5 cách trị đau thần kinh tọa tại nhà giúp giảm đau hiệu quả
Chườm nóng, thực hiện các bài tập, uống thuốc không kê toa, dùng phương pháp dân gian hoặc thuốc Nam là những cách trị đau thần kinh tọa tại nhà được nhiều người áp dụng. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng. Đối với các cách dùng thuốc thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Chữa đau thần kinh tọa bằng chườm nóng tại nhà
Khi bị đau thần kinh tọa, chườm nóng có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, giảm tình trạng sung huyết (ứ máu cục bộ), giãn cơ và nhờ đó giảm đau nhức. Bạn có thể thực hiện mỗi ngày vài lần hoặc bất cứ khi nào cảm thấy đau.
Một số tài liệu cho rằng nên kết hợp luân phiên giữa chườm nóng và chườm lạnh. Tuy nhiên xét kỹ về mặt lý thuyết thì bạn chỉ nên chườm nóng. Nguyên nhân là chườm lạnh làm giảm tín hiệu truyền dẫn xung động trên dây thần kinh.
Thực tế, người ta chỉ chườm lạnh trong các trường hợp bị bong gân, viêm khớp cấp (trường hợp chuyển sang mạn tính thì chườm nóng). Ngoài ra, đối với những người bị đau thần kinh tọa kèm với tăng huyết áp hoặc xơ cứng động mạch thì tuyệt đối không được chườm lạnh.
Khi chườm nóng trị đau thần kinh tọa tại nhà, nếu không có túi, bạn có thể linh hoạt sử dụng miếng dán nóng. Túi chườm chứa nước nóng hoặc muối hạt rang. Dù là cách chườm nóng nào thì bạn cũng cần lưu ý nhiệt độ để không bị bỏng. Vùng da bụng khá mỏng. Lớp mỡ dưới da dù có dày hay mỏng cũng sẽ không bảo vệ được da nếu bạn dùng túi chườm quá nóng.
Thực hiện các bài tập tại nhà để chữa đau thần kinh tọa
Đây là một trong những cách vừa an toàn vừa hiệu quả trong chữa đau thần kinh tọa tại nhà. Các bài tập này gồm: tăng cường sự linh hoạt của thắt lưng; kéo giãn cơ đùi và kéo giãn cơ tháp. Bạn nên phối hợp cả 3 bài trong 1 lần tập. Mỗi ngày nên tập từ 1 – 2 lần để nhanh chóng cải thiện triệu chứng đau.
Bài tập cho thắt lưng
Nằm trên sàn. Đầu kê bằng một quyển sách hoặc một chiếc gối nhỏ. Chống hai chân lên sàn. Khoảng cách giữa hai bàn chân bằng độ rộng của hông. Thả lỏng phần từ bụng lên trên. Cằm có thể gập nhẹ xuống ngực.
Co 1 đầu gối về phía ngực và dùng tay kéo càng gần ngực càng tốt. Cho đến khi không thể kéo được nữa thì giữ trong khoảng 20 giây. Trong lúc giữ phải hít thở sâu. Kết thúc động tác với chân thứ nhất thì trở lại tư thế ban đầu và lặp lại với chân còn lại.
Khi thực hiện bài tập này bạn cần lưu ý kéo chân về ngực ở mức vừa phải. Đừng cố gắng quá sức. Bên cạnh đó, phần cổ, vai và ngực cũng không được quá căng. Bởi đây là bài tập cho thắt lưng, phần lực nên tập trung ở bộ phận này.
Bài tập ở cơ đùi
Đứng thẳng người. Một chân làm trụ, chân còn lại đặt trên một vật. Chân làm trụ duỗi thẳng các ngón chân và giữ cho chân luôn thẳng. Tiếp đến, ngã người về phía trước trong khi lưng vẫn giữ thẳng. Giữ tư thế này trong khoảng 20 giây. Trong lúc đó hãy hít thở sâu. Trở lại tư thế ban đầu, đổi chân và thực hiện tương tự.
Bài tập sẽ giúp cơ đùi được kéo căng. Do đó, nó có thể gây đau một chút khi mới tập. Bạn nên tăng dần mức độ căng. Nếu căng cơ đùi quá đột ngột sẽ phản tác dụng. Đồng thời, trong lúc thực hiện bài tập, bạn lưu ý lưng và chân làm trụ phải thẳng.
Bài tập dành cho cơ tháp
Cơ tháp hay còn gọi là cơ hình lê là cơ bắt chéo ngang dây thần kinh tọa. Chính vì thế, luyện tập kéo giãn cơ này sẽ giúp người bệnh cải thiện rõ nét tình trạng đau. Bài tập cho cơ tháp không quá phức tạp. Trước tiên, bạn nằm xuống sàn, đầu kê một cái gối nhỏ. Co chân trái lên, đồng thời đưa chân phải gác lên chân trái sao cho mắt cá chân này chéo qua đầu gối chân trái.
Tiếp đến, giữ và kéo đùi trái về phía bụng. Trong lúc này hãy giữ hông thẳng và xương cụt nằm sát mặt sàn. Giữ nguyên tư thế trong khoảng 20 giây kèm hít thở sâu. Nếu không thể dùng tay giữ, bạn có thể dùng khăn để kéo đùi về phía bụng. Lưu ý khi thực hiện bài tập này là giữ cho xương cụt không cách khỏi mặt sàn. Đồng thời bạn cũng phải giữ cho khung xương chậu được thẳng.
Sử dụng thuốc không kê toa chữa đau thần kinh tọa ở nhà
Trong trường hợp quá đau nhức dây thần kinh tọa. Bạn cần nhanh chóng xử lý nó để tiếp tục công việc, học tập thì có thể sử dụng thuốc không kê toa. Đây là dược phẩm có thể tự mua hoặc thông qua sự hướng dẫn của nhân viên nhà thuốc mà không cần đơn thuốc từ bác sĩ.
Ưu điểm của giải pháp này là nhanh chóng làm dịu cơn đau tại chỗ. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng. Bởi hầu hết các loại thuốc này đều có tác dụng phụ. Một số thuốc giảm đau không kê toa thường dùng cho các trường hợp bị đau dây thần kinh tọa là: naproxen natri, ibuprofen (gồm Advil, Motrin IB và một số loại khác)…
Dùng tỏi và sữa chữa đau thần kinh tọa tại nhà
Nếu lo ngại về tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau, bạn có thể áp dụng phương pháp dân gian chữa đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi tùy vào thể trạng từng người, mức độ hiệu quả sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, đây là phương pháp dành cho số đông. Nếu cơ thể bạn quá nhạy cảm thì đừng tự ý dùng.
Bài thuốc dân gian chữa đau dây thần kinh tọa thường dùng là tỏi kết hợp với sữa. Tỏi có khả năng kháng khuẩn, chống viêm tốt sẽ giảm được các cơn đau. Còn sữa chứa nhiều canxi sẽ giúp xương chắc khỏe hơn. Đồng thời, trong sữa chứa nhiều axit lactic. Loại axit này sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Nhờ đó, cơ thể sẽ ngăn chặn được các nguy cơ khiến tình trạng đau nghiêm trọng hơn.
Để thực hiện phương pháp này, bạn cần từ 3 – 4 tép tỏi và 200ml sữa tươi. Tỏi sau khi bóc vỏ sẽ được nghiền nát rồi trộn và sữa tươi. Nên uống ngay sau khi trộn. Thời điểm tốt nhất là vào sáng sớm. Có một lưu ý nhỏ là nếu mùi tỏi quá khó chịu thì bạn có thể đun sôi hỗn hợp sữa và tỏi để dễ uống hơn.
Bài thuốc Nam chữa đau thần kinh tọa tại nhà
Nếu không muốn dùng thuốc tân dược hoặc phương pháp dân gian chữa đau dây thần kinh tọa thì vẫn còn một giải pháp nữa cho bạn. Đó là dùng các bài thuốc Nam. Thuốc Nam chữa đau thần kinh tọa chia thành hai bài thuốc ứng với nguyên nhân gây đau phổ biến.
Bài thuốc 1:
Áp dụng cho trường hợp đau thần kinh tọa do hàn kinh lạc. Cơn đau sẽ xuất hiện đầu tiên ở thắt lưng (một số trường hợp ở vai gáy). Sau đó, nó sẽ lan sang phần mông, xuống đến đùi sau và cẳng chân. Người bệnh rất khó khăn trong việc di chuyển. Lưỡi có biểu hiện trắng mốc. Đồng thời, họ còn rất sợ lạnh.
Để điều trị tình trạng này, các bài thuốc Nam trị đau thần kinh tọa tại nhà tập trung vào hoạt huyết, hành khí và khu phong tán hàn. Nghĩa là tăng cường sự lưu thông khí huyết, giải độc tố và giảm đau nhức.
Nguyên liệu cần chuẩn bị là: lá lốt, thiên niên kiện, xuyên khung (mỗi loại 15g); quế chi, ngải cứu và chỉ xác (mỗi loại 10g). Mang tất cả các vị thuốc này sắc với 70ml nước trong khoảng 1 giờ đồng hồ là có thể dùng. Mỗi ngày sắc thuốc uống 1 lần. Kiên trì trong khoảng 2 tuần sẽ cải thiện được tình trạng đau nhức.
Bài thuốc 2:
Dùng cho các trường hợp đau thần kinh tọa do phong hàn thấp tý. Nếu mắc phải nguyên nhân này, người bệnh sẽ bị đau từ cơ thắt lưng vùng đoạn cùng. Cơn đau từ đó lan xuống chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tình trạng đau kéo dài nhiều ngày có thể dẫn đến ăn không ngon, mất ngủ, cơ thể suy nhược. Thậm chí có thể gây teo cơ.
Điều trị đau nhức dây thần kinh tọa trong trường hợp này tiếp tục dùng cách khu phong tán hàn. Bên cạnh đó, người bệnh cần được trừ thấp, bổ can thận và bổ khí huyết.
Các vị thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị này là: khương hoạt 1g; gừng 6g; can thảo và phụ tử chế (mỗi loại 8g); độc hoạt 10g; đại táo 16g và ý dĩ nhân 20g. Cách chế biến và liều dùng tương tự bài thuốc số 1.
Những lưu ý khi trị đau thần kinh tọa tại nhà
Bạn có thể kết hợp các phương pháp không dùng thuốc trị đau thần kinh tọa tại nhà để tăng hiệu quả cải thiện bệnh. Nếu phối hợp các bài thuốc với nhau (giữa tân dược với thuốc Nam hoặc với bài thuốc từ dân gian) thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Trong khi áp dụng những cách chữa đau thần kinh tọa như đã trình bày, bạn cần thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý. Chú ý không được vặn mình quá mức. Vận động thường xuyên rất tốt. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện vừa sức. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý một điều rằng ngồi hoặc nằm quá lâu một chỗ không hề cải thiện bệnh mà ngược lại còn gây đau nhiều hơn. Nguyên nhân là do máu huyết lưu thông khó khăn.
Xem thêm: Bị đau thần kinh tọa có nên đi bộ? Giải đáp từ bác sĩ
Mặt khác, tư thế khi ngủ cũng có thể cải thiện được tình trạng đau. Bạn cần ngủ trên một tấm nệm cứng và sử dụng gối thấp. Nếu nằm nghiêng thì gấp hai đầu gối hướng về phía đầu. Bên cạnh đó, hãy đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối. Còn khi nằm ngửa, bạn hãy đặt một chiếc gối nhỏ dưới hai đầu gối.
Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày, bạn hãy chú ý bổ sung nguồn dinh dưỡng đầy đủ. Nên ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và canxi. Song song đó, bạn cần hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và nên loại bỏ thịt đỏ ra khỏi bữa ăn (có thể gây teo cơ).
Trường hợp đau thần kinh tọa cần đến bác sĩ
Nhiều trường hợp trị đau thần kinh tọa tại nhà đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào xuất hiện, bạn cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ. Cụ thể là các biểu hiện dưới đây:
- Tình trạng đau ngày càng gia tăng dù đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà;
- Đau thần kinh tọa ở cả hai bên;
- Chân ngày càng bị yếu;
- Tình trạng tê xuất hiện nhiều ở chân, xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn;
- Cảm giác khó chịu khi tiểu tiện hoặc không thể kiểm soát được vấn đề tiểu tiện.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!