Phác đồ điều trị áp xe phổi người bệnh cần biết
Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi. Bệnh gây ra tình trạng sưng mủ, hoại tử mô phổi và hình thành của các khoang chứa các mảnh vụn hoại tử hoặc dịch do bị nhiễm vi sinh vật. Sự hình thành của nhiều áp xe có thể dẫn đến viêm phổi hoặc hoại tử phổi. Vậy, phác đồ điều trị áp xe phổi thế nào là hiệu quả?
Chẩn đoán bệnh, xác định hướng điều trị áp-xe phổi
Để xác định được phương hướng và phác đồ điều trị áp-xe phổi, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành một số chẩn đoán, cụ thể như sau:
Chẩn đoán xác định
Triệu chứng lâm sàng:
- Sốt cao, có thể kèm rét run hoặc không
- Đau ngực bên tổn thương, có thể có đau bụng ở những bệnh nhân áp xe phổi thuỳ dưới.
- Ho khạc đờm có mủ, đờm thường có mùi hôi hoặc thối, có thể khạc mủ số lượng nhiều (ộc mủ), đôi khi có thể khạc ra mủ lẫn máu hoặc thậm chí có ho máu nhiều. Có trường hợp chỉ ho khan.
- Khó thở, có thể có biểu hiện suy hô hấp: thở nhanh, tím môi, đầu chi, PaO2 giảm, SaO2 giảm.
- Khám phổi: có thể thấy ran nổ, ran ẩm, ran ngáy, có khi thấy hội chứng hang, hội chứng đông đặc.
Cận lâm sàng:
- Công thức máu: thường thấy số lượng bạch cầu > 10 giga/lít, tốc độ máu lắng tăng.
- X-quang phổi: hình hang thường có thành tương đối đều với mức nước hơi. Có thể có 1 hay nhiều ổ áp xe, một bên hoặc hai bên.
- Cần chụp phim X-quang phổi nghiêng (có khi phải chụp cắt lớp vi tính) để xác định chính xác vị trí ổ áp xe giúp chọn phương pháp dẫn lưu mủ phù hợp.
- Nhuộm soi trực tiếp và nuôi cấy vi khuẩn từ đờm, dịch phế quản hoặc mủ ổ áp xe. Cấy máu khi sốt > 38,50C. Làm kháng sinh đồ nếu thấy vi khuẩn.
Chẩn đoán nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh áp xe phổi chia thành các nhóm sau:
- Nhiễm trùng: Vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng là các nguyên nhân gây viêm nhiễm hoại tử nhu mô phổi. Tác nhân gây bệnh thường theo đường khí – phế quản để vào phổi.
- Vi khuẩn kỵ khí là nguyên nhân gây áp-xe phổi. Một số loại vi khuẩn kỵ khí thường gặp là Bacteroide melaniogenicus, Bacteroide fragilis Peptococus, Peptostreptococcus, Fusobaterium nucleotum,…
- Tụ cầu vàng: Tụ cầu vàng staphylococcus aureus gây ra bệnh cảnh lâm sàng khá nặng nề, tổn thương nhu mô phổi và cả màng phổi, gây suy hô hấp cấp tính và nhiễm trùng nhiễm độc. Tác nhân này thường gặp ở trẻ nhỏ.
- Một số vi khuẩn khác cũng có thể gây bệnh áp xe phổi như phế cầu, liên cầu tan máu nhóm A, các vi khuẩn Gram (-) như Pseudomonas aeruginosa, Legionella pneumophila, Hemophillus influenzae.
- Ký sinh trùng: Thường gặp nhất là amip thứ phát.
- Nấm ở bệnh nhân mắc đái tháo đường, thường xuyên sử dụng rượu hoặc suy giảm miễn dịch do nhiều nguyên nhân khác. Một số loại nấm gây bệnh như Mucoraceae, Aspergillus spp.
- Dị vật: Thức ăn, nước uống, các chất nôn hoặc nước bọt từ miệng được hít vào phổi gây viêm phổi hít, là tiền đề để hình thành áp xe phổi sau 7-14 ngày.
- Bệnh lý nền tại phổi: Bệnh nhân mắc các bệnh lý như u phổi gây tắc nghẽn, ung thư phổi gây bội nhiễm hay hoại tử, nhồi máu phổi, giãn phế quản, lao phổi có hang, kén phổi bẩm sinh, chấn thương lồng ngực hở,… có nguy cơ bị áp xe phổi cao.
Phác đồ điều trị áp-xe phổi nội khoa
Điều trị kháng sinh
Nguyên tắc dùng kháng sinh:
- Phối hợp từ 2 kháng sinh, theo đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
- Liều cao ngay từ đầu.
- Sử dụng thuốc ngay sau khi lấy được bệnh phẩm chẩn đoán vi sinh vật.
- Thay đổi kháng sinh dựa theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ nếu có.
- Thời gian dùng kháng sinh ít nhất 4 tuần (có thể kéo dài đến 6 tuần tuỳ theo lâm sàng và X-quang phổi).
Các loại kháng sinh có thể dùng như sau:
- Penicilin G 10 – 50 triệu đơn vị tuỳ theo tình trạng và cân nặng của bệnh nhân, pha truyền tĩnh mạch chia 3 – 4 lần/ngày, kết hợp với 1 kháng sinh nhóm aminoglycosid: Gentamycin 3 – 5 mg/kg/ngày tiêm bắp 1 lần hoặc, Amikacin 15 mg/kg/ngày tiêm bắp 1 lần hoặc pha truyền tĩnh mạch trong 250 ml dung dịch natriclorua 0,9%.
- Nếu nghi vi khuẩn tiết betalactamase thì thay penicilin G bằng amoxicillin + acid clavunalic hoặc ampicillin + sulbactam, liều dùng 3 – 6 g/ngày.
- Nếu nghi ngờ áp xe phổi do vi khuẩn gram âm: dùng cephalosporin thế hệ 3 như cefotaxim 3 – 6 g/ngày, ceftazidim 3 – 6 g/ngày, kết hợp với kháng sinh nhóm aminoglycosid với liều tương tự như đã nêu ở trên.
- Nếu nghi ngờ áp xe phổi do vi khuẩn yếm khí: kết hợp nhóm beta lactam + acid clavunalic với metronidazol liều 1- 1,5 g/ngày, truyền tĩnh mạch chia 2 – 3 lần /ngày, hoặc penicillin G 10 – 50 triệu đơn vị kết hợp metronidazol 11,5 g/ngày truyền tĩnh mạch, hoặc penicilin G 10 – 50 triệu đơn vị kết hợp clindamycin 1,8 g/ngày truyền tĩnh mạch.
- Nếu nghi ngờ áp xe phổi do tụ cầu: oxacillin 6 – 12 g/ngày hoặc vancomycin 1- 2 g/ngày, kết hợp với amikacin khi nghi do tụ cầu kháng thuốc.
- Nếu nghi ngờ áp xe phổi do Pseudomonas aruginosa: ceftazidim 3 – 6 g/ngày, kết hợp với kháng sinh nhóm quinolon (ciprofloxacin 1 g/ngày, levofloxacin 750 mg/ngày, moxifloxacin 400 mg/ngày).
- Nếu áp xe phổi do amíp: metronidazol 1,5 g/ngày, truyền tĩnh mạch chia 3 lần/ngày kết hợp với kháng sinh khác.
- Chú ý xét nghiệm creatinin máu 1- 2 lần/tuần đối với bệnh nhân có sử dụng thuốc nhóm aminoglycosid.
Dẫn lưu ổ áp xe
- Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực: Dựa vào phim chụp X quang phổi thẳng nghiêng hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực chọn tư thế bệnh nhân để dẫn lưu, kết hợp với vỗ rung lồng ngực. Dẫn lưu tư thế nhiều lần/ngày, để bệnh nhân ở tư thế sao cho ổ áp xe được dẫn lưu tốt nhất, lúc đầu trong thời gian ngắn vài phút, sau kéo dài dần thời gian tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của bệnh nhân có thể đến 15 – 20 phút/lần. Vỗ rung dẫn lưu tư thế mỗi ngày 2 – 3 lần.
- Có thể nội soi phế quản ống mềm để hút mủ ở phế quản giúp dẫn lưu ổ áp xe. Soi phế quản ống mềm còn giúp phát hiện các tổn thương gây tắc nghẽn phế quản và gắp bỏ dị vật phế quản nếu có.
- Chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực: áp dụng đối với những ổ áp xe phổi ở ngoại vi, ổ áp xe không thông với phế quản; ổ áp xe ở sát thành ngực hoặc dính với màng phổi. Sử dụng ống thông cỡ 7- 14F, đặt vào ổ áp xe để hút dẫn lưu mủ qua hệ thống hút liên tục.
Phác đồ điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật cắt phân thuỳ phổi hoặc cả một bên phổi tuỳ theo mức độ trong các trường hợp sau:
- Ổ áp xe > 10cm.
- Áp xe phổi mạn tính điều trị nội khoa 3 tháng không có kết quả.
- Ho ra máu tái phát, liên tiếp nhiều lần, ho máu sét đánh, đe dọa tính mạng.
- Áp xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng.
- Có biến chứng rò phế quản – khoang màng phổi.
- Bệnh lý nền nghi ngờ u phổi, ung thư phổi
Điều trị hỗ trợ:
- Chế độ ăn: đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng, cung cấp nhiều protein và vitamin.
- Duy trì cân bằng nước và điện giải, cân bằng toan kiềm
- Giảm đau, hạ sốt
- Thở oxy: cung lượng cao khoảng 6 lít/phút trong suy hô hấp cấp. Nếu có suy hô hấp mạn thì thở oxy với cung lượng thấp hơn, khoảng 2 lít/phút.
Những lưu ý cho người bệnh khi thực hiện phác đồ điều trị áp-xe phổi
- Vệ sinh răng miệng, mũi, họng sạch sẽ.
- Tuân thủ tốt hướng dẫn của bác sĩ để điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng.
- Phòng ngừa dị vật rơi vào cổ
- Cẩn thận khi cho người bệnh ăn thông qua ống sonde dạ dày
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin C.
- Khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường như đau ngực, ho, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hy vọng những thông tin dưới đây đã giúp bạn hình dung được một cách cụ thể về phác đồ điều trị áp xe phổi. Chúc bạn luôn khỏe!
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!