Phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm được thực hiện bằng cách đưa vào khoang chứa màng cứng một loại thuốc giảm đau. Sau khi được tiêm vào, thuốc sẽ di chuyển và ngấm vào rễ dây thần kinh, đĩa đệm. Từ đó giúp người bệnh chống viêm và giảm sưng, đau hiệu quả.
Phương pháp tiêm ngoài màng cứng là gì?
Phương pháp tiêm ngoài màng cứng là việc đưa một loại thuốc với liều lượng thích hợp vào không gian ngoài màng cứng còn được gọi là không gian xung quanh tủy sống. Hoạt động này sẽ giúp bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm hoặc mắc một số bệnh về xương khớp khác giảm viêm tạm thời. Bên cạnh đó phương pháp tiêm ngoài màng cứng còn giúp người bệnh cải thiện tình trạng sưng tấy và giảm đau xung quanh các dây thần kinh bị tổn thương cũng như bên trong hoặc những vị trí xung quanh rễ dây thần kinh cột sống.
Trước khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng, bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định chính xác vị trí tiêm. Để xác định, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân chụp cắt lớp hoặc sử dụng đèn soi huỳnh quang. Hoạt động này sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác khu vực cần tiêm cũng như khu vực đau cụ thể. Từ đó giúp người bệnh cảm nhận được những lợi ích từ việc điều trị thoát vị đĩa đệm bằng các mũi tiêm.
Đối với những trường hợp bệnh nặng, đau đớn khủng khiếp, dữ dội khiến người bệnh không thể tự đi lại được, gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày, bệnh nhân nên tiến hành chữa bệnh theo phác đồ tiêm ngoài màng cứng. Bởi sau khi tiêm, hầu hết những bệnh nhân có thể cải thiện cơn đau một cách đáng kể, vận động và hoạt động sinh hoạt bình thường trở lại.
Ưu điểm của phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm là một kỹ thuật không chỉ đơn giản mà còn rất hiệu quả trong việc điều trị những cơn đau cấp tính. Bên cạnh đó phương pháp này còn giúp người bệnh bảo tồn được đĩa đệm, ít xâm lấn và giúp bệnh nhân giảm tỉ lệ phẫu thuật.
Thông thường, ngoài bệnh thoát vị đĩa đệm, phương pháp tiêm ngoài màng cứng sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định điều trị cho những trường hợp sau:
- Bệnh nhân có dây thần kinh bị tổn thương do đĩa đệm phình ra
- Bệnh nhân bị đau chân hoặc đau lưng mãn tính do phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thất bại
- Đốt sống, các mô xung quanh và dây thần kinh cột sống bị chấn thương.
Phương pháp chống chỉ định đối với những trường hợp:
- Loét, viêm hoặc nhiễm khuẩn vùng tiêm
- Cột sống thắt lưng cùng bị tổn thương nặng như: Ung thư đốt sống, viêm đốt sống
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu
- Những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông, thuốc dùng trong điều trị loét dạ dày tiến triển, bệnh tiểu đường khó kiểm soát, chảy máu đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân bị đau do nhiễm trùng hoặc có khối u.
Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Trong vòng vài giờ trước khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm người bệnh không được uống, không được ăn bất kỳ thứ gì. Hoạt động này sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa sự xuất hiện của những cơn đau tại vùng bụng sau khi tiêm.
Trước khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bệnh nhân đi vệ sinh hoặc sử dụng những loại thuốc để đi vệ sinh.
Khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng, người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện CT Scan hoặc được đặt trên một bản huỳnh quang. Điều này sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa dễ dàng hơn trong việc xác định vị chính xác vị trí tiêm.
Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm là một thủ thuật ngoại khoa. Sau khi tiêm hoặc sau khi lượng thuốc tê được đưa vào cơ thể hết tác dụng, người bệnh có thể trở về nhà. Tự nhiên bệnh nhân không được tự đi về nhà, không nên lái xe. Bởi điều này có thể khiến bạn gặp nguy hiểm. Chính vì thế, sau khi tiêm, người bệnh nên nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hoặc bạn bè để có thể về nhà an toàn.
Những bước tiến hành tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm
Những bước cơ bản trong điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp tiêm ngoài màng cứng gồm:
Bước 1: Tư thế của người bệnh
Người bệnh nằm nghiêng người ở trạng thái thư giãn. Xoay lưng ra ngoài sao cho sát với thành giường. Tiến hành làm cong giãn cột sống bằng cách co chân vào ngực.
Bước 2: Vị trí chọc kim
Vị trí chọc kim nằm ở khoang liên đốt L5 – S1
Bước 3: Tiến hành kỹ thuật
- Sát khuẩn: Bác sĩ chuyên khoa sử dụng dung dịch sát khuẩn để rửa tay. Sau đó mang găng tay vô trùng. Điều dưỡng tiến hành sát khuẩn vị trí tiêm và vùng da xung quanh 2 lần bằng cồn iốt. Tiếp đến sử dụng cồn 70 độ để sát khuẩn lần 3.
- Chọn vị trí chọc kim: Bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng ngón cái bàn tay trái xác định khoảng liên đốt L5 S1 bằng cách ấn dọc theo những mỏm gai tồn tại ở vùng thắt lưng (tương đương đường liên mào chậu).
- Tiến hành chọc kim vào khoang ngoài màng cứng: Bác sĩ chuyên khoa cầm kim chọc dò bằng tay phải. Tại khoang liên đốt L5 S1, bác sĩ tiến hành đưa thanh kim qua da. Sau đó nhẹ nhàng đưa dần vào. Bác sĩ sẽ dừng lại khi có cảm giác kim bị hẫng sau khi kim tiêm qua dây chằng vàng. Rút nòng kim. Trong trường hợp không có dịch chảy ra thì tiến hành kiểm tra xác định xem kim tiêm đã vào đúng vị trí ngoài màng cứng hay chưa.
- Kiểm tra: Kiểm tra xác định kim đã vào đúng vị trí ngoài màng cứng.
- Ngay tại khoang màng cứng, tiến hành bơm thuốc: Khi bác sĩ chuyên khoa đã kiểm tra và chắc chắn rằng kim tiêm đã vào ngoài màng cứng, tiến hành bơm từ từ 40mg Depo medrol hoặc 3ml Hydrocortison acetate.
- Kết thúc: Rút kim, sử dụng bông băng ép cầm máu tại chỗ, sát khuẩn lại, băng vết chọc bằng gạc vô khuẩn.
- Nghỉ ngơi: Người bệnh nằm nghỉ trên giường khoảng 10 – 15 phút.
- Chăm sóc: Trong vòng 24 giờ, bệnh nhân không được rửa nước vào vùng tiêm. Sau 24 giờ, bệnh nhân tiến hành bóc băng gạc. Trong những ngày đầu điều trị, người bệnh cần tránh vận động mạnh hoặc thực hiện những hoạt động, động tác quá mạnh, đòi hỏi nhiều sức lực.
Những biểu hiện bất thường và bình thường sau khi tiêm ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm
Biểu hiện bình thường
- Tê bì vùng thắt lưng hai chân trong khoảng từ 1 – 2 ngày.
- Đau tại vùng tiêm từ 1 – 2 ngày.
Biểu hiện bất thường
- Sốt.
- Giảm vận động hai chân
- Mạch nhanh, chảy máu tại chỗ tiêm, tay chân lạnh, huyết áp tụt.
Khi nhận thấy những biểu hiện bất thường nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện và tiến hành tái khám ngay. Bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn chẩn đoán và có những phương pháp điều trị kịp thời.
Những rủi ro khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Việc tiêm ngoài màng cứng có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng sưng, viêm và đau nhức hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này vẫn có thể gây ra một số rủi ro nếu không cẩn thận.
Một số rủi ro khi chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp tiêm ngoài màng cứng gồm:
- Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng khi tiêm vào màng cứng rất hiếm khi xảy ra. Tình trạng này chỉ chiếm tỉ lệ xuất hiện khoảng 0,01% – 0,1% trong số những bệnh nhân. Trong một vài trường hợp khác, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng cột sống hoặc viêm xương tủy khi tiêm ngoài màng cứng.
- Chảy máu: Chảy máu cũng là một trong những rủi ro hiếm gặp sau khi áp dụng phương pháp tiêm ngoài màng cứng. Rủi ro này thường chỉ xuất hiện ở những đối tượng có tiền sử hoặc đang bị rối loạn chảy máu tiềm ẩn.
- Thủng mảng cứng: Biến chứng thủng màng cứng chiếm tỉ lệ xuất hiện khoảng 0,3%. Biến chứng này khi xuất hiện có thể khiến bệnh nhân bị đau đầu. Tình trạng đau đầu thường sẽ thuyên giảm và mất sau vài ngày xuất hiện. Tuy nhiên chúng vẫn thường lặp lại khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu. Để cải thiện cơn đau đầu, bác sĩ chuyên khoa có thể tiến hành rút tại tĩnh mạch ở cánh tay một lượng máu nhỏ. Sau đó tiêm vào khoang ngoài màng cứng. Hoạt động này có thể giúp người bệnh lắp đầy màng cứng bị thủng. Đồng thời phòng ngừa sự rò rỉ dịch ra bên ngoài.
- Tổn thương thần kinh: Sau khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng, tổn thương thần kinh có thể xảy ra. Tuy nhiên biến chứng này chiếm tỉ lệ xảy ra vô cùng thấp. Khi bị chảy máu, nhiễm trùng hoặc bị chấn thương trực tiếp từ kim tiêm, tổn thương thần kinh có thể xảy ra.
- Đột quỵ, chấn thương cột sống hoặc tử vong: Nếu trong quá trình tiêm ngoài màng cứng ở cổ bác sĩ đặt kim không đúng cách thì thì đột quỵ, chấn thương cột sống hoặc tử vong là những rủi ro có tỉ lệ xảy ra rất cao.
- Ảnh hưởng đến thai nhi: Nếu mang thai hoặc có nghi ngờ mang thai, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ chuyên khoa trước khi tiến hành tiêm ngoài màng cứng cũng như thực hiện một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Bởi trong quá trình xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, một số bức xạ có khả năng tác động khiến cho thai nhi bị ảnh hưởng và bị nhiễm bức xạ ánh sáng. Trong trường hợp bệnh nhân buộc phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn áp dụng một số cách phòng ngừa. Điều này sẽ giúp thai nhi giảm thiểu sự phơi nhiễm bức xạ.
Tác dụng phụ khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Bên cạnh những rủi ro và các biến chứng nêu trên, phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm bằng thuốc Steroid còn có khả năng tác động và mang đến những tác dụng phụ.
Một số tác dụng phụ được báo cáo sau khi tiêm Steroid ngoài màng cứng gồm:
- Mặt đỏ bừng
- Tăng đau cục bộ
- Nhức đầu (tác dụng phụ này không thường xuyên xảy ra. Ngoài ra tình trạng đau đầu sẽ được cải thiện trong vòng 24 giờ)
- Tâm trạng lo lắng, bất an không rõ nguyên nhân
- Sốt (tác dụng phụ này thường xuyên xuất hiện vào ban đêm)
- Mất ngủ
- Lượng đường tồn tại trong máu tăng cao
- Viêm loét dạ dày tá tràng
- Hệ thống miễn dịch suy giảm chức năng bởi tác dụng ức chế của thuốc Steroid
- Viêm khớp nhưng không nghiêm trọng
- Đục thủy tinh thể.
Sau khi tiêm ngoài màng cứng điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm, bác sĩ chuyên khoa sẽ thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe cũng như những phản ứng của bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi về nhà và chưa có lịch tái khám hoặc bạn nằm trong những trường hợp ngoại lệ, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những điểm bất thường sau:
- Mất khả năng kiểm soát chức năng và những hoạt động diễn ra ở tay và chân
- Khi ngồi hoặc đứng có cảm giác đau. Khi nằm xuống cơn đau ngay lập tức sẽ giảm xuống. Đây có thể là một trong những biểu hiện chứng tỏ màng cứng của bạn đã bị thủng.
- Sốt cao trên 38 độ C trong 24 giờ. Đây có thể là một trong những triệu chứng báo hiệu bạn đang bị nhiễm trùng vết tiêm.
- Sau khi gây tê cục bộ, người bệnh có thể đối mặt với sự mất kiểm soát diễn ra tại ruột và bàng quang. Cụ thể như đại tiện hoặc tiểu tiện không kiểm soát
- Xuất hiện những cơn đau nghiêm trọng, dữ dội làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân và những loại thuốc giảm đau không thể cải thiện được tình trạng này.
Tần suất tiêm Steroid ngoài màng cứng điều trị thoát vị đĩa đệm
Không có nghiên cứu cũng như thông tin cụ thể nào liên quan đến tần suất tiêm Steroid ngoài màng cứng trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Thông thường, người bệnh sẽ được bác sĩ yêu cầu tiêm thuốc 3 lần/năm. Tuy nhiên sau khi tiêm thuốc ở mũi thứ nhất, tình trạng viêm, sưng và những cơn đau không lặp lại, người bệnh có thể không tiếp tục tiến hành tiêm mũi thứ hai. Những mũi tiêm còn lại sẽ được bác sĩ và bệnh nhân sử dụng để dự trù tình trạng sưng, viêm và những cơn đau tiềm ẩn hoặc tái phát.
Nhìn chung, phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm đòi hỏi bác sĩ phải có sự cảm nhận tinh túy của bàn tay và phải có kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên khoa. Khi đưa kim tiêm và điều chỉnh, kim tiêm phải ở vị trí đúng với khung ngoài màng cứng. Mặc dù kỹ thuật tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên phải thực sự thận trọng. Bác sĩ tuyệt đối không được quá nóng vội mà đẩy kim tiêm chứa thuốc quá mạnh vào khoang dưới nhện.
Nếu bác sĩ thực hiện đúng kỹ thuật thì tiêm ngoài màng cứng có thể được ghi nhận là phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm khá hữu ích. Phương pháp có khả năng mang đến hiệu quả điều trị tương đối cao. Tính an toàn cũng được đảm bảo.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!