Có nên tiêm phòng viêm gan B khi mang thai?
Băn khoăn của không ít người là có nên tiêm phòng viêm gan B khi mang thai không Bởi bệnh này lây truyền sang thai nhi gây biến xơ gan cho trẻ khi bước vào độ tuổi trưởng thành.
2 miễn dịch phòng ngừa viêm gan B
Trước khi tìm đáp án cho câu hỏi có nên tiêm phòng bệnh viêm gan B khi mang thai không, bạn nên biết tiêm phòng viêm gan B gồm mấy loại và bản chất của nó là gì.
Loại 1: Tạo miễn dịch thụ động
Đưa kháng thể viêm gan B vào cơ thể trong các trường hợp:
- Sau khi tiếp xúc với chất lỏng nhiễm virus nhưng chưa được bảo vệ;
- Trẻ được sinh ra từ người mẹ dương tính với virus viêm gan B. Kháng thể cần được đưa vào cơ thể trong vài giờ đầu sau khi sinh.
Loại 2: Tạo miễn dịch chủ động
Tiêm vắc xin đã được bất hoạt. Nhiều nơi trên thế giới đang dùng loại vắc xin phòng viêm gan B thế hệ thứ nhất. Loại này có chứa protein bề mặt không nhiễm trùng. Nó được tinh chế và phân lập từ huyết tương của người nhiễm viêm gan B. Hiện nay, người ta đã phát triển loại vắc xin phòng viêm gan B thế hệ thứ 2. Loại này phối hợp các kháng nguyên bề mặt siêu vi B (HBsAg) được sản xuất từ nấm.
Một đợt tiêm phòng viêm gan B thường gồm 3 mũi tiêm kéo dài trong khoảng 6 tháng (liều thứ hai cách liều thứ nhất 1 tháng và liều thứ ba cách liều thứ hai 5 tháng). Ngoài ra còn có mũi tiêm nhắc lại sau 1 năm (áp dụng cho trường hợp nồng độ anti-HBs dưới 100 UI/I).
Sự cần thiết phải tiêm phòng viêm gan B trước khi mang thai
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm. Nó lây qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Tác nhân gây bệnh là virus siêu vi B (HBV). Một vài thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh này ở nước ta có thể chiếm đến 20% dân số. Viêm gan B là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan hoặc xơ gan.
-
Phụ nữ đang mang thai là đối tượng dễ bị viêm gan B
Viêm gan B có thể xảy ra ở nhiều đối tượng và lứa tuổi khác nhau. Trong đó, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh này nhất. Viêm gan B không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi mà còn di chứng đến sự phát triển sau này của trẻ. Người ta thống kê rằng có khoảng 50% số trẻ sinh ra bị nhiễm viêm gan B từ mẹ không được điều trị sẽ bị xơ gan lúc trưởng thành.
-
Tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con cao
Trong khi đó, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai bị nhiễm viêm gan B có sự khác biệt rất lớn tùy vào từng các giai đoạn tam cá nguyệt. Cụ thể, trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây truyền là 1% hoặc không đáng kể. Đến 3 tháng giữa, tỷ lệ nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con có thể lên mức 20%. Sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, con số này là 90%.
Mức độ ảnh hưởng và lây nhiễm của bệnh viêm gan B đối với thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ là vấn đề đã được nhiều nghiên cứu khoa học làm rõ. Bạn hoàn toàn có thể tránh được những ảnh hưởng này bằng cách tiêm phòng vắc xin. Đây là cách vừa an toàn vừa hiệu quả.
Xem thêm: Bà bầu bị viêm gan B có sao không? Có ảnh hưởng thai nhi không?
Tiêm phòng viêm gan B khi mang thai an toàn nhưng không được khuyến khích
Lợi ích từ việc tiêm phòng viêm gan B là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu tiêm loại vắc xin này khi mang thai thì có vấn đề gì không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người. Bởi thời gian tiêm phòng kéo dài khá lâu. Trong khoản thời gian đó, không ít cặp vợ chồng bị “vỡ kế hoạch”.
Trả lời vấn đề này, các chuyên gia cho biết việc tiêm phòng viêm gan B khi mang thai vẫn an toàn cho sức khỏe của bé. Ngay cả trong trường hợp đang tiêm phòng vắc xin và phát hiện mình mang thai thì điều này cũng không gây hại cho thai nhi.
Nguyên nhân vắc xin tiêm phòng viêm gan B là loại vắc xin bất hoạt. Nghĩa là nó không chữa vi khuẩn sống. Đồng thời, các nghiên cứu khoa học cũng đã nhiều lần chứng minh đây là một trong những loại vắc xin an toàn nhất.
Dù việc tiêm phòng viêm gan B khi mang thai không phải là trường hợp chống chỉ định. Tuy nhiên, các chuyên gia và bác sĩ khuyên nếu không phải bất đắc dĩ thì không nên tiêm phòng trong giai đoạn này.
Nguyên nhân là do sức đề kháng của người phụ nữ trong giai đoạn mang thai rất yếu. Cộng với đó là những thay đổi lớn của cơ thể do hoạt động của nội tiết tố. Việc tiêm phòng có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn hoặc không theo quy luật và khó đánh giá được hiệu quả. Mặc khác, điều này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng viêm gan B là trước khi mang thai
Theo ý kiến từ các chuyên gia, người phụ nữ nên tiêm phòng virus viêm gan B trước thời điểm mang thai ít nhất 9 tháng. Khoảng thời gian này đảm bảo cả 3 mũi tiêm đều được hoàn thành. Đồng thời, cơ thể người mẹ cũng có đủ thời gian để sản sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus.
Ngoài ra, để chắc chắn hơn về hiệu quả phòng chống virus của vắc xin, sau 3 tháng kể từ khi mũi tiêm thứ 3 kết thúc, bạn cần đến cơ sở y tế kiểm tra. Nếu kháng thể chống virus viêm gan B đạt từ 10 trở lên nghĩa là cơ thể đã có thể tự tiêu diệt loại virus này.
Đang tiêm phòng viêm gan B thì mang thai phải làm thế nào?
Bên cạnh câu hỏi có nên tiêm phòng viêm gan B khi mang thai không, còn có một câu hỏi khác khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng đó là đang tiêm phòng viêm gan B thì phát hiện mình mang thai phải làm thế nào.
Như đã trình bày, trong trường hợp đang tiêm phòng và phát hiện mình mang thai thì vẫn không nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ khi phát hiện. Bác sĩ sẽ tư vấn về thời gian phù hợp để tiêm mũi còn lại.
Một số lưu ý khi tiêm ngừa viêm gan B
-
Trước khi tiêm vắc xin:
Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu. Mục đích là xác định đối tượng cần tiêm vắc xin có đang bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu HBsAg âm tính và cơ thể chưa có kháng thể phòng bệnh thì sẽ được tiêm vắc xin.
Trường hợp HBsAg dương tính thì vắc xin sẽ không có tác dụng. Người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra phác đồ điều trị thích hợp.
-
Hiệu quả tác dụng của vắc xin phòng viêm gan B:
Hiệu quả phòng bệnh viêm gan B của vắc xin đạt tỷ lệ 90%. Bên cạnh đó, theo thời gian, lượng kháng thể mà loại vắc xin này tạo ra trong cơ thể sẽ giảm dần. Vì thế, bạn cần tiêm mũi nhắc lại sau khoảng 10 – 15 năm.
Ngoài ra, khi tiêm phòng viêm gan B, bạn cần ở lại cơ sở y tế trong khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để theo dõi các phản ứng của cơ thể với vắc xin. Kịp thời can thiệp nếu bị sốc phản vệ.
-
Ăn uống và sinh hoạt khoa học:
Tiêm phòng viêm gan B khi mang thai nói riêng và trong các trường hợp khác nói chung cần lưu ý lại chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày của bản thân. Về ăn uống, bên cạnh bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, bạn còn cần phải cung cấp cho cơ thể nhiều loại rau củ quả tươi. Còn trong sinh hoạt, hãy giữ cho tinh thần được thoải mái, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và đúng giờ.
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!