Viêm gan C nên ăn gì để tăng sức đề kháng chống lại Virus?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị viêm gan C nên bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, hạt óc chó, nghệ, tỏi, atiso,… trong bữa ăn hàng ngày. Chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với các biện pháp y tế có thể kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển và biến chứng của bệnh.
Mối liên hệ giữa chế độ ăn với bệnh viêm gan C
Viêm gan C là tình trạng gan bị tổn thương do nhiễm Hepatitis C virus (HCV). Chủng virus này lây nhiễm qua đường máu, từ mẹ sang con hoặc lây qua hoạt động tình dục.
Khi vào cơ thể, Hepatitis C virus xâm nhập vào gan, gây viêm, xơ hóa tế bào và suy giảm chức năng gan. Viêm gan C là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có thể gây xơ gan, suy gan và ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời.
Gan là cơ quan chuyển hóa thức ăn và thanh lọc độc tố trong cơ thể. Vì vậy ngoài việc sử dụng thuốc, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân xây dựng chế độ ăn uống khoa học nhằm giảm áp lực lên gan, tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng.
Kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học cùng với lối sống lành mạnh và các biện pháp điều trị y tế có thể ức chế Hepatitis C virus, cải thiện chức năng gan và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, người có chế độ ăn bừa bãi có thể làm tăng áp lực lên gan khiến cơ quan này bị xơ hóa, suy giảm chức năng hoặc thậm chí hình thành khối u ác tính.
Ngoài ra, ăn uống vô độ còn gây thừa cân – béo phì. Cân nặng vượt mức làm tăng lượng mỡ tích trữ trong gan và dễ dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Hai bệnh lý này kết hợp có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng phức tạp.
Như vậy có thể thấy, chế độ dinh dưỡng khoa học là một trong những yếu tố cần thiết, tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch, thể trạng và tiến triển của bệnh viêm gan C.
Bệnh nhân viêm gan C nên ăn gì để hỗ trợ quá trình điều trị?
Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị viêm gan C nên bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh như:
1. Rau củ và trái cây
Rau củ và trái cây là nhóm thực phẩm lành mạnh và được khuyến khích bổ sung trong chế độ ăn hằng ngày. Chất xơ và vitamin trong nhóm thực phẩm này có tác dụng điều hòa axit dạ dày, cải thiện nhu động ruột và hỗ trợ đào thải độc tố trong cơ thể.
Ngoài ra, rau củ và trái cây còn giúp giảm hấp thu chất béo, hạn chế hình thành cholesterol và nâng cao hệ miễn dịch. Một số nghiên cứu còn cho thấy, chất chống oxy hóa và vitamin trong các loại thực vật thực sự có hiệu quả giảm viêm và ngăn ngừa lão hóa.
Bổ sung rau củ và trái cây thường xuyên có thể làm giảm áp lực lên gan, duy trì cân nặng ở mức ổn định và cải thiện hệ miễn dịch. Vì vậy bệnh nhân bị viêm gan C nên bổ sung 5 – 7 bữa rau củ và trái cây/ tuần.
2. Thực phẩm giàu Omega 3 – 6
Thực phẩm giàu Omega 3 – 6 không chỉ có lợi cho não bộ và tim mạch mà còn tác động tích cực đến chức năng gan. Omega 3 và Omega 6 là các axit béo lành mạnh có khả năng hạn chế chất béo tích tụ, chống hiện tượng viêm cấp – mãn tính, cải thiện sức đề kháng và nâng cao thể trạng.
Ngoài ra, các loại axit béo này còn hỗ trợ điều hòa men gan, ổn định huyết áp và nồng độ đường trong máu. Vì vậy bổ sung các loại thực phẩm chứa Omega 3 – 6 thường xuyên (cá hồi, bơ, dầu ô liu, các loại hạt,…) có thể cải thiện chức năng gan và duy trì cơ thể khỏe mạnh.
3. Tỏi – Thực phẩm tốt cho người bị viêm gan C
Tỏi là loại gia vị quen thuộc, thường được sử dụng để tăng hương vị món ăn và hỗ trợ điều trị các bệnh thường gặp như tiêu chảy, cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng,… Ngoài ra, tỏi còn đem lại nhiều lợi ích đối với bệnh nhân viêm gan C.
Hàm lượng allicin trong loại gia vị này có tác dụng chống oxy hóa và khử độc tố tích tụ trong cơ thể. Hơn nữa, tỏi còn chứa selenium, vitamin C, khoáng chất, kẽm,… giúp thúc đẩy chức năng gan, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy dịch ép từ tỏi có khả năng ức chế virus, vi khuẩn và một số loại nấm mốc thường gây bệnh ở người. Bổ sung tỏi vào chế độ ăn có thể hỗ trợ kiểm soát và kìm hãm Hepatitis C virus – nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm gan C.
4. Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là loại vitamin thiết yếu đối với cơ thể, có tác dụng cải thiện chức năng miễn dịch, kích thích tổng hợp collagen và tiêu trừ các gốc tự do. Dùng các loại thực phẩm giàu vitamin C thường xuyên giúp nâng cao sức đề kháng và hỗ trợ ức chế virus gây bệnh viêm gan C.
Ngoài ra, vitamin C còn giúp hạn chế tích tụ mỡ thừa, cải thiện khả năng chuyển hóa và giảm viêm ở tế bào gan. Do đó bệnh nhân bị viêm gan C nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây, xoài,…
5. Dùng trà xanh hằng ngày
Trà xanh đem lại nhiều lợi ích đối với não bộ và tim mạch. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa – đặc biệt là catechin có tác dụng loại bỏ độc tố trong gan, giảm tích tụ chất béo và làm sạch mạch máu.
Các nhà khoa học còn nhận thấy, catechin và EGCG trong lá trà có tác dụng tiêu trừ gốc tự do và chống lại bệnh ung thư. Uống từ 2 – 3 tách trà/ này có thể cải thiện chức năng gan, ngăn ngừa biến chứng ung thư và duy trì hệ tim mạch khỏe mạnh.
6. Người bị viêm gan C nên bổ sung hạt óc chó
Hạt óc chó là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm gan C nói riêng. Loại hạt này không chỉ chứa Omega 3 mà còn cung cấp nhiều axit béo và chất chống oxy hóa như glutathione, arginine, có tác dụng trung hòa chất béo trong cơ thể và ngăn ngừa tích tụ mỡ trong gan.
Ngoài ra, các thành phần trong loại hạt này còn tạo ra hàng rào bảo vệ mạch máu và tế bào gan khỏi các tác nhân có hại như gốc tự do, virus và vi khuẩn.
7. Nghệ giúp làm sạch gan
Nghệ thường được sử dụng để điều trị các vần đề về tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản,… Ngoài ra các nghiên cứu còn cho thấy, hợp chất curcumin trong nghệ đem lại nhiều lợi ích đối với gan và ống mật.
Curcumin có tác dụng chống viêm mạnh, giúp cải thiện tình trạng viêm gan do chủng Hepatitis C virus gây ra. Bên cạnh đó, hợp chất này còn giúp trẻ hóa tế bào gan, bảo vệ ống mật, đào thải độc tố và làm sạch gan. Hơn nữa, nghệ còn giúp điều hòa huyết áp, cải thiện chức năng tiêu hóa, bảo vệ xương khớp và làm chậm quá trình thoái hóa.
8. Atiso – Thực phẩm làm mát gan
Atiso thường được dùng để nấu canh hoặc hãm trà nhằm thanh nhiệt, trị nóng trong người và làm mát gan. Theo ghi chép từ y học cổ truyền, thảo dược này có tác dụng lợi tiểu, thông mật, nhuận tràng, hạ sốt và trị đái tháo đường.
Ngoài ra theo nghiên cứu hiện đại, atiso chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện chức năng gan, thúc đẩy tuần hoàn máu, lợi tiểu tiện và hỗ trợ đào thải độc tố tích tụ. Do đó bệnh nhân viêm gan C có thể bổ sung atiso từ 2 – 3 lần/ tuần để hỗ trợ điều trị bệnh, cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch.
9. Rong biển giúp thanh lọc cơ thể
Rong biển được đánh giá là nhóm thực phẩm lành mạnh, vừa cung cấp chất xơ, khoáng chất, vitamin vừa bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể. Với thành phần dinh dưỡng dồi dào, bổ sung từ 1 – 2 bữa rong biển/ tuần có thể nâng cao sức khỏe tổng thể và cải thiện chức năng miễn dịch.
Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa trong loại thực phẩm này như phytochemical, spirulina và chlorella còn giúp thanh lọc độc tố trong cơ thể, cải thiện chức năng của thận và gan. Đồng thời có tác dụng kháng viêm và bảo vệ tế bào trước quá trình lão hóa.
10. Bị viêm gan C nên bổ sung yến mạch
Yến mạch là một trong những loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng, bao gồm vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa như đồng, sắt, kẽm, folate, magie, phốt pho, mangan, vitamin B1, vitamin B5, vitamin B3, vitamin B6, canxi và kali. Các thành phần dinh dưỡng trong yến mạch giúp cải thiện chức năng miễn dịch, hỗ trợ ức chế hoạt động của Hepatitis C virus và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, loại ngũ cốc này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa – trong đó phải kể đến avenanthramide (chất chống oxy hóa chỉ tìm thấy duy nhất ở yến mạch).
Avenanthramide có tác dụng kích thích sản xuất oxit nitric giúp gian mạch máu, điều hòa huyết áp và cải thiện chức năng của hệ tim mạch. Ngoài ra, thành phần này còn có tác dụng chống viêm và bảo vệ tế bào khỏi các yếu tố gây hại.
Yến mạch còn chứa beta-glucan có thể làm giảm cholesterol trong máu, điều hòa đường huyết và kích thích lợi khuẩn phát triển. Những lợi ích mà yến mạch đem lại tác động tích cực đến chức năng gan và hỗ trợ kiểm soát tiến triển của bệnh viêm gan C.
Một số lưu ý khi ăn uống ở bệnh nhân viêm gan C
Khác với người khỏe mạnh, bệnh nhân viêm gan C thường có chức năng gan kém và gặp khó khăn trong việc chuyển hóa thức ăn. Do đó để hạn chế áp lực lên gan và tác động tích cực đến quá trình điều trị, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Nên đa dạng các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Hạn chế phụ thuộc vào một vài nhóm thực phẩm cố định.
- Ngoài các thực phẩm lành mạnh, nên hạn chế một số loại thực phẩm ảnh hưởng đến chức năng gan như thực phẩm chứa nhiều gia vị, cholesterol, mỡ động vật thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,…
- Nên uống nhiều nước, bổ sung trà và nước ép thường xuyên. Đồng thời hạn chế rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn.
- Đối với trường hợp thừa cân – béo phì, nên điều chỉnh chế độ ăn kết hợp với tập luyện khoa học để giảm cân và giảm lượng mỡ tích tụ trong gan.
- Nhiễm Hepatitis C virus có thể gây chán ăn và mệt mỏi. Tuy nhiên bạn cần tránh tình trạng bỏ bữa vì thói quen này có thể khiến cơ thể suy nhược, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho bệnh bùng phát mạnh.
Bài viết đã giải đáp vấn đề “Người bị viêm gan C nên ăn gì để hỗ trợ quá trình điều trị?”. Hy vọng qua thông tin trên, bạn đọc có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm tăng sức đề kháng, cải thiện chức năng gan và hạn chế biến chứng. Trong trường hợp mắc các bệnh mãn tính (tiểu đường, gút,…) nên trao đổi với bác sĩ để được thiết lập chế độ ăn riêng biệt.
Tham khảo thêm: Viêm gan C có nguy hiểm không? Có gây tử vong không?
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!