Tư Thế Nằm Cho Người Thoát Vị Đĩa Đệm Giúp Hạn Chế Đau Khi Ngủ
Nhiều chuyên gia cho biết áp dụng các tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm có thể cải thiện các cơn đau lưng, giúp người bệnh ngủ ngon hơn và hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tham khảo các tư thế phổ biến trong bài viết bên dưới.
Các tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm
Một số tư thế có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau ở người thoát vị đĩa đệm bao gồm:
1. Nằm nghiêng với một cái gối giữa hai đầu gối
Nhiều chuyên gia cho biết nằm ngửa khi ngủ có thể gây áp lực lên cột sống. Bởi vì trọng lượng cơ thể có thể gây căng cơ, dây chằng, đốt sống cổ và thắt lưng.
Nằm trên lưng có thể khiến người bệnh thoát vị đĩa đệm không thoải mái. Do đó, người bệnh có thể chuyển sang tư thế nằm nghiêng như sau:
- Nghiêng về một bên (trái hoặc phải) sao cho vai và phần còn lại của cơ thể tiếp xúc với đệm nằm.
- Đặt một chiếc gối mềm, kích thước vừa phải ở giữa hai đầu gối.
- Nếu giữa thắt lưng và đệm có khoảng cách, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng một chiếc gối nhỏ để hỗ trợ cột sống.
Khi nằm nghiêng, người bệnh cần giữa cho hông, xương chậu và cột sống thẳng hàng. Điều này có thể ngăn ngừa đau lưng và các bệnh xương khớp khác. Thay đổi phía nghiêng cơ thể thường xuyên để tránh mất cân bằng cơ bắp và phòng ngừa cong vẹo cột sống.
2. Nằm với tư thế bào thai
Nằm nghiêng với tư thế thai nhi có thể là một lựa chọn phù hợp để điều trị thoát vị đĩa đệm. Tư thế này có thể hỗ trợ cân nặng khi nằm nghiêng và giảm bớt các cơn đau lưng liên quan đến thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, cuộn tròn thân mình như tư thế bào thai cũng hỗ trợ cải thiện tình trạng đau dây thần kinh tọa, mở rộng khoảng trống của các đốt sống và giảm đau lưng dưới.
Tư thế nằm nghiêng kiểu bào thai như sau:
- Người bệnh nằm ngửa sau đó nhẹ nhàng cuộn cơ thể sang một bên.
- Nhấc đầu gối, co nhẹ nhàng về phía ngực và cuộn cơ thể về phía đầu gối.
- Đặt một chiếc gối mỏng ở cổ để hỗ trợ đốt sống cổ và một ở phía sau lưng để giữ cột sống luôn thẳng hàng khi nằm ngủ.
Lưu ý là đổi phần nghiêng cơ thể theo một một thời gian nhất định để tránh gây mất cân bằng và ổn định cơ bắp cũng như hạn chế nguy cơ mắc các bệnh xương khớp khác.
3. Nằm ngửa với một chiếc gối ở dưới đầu gối
Nằm ngửa với đầu gối hơi cong và được hỗ trợ bởi một chiếc gối là một tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm có thể cải thiện các cơn đau lưng. Tư thế này có thể giảm áp lực đến cột sống lưng dưới, hồi phục các tổn thương đĩa đệm khi người bệnh nằm ngủ.
Đặt một chiếc gối cỡ trung bình dưới đầu gối khi nằm ngủ để giữ đường cong tự nhiên của cột sống. Người bệnh cũng có thể đặt một chiếc gối nhỏ lót dưới gót chân để hỗ trợ cột sống. Ngoài ra, đặt một chiếc khăn cuộn nhỏ dưới lưng cũng góp phần giảm các áp lực đến cột sống và cơ quan nội tạng.
4. Nằm sấp với một chiếc gối đặt dưới bụng
Nhiều chuyên gia cho rằng việc ngủ nằm sấp có thể làm căng các cơ, dây chằng và tạo áp lực lên cột sống. Hơn nữa ngủ nằm sấp có thể dẫn đến vòm lưng sâu hơn, gây gia tăng các cơn đau.
Tuy nhiên, nếu người bệnh có thói quen nằm sấp có thể không cần thay đổi thói quen này. Thay vào đó, hãy đặt một chiếc gối nhỏ ở dưới bụng và xương chậu. Điều này có thể giảm bớt áp lực lên lưng dưới. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào mức độ của cơn đau, người bệnh có thể không cần đặt gối bên dưới đầu.
Một số lưu ý cho người thoát vị đĩa đệm khi nằm ngủ
Bệnh cạnh việc chọn tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm hỗ trợ giảm đau, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
1. Cách chọn gối cho người thoát vị đĩa đệm
Gối nên ôm lấy phần đầu, cổ và hỗ trợ phần trên của cột sống. Do đó, khi chọn gối người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như:
- Nếu người bệnh ngủ trên lưng, gối lên lấp đầy khoảng trống của cổ và đệm nằm.
- Nếu nằm nghiêng, hãy sử dụng một chiếc gối dày hơn để giữ cho đầu thẳng và phù hợp với phần còn lại của cơ thể. Bên cạnh đó, đừng quên đặt một chiếc gối ở giữa hai đầu gối để giảm áp lực lên lưng.
- Nếu người bệnh ngủ nằm sấp, hãy sử dụng gối kê đầu mỏng nhất có thể hoặc không cần sử dụng gối.
Ngoài ra, thay gối sau mỗi 18 tháng để đảm bảo tính vệ sinh, an toàn. Mặc dù gối có thể hỗ trợ bảo vệ lưng và cột sống nhưng sử dụng quá lâu có thể gây dị ứng, tăng nguy cơ nổi mề đay và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
2. Cách chọn nệm nằm cho người thoát vị đĩa đệm
Bên cạnh các tư thế, gối thì nệm nằm cũng hỗ trợ chỉnh hình lưng ở những người thoát vị đĩa đệm.
Nhiều thống kê cho thấy những người nằm trên một mặt phẳng cứng thường có chất lượng giấc ngủ kém. Tuy nhiên, một tấm đệm quá mềm cũng có thể gây tổn thương đến cột sống và có thể gây thoái hóa đốt sống.
Nếu có điều kiện, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên chọn một chiếc nệm trung bình được làm bằng cao su và bên trong có lò xo. Ngoài ra, nệm làm bằng mút xốp mềm, chất lượng tốt cũng có thể hỗ trợ hạn chế các cơn đau lưng.
3. Cách chọn giường phù hợp cho người thoát vị đĩa đệm
Người bị thoát vị đĩa đệm hoặc thường xuyên đau lưng có thể sử dụng một chiếc giường có thể điều chỉnh để giảm áp lực lên cột sống. Đối với người bệnh bị vỡ đĩa đệm nếu cảm thấy nằm trên một mặt phẳng gây đau đớn, người bệnh có thể xem xét chọn một chiếc giường có thể điều chỉnh để nâng cơ thể lên, giảm áp lực và cơn đau ở cột sống.
Nếu người bệnh không quen hoặc gặp khó khăn khi ngủ trên giường điều chỉnh, có thể áp dụng phương pháp vài giờ mỗi đêm và tăng số giờ lên dần đều cho đến khi cảm thấy thoải mái khi nằm ngủ.
Ngoài ra, ngủ trên ghế ngã cũng có thể giảm áp lực lên cột sống, lưng và cải thiện các cơn đau thoát vị đĩa đệm. Nếu cảm thấy ghế nằm không thoải mái, người bệnh có thể dành thời gian để cơ thể thích nghi và cảm thấy thoải mái nhất khi nằm ngủ.
Một số lưu ý để có giấc ngủ tốt nhất
Một người bị đau lưng hoặc thoát vị đĩa đệm có thể gặp đau đớn về ban đêm. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của người bệnh. Do đó, để đảm bảo có giấc ngủ ngon người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như:
- Chỉ đi ngủ khi cơ thể buồn ngủ, cố gắng ngủ có thể khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu và có thể gây đau cột sống nghiêm trọng hơn.
- Không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Ánh sáng từ điện thoại, máy tính và các thiết bị khác có thể khiến não bộ và cơ thể không nhận thức được lúc đi ngủ và gây khó ngủ. Do đó, cố gắng tắt tất cả các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.
- Giữ cho phòng ngủ tối và mát mẻ. Sử dụng màn chắn sáng để chặn ánh sáng đi vào phòng ngủ và kích thích não bộ. Điều này có thể giúp người bệnh ngủ dễ dàng hơn.
- Không sử dụng rượu, bia, caffeine hoặc ăn gần giờ đi ngủ. Điều này có thể gây rối loạn giấc ngủ và có thể khiến các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tập thể dục thường xuyên hơn để hỗ trợ lưu thống máu và cải thiện giấc ngủ về đêm. Đi bộ, bơi lội hoặc luyện tập các động tác yoga nhẹ nhàng có thể cải thiện các cơn đau thoát vị đĩa đệm và giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu đều có thể mang lại hiệu quả giảm đau và thúc đẩy giấc ngủ ngon. Cố gắng thư giãn, uống trà, nghe nhạc êm dịu ít nhất 15 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ.
Có một số tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau và giúp người bệnh ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc khi bệnh có dấu hiệu biến chứng, người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn, hướng dẫn và điều trị phù hợp.
Ngày Cập nhật 06/03/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!