Phẫu Thuật Viêm Cột Sống Dính Khớp Và Những Điều Cần Biết
Phẫu thuật viêm cột sống dính khớp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu nhất. Để có được một cuộc phẫu thuật thành công, ngoài yêu cầu về tay nghề của bác sĩ, người bệnh còn cần biết nhiều lưu ý quan trọng trước và sau phẫu thuật.
Tổng quát về bệnh viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý chỉ tình trạng tổn thương ở khớp cùng chậu, cột sống và ở hai chân. Trong đó, khớp háng là một trong những vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những tổn thương này thường xuất hiện kèm theo viêm các điểm bám gân và có xu hướng dính khớp.
Thời gian tiến triển bệnh chậm. Đồng thời, viêm cột sống dính khớp có thể không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh.
Cụ thể, nó khiến người bệnh đau lưng kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Mức độ đau tăng nhiều vào thời điểm nửa đêm về sáng và khi trời chuyển lạnh. Lâu ngày, nó khiến cột sống bị cứng và dẫn đến tình trạng gù lưng. Ngoài ra, khớp háng cũng sẽ bị cứng và khiến người bệnh di chuyển rất khó khăn.
Theo một vài thống kê, tỷ lệ người bị viêm cột sống dính khớp có thể chiếm đến 1,8% dân số thế giới. Đối tượng mắc bệnh thường là người trưởng thành. Đồng thời, tỷ lệ mắc bệnh còn có sự khác biệt về giới. Nam dễ bị viêm cột sống dính khớp hơn nữ. Tỷ lệ này ước tính là 3:1.
Phẫu thuật viêm cột sống dính khớp cần kỹ thuật cao
Có 2 dạng phẫu thuật chữa viêm cột sống dính khớp. Đó là thay khớp háng và chỉnh hình cột sống. Y học nước ta đã ghi nhận nhiều trường hợp phẫu thuật thành công. Bệnh nhân giảm được đau đớn, dần trở lại với cuộc sống bình thường và lấy lại tự tin.
Phẫu thuật viêm cột sống dính khớp đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi. Vì vùng cột sống tập trung rất nhiều dây thần kinh và mạch máu với cấu trúc phức tạp. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai biến cho bệnh nhân.
Cùng với đó là hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo. Bởi trước khi phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện nhiều xét nghiệm cần thiết để chắc chắn an toàn và chủ động khắc phục nếu có các tai biến trong quá trình mổ. Các ca phẫu thuật chữa bệnh này có thể kéo dài đến 6 giờ đồng hồ. Bệnh nhân có thể cần truyền máu liên tục và tổng lượng máu cần truyền có thể lên đến 1,5 lít.
Các trường hợp cần phẫu thuật chữa viêm cột sống dính khớp
Không phải bất kỳ ai bị viêm cột sống dính khớp đều cần thiết hoặc có thể dùng đến phương pháp phẫu thuật. Cách điều trị này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp sau:
- Các biện pháp điều trị nội khoa (dùng thuốc, vật lý trị liệu) không hiệu quả hoặc cơ thể người bệnh không đáp ứng với thuốc;
- Bệnh nhân bị đau kéo dài, ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống;
- Cấu trúc khớp bị phá hủy nghiêm trọng;
- Cột sống bị biến dạng;
- Hạn chế khả năng vận động, đi lại;
- Gãy đốt sống cấp tính…
Có phẫu thuật hay không sẽ được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này không chỉ có tình trạng bệnh hiện tại. Nó còn phụ thuộc vào một số vấn đề như: Sức khỏe người bệnh, thể trạng, nguyện vọng, điều kiện cơ sở y tế hiện tại…
Chữa viêm cột sống dính khớp bằng phẫu thuật có khỏi hoàn toàn bệnh không?
Cơ chế gây viêm cột sống dính khớp có liên quan đến yếu tố tự miễn. Đồng thời, đa số các trường hợp mắc bệnh này là do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường. Trong đó, những người bị viêm cột sống dính khớp có liên quan đến gen chiếm đến 90%.
Đến nay vẫn chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm cột sống dính khớp. Đây cũng là tình hình chung của các bệnh liên quan đến yếu tố tự miễn. Do đó, mục tiêu điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và ngăn chặn biến chứng của bệnh. Các giải pháp điều trị bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật.
Như vậy, ngay cả phẫu thuật thì viêm cột sống dính khớp vẫn không thể được chữa khỏi hoàn toàn. Trong một số trường hợp nhất định phải phẫu thuật nếu không nguy cơ xảy ra biến chứng là rất lớn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không cần đến cách điều trị này. Tóm lại, phẫu thuật không phải là phương pháp tối ưu nhất trong điều trị viêm cột sống dính khớp. Đối với mức độ bệnh nhẹ thì điều trị bảo tồn theo phương pháp không xâm lấn vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Một số vấn đề về sức khỏe có thể xảy ra sau phẫu thuật chữa viêm cột sống dính khớp
Dưới đây là các vấn đề mà nhiều bệnh nhân mổ viêm cột sống dính khớp thường gặp:
Vấn đề thường gặp sau mổ chữa viêm cột sống dính khớp
-
Đau và khó chịu sau mổ
Trong vòng 1 – 2 ngày sau mổ là, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau đớn và khó chịu tại vị trí vết mổ. Có trường hợp còn bị stress nhẹ. Dần dần tình trạng này sẽ tự thuyên giảm. Hoặc nếu cơ sở thực hiện có biện pháp giảm đau cụ thể thì mức độ và thời gian bị đau sẽ ít hơn.
Thông thường, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid. Kết hợp với thêm có thể là morphine. Bên cạnh đó, người bệnh còn được chỉ định dùng một số loại thuốc khác để hỗ trợ phục hồi và giảm đau. Tiêu biểu như: Kháng sinh truyền qua đường tĩnh mạch, thuốc bảo vệ dạ dày, thuốc giãn cơ, chống phù nề và hỗ trợ hoạt động của thần kinh…
Còn đối với những trường hợp bị loãng xương và thoái hóa cột sống thì sau khi phẫu thuật viêm cột sống dính khớp vẫn sẽ duy trì dùng một số loại thuốc trước đó. Ví dụ như: Glucosamin, Chondroitin sulfate hoặc Axit Hyaluronic….
-
Chướng bụng
Dấu hiệu chướng bụng sau phẫu thuật là gõ tay vào bụng có tiếng kêu. Kèm với tình trạng này là khó chịu và tức ngực. Người bệnh có thể tự khắc phục tình bằng cách chườm nóng hoặc xoa nhẹ bụng vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Trong khi bị chướng bụng cần hạn chế ăn uống.
Đây là tình trạng khá thường gặp sau phẫu thuật viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, nếu thấy quá khó chịu thì nên thông báo cho bác sĩ. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc cho dùng thuốc kích thích nhu động ruột, đặt sonde ở dạ dày hoặc hậu môn.
-
Bí tiểu
Đây là vấn đề rất hay gặp sau khi mổ viêm cột sống dính khớp. Cách đơn giản để khắc phục là chườm ấm và kẹp ngắt quãng để kích thích đi tiểu trở lại bình thường. Cách cách thức này được tiến hành trước khi rút sonde tiểu. Thông thường, sonde tiểu sẽ được rút sau 1 – 2 ngày sau phẫu thuật. Trong trường hợp bí tiểu do tủy bị chèn ép hoặc rối loạn cơ tròn thì để tiểu trở lại bình thường cần quá trình vật lý trị liệu đúng cách và kéo dài một thời gian nhất định.
Biến chứng sau phẫu thuật chữa viêm cột sống dính khớp
- Nhiễm trùng vết mổ: Thể hiện qua tình trạng tấy đỏ và thấm dịch ở vị trí mổ. Bệnh nhân cần được nhanh chóng điều trị bằng kháng sinh;
- Tụ máu vết mổ: Thường gặp khi phẫu thuật ở đốt sống cổ. Tình trạng này gây khó thở và tăng tiết đờm dãi;
- Rò dịch tủy não: Vị trí vết mổ sau khi đã rút ống dẫn lưu xuất hiện dịch trong và không có mùi;
- Chèn ép tủy thần kinh cấp tính: Gây yếu, thậm chí liệt hai chân. Thường gặp khi phẫu thuật ở đốt sống ngực;
- Ảnh hưởng từ tác dụng phụ của thuốc gây tê: Rét run, mạch đập nhanh, đau đầu… Bệnh nhân sẽ được truyền dịch hoặc cân nhắc dùng thuốc chứa Corticoid để khắc phục;
- Một số biến chứng khác: Phù nề tủy; áp xe vết mổ, lao cột sống…
Nhiều trường hợp xuất hiện các biến chứng trên trong thời gian quan sát tại bệnh viện. Do đó, bác sĩ có thể can thiệp kịp thời và tránh được rủi ro cho tính mạng người bệnh. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp xuất hiện các biến chứng này sau 1 đến 2 tháng kể từ lúc thực hiện xong phẫu thuật.
Những điều cần biết sau phẫu thuật viêm cột sống dính khớp
Nếu bệnh viêm cột sống dính khớp thuộc trường hợp cần đến phẫu thuật thì tiến hành càng sớm càng tốt. Điều người bệnh cần chuẩn bị trước cuộc phẫu thuật là tinh thần thật tốt. Đồng thời, cơ sở thực hiện rất quan trọng. Hãy chú ý chọn nơi uy tín với đội ngũ bác sĩ lành nghề để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Sau phẫu thuật, để tránh biến chứng và giúp sức khỏe nhanh hồi phục, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:
Khi ở cơ sở y tế
- Nằm ở giường cứng, gối kê đầu thấp. Hạn chế tối đa vận động, đặc biệt là xoắn vặn cơ thể trong vòng 24 giờ. Trường hợp phẫu thuật ở các đốt sống cổ thì bắt buộc phải đeo nẹp bất động. Vệ sinh tại chỗ;
- Trong vòng 3 ngày đầu có thể bị sưng hầu họng và ho do ảnh hưởng bởi quá trình gây mê. Khắc phục bằng thuốc ngậm chống viêm thông thường;
- Dẫn lưu vết mổ thường được rút sau 2 ngày. Sau thời gian này, nếu dịch vẫn còn chảy thì cần thông báo ngay với bác sĩ để kịp thời ngăn rò dịch tủy hoặc nhiễm trùng vết mổ;
- Thay băng vết mổ thường là 2 ngày một lần. Với những vết mổ lớn thì số lần thay băng tùy vào chỉ định của bác sĩ;
- Trong khoảng 7 – 10 ngày sẽ được cắt chỉ. Nếu dùng chỉ tự tiêu thì không cần cắt;
- Sau khi đã trung tiện (xì hơi) thì có thể dùng thức ăn nhẹ như cháo, súp và sữa…
- Vấn đề đi lại, vận động: Hạn chế tối đa vận động (bao gồm các cử động nhẹ nhàng trong ít nhất 4 tuần sau khi phẫu thuật. Không được tiếp tục di chuyển hoặc cử động nếu bị đau hoặc tê tay chân.
Khi về nhà
-
Nên tiếp tục đeo nẹp
Đồng thời hỏi thêm ý kiến của bác sĩ về cách thức thay nẹp để vệ sinh và thời gian cần dùng nẹp trong bao lâu là tốt nhất. Việc đeo nẹp sau phẫu thuật không chỉ giúp người bệnh được tự tin khi di chuyển mà còn giúp họ tự nhắc nhở bản thân tránh các tư thế xấu. Thông thường thì thời gian đeo nẹp sẽ kéo dài khoảng 3 tháng.
Đeo nẹp đúng cách hỗ trợ nhiều cho quá trình hồi phục cột sống. Tuy nhiên, lạm dụng nó có thể gây ra tác dụng phụ. Nó có thể khiến khối cơ cạnh sống bị nhão và làm giảm trương lực cơ. Những điều này dẫn đến yếu cột sống sau khi vết mổ lành.
-
Sinh hoạt trong 3 tháng đầu sau mổ
Người bệnh không được xoắn, cúi hoặc ưỡn cột sống quá mức. Sau tháng đầu tiên, có thể đi lại nhẹ nhàng và lên xuống cầu thang. Người bệnh nên tự trang bị cho mình một chiếc ghế tựa chắc chắn. Thành ghế cần vuông góc với mặt ghế và chân ghế có độ cao vừa đủ để chân người bệnh chạm đất.
Cũng trong thời gian 3 tháng sau mổ, người bệnh không được ngủ trên võng hoặc nằm trên ghế sofa. Đồng thời không ngồi bệt và khoanh chân lại. Tuyệt đối không bê vật nặng. Ngoài ra, việc tắm rửa nên cần người hỗ trợ trong thời gian đầu. Khi vết thương dần ổn định có thể tự mình tắm nhưng để đảm bảo an toàn thì nên dùng một cái ghế tựa.
Về chuyện tình dục, người bệnh có thể quan hệ sau khoảng 2 tuần kể từ khi phẫu thuật xong. Điều quan trọng là không bị khó chịu ở cột sống khi quan hệ. Nếu thấy đau phải dừng lại.
-
Sinh hoạt sau mổ 3 tháng
Người bệnh có thể chơi được một số môn thể thao nhẹ. Sau 6 tháng, nếu tình trạng hồi phục cột sống tiến triển tốt thì có thể chơi hầu hết các môn thể thao. Ngoại trừ những môn có tính đối kháng trực tiếp và va chạm mạnh. Ví dụ như bóng đá, leo núi, chạy tốc độ…
-
Dinh dưỡng sau mổ viêm cột sống dính khớp
Người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Ưu tiên các thực phẩm nhiều đạm và uống nhiều nước. Nên ăn nhiều rau, khoai luộc và chuối chín để nhuận tràng. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện theo những lưu ý khác của bác sĩ trong chế độ ăn uống hằng ngày để vết thương nhanh lành.
Xem thêm: Bị viêm cột sống dính khớp kiêng ăn gì để giảm đau?
Ngày Cập nhật 05/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!