Kháng thể viêm gan B là gì? Định lượng kháng thể bao nhiêu là đủ?
Để biết được cơ thể có an toàn trước sự tấn công của virus viêm gan B hay không thì cần dựa vào định lượng kháng thể viêm gan B có trong cơ thể. Vậy kháng thể viêm gan B là gì và định lượng bao nhiêu là đủ? Những thông tin về vấn đề này sẽ được tổng hợp chi tiết với nội dung bài viết dưới đây.
Tìm hiểu kháng thể viêm gan B là gì?
Kháng thể viêm gan B là thuật ngữ để chỉ những kháng thể được cơ thể tạo ra nhằm chống lại kháng nguyên bề mặt của virus HBV gây bệnh viêm gan B. Kháng thể này có tên viết tắt là Anti-HBs có tác dụng chống lại sự tấn công của kháng nguyên HbsAg.
Anti-HBs xuất hiện sau khi nghỉ dưỡng do nhiễm trùng viêm gan B cấp tính và kéo dài trong nhiều năm. Nó cũng có thể được sản xuất nhằm đáp ứng với vắc-xin phòng bệnh viêm gan B.
Định lượng kháng thể viêm gan B bao nhiêu là đủ?
Định lượng kháng thể viêm gan B có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và dự phòng bệnh viêm gan B. Định lượng với nồng độ Anti-HBs lớn hơn 10 mUI/ml được coi là đã có kháng thể phòng bệnh. Tuy nhiên để phòng được lây nhiễm thì định lượng kháng thể phải đạt được ngưỡng 100 mIU/ml trở lên. Và kháng thể được ghi nhận là bền vững với virus viêm gan B khi ở ngưỡng 1.000 mIU/ml.
Không ít người khi nhận được kết quả xét nghiệm chỉ số Anti Hbs dương tính sẽ ngầm hiểu là cơ thể mình có khả năng miễn nhiễm với bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, nếu định lượng kháng thể ở mức thấp chưa đủ bền vững thì vẫn có thể nhiễm bệnh như bình thường.
Xét nghiệm kháng thể viêm gan B
Đây là xét nghiệm để kiểm tra khả năng miễn dịch cơ cơ thể với chủng virus viêm gan B. Có 2 chỉ số xét nghiệm sẽ giúp nhận biết cơ thể bạn có tồn tại kháng thể chống lại virus HBV hay không, bao gồm:
- Chỉ số HbsAg. Đây là chỉ số biểu thị nồng độ kháng nguyên bề mặt của virus HBV gây viêm gan B trong cơ thể.
- Chỉ số Anti HBs: Là chỉ số biểu thị nồng độ kháng thể chống lại kháng nguyên HbsAg bề mặt của virus HBV.
Trường hợp kết quả cho HbsAg dương tính:
Ở trường hợp này ghi nhận trong cơ thể có sự tồn tại của kháng nguyên bề mặt HbsAg. Chứng tỏ rằng, người bệnh đang bị nhiễm virus viêm gan B. Virus này thường sẽ tăng nhanh về số lượng trong khoảng thời gian 8 – 10 tuần ngay sau khi nhiễm. Điều này cho thấy, khi xét nghiệm chắc chắn kháng nguyên bề mặt của virus HBV cũng sẽ gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Số liệu thống kê ghi nhận rằng, khoảng 95% người mắc bệnh viêm gan B cấp tính có thể hồi phục tự nhiên nếu có sức đề kháng tốt. Sau khoảng 4 – 6 tháng bị nhiễm thì lượng virus sẽ có xu hướng giảm dần và nồng độ HbsAg cũng sẽ giảm theo. Trường hợp người bệnh có sức đề kháng yếu thì virus sẽ tiếp tục phát triển, chỉ số HbsAg tăng lên. Lúc này bệnh có thể biến chuyển sang giai đoạn mãn tính và tiềm ẩn nguy cơ xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Đối với kết quả định lượng Anti HBs:
Trường hợp 1 người đã được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B hay đã bị nhiễm virus HBV và khỏi bệnh thì cơ thể sẽ tự tạo ra kháng thể để chống lại virus HBV. Lúc này, xét nghiệm Anti HBs sẽ cho ra kết quả dương tính. Định lượng kháng thể càng cao thì khả năng phòng tránh bệnh sẽ càng tốt.
- Nếu như định lượng Anti HBs ở mức dưới 10 mUI/ml thì điều này cho thấy khả năng bảo vệ cơ thể trước virus rất thấp. Lúc này việc tiêm vắc-xin viêm gan B để tạo ra được kháng thể mạnh hơn là hết sức cần thiết.
- Trường hợp định lượng Anti HBs nằm trong khoảng từ 10 – 100 mIU/ml cho thấy rằng cơ thể đã có kháng thể nhưng còn yếu. Như vậy, bạn có thể sẽ cần phải tiêm lại 1 mũi vắc- xin nhắc lại để tăng cường kháng thể.
- Trường hợp Anti-HBs nằm trong khoảng 100 – 1000 mUI/ml có nghĩa là kháng thể trong cơ thể đang ở mức rất lớn. Cơ thể bạn có khả năng miễn nhiễm với virus và có thể đủ sức chống lại việc mắc bệnh viêm gan B.
Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm:
Sau đây là những đối tượng nên thực hiện xét nghiệm kháng thể viêm gan B:
- Tiếp xúc với người bị nhiễm viêm gan B
Tiếp xúc thông thường sẽ không lây bệnh viêm gan B nhưng nếu có tiếp xúc như quan hệ tình dục, dùng chung 1 số vật dụng cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm virus là rất cao. Nếu có người thân phát hiện bị bệnh viêm gan B mà bạn có những tiếp xúc với họ thì bạn nên đi xét nghiệm. Điều này sẽ giúp xác nhận xem bạn có bị lây nhiễm và cơ thể có kháng nguyên để chống lại hay không.
- Phụ nữ có ý định mang thai
Nếu bị nhiễm virus viêm gan B trong thời kỳ mang thai thì khả năng lây bệnh cho thai nhi là rất cao. Đặc biệt càng trở về những tháng cuối thai kỳ thì nguy cơ lây nhiễm càng tăng.
Trước khi có ý định mang thai bạn nên đi xét nghiệm xem cơ thể đã có định lượng kháng thể đạt mức cần thiết hay chưa. Điều này sẽ giúp có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus khi định lượng kháng thể ở mức thấp
- Những người đã tiêm vắc xin viêm gan B
Liều tiêm vắc xin viêm gan B đủ bao gồm 3 mũi tiêm được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Chỉ khi thực hiện đủ 3 mũi tiêm thì cơ thể mới có thể sản sinh đủ kháng thể chống lại virus, hiệu quả đạt mức 85%.
Sau tiêm phòng thì xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ đánh giá xem cơ thể bạn có đủ định lượng kháng thể cần thiết hay không. Trường hợp không đủ có thể sẽ được chỉ định tiêm bổ sung trong một khoảng thời gian thích hợp.
Làm sao để định lượng kháng thể viêm gan B đạt mức cần thiết?
Để có định lượng kháng thể chống lại virus HBV đạt mức cần thiết thì cách duy nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Sau khi tiêm mũi đầu tiên khoáng 21 ngày thì cơ thể đã bắt đầu có kháng thể để chống lại virus HBV.
Tuy nhiên, định lượng kháng thể sau mũi đầu tiên sẽ là chưa đủ. Để nồng độ kháng thể đạt mức độ bảo hộ miễn dịch thì bạn cần thực hiện tiêm nhắc lại thêm 2 mũi nữa. Tức là, để định lượng kháng thể đạt ngưỡng cần thiết thì phải tiêm đủ 3 mũi vắc xin.
- Trường hợp trẻ sơ sinh:
Trong vòng 24 giờ sau khi được sinh ra, bé nên được tiêm chủng mũi đầu tiên phòng bệnh viêm gan B càng sớm càng tốt. Mũi thứ 2 tiêm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi và mũi thứ 3 tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
- Trường hợp người trưởng thành và trẻ lớn:
Trước khi thực hiện cần xét nghiệm máu để xác định nồng độ kháng thể, đồng thời xem xét đã nhiễm bệnh hay chưa. Nếu đã nhiễm bệnh thì việc tiêm vắc xin phòng ngừa sẽ không còn tác dụng. Còn với trường hợp chưa mắc bệnh, bác sĩ sẽ tiêm vắc xin, sau đó lặp lại mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 khoảng 5 tháng.
Ngoài ra, để đảm bảo cơ thể luôn có định lượng kháng thể chống lại virus HBV ở mức bảo hộ thì cần tiêm bổ sung mũi 4 sau 1 năm kể khi tiêm mũi thứ 3.
Kháng thể viêm gan B rất quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm gan B. Chính vì thế nên chú ý tiêm phòng và đi xét nghiệm trong các trường hợp cần thiết. Đây là cách tốt nhất để bạn bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!