Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm nên ăn gì? Luyện tập như thế nào?
Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm người bệnh cần phải xây dựng cho bản thân chế độ dinh dưỡng khoa học, luyện tập hợp lý sẽ có tác dụng rất tốt trong việc phục hồi sức khỏe và sức mạnh gân cốt. Vậy sau khi mổ thoát vị đĩa đệm người bệnh nên ăn gì và luyện tập như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc trên.
Sau mổ thoát vị đĩa đệm nên ăn gì?
Đối với những người sau khi mổ thoát vị đĩa đệm thì chế độ ăn uống có vai trò rất quan trọng để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh. Một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ có tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương và rút ngắn thời gian phục hồi.
Thực phẩm giàu protein
Protein là thành phần dưỡng chất có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là những người sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Thông thường, sau khi mổ cơ thể người bệnh cần được cung cấp hàm lượng protein nhiều hơn so với bình thường để có thể thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Tốt nhất, người bệnh nên tăng cường bổ sung protein cho cơ thể từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất như:
- Thịt, cá, trứng, sữa
- Hải sản
- Đậu và các chế phẩm từ đậu
- Các loại hạt: hạt lanh, hạnh nhân, óc chó
- ….
Thực phẩm giàu khoáng chất
Chuyên gia khuyến cáo, sau khi mổ thoát vị đĩa đệm người bệnh nên bổ sung đầy đủ khoáng chất cho cơ thể sẽ có tác dụng hồi phục và nâng cao sức khỏe của xương khớp. Một số loại khoáng chất cần thiết cho xương mà người bệnh nên tăng cường bổ sung cho cơ thể là kali, canxi, omega-3,… Trong đó, canxi là yếu tố có vai trò rất quan trọng trong sự hình thành xương, người bệnh nên bổ sung cho cơ thể nhiều hơn bình thường để phòng chống loãng xương và các bệnh liên quan đến xương khớp. Người bệnh nên tăng cường bổ sung vào chế độ ăn uống các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu canxi: Rau màu xanh đậm, đậu phụ, cá mòi, sữa và sản phẩm từ sữa,…
- Thực phẩm giàu kali: Cải bó xôi, đậu đen, dưa hấu, khoai lang, củ cải,…
- Thực phẩm giàu omega-3: Dầu gan cá, cá thu, cá hồi, hàu, trứng cá muối, bơ,…
Thực phẩm giàu vitamin
Vitamin D và K2 là hai thành phần rất cần thiết cho quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi bên trong cơ thể, giúp tăng cường nồng độ canxi trong máu và xương, quá trình hồi phục cũng diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, việc bổ sung đầy đủ vitamin D và K2 cho cơ thể còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh loãng xương và một số bệnh lý về xương khớp khác. Một số loại thực phẩm giàu hai yếu tố vi lượng này người bệnh nên tăng cường bổ sung cho cơ thể là:
- Các loại cá: cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu
- Hải sản: tôm, hàu
- Rau màu xanh đậm
- Đậu nành và chế phẩm từ đậu
- Nấm, trứng, dầu gan cá
- …
Bên cạnh đó, vitamin C cũng là thành phần dưỡng chất không thể thiếu đối với người bệnh sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Vitamin C khi đi vào cơ thể sẽ hoạt động như một chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ xương khỏi sự gây hại của các gốc tự do bên trong cơ thể. Ngoài ra, đây còn là thành phần có vai trò quan trọng trong việc hình thành và hồi phục các sợi collagen bị tổn thương bên trong đĩa đệm, giúp cải thiện tình trạng bệnh một cách hiệu quả. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C người bệnh nên tăng cường bổ sung cho cơ thể là:
- Bông cải xanh
- Ổi
- Kiwi
- Dâu tây
- Trái cây thuộc họ cam, quýt
- …
Thực phẩm giàu chất xơ và chứa vi sinh vật có lợi
Việc sử dụng quá nhiều kháng sinh chống nhiễm trùng sau khi phẫu thuật sẽ tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn có hại lẫn vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa, khiến quá trình phân hủy, hấp thu chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng. Nếu người bệnh tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ và thực phẩm lên men chứa vi sinh vật có lợi sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón và giúp cơ thể có thể hấp thu đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình phục hồi bệnh. Người bệnh có thể tăng cường bổ sung lợi khuẩn probiotic và chất xơ cho cơ thể thông qua các thực phẩm sau đây:
- Sữa chua, thức uống lên men có chứa probiotic
- Các loại đậu: đậu đỏ, đậu trắng, đậu đen
- Trái cây: mận, quả việt quất, táo xanh
- Khoai lang, khoai tây
- Bột yến mạch
- Bí ngô
- …
Luyện tập sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm, bên cạnh việc nghỉ ngơi và xây dựng chế độ ăn uống khoa học thì người bệnh cũng nên kết hợp luyện tập nhẹ nhàng hoặc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu sẽ có tác dụng tăng cường khả năng hồi phục bệnh rất tốt và an toàn cho xương khớp. Thông thường, chế độ luyện tập của người bệnh sẽ được chia thành hai giai đoạn khác nhau là tập chuyên biệt tại bệnh viện và luyện tập chuyên biệt khi về nhà.
Chế độ luyện tập sau khi mổ tại bệnh viện
Sau khi mổ cơ thể người bệnh còn rất yếu, lúc này bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh luyện tập một số động tác nhẹ nhàng để làm giảm tình trạng đau đớn và giúp quá trình phục hồi sau này diễn ra tốt hơn.
Sau khi mổ khoảng nửa ngày cơ thể người bệnh còn rất yếu và các cơn đau nhức ở vết mổ sẽ bắt đầu xuất hiện. Lúc này, người bệnh nên tập luyện thở bằng bụng sẽ có tác dụng giảm đau rất hiệu quả. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần hít vào bằng mũi sao cho bụng hóp lại rồi thở ra bằng miệng một cách nhẹ nhàng. Bạn nên kiên trì thực hiện 4 lần/ngày và mỗi lần khoảng 10 phút sẽ có tác dụng rất tốt cho quá trình hồi phục.
Sau khi mổ 1 ngày người bệnh nên thực hiện vận động nhẹ nhàng các khớp ở chân, gối và háng sẽ có tác dụng rất tốt cho việc phục hồi bệnh sau này. Một số bài tập người bệnh nên luyện tập sau khi mổ 1 ngày là:
- Vận động hai chân: Người bệnh nằm trên giường thực hiện duỗi gập cổ chân, ngón chân, khớp gối và khớp háng một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Tốt nhất bạn nên thực hiện động tác này nhiều lần trong ngày để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Nằm nghiêng và lật người: Người bệnh nằm ngửa trên giường, chân phải co lên làm trụ, chân trái duỗi thẳng, đưa tay phải sang bên trái rồi từ từ nghiêng người sang bên trái. Sau đó đưa cơ thể trở về trạng thái ban đầu rồi thực hiện với bên còn lại.
- Bài tập ngồi dậy: Người bệnh nên sử dụng đai lưng hỗ trợ để tránh gây tổn thương đến đĩa đệm và cột sống. Đầu tiên, người bệnh tiến hành nằm nghiêng người và đưa chân ra mép giường. Dùng tay chống xuống giường, thực hiện đẩy người lên một cách chậm rãi và nhẹ nhàng. Nên thực hiện 2 – 3 lần/ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Vận động khi ngồi vững: Thả hai chân xuống giường, thực hiện co duỗi các khớp và thao tác nâng hạ chân một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, khi khung xương đã ổn định thì người bệnh nên tập đi lại một cách nhẹ nhàng với sự kèm cặp của nhân viên chăm sóc.
Sau khi mổ 2 – 3 ngày sức khỏe đã dần ổn định thì người bệnh có thể thực hiện đi lại nhẹ nhàng dưới sự trợ giúp của người thân. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện ở mức độ vừa phải, tránh tình trạng quá sức gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình hồi phục.
Chế độ luyện tập sau khi về nhà
Sau khi nằm viện khoảng 1 tuần nếu tình trạng bệnh đã chuyển biến tốt, sức khỏe dần khôi phục thì người bệnh sẽ được bác sĩ cho xuất viện và tiếp tục thực hiện luyện tập tại nhà bằng các bài tập như co chân, đi bộ,…
– Bài tập co chân:
- Nằm trên giường sao cho phần hông và lưng duỗi thẳng.
- Từ từ nâng một chân lên và gập đầu gối lại, dùng tay ôm sát vào bụng.
- Giữ yên như vậy trong khoảng 10 giây thì thả lỏng cơ thể và trở về trạng thái ban đầu.
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần rồi đổi chân.
Công dụng: Giúp tăng cường sức khỏe của hệ thống xương khớp và giúp quá trình hồi phục diễn ra tốt hơn.
– Bài tập đi bộ
- Mỗi ngày dành khoảng 30 phút để đi bộ vào mỗi buổi sáng hoặc tối.
- Nên thực hiện đi bộ một cách nhẹ nhàng và chậm rãi.
- Giữ lưng thẳng đứng và mặt hướng về phía trước.
Công dụng: Giúp cơ thể trở nên thoải mái, thư giãn tinh thần, hệ thống gân cơ trở nên linh hoạt và dẻo dai hơn.
– Bài tập đạp xe trên không
- Nằm trên giường duỗi thẳng hai chân, hai tay đặt xuôi theo cơ thể.
- Để cho cơ thể thật thả lỏng, thực hiện hít vào và thở ra một cách nhịp nhàng.
- Đưa hai tay lên đặt dưới đầu, co hai chân lại và đưa lên cao sao cho bắp đùi với mặt đất tạo thành một góc 90 độ.
- Để bắp chân song song với mặt đất và thực hiện động tác giống như đạp xe đạp.
- Nên luyện tập một cách nhẹ nhàng, khi thấy mỏi thì có thể nghỉ ngơi để hạn chế gây ảnh hưởng đến cột sống.
Công dụng: Giúp hệ xương khớp trở nên chắc khỏe, dẻo dai và linh hoạt. Bài tập còn tác động lên cơ gân tại chân, bụng và hông giúp chúng trở nên chắc khỏe hơn.
Để quá trình luyện tập mang lại hiệu quả tốt nhất thì người bệnh cần phải kiên trì thực hiện mỗi ngày, khi cảm cảm thấy mệt thì nên nghỉ ngơi, tuyệt đối không được tập luyện quá sức. Trong quá trình luyện tập người bệnh cần phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc và hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Một số điều cần lưu ý sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và tốt nhất thì người bệnh cần phải lưu ý một số điều dưới đây:
- Sau khi mổ thoát vị đĩa đệm người bệnh cần phải nghỉ ngơi ít nhất trong khoảng 3 tháng cho đến 1 năm bệnh mới có thể bình phục hoàn toàn. Nên giữ cho tinh thần thoải mái sẽ có tác dụng rất tốt đến quá trình hồi phục bệnh, tuyệt đối không được vận động mạnh hoặc thực hiện các động tác gây áp lực lên cột sống.
- Xây dựng chế độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và mức độ hồi phục của bản thân, nên bắt đầu luyện tập những bài nhẹ nhàng sau đó tăng dần cường độ khi cơ thể đã khỏe hơn. Tuyệt đối không nên tập luyện quá sức sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến vết thương, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Sau khi bệnh đã hồi phục hoàn toàn, người bệnh nên duy trì tập luyện thể thao đều đặn bằng các bài tập tốt cho xương khớp như đi bộ, yoga, bơi lội,… sẽ có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm tái phát.
- Người bệnh cũng nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học và hợp lý, tăng cường bổ sung các loại dưỡng chất cần thiết cho quá trình hồi phục sau phẫu thuật như canxi, protein, vitamin D, C và K2,…
- Tuyệt đối tránh xa các loại thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và quá trình phục hồi bệnh như đồ uống có cồn, chất kích thích, nội tạng động vật, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ,… Nếu người bệnh sử dụng quá nhiều sẽ khiến nồng độ canxi trong máu bị suy giảm và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của xương khớp.
- Người bệnh nên tiến hành tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra mức độ hồi phục sau phẫu thuật và có các biện pháp xử lý kịp thời nếu xảy ra biến chứng.
Trên đây là thông tin về những loại thực phẩm nên ăn và chế độ tập luyện sau mổ thoát vị đĩa đệm mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo. Hy vọng chúng sẽ có ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân sau khi phẫu thuật, giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!