quả hình thoi, có chứa hạt. Rễ phát triển có phần lõi bên trong.
- Đặc điểm của cây hà thủ ô đỏ: Cũng giống như dây sữa bò, giao đằng cũng là cây dạng dây leo, sống lâu năm. Cây có rễ phình to thành củ, có màu đỏ. Củ cứng, có chứa nhiều bột. Lá cây có đầu nhọn, hình tim. Hoa mọc thành cụm, có màu trắng, thường mọc ở nách lá hoặc ở đầu cành.
Phân bố và môi trường sống của cây hà thủ ô
Hà thủ ô là thảo dược mọc hoang tự nhiên, thường tập trung nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Nghệ An, Lai Châu, Sơn La và Lào Cai. Ngoài ra, cây còn được tìm thấy ở các tỉnh thành trên cả nước như Bình Định, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Yên hoặc Cao Bằng, Hòa Bình. Riêng cây dây sữa bò thường phân bố nhiều ở các vùng núi có đát đá khô cứng như Hà Tây, Hà Giang, Tuyên Quang và nhiều tỉnh khác.
Thành phần hóa học của cây hà thủ ô
– Rễ củ hà thủ ô đỏ chứa các thành phần chính như:
- 1,7% Anthraglycosid: Bao gồm Physcion, Chrysophanol, Emodin và Rhein
- 1,1% Protid
- Lecitin
- Rhaponticin: Gồm ponticin và rhapontin
- 26,45g các chất tan trong nước
- 4,5% chất vô cơ
- 45,2% tinh bột
- 3,1% Lipid
Ngoài các chất này ra, khi chưa chế biến dược liệu còn chứa lượng lớn hoạt chất tanin (chiếm 7,68%), 0,8058% dẫn chất Anthraquinon toàn phần và 0,25% dẫn chất Anthraquinon tự do. Còn sau khi chế biến, hàm lượng các chất này giảm dần, cụ thể còn 0,2496% dẫn chất Anthraquinon toàn phần, 3,82% tanin và 0,1127% dẫn chất anthraquinon tự do.
– Rễ củ hà thủ ô trắng chứa các hoạt chất:
- Nhựa trắng
- Tanin Pyrogalic
- Tinh bột
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: Phần sử dụng làm thuốc phổ biến là rễ củ
- Thu hái: Rễ cây có thể thu hái quanh năm. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng rễ tốt, giúp tăng công dụng chữa trị bệnh, nên thu hoạch rễ vào mùa thu khi lá cây đã úa vàng
- Sơ chế: Rễ củ sau khi thu hoạch về đem rửa sạch, thái lát, phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra để giảm bớt nhựa đắng, có thể ngâm nước vo gạo một đêm rồi phơi khô. Để rễ củ cho tác dụng dược lý tốt, trước khi phơi nên đem đồ chín.
- Bảo quản: Sau khi phơi khô cho dược liệu vào bọc ni lông, cột kín miệng và đặt ở nơi không có ánh sáng chiếu trực tiếp. Đồng thời không để tiếp xúc với nước hoặc độ ẩm.
Tính vị và qui kinh của hà thủ ô
- Hà thủ ô trắng: Tính mát, vị đắng. Qui kinh Can và Thận
- Hà thủ ô đỏ: Tính ấm, vị ngọt, đắng và hơi chát. Qui kinh Can và Thận
Tác dụng của hà thủ ô
– Theo Y học cổ truyền
Theo tài liệu ghi chép của Y học cổ truyền cho biết, dược liệu hà thủ ô có công dụng nhuận tràng, bổ can thận, bổ huyết giữ tinh, hòa khí huyết và mạnh gân cốt. Do đó, thảo dược thiên nhiên này thường được sử dụng với các mục đích sau:
- Tăng cường khả năng sinh sản: Thông tin trên Bản Thảo Cương Mục cho biết, dược liệu có tác dụng chữa chứng bất lực ở nam giới. Từ đó giúp tăng khả năng có con ở các cặp vợ chồng hiếm muộn – vô sinh. Sở dĩ dược liệu tự nhiên này có lợi cho việc sinh con là vì chúng chứa các dược chất có lợi giúp thận tinh sung túc. Khi đó, cơ thể và yếu tố phát dục ở nam giới sẽ phát triển hoàn thiện. Do đó, giúp năng lực tính dục ở nam giới được khôi phục, đồng thời nâng cao chất lượng tinh trùng, giúp tỷ lệ đậu thai cao.
- Giúp kéo dài tuổi thọ: Dược liệu có tác dụng bổ thận ích tinh. Theo quan điểm của Y học cổ truyền, già yếu có mối quan hệ mật thiết đối với thận tinh. Sự già yếu của còn người một phần là do suy giảm chức năng hoạt động của thận tinh. Vì vậy, thường xuyên sử dụng hà thủ ô chính là cách giúp nâng cao chức năng của bộ phận này. Từ đó giúp kéo dài tuổi thọ.
- Tác dụng làm đen tóc, ngăn ngừa tóc gãy rụng và bạc sớm: Theo các chuyên gia Y học cổ truyền, lông và gốc tóc được nuôi dưỡng bởi máu. Do đó, có thể nói tóc là phần thừa của huyết, có mối liên quan đến thận tạng chứa tinh hoặc tinh sinh huyết. Chính vì vậy, khi thận sung túc, tóc không chỉ phát triển khỏe mạnh mà còn trở nên dày và đen. Tuy nhiên, khi thận hư yếu, tóc sẽ không được nuôi dưỡng dẫn đến tình trạng rụng hoặc bạc sớm. Vì thế, để cải thiện tình trạng tóc bạc sớm, đồng thời giúp tóc chắc khỏe và đen bóng, các chuyên gia thường khuyên nên sử dụng hà thủ ô. Bởi dược liệu này có tác dụng dưỡng huyết tư âm và bồi bổ thận.
– Nghiên cứu Y học hiện đại
Một số nghiên cứu Y học hiện đại và tác dụng dược lý của hà thủ ô cho biết, dược liệu có những công dụng nổi bật như:
- Tác dụng chống oxy hóa: Trên thực tế, các nghiên cứu về tác dụng chống oxy hóa ở dược liệu còn cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, dựa vào kết quả của một vài nghiên cứu khoa học trên chuột nhắt già cho hay, các hoạt chất hóa học chứa trong thảo dược có công dụng bảo vệ và giữ cho tuyến ức của chuột không bị teo.
- Kháng khuẩn và chống vi rút: Hoạt chất chứa trong hà thủ ô có công dụng ức chế trực khuẩn lỵ Flexner và trực khuẩn lao ở người. Ngoài ra, các nghiên cứu dược lý hiện đại cũng chỉ ra, dược liệu tự nhiên này cũng có tác dụng giúp ức chế và tiêu diệt vi rút, vi khuẩn gây bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường (Thông tin dựa theo Học báo Vi sinh vật 8 – trang 164 – 1960)
- Giúp nhuận tràng, chữa táo bón: Thành phần hóa học Oxymethylanthraquinone được tìm thấy trong rễ dược liệu có tác dụng kích thích và thúc đẩy tăng nhu động ruột. Do đó, giúp làm mềm và tống xuất phân ra ngoài dễ dàng hơn, ngăn ngừa chứng táo bón. Theo Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung Dược cho biết, hà thủ ô sống chứa hàm lượng Oxymethylanthraquinone cao. Vì vậy, chúng có tác dụng nhuận tràng mạnh hơn hà thủ ô chín. Vì thế, dược liệu hà thủ ô sống thường được ứng dụng trong làm thuốc nhuận tràng.
Ngoài các tác dụng chính này ra, thảo dược còn mang lại những lợi ích trong điều trị bệnh sau:
- Giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, nâng cao khả năng chống rét
- Làm giảm cholesterol huyết thanh
- Điều chỉnh nhịp tim, giúp làm chậm nhịp tim
- Tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, bảo vệ cơ tim thiếu máu
- Giải độc, bảo vệ tế bào gan
- Điều chỉnh rối loạn lipid, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành
- Cải thiện hoạt động của tuyến thượng thận, hệ thống các tuyến nội tiết và tuyến giáp trạng
Tác dụng của hà thủ ô đỏ
Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, thảo dược có những tác dụng nổi bật như:
- Làm chậm quá trình lão hóa, làm trẻ hóa làn da, giúp da trở nên săn chắc và tươi sáng
- Tác dụng làm sạch máu
- Tăng cường chức năng gan và thận
- Chữa táo bón
- Điều trị bệnh xơ vữa động mạch
- Trị chứng mất ngủ
- Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, bắp thịt và cải thiện tình trạng xương yếu
- Tăng cường khả năng sinh sản
- Giúp làm tăng lượng đường trong máu
- Chữa sốt rét
- Chống khuẩn lao mycobacteria
Bên cạnh những công dụng nêu trên, dược liệu còn được dùng với nhiều mục đích điều trị khác nhau. Do đó, để dược liệu phát huy công dụng chữa đúng bệnh, các bạn cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng.
Tác dụng của hà thủ ô trắng
Rễ củ dược liệu có những công dụng đặc trưng sau:
- Giúp chữa đau nhức xương khớp, đặc biệt là chữa chứng đau lưng mỏi gối
- Điều trị các bệnh về sốt rét, cảm nắng hoặc cảm sốt
- Giúp chữa rắn cắn
- Tăng tiết sữa, có lợi cho phụ nữ đang cho con bú hoặc thai phụ sau sinh
- Tốt đối với tim mạch
- Ngăn ngừa tóc bạc sớm, đồng thời giúp đỏ da và kéo dài tuổi thọ
- Có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon
- Tăng cường sức đề kháng
- Điều trị suy nhược cơ thể, tiểu đường thể vị tiêu
- Cải thiện tình trạng ăn nhiều vẫn gầy
- Điều trị sốt rét do muỗi cắn
- Chữa ho gà
- Có tác dụng nhuận tràng, giúp cải thiện táo bón
Cách chế biến hà thủ ô
Hà thủ ô được xem là thần dược chữa bệnh. Tuy nhiên, trong dược liệu có chứa độc tố, nếu không biết cách sử dụng chúng sẽ trở thành độc dược gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vì vậy, để thảo dược thiên nhiên này phát huy công dụng chữa bệnh và giảm phản ứng phụ, sau khi phơi khô, bạn cần chế biến nhiều lần để loại bỏ độc tố. Cụ thể:
– Cách chế biến hà thủ ô đỏ
Cách chế biến dược liệu được thực hiện qua các bước sau:
- Thảo dược sau khi phơi khô sẽ được ngâm trong nước vo gạo mới vo từ 12 – 24 giờ. Trong quá trình ngâm thường xuyên khuấy đảo cho ra bớt chất chát và nhựa đắng. Sau đó ủ mềm và thái lát mỏng
- Đậu đen đem rửa sạch, loại bỏ hạt sâu và lép rồi ngâm trong nước 30 phút
- Tiếp đến cho hà thủ ô đỏ và đậu đen vào chõ hấp. Cứ 10 kg dược liệu hà thủ ô đỏ cho 100 gram đậu đen vào
- Hấp cho đến khi hạt đậu đen chín nhừ
- Cuối cùng, chờ cho đậu đen và hà thủ ô đỏ nguội, dùng dao bỏ phần lõi và lấy phần thịt rồi đem phơi khô
- Lặp lại cách làm 9 lần, để độc tố trong thảo dược được loại bỏ hoàn toàn
Ngoài cách làm này ra, dược liệu cũng có thể được chế biến theo cách đồ. Bạn cho hà thủ ô và đậu đen vào nồi theo nguyên tắc cứ 1 lớp hà thủ ô rắc 1 lớp đậu đen. Đồ đến khi dược liệu chín đến tận phần lõi. Các bạn tách bỏ lõi và đem phơi khô.
Cách sử dụng và liều dùng
- Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc, nấu cao, ngâm rượu hoặc hãm trà
- Liều dùng: Sử dụng 9 – 15 gram/ ngày
– Cách chế biến hà thủ ô trắng
Có thể chế biến thảo dược theo các bước sau:
- Hà thủ ô trắng sau khi phơi khô đem ngâm nước vo gạo hoặc nước cám từ 1 – 2 ngày đêm. Khi ngâm nên thỉnh thoảng thay nước vo gạo mới để giữ chất lượng của dược liệu
- Sau khi ngâm, lọc lấy dược liệu đem phơi khô
- Thực hiện lặp lại 9 lần để giảm độ chát và chất độc
Cách sử dụng và liều dùng
- Cách dùng: Sử dụng dưới dạng nấu cao, thuốc sắc, ngâm rượu, hoàn viên hoặc thuốc bột. Ngoài ra cũng có thể dùng nấu cháo ăn để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh
- Liều dùng: 15 – 20 gram/ ngày dưới dạng thuốc sắc
Tác dụng phụ của hà thủ ô
Bên cạnh mặt có lợi, thảo dược này vẫn có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi loại hà thủ ô sẽ có những phản ứng phụ khác nhau. Do đó, bạn cần nhận biết kỹ để có biến pháp xử lý kịp thời. Cụ thể:
- Đối với hà thủ ô đỏ: Dược liệu nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều có thể gây các tác dụng phụ như chán ăn, nôn mửa, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Trong trường hợp dị ứng nặng với thành phần chứa trong dược liệu có thể gây sốc phản vệ. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng
- Hà thủ ô trắng: Tác dụng phụ do thảo dược gây nên cho đến nay vẫn chưa được ghi nhận. Nhưng để bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ rủi ro, trong quá trình sử dụng dược liệu nếu thấy bất kỳ triệu chứng khác thường nào, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra
Hà thủ ô có tương tác với thuốc không?
Dược liệu có thể tương tác vói một số loại thuốc khác nhau. Do đó, khi sử dụng, các bạn nên trao đổi với bác sĩ.
- Hà thủ ô đỏ: Dược liệu có thể làm hạ kali trong máu. Do đó, không sử dụng chung với thuốc lợi tiểu nhằm tránh tình trạng mất kali, làm giảm tác dụng của thuốc. Bên cạnh đó, không nên dùng chung với thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đông
- Hà thủ ô trắng: Chưa có thông tin chính xác về tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng dược liệu này chung với các loại thuốc khác. Tuy nhiên, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang sử dụng nhằm tránh phản ứng tương tác thuốc.
Hướng dẫn các cách chữa bệnh bằng hà thủ ô
– Hà thủ ô ngâm rượu
Nguyên liệu:
- Giao đằng khô đã sơ chế loại bỏ độc tố: 1.5 kg
- Đậu đen xanh lòng: 0.5 kg
- Rượu trắng 40 độ: 6 – 8 lít
Cách làm đơn giản sau:
- Đậu đen đem rang trên lửa than nhỏ. Không nên rang quá kỹ tránh làm mất chất dinh dưỡng
- Cho đậu đen và giao đằng vào bình thủy tinh
- Sau đó đồ ngập rượu rồi đậy nắp kỹ
- Rượu ngâm giao đằng có thể sử dụng sau đó 3 – 6 tháng ngâm
Lưu ý: Mặc dù có tác dụng hữu ích đối với sức khỏe nhưng bạn không nên lạm dùng giao đằng ngâm rượu. Bởi rượu có tính nóng, nếu thường xuyên sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến gan.
– Hà thủ ô mật ong
Hà thủ ô mật ong có tác dụng tăng cường lưu thông máu và bổi bổ gan thận. Không những thế, chúng còn có công dụng cải thiện tình trạng hoa mắt và chóng mặt do thiếu máu. Đồng thời giúp giảm cholesterol xấu trong máu, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim và xơ vữa động mạch.
Chuẩn bị:
- Mật ong nguyên chất
- Hà thủ ô
Cách làm đơn giản:
- Hà thủ ô đem xay thành bột mịn
- Sau đó trộn đều với lượng mật ong nhất định rồi hoàn viên
Cách dùng:
Mỗi ngày sử dụng 10 – 20 gram, chia sử dụng 2 – 3 lần trong ngày giúp tăng cường sức khỏe. Tốt nhất nên uống sau khi ăn khoảng 1 tiếng.
Ngoài dùng hà thủ ô viên mật ong, các bạn cũng có thể dùng dược liệu này rang vàng hạ thổ rồi uống chung với mật ong nguyên chất. Cách thực hiện dễ dàng như sau:
- Hà thủ ô đem sao vàng rồi úp xuống nền đất, để nguội
- Sau đó cho một lượng hà thủ ô vào nồi nước, đun sôi cho đến khi dược liệu mềm
- Tắt bếp và để nước thuốc nguội, rót ra ly và thêm 1 – 3 muỗng cà phê mật ong, khuấy đều và uống
– Trà rễ hà thủ ô đỏ
Trà rễ giao đằng được sử dụng dưới dạng rễ thô. Tuy nhiên, để tiện pha chế và sử dụng dễ dàng hơn, các bạn có thể sử dụng dạng bột hoặc túi trà. Cách sử dụng đơn giản như sau:
Dùng thảo dược dưới dạng bột
- Lấy 1 – 2 gram bột dược liệu cho vào cốc nhỏ
- Rót nước đun sôi vào, khuấy đều và đậy nắp đợi 5 phút rồi thưởng thức
- Mỗi ngày uống 1 – 2 tách
Sử dụng dược liệu ở dạng thô, thái lát hoặc miếng
- Lấy 2 – 4 gram thảo dược đem rửa sạch
- Cho vào bình sứ và thêm nước vào
- Đun sôi khoảng 20 phút rồi rót nước trà ra chờ nguội và uống
Lưu ý: Sau khi uống hết có thể thêm nước vào đun sôi và uống tiếp cho đến khi nước trà nhạt dần thì ngưng. Khi pha trà rễ dược liệu này nên dùng ấm bằng sứ hoặc gốm. Không sử dụng ấm bằng kim loại.
– Hà thủ ô đậu đen
Giao đằng kết hợp với đậu đen là bài thuốc bổ máu, giúp đen tóc. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng kiên trì trong thời gian dài từ 5 – 6 tháng mới nhận được kết quả như ý.
Chuẩn bị:
- Hà thủ ô đỏ (giao đằng): 1 kg khô
- Đậu đen: 2 kg
Cách thực hiện:
- Đậu đen sau khi rửa sạch, cho vào ấm gốm và thêm 1.5 lít nước, ninh nhừ
- Giao đằng đem rửa sạch cho vào nước đậu đen, tiếp tục nấu
- Khi thấy nước cạn, thêm nước và đun khoảng 1 ngày rồi đem giao đằng phơi khô
- Cuối cùng nghiền thành bột mịn, bảo quản trong lọ thủy tinh và dùng dần
Cách dùng:
Mỗi ngày dùng 2 – 3 muỗng cà phê bột giao đằng đem hòa tan với nước, thêm một ít đường và uống.
Bài thuốc chữa bệnh từ hà thủ ô
– Chữa bệnh bằng cây hà thủ ô trắng
+ Điều trị bệnh ho gà
Dùng 6 – 12 gram dây sữa bò và 1.5 – 3 gram cam thảo đem sắc thuốc. Chia thuốc thành 4 phần và uống.
+ Trị suy nhược cơ thể, ăn nhiều nhưng vẫn gầy hoặc tiểu đường thể vị tiêu
Chuẩn bị:
- Dây sữa bò: 500 gram
- Liên nhục: 1 kg
- Củ đinh lăng: 500 gram
- Sâm voi: 500 gram
- Hoài sơn: 1 kg
Cách thực hiện:
- Tất cả các vị thuốc đem sao vàng và nghiền mịn
- Sau đó trộn đều với mật ong, hoàn viên
Cách dùng:
Mỗi ngày uống 2 lần. Mỗi lần sử dụng 6 – 8 gram.
+ Bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức lực, giúp ăn ngon và điều trị đau lưng mỏi gối
Chuẩn bị:
- Dây sữa bò: 50 gram
- Bố chính sâm: 15 gram
- Củ sen: 50 gram
- Đỗ trọng dây: 50 gram
- Phục linh: 50 gram
- Đậu đen: 50 gram
- Ráng bay: 15 gram
Cách làm và sử dụng:
Tất cả các vị thuốc đem nghiền bột mịn và hoàn viên. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 3 gram.
+ Chữa sốt rét do muỗi truyền
Sử dụng 250 gram dây sữa bò tẩm rượu sao vàng, 40 gram thường sơn bỏ gân lá tẩm rượu sao vàng, 50 gram miết giáp tẩm giấm sao vàng, 100 gram dây thần thông, 40 gram nhân thảo quả sao vàng và 10 gram mã tiền chế. Sắc thuốc và uống. Mỗi ngày dùng 1 thang.
+ Trị rắn cắn
Nhai và nuốt nước lá của cây hà thủ ô, còn phần bã đắp lên miệng rắn cắn giúp giải độc và giảm sưng. Lưu ý, nên hút hết nọc độc của rắn trước khi đắp.
+ Cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp
Sử dụng dây sữa bò chế đem nghiền thành bột min, bảo quản trong lọ thủy tinh và dùng. Mỗi ngày dùng 15 gram hòa tan nước ấm và uống.
– Bài thuốc chữa bệnh từ cây hà thủ ô đỏ
+ Chữa huyết áp cao, xơ cứng mạch máu hoặc tinh trùng yếu, khó có con ở nam giới
Sử dụng 20 gram giao đằng chế sắc chung với 16 gram ngưu tất và 16 gram tầm gửi dâu.
+ Làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu
Dùng 900 gram giao đằng tươi đem sao vàng, giòn rồi nghiền thành bột. Mỗi ngày dùng 15 gram hòa tan trong nước, chia đều và uống trong ngày. Tốt nhất nên uống liên tục trong vòng 1 tháng để nhận được kết quả chữa trị như mong muốn.
+ Tăng cường sức khỏe gân xương, kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm
Dùng dây sữa bò và giao đằng, mỗi vị lượng bằng nhau (400 gram) đem ngâm với nước vo gạo 4 ngày. Sau đó, loại bỏ phần vỏ và lõi rồi nấu với đậu đen. Khi rễ củ mềm đem phơi khô rồi thực hiện lặp lại thao tác trên 9 lần. Cuối cùng, nghiền nát bột và sử dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng hà thủ ô
Mặc dù mang lại nhiều công dụng có ích nhưng khi sử dụng hà thủ ô, các bạn nên lưu ý:
- Sử dụng đúng cách và đúng liều lượng theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa
- Không dùng thảo dược trước 7 giờ sáng, đặc biệt là khi chưa ăn sáng để tránh trường hợp dược liệu gây kích ứng đường ruột
- Người mắc bệnh lý về đường huyết hoặc huyết áp thấp không nên sử dụng dược liệu
- Người có tạng lạnh hoặc khí hư nên kiêng dùng
- Dược liệu có thể gây nguy hại cho gan nên người có vấn đề về sức khỏe gan nên tránh dùng
- Trong quá trình dùng dược liệu này chữa bệnh nên kiêng các thực phẩm có tính cay, nóng như ớt, hành tây hoặc gừng, tiêu,… Đồng thời nên tránh các món ăn liên quan đến huyết động vật. Bên cạnh đó, kiêng ăn vịt luộc hoặc cá không vẩy
Hà thủ ô được ứng dụng trong điều trị bệnh nhưng dược liệu có chứa độc tính cao. Vì vậy, để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
→ Có thể bạn quan tâm: Cây lạc tiên – Tác dụng và bài thuốc trị bệnh từ dược liệu
Ngày Cập nhật 23/06/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!